Cái tát và triết lý giáo dục

Ngày đăng: 07:48 27/11/2018 Lượt xem: 419


                                         Cái tát và triết lý giáo dục

                                                               Nguồn:Báo Điện tử


Tôi cho rằng, xứng đáng ban bố trình trạng khẩn cấp cho tình trạng giáo dục Việt Nam hiện nay.


Dư luận đang ồn ã về việc cô giáo ở Quảng Bình bắt học sinh tát bạn, rồi cô cũng tát cái cuối cùng, như một “ân huệ” cuối cùng. Thật không thể tin nổi!

Báo chí cũng đã liệt kê bao nhiêu vụ bạo lực học đường ở mọi cung bậc, ở nhiều cấp học. Đã có rất nhiều tiếng kêu cần có biện pháp xóa bỏ bạo lực học đường.

Tôi cho rằng, bạo lực ở nhà trường xảy ra chỉ là hệ quả của các biện pháp giáo dục đang thi hành trong nhà trường, mà không ít trong số đó đi ngược với tinh thần giáo dục nhân văn, hướng thượng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần ngọn; chữa trị cái ngọn mà không chữa cái gốc thì không thể có kết quả.

Cô giáo ở Quảng Bình, khi biện minh cho nỗi bức xúc dẫn đến việc trừng trị học sinh, đã nói về sức ép của điểm thi đua. Hiệu trưởng còn xin báo chí giấu chuyện để nhà trường đạt “trường chuẩn”.

Từ đây lấp ló nguyên nhân cốt tử trong các biện pháp phi giáo dục đang thi hành ở ngôi trường đó.

Cái tát và triết lý giáo dục
Ngành giáo dục cần có triết lý dạy học trò hướng đến “nhân bản, nhân tính, nhân quyền”

Họ hầu như quên mất mục tiêu sản phẩm cuối cùng của giáo dục là con người. Các chỉ tiêu thi đua không bám sát vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng đầu ra “sản phẩm cuối cùng” là học sinh, mà đặt nặng hình thức, chú ý các công đoạn trung gian. 

Giáo dục ở nhà trường đặt ra chỉ tiêu thang điểm, xếp hạng; dùng “đội cờ đỏ” để thi hành, giám sát, gây áp lực để thực hiện các chỉ tiêu đó, mới dẫn đến tình trạng bạo lực như trường hợp cô giáo ở Quảng Bình.Họ hầu như quên mất mục tiêu sản phẩm cuối cùng của giáo dục là con người. Các chỉ tiêu thi đua không bám sát vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng đầu ra “sản phẩm cuối cùng” là học sinh, mà đặt nặng hình thức, chú ý các công đoạn trung gian.

Chuyện này tương tự như ngành giao thông làm đường, không đặt chỉ tiêu thi đua làm được bao nhiêu mét đường tốt, mà chăm chăm xem xét đã vận chuyển được bao nhiêu khối lượng gạch, đá, xi măng. 

Tôi cho rằng, xứng đáng ban bố trình trạng khẩn cấp cho tình trạng giáo dục Việt Nam hiện nay. Cần phải dũng cảm bãi bỏ toàn bộ những biện pháp gò ép thi đua ở các trường; bãi bỏ hình thức “đội cờ đỏ”, một hình thức dò xét sơ khai; giáo dục học sinh làm quen với không khí đối phó và mất đoàn kết, hoàn toàn không có tính sư phạm. Cần dũng cảm bãi bỏ tất cả những hình thức thi đua, chấm điểm thi đua đặt áp lực lên thày cô và học sinh như hiện nay.

Vậy có câu hỏi, thế thì nhà trường còn lại gì?

Câu trả lời tùy thuộc vào cái gọi là “triết lý giáo dục” mà đã có lần tôi đề cập, nhiều người đã lên tiếng. Nói gọn là cần chú trọng, nhấn mạnh đào tạo con người như thế nào, chú ý đến tính nhân bản, tính người, thay vì áp đặt các chỉ tiêu khác cho các nhà trường, thầy cô.

