Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có nhiều điểm mới rất quan trọng

Ngày đăng: 07:02 28/11/2018 Lượt xem: 482


    Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có nhiều điểm mới rất quan trọng


                                     Nguồn:Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân


Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Luật này có nhiều điểm mới rất quan trọng để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng…

 

Bước tiến từ kê khai tới minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập

Phóng viên (PV): Thưa ông, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu có điểm mới gì so với Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiện hành?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Luật PCTN (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao. Đây là lần sửa đổi toàn diện, nên Luật PCTN lần này có nhiều nội dung đổi mới rất quan trọng. Theo đó, luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư; khắc phục hạn chế, bất cập được phát hiện qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật PCTN, từ quy định về biện pháp phòng ngừa cho tới các quy định về phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Trong phòng ngừa, Luật PCTN (sửa đổi) có những sửa đổi về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), người có chức vụ, quyền hạn khác; định mức, tiêu chuẩn, chế độ; việc tặng quà, nhận quà tặng; việc thanh toán qua tài khoản; kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát thu nhập.

Trong đấu tranh chống tham nhũng, chủ thể tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng phải chịu trách nhiệm nếu không phát hiện ra sai phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Bên cạnh quy định về trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, luật cũng bổ sung quy định về giảm hoặc miễn trách nhiệm cho người đứng đầu đã áp dụng tốt biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Luật cũng quy định xử lý rất nghiêm với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình tài sản tăng thêm không trung thực. Cụ thể, nếu là người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử, danh sách bầu cử; người được dự kiến bổ nhiệm, đề bạt thì sẽ không được bổ nhiệm, đề bạt nữa; nếu là đối tượng khác thì sẽ bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên theo quy định của pháp luật về CB, CC, VC. Luật cũng bổ sung quy định khuyến khích người không đủ năng lực, uy tín, trình độ từ chức.

Bên cạnh đó, luật cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết, gia nhập, mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Quốc hội vừa phê chuẩn cũng có nội dung yêu cầu về PCTN.

PV: Ông vừa nhắc tới quy định mới về kiểm soát xung đột lợi ích. Quy định này có tác dụng gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Kiểm soát xung đột lợi ích là quy định mới để bảo đảm tốt hơn việc phòng ngừa tham nhũng. Đó là việc kiểm soát một tình huống mà khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ có thể liên quan đến lợi ích của CB, CC, VC dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ đó không vô tư, không khách quan.

PV: Còn chế định kiểm soát thu nhập trong Luật PCTN (sửa đổi) có cải tiến gì so với trước đây, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Vấn đề kiểm soát thu nhập được nhắc tới từ Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 với việc quy định về nghĩa vụ kê khai tài sản; Luật PCTN năm 2005 phát triển chế định kê khai tài sản thành chế định minh bạch tài sản, thu nhập. Đến Luật PCTN (sửa đổi) lần này thì vấn đề được phát triển thêm một bước thành chế định kiểm soát tài sản, thu nhập, coi trọng việc kiểm soát tính xác thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

Luật đã quy định hoàn thiện hơn hệ thống cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối, bảo đảm tính chuyên nghiệp, độc lập trong kiểm soát tài sản thu nhập. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được bổ sung nhiều thẩm quyền hơn, trong đó có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm, như: Các ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan thuế, công an, hải quan, những cơ quan tổ chức khác phải cung cấp thông tin có liên quan để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập. Căn cứ xác minh, trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập được quy định rõ ràng, mở rộng hơn; hình thức kê khai, phương thức kê khai tài sản cũng có đổi mới để bảo đảm tính hiệu quả cao hơn. Có nhóm đối tượng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn, như: Nhóm giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên sẽ buộc phải kê khai hằng năm. Những nhóm đối tượng tuy không giữ chức vụ cao nhưng công tác ở những vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng cũng sẽ phải kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập một cách ngặt nghèo hơn.

Cùng với đó, công nghệ thông tin sẽ được phát huy tác dụng trong kiểm soát tài sản, thu nhập. Luật đã có quy định về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn.

