Như chúng ta đều biết, thành quả quan trọng nhất của đất nước ta sau hơn 30 năm Đổi mới là đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh. Việt Nam cũng đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Kể từ năm 2008 đến nay, lần đầu trong 10 năm, nền kinh tế Việt Nam đã không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm, từ 6,7% đã lên mức 7,08% trong năm 2018 và đó chính là một thành tựu lớn rất đáng mừng.
Đến nay, khi năm 2018 vừa khép lại, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 12 chỉ tiêu cơ bản kế hoạch đề ra, nâng quy mô GDP lên hơn 245 tỉ USD, thu nhập bình quân lên khoảng 2.580 USD/người (tăng thêm gần 200 USD so với năm 2017).
Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2011.
Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức 3,54%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, bội chi ngân sách ở mức thấp 3,67% GDP, nợ công có xu hướng giảm. Thị trường tiền tệ ổn định, cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục được cải thiện. Xuất khẩu đạt 245 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2017, xuất siêu đạt kỷ lục, hơn 7 tỷ USD...
Về mặt chính trị, năm vừa qua có thể nói là một năm có quá nhiều việc quan trọng chúng ta phải làm và đã làm tốt. Như bước đầu quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược để chuẩn bị đội ngũ kế thừa nhiệm kỳ Đại hội khoá 13 sớm hơn mọi nhiệm kỳ trước, như tinh gọn bộ máy trong hệ thống trị, như việc chỉnh đốn Đảng qua việc xử lý liên tục một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức có quyền, kể cả trong bộ máy pháp luật, khi vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước...
Dù mạnh mẽ, quyết liệt là thế, nhưng chúng ta thấy, mọi thứ đều vẫn êm thấm và rất được lòng dân. Điều này gián tiếp chứng minh: Phàm đã làm việc gì mà chúng ta thực sự vì dân thì được dân tin, dân yêu và chúng ta sẽ có tất cả!
Mục tiêu cũng là để xây dựng một chế độ xã hội ổn định, vững chắc. Và thực tế đã cho thấy nó vẫn hiện hữu tốt đẹp lên, dù cách làm mạnh mẽ ấy tưởng như sẽ đụng chạm ghê gớm và khó thực thi. Nó cũng chứng minh, luật pháp của chúng ta không hề có vùng cấm với bất cứ một ai nếu vi phạm. Và trong năm tới đây, chiếc "lò" thiêu quan tham sẽ vẫn nóng theo tinh thần "dù có là củi tươi khi vào lò cũng vẫn cháy"...
Những thành tựu về kinh tế đạt được rất sáng sủa cũng như sự thành công tích cực trong chỉnh đốn Đảng và công tác tinh giản bộ máy cùng việc giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền đất nước được đảm bảo... tất cả đã khiến nhân dân có cơ sở để củng cố niềm tin tưởng vào Đảng và Chính phủ hơn lúc nào hết.
Đây là một vấn đề hết sức hệ trọng khi sau nhiều năm, uy tín của Đảng, Nhà nước và niềm tin của người dân đã có phần bị tổn thương nhất định. Nay, chỉ trong một thời gian rất ngắn đã được hồi phục