Chấm điểm thi đua, bạo lực học đường có nguồn gốc từ sự gian dối. Gian dối vừa là gốc đẻ ra những điều xấu xí ở nhà trường; vừa là ngọn, tức là kết quả của các biện pháp áp dụng trong nhà trường.

Chúng ta cần thừa nhận với nhau, gian dối công khai, vô tình hay hữu ý, là tình trạng phổ biến hiện nay.  Vị hiệu trưởng muốn báo chí giấu cho chuyện cô giáo tát học sinh để trường mình đạt “chuẩn”. Đến hiệu trưởng còn lên tiếng công khai về sự gian dối như thế, thì đạt “trường chuẩn” chỉ là một danh hiệu gian dối. Điều đó rõ như ban ngày, nhưng thật đáng buồn, là nó lại trở thành chuyện bình thường.

Chuyện học trò quay cóp là gian dối thô thiển, cô giáo tìm cách dạy thêm là gian dối tinh vi, đối phó với “đội cờ đỏ” là gian dối cố tình… Nếu không dạy học sinh tính trung thực, thì những đứa trẻ ấy khó trở thành những người trung thực khi bước vào đời.

Thay vì các biện pháp giáo dục chạy theo thành tích, thi đua, nhà trường cần tập trung vào các tiêu chuẩn “nhân tính” để đào tạo con người có nhân tính, biết bảo vệ nhân tính.

Chúng ta phải đặt câu hỏi, trong số những đứa trẻ nhận lênh tát bạn, có cháu nào hiểu đó là lệnh sai trái, thi hành lệnh đó là đó là sự sỉ nhục? Vì sao các cháu cứ thuận theo cô giáo làm việc sai trái? Chả lẽ không có cháu nào trong số đó biết đến sự nhục nhã, biết nghĩ đến việc tự bảo vệ mình, phản kháng và chống lại bất công?

Nếu ngành giáo dục có triết lý dạy học trò hướng đến “nhân bản, nhân tính, nhân quyền”, hoặc chỉ cần một trong ba yếu tố đó, thì sẽ có biện pháp giáo dục phù hợp.

Nhà trường sẽ đề cao tính trung thực, không khí sư phạm sẽ ngự trị ở trường học. Từ đó sinh ra đối thoại, tình yêu thương, dạy cho nhau biết trọng lễ phép nhưng biết phân biệt phải trái, từ đó sinh ra lòng dũng cảm, sự bao dung.

Tại sao lại sợ không khí dân chủ trong trường học? Nhà trường cần bãi bỏ kiểu dạy áp đặt, coi sự tuân thủ vô điều kiện, coi ngoan ngoãn, vâng lời là tiêu chuẩn đạo đức.

Dường như giao lưu quốc tế không có tác dụng gì với thành trì giáo dục, vậy thì những đứa trẻ sản - phẩm của nền giáo dục Việt Nam - sẽ như thế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa? Chúng sẽ ngơ ngác, tự ty, thu mình, và tất nhiên sẽ tụt hậu.

Tại sao giáo dục Việt Nam không đặt ra một yêu cầu là hướng đến “dân tộc, nhân tính, cởi mở”? Dễ nhất là lấy đó làm khẩu hiệu để hành động.

Tại sao cứ phải chạy theo thàn tích “trường chuẩn” với điểm thi đua, với thi dạy giỏi, thi học sinh giỏi, xếp hạng học sinh?

Nếu hướng đến “nhân tính” thì ai cũng có chỗ trong cuộc sống. Sao phải bận tâm xếp hạng con người, phân loại con người theo tiêu chí ai cũng giống ai? Cuộc sống có người giỏi chơi đàn thì có thể dốt toán, người làm đường thì không biết làm thơ…

Nếu không coi tình trạng của giáo dục Việt Nam như một tình trạng khẩn cấp, liên quan đến an nguy vận mệnh quốc gia dân tộc, thì không thể có biện pháp đúng và trúng để chữa được tình trạng hiện nay.

 








 

tin tức liên quan