Một tin rất đáng chú ý về chuyện kê khai tài sản mà Dân trí đăng ngày 7/12 là việc Ban chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng kỷ luật bằng hình thức khiển trách với ông Lê Văn Tam, nguyên Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng vì "kê khai tài sản không trung thực". Ông Tam được cho là đã không kê khai biệt thự trị giá gần 100 tỷ đồng ở khu Euro Village (Đà Nẵng).
Nói là đáng chú ý vì trường hợp "quên" kê khai tài sản ở một cán bộ có vị trí quyền lực khá cao như ông Tam trong hơn 1 triệu cán bộ, công chức nhà nước hiện nay là rất hiếm.
Bạn đọc hẳn còn nhớ, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 11 vừa qua, trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, có gần 1,137 triệu người kê khai tài sản, đạt tỷ lệ 99,8, so với số người phải kê khai. Xác minh bản kê của 44 người thì cơ quan chức năng phát hiện 6 trường hợp vi phạm, tăng 1 trường họp so với năm 2017. Ông Tam lại không nằm trong số này.
Với một số lượng người kê khai khổng lồ như vậy mà chỉ phát hiện có 6 trường hợp kê khai sai thì quả thật, trường hợp như ông Lê Văn Tam quả thật là... độc đáo. Kết quả này đúng là hài hước đến khó tin.
Ngay tại Hà Nội, trong báo cáo mới nhất về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thành phố, qua báo cáo của trên 34.300 người, chỉ phát hiện có một trường hợp kê khai không trung thực.
Sự vô lý này được phát hiện ngay khi đó, khi một nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cuả Quốc hội có khảo sát là riêng tại tỉnh Bạc Liêu, đã có 19 trường họp không kê khai tài sản, thu nhập, trong đó chỉ ở 1 đơn vị cấp huyện đã có đến 17 trường hợp không kê khai nhưng không có lý do.
Đó là chuyện quá lạ, báo cáo chính thức là một đằng, nhưng qua kiểm tra, thẩm tra lại, kết quả ở một đơn vị cấp huyện, số người vi phạm về kê khai tài sản lại lớn hơn gần 3 lần con số báo cáo về người kê khai sai của toàn quốc. Thế thì ai còn tin được vào báo cáo được nữa?
Trên thực tế, không chỉ có khảo sát nhỏ của Ủy ban Tư pháp mà qua nhiều vụ án, nhất là các đại án đã và đang được đem ra truy tố, xét xử, đã có không ít vụ việc cho thấy có dấu hiệu tham nhũng, kê khai tài sản không trung thực với mức độ khá nghiêm trọng.
Có một điều khá rõ cần nói ở đây là sở dĩ số người vi phạm quy định về kê khai tài sản được phát hiện rất ít có phần do có quá ít người được xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập của họ. Trong báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu rất rõ: Trong hơn 1,1 triệu hồ sơ kê khai, chỉ có 44 người được xác minh và phát hiện 6 trường hợp vi phạm quy định về kê khai, minh bạch tài sản. Và những người này phải xác minh là để phục vụ công tác tổ chức cán bộ, bổ nhiệm.
Thế thì rõ rồi, nếu số người còn lại được xác minh thì chắc chắn, số người vi phạm sẽ phải lớn hơn nhiều. Và ở đây, có một vấn đề lớn đặt ra: Nếu kê khai chỉ để ở... ngăn bàn, hơn 1 triệu người chỉ xác minh vài chục người thì việc kê khai tài sản quả thực là việc làm quá hình thức.
Xây dựng ra cả một đạo luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó một quy định vốn được cho là hữu hiệu là yêu cầu cả triệu cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập để kiểm tra, xác minh hàng năm, khi có biến động tài sản, nếu anh không giải trình được nguồn gốc thì đó chính là dấu hiệu tham nhũng. Nhưng lại bỏ công cụ đó đi, không dùng đến thì phòng, chống tham nhũng kiểu gì đây?
Và tại kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, Quốc hội cũng đã không phê chuẩn việc xử lý, tịch thu tài sản có nguồn gốc bất minh khi thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Như vậy, nếu có kê khai tài sản không trung thực, nếu bị phát hiện ra tài sản bất minh cũng không bị thu hồi. Do đó, nó càng gây thêm hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng.
Mạnh Quân
PS st Theo Dân trí