Tăng cường trách nhiệm xác minh tài sản tăng thêm

PV: Một trong những quy định thuộc nhóm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập là quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý về nguồn gốc, nhưng do chưa đạt được đồng thuận cao trong Quốc hội nên chưa được thông qua. Quá trình xem xét nội dung quy định này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Chế định về minh bạch tài sản là chế định rất được quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật PCTN lần này để tăng tính hiệu quả, tránh tính hình thức. Vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý về nguồn gốc là nội dung mới trong chế định minh bạch tài sản, thu nhập. Từ trước tới nay, chúng ta chưa xử lý vấn đề này, mà mới chỉ xử lý tài sản do tham nhũng mà có. Do đây là vấn đề mới, phức tạp nên các cơ quan hữu quan rất trách nhiệm, xây dựng nhiều phương án khác nhau để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, trên cơ sở có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến chuyên gia… Tuy nhiên, ý kiến về vấn đề này còn rất khác nhau.

Quốc hội cũng rất thận trọng nên đã xem xét dự án Luật PCTN (sửa đổi) theo quy trình đặc biệt, qua 3 kỳ họp thay vì qua 2 kỳ họp như thông thường. Nội dung này được thảo luận rất kỹ. Quá trình thảo luận cho thấy, ngay cả ý kiến của ĐBQH cũng rất khác nhau. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn Thư ký gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH. Kết quả tổng hợp cho thấy không có phương án nào nhận được quá nửa tổng số ĐBQH tán thành.

Thực tế thì tài sản, thu nhập ở Việt Nam có những điểm rất đặc thù, được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau; nhiều người, trong đó có CB, CC, VC, có nhiều nguồn thu nhập hợp pháp khác nhau, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Đến nay, nhiều tài sản, thu nhập không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc là hợp pháp hay không hợp pháp. Trong bối cảnh như vậy, hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập của chúng ta chưa hoàn thiện. Chúng ta chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người dân. Thậm chí, chúng ta chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của CB, CC, VC. Các hệ thống, các cơ chế giúp kiểm soát tài sản, thu nhập, như: Hệ thống các cơ quan thuế, việc đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, đặc biệt là việc thanh toán qua tài khoản chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, việc xác định một tài sản, thu nhập có nguồn gốc là hợp lý hay không hợp lý, hợp pháp hay không hợp pháp là vấn đề rất khó.

Việc đặt ra quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý về nguồn gốc phải bảo đảm tính chặt chẽ; không làm ảnh hưởng đến quyền về tài sản của người dân đã được Hiến định và được pháp luật bảo vệ; bảo đảm tính khả thi, tránh tính hình thức và tránh sự tùy tiện trong áp dụng. Xét tổng thể các vấn đề nêu trên, Quốc hội quyết định chưa thông qua quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý về nguồn gốc.

Tuy chưa thông qua quy định này, nhưng không có nghĩa là chúng ta không quan tâm xử lý vấn đề. Trước mắt, chúng ta phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc nếu có tài sản nào không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, thì các cơ quan chức năng phải tiếp tục xác minh, tiếp tục điều tra, xem xét xem tài sản đó có phải là tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng, phạm pháp hay không. Nếu tài sản, thu nhập có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, trong đó có hành vi tham nhũng, thì phải tịch thu nộp ngân sách Nhà nước hoặc thu hồi trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Nếu tài sản đó là tài sản có do hành vi vi phạm pháp luật khác thì phải chuyển cho cơ quan hữu quan xử lý. Nếu tài sản đó là tài sản chưa nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế thì phải chuyển cho cơ quan thuế để tiến hành thu thuế theo quy định.

Bên cạnh đó, người kê khai không trung thực, giải trình không trung thực về tài sản, thu nhập tăng thêm cũng sẽ bị xử lý nghiêm. Cùng với việc tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập, tăng cường thực hiện các biện pháp khác thì công cuộc phòng ngừa tham nhũng, phát hiện hành vi tham nhũng sẽ có bước tiến tốt hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

tin tức liên quan