Ông Vũ Tiến Lộc: CPTPP cũng gây lo lắng khôn nguôi
Nguồn:Báo Điện tử
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mang lại cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, có thêm việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân, nhưng cũng tạo ra nhiều rủi ro gây lo lắng khôn nguôi.
LTS:Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, viết cho Tuần Việt Nam nhân CPTPP được thảo luận tại phiên họp toàn thể tại hội trường. Mời quý vị theo dõi.
|
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mang lại cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, có thêm việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân, nhưng cũng tạo ra nhiều rủi ro gây lo lắng khôn nguôi |
CPTPP sẽ mang lại cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ, và cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại.
Bên cạnh đó, hiệp định sẽ giúp đa phương hoá các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế của nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì những cơ hội này càng quý giá.
Các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại sẽ là động lực, đồng thời là áp lực để đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng mong đợi những tác động đáng kể về xã hội và phát triển bền vững mà Hiệp định này hứa hẹn mang lại. Việc thực hiện các yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn lao động, môi trường, phòng chống tham nhũng và minh bạch hoá… dù đòi hỏi nhiều nỗ lực và chi phí tuân thủ, nhưng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người lao động, cho xã hội, cho uy tín và thương hiệu của hàng hóa, dịch vụ “made in Viet Nam” trong con mắt và trái tim người tiêu dùng toàn thế giới.
Nhưng, tất cả mới chỉ là cơ hội !
Lo lắng khôn nguôi
Do kỳ vọng rất nhiều vào các cơ hội từ Hiệp định này, nên chúng ta cũng không thể không lo lắng về nguy cơ các cơ hội này có thể không thể trở thành hiện thực.
Bài học từ việc thực hiện 10 FTAs đang có cho thấy rất rõ điều này.
Các FTAs từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được của chúng ta còn khiêm tốn. Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% và chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI. Hơn 60% còn lại, vì nhiều lí do khác nhau, đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt.
Việc ký kết và phê chuẩn CPTPP là một quyết định chính trị quan trọng thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước ta vì lợi ích của đất nước. Nhưng việc quan trọng hơn là phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp để có thể hiện thực hóa thành công các cơ hội được mở ra.
Tôi cho rằng, Chính phủ cần xây dựng và triển khai Chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định có hiệu quả trên ba yêu cầu cơ bản:
Một là, phải bao gồm đầy đủ các nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật cần thiết không chỉ để tuân thủ các cam kết trong Hiệp định mà còn để ứng phó với các thách thức và tận dụng được các cơ hội mở ra.
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội mới chỉ liệt kê các văn bản pháp luật sẽ phải sửa đổi hay ban hành mới theo yêu cầu của Hiệp định. Điều đó là cần nhưng chưa đủ. Chúng ta chưa có bất kỳ dự kiến nào về việc sửa đổi hay ban hành mới các chính sách, văn bản tuy không phải do Hiệp định trực tiếp yêu cầu nhưng cần thiết phải điều chỉnh dưới tác động của Hiệp định.
Xin lấy ví dụ: Để thực hiện cam kết về thuế quan trong Hiệp định, chúng ta đã dự kiến ban hành Nghị định về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Nhưng chúng ta lại chưa có được dự kiến nào về các chính sách để cân đối, bù đắp phần thu ngân sách bị thiếu hụt từ việc loại bỏ thuế theo cam kết (ví dụ biện pháp cắt giảm chi, tăng cường hợp tác công-tư, cơ chế hành thu hiệu quả, chống gian lận thuế và chuyển giá…). Tôi e rằng, nếu chúng ta không có ngay những dự kiến về việc này, thì khi nguồn thu thiếu hụt, Quốc hội và Chính phủ sẽ phải hành xử ra sao? Liệu chúng ta có phải dùng đến các biện pháp tăng thuế, tăng phí, tận thu… khiến doanh nghiệp và người dân bức xúc.
Hai là, phải dự kiến được các phương án cụ thể để chúng ta không chỉ thực thi Hiệp định một cách nghiêm túc mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan, không chỉ cần tuân thủ mà còn còn phải biết chủ động vận dụng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì lợi ích của doanh nghiệp, quốc gia, dân tộc.
Chẳng hạn, liên quan tới việc sửa đổi pháp luật, với mỗi cam kết về quy tắc trong Hiệp định này, có nhiều cách thức để giải thích, và để nội luật hóa. Tuỳ từng vấn đề mà ta có thể giải thích cam kết theo nghĩa hẹp, để giảm thiểu các chi phí thực thi quá lớn, hoặc theo nghĩa rộng, để tận dụng các lợi thế từ cam kết. Các cam kết về bảo hộ sở hữu trí tuệ, về quyền của các nhà đầu tư, về tạo thuận lợi thương mại.v.v. đều để ngỏ những khả năng này.
Chương trình hành động của Chính phủ, vì vậy, phải bao gồm hai việc: Phải rà soát và xây dựng tất cả các phương án có thể để thực thi một cách chủ động các cam kết và phải tổ chức đánh giá tác động, tham vấn các đối tượng liên quan, để nhận diện và cân đong đo đếm được các tác động của từng phương án thực thi, cân nhắc cả những gì được - mất nếu vi phạm cam kết. Chương trình hành động cũng phải tính tới các phương án thực thi theo từng giai đoạn, để vừa với sức vươn lên của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ các cam kết.
Ba là, Chương trình hành động thực thi Hiệp định cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn... Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi Hiệp định này sẽ là một thất bại.
Cần tư vấn cho doanh nghiệp
Bên cạnh cơ hôi, thì thách thức cũng là rất lớn: Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà với hàng hóa, dịch vụ đến từ các nền kinh tế thành viên CPTPP, đặc biệt là với những hàng hóa, dịch vụ mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh không cao do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, công nghệ thấp như sản phẩm chăn nuôi, thịt lợn, thịt gà, các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic.v.v. Những rào cản về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, về vệ sinh, an toàn thực phẩm… cũng là những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt trong những nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu!
Từ kinh nghiệm của thực thi WTO và các FTAs trước đây, tôi đề nghị riêng đối với doanh nghiệp, ít nhất có ba nhóm công việc hỗ trợ cần đưa vào Chương trình hành động.
Một là, do văn kiện CPTPP là sản phẩm của các nhà chính trị và kỹ trị, nên bao giờ cũng quá phức tạp, hàn lâm và kỹ thuật, nên doanh nghiệp khó có thể đọc mà hiểu được ngay và hiểu đúng để vận dụng một cách có hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ và Đoàn đàm phán cần có đầu mối chính thức để hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp về nội dung của các cam kết.
Hai là, trong mọi kế hoạch rà soát, nội luật hóa các cam kết hoặc xây dựng pháp luật liên quan tới Hiệp định, các Bộ ngành cần phải tham vấn rộng rãi và thực chất với cộng đồng doanh nghiệp.
Ba là, cần thiết lập một đầu mối chính thức để tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc xử lý các bất đồng về cách thức diễn giải trong quá trình áp dụng trực tiếp các cam kết cũng như các quy định nội luật hóa Hiệp định.
Tóm lại, vì CPTPP là một Hiệp định tiêu chuẩn cao nhất từ trước tới nay, thì Chương trình hành động thực thi Hiệp định này cũng phải đạt tới những chuẩn mực cao nhất. Nỗ lực xuyên suốt, quyết định thành bại của cuộc hội nhập đỉnh cao này, suy cho cùng chính là những nỗ lực đẩy nhanh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn tới những chuẩn mực hàng đầu của một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập như Nghị Quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng ta đã yêu cầu.
Nếu so với yêu cầu đó, thì chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều. Theo Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới vừa công bố tuần qua, Việt Nam đứng thứ 69 trên thế giới và xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP. Khoảng cách với thế giới còn quá lớn, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể đang tăng lên trong thời gian gần đây cho thấy rõ điều này. Con đường cải cách do vậy còn dài.
Để vượt lên, cải cách cần phải được gia tốc, và những nỗ lực cải cách và hội nhập vẫn phải bắt đầu từ những điều giản dị: khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm; kiên trì gỡ bỏ từng giấy phép con, từng thủ tục hành chính đang còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp... để không chỉ tiếp tục cởi trói mà còn tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp của toàn dân.
Vũ Tiến Lộc