Đừng để bệnh thành tích lây sang hàng xóm!

Ngày đăng: 02:56 24/12/2018 Lượt xem: 1.191


          Đừng để bệnh thành tích lây sang hàng xóm!

 
                              Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin


Trong lúc hô hào chống bệnh thành tích, bộ Giáo dục và Đào tạo có khả năng biến căn bệnh này thành đại dịch lan rộng toàn bộ khu vực Đông Nam Á.


 
dung de benh thanh tich lay sang hang xom

Dùng vận động viên chuyên nghiệp đi giành hết huy chương của sinh viên thì chẳng có gì đáng tự hào.

12 là con số vận động viên tốt nhất của đội tuyển điền kinh Việt Nam được bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) điều động đi thi đấu tại Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 19 (2018) đang diễn ra tại Myanmar từ ngày 10 đến 20/12.

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: Nhiều như vậy để làm gì?

Cách đây gần một năm, bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu toàn ngành tập trung khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, đồng thời yêu cầu đây phải là việc làm “thường xuyên, không phô trương, hình thức”.

Nhưng ngay lập tức sau đó, khi dư luận bắt đầu cho ngành giáo dục thêm cơ hội thì một “gáo nước lạnh” mới lại được dội vào những những gương mặt đang le lói hy vọng của công chúng.

Lần này, “gáo nước” không đến từ một cơ sở giáo dục, hay một trường đại học, cao đẳng nào đó mà trước đây ngành giáo dục vẫn biện minh rằng: “Chỉ là trường hợp cá biệt”. Lần này, nó đến từ chính trụ sở của bộ.

Vẫn biết, thành tích thể thao vẫn là một điều gì đó luôn mang lại sự háo hức trong lòng người hâm mộ, chứ chưa nói đến các quan chức của bộ, ngành liên quan – những người cũng được “thơm lây” từ việc các vận động viên thi đấu thành công và mang về huy chương cho quê nhà.

Nhưng một lần nữa, hãy nhìn lại cái tên giải đấu mà bộ GD&ĐT “bon chen” trong năm nay: Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á - một sự kiện được nhằm thúc đẩy phong trào tập luyện thể thao sinh viên các nước trong khu vực; một sân chơi ngây thơ, không toan tính.

Điều mà GD&ĐT đóng góp cho sự kiện này là gì? Đó là con virus bệnh thành tích mà cơ quan này có thể được coi là ổ bệnh dịch nặng nhất.

Đành rằng, các đội chơi khác có thể cũng như mình, cũng mang vận động viên chuyên nghiệp đưa vào đại hội, nhưng việc bộ GD&ĐT nói hai lời, một mặt tuyên bố nghiêm túc chống bệnh thành tích, nhưng mặt khác lại thể hiện rằng mình vẫn là “con nghiện” bệnh thành tích như vậy là muốn thể hiện điều gì?

Phải chăng các lãnh đạo ngành giáo dục nghĩ rằng chỉ cần chống bệnh thành tích trong nước thôi, còn ra nước ngoài thì cứ phải đua tranh đã?

Cách làm của bộ GD&ĐT có thể được ví như “cơn nghiện” thành tích không đúng lúc đúng chỗ.

Vài tấm huy chương từ Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á để làm gì? Ai quan tâm? Sinh viên có quan tâm hay không? Câu trả lời là không.

Chắc chắn sẽ có rất nhiều sinh viên có năng lực ưu tú thậm chí còn cảm thấy phẫn nộ vì bản thân họ đã bị bộ GD&ĐT giành mất chỗ cho các vận động viên chuyên nghiệp.

dung de benh thanh tich lay sang hang xom

Đừng để bệnh thành tích như cơn nghiện mãi không bỏ được.

Nói đến công chúng trong nước. Với việc Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á là một giải đấu không được truyền hình trực tiếp, cũng như quy mô và tầm quan trọng không lớn, vậy liệu công chúng có ai quan tâm? Câu trả lời vẫn là không.

Vậy thì bộ GD&ĐT tìm kiếm thành tích ở đây làm gì? Họ có thể cảm thấy tự hào với việc đem về một vài tấm huy chương vô nghĩa nhưng làm hoen ố đi tinh thần thể thao của một sân chơi ở cấp độ sinh viên hay không?

Hỏi đã là tự trả lời.

Trên thực tế, đừng nói đến vài tấm huy chương ở đại hội thể thao sinh viên, ngay cả những tấm huy chương ở sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực cũng đã bắt đầu không còn mang lại hứng thú cho công chúng nước nhà.

Những bảng xếp hạng huy chương đầy ắp vàng, bạc, đồng, lên tới 3 con số, không thỏa mãn những người hâm mộ muốn thể thao đất nước cần phải vươn ra đến tầm châu lục.

Với nhiều người, một tấm huy chương Olympic đáng giá gấp ngàn lần những tấm huy chương mà căn bệnh thành tích làm ra.

Tất nhiên, vấn đề vực dậy nền thể thao sẽ vẫn còn là một câu chuyện dài và thuộc về trách nhiệm của những cơ quan chức năng khác. Nhưng còn với bộ GD&ĐT, đã đến lúc cơ quan này nên ngưng tìm kiếm thành tích bằng việc “mang tàu lớn đi tát cá ao làng”.

Với tư cách là một cơ quan quản lý ngành giáo dục của một đất nước, GD&ĐT đừng vô tình khuyến khích hay tiêm nhiễm thêm căn bệnh thành tích cho các quốc gia hàng xóm.

Rất có thể, có những quốc gia chưa bao giờ trộn lẫn vận động viên như vậy hoặc có làm nhưng khá ít. Tuy nhiên, khi họ nhìn thấy Việt Nam mang cả chục vận động viên chuyên nghiệp đến so tài, rồi giành huy chương, họ sẽ cảm thấy bất công và bắt chước cách làm của chúng ta.

Nếu điều này trở thành sự thật thì “cái tội” của bộ GD&ĐT đã bao phủ đến phạm vi của cả khu vực.

Trong một lần trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng bệnh thành tích không chỉ là vấn đề dừng lại ở quy định mà còn liên quan tới văn hóa và thói quen của một bộ phận không nhỏ những người làm trong ngành giáo dục tại Việt Nam.

Đó là một câu thừa nhận khá chân thành. Nhưng bộ GD&ĐT nếu không khắc phục được thì có lẽ nên giữ lại giữ cái “văn hóa, thói quen” ấy cho mình và đừng biến nó trở thành con virus lan truyền thành đại dịch cho những người bạn hàng xóm.

 
tin tức liên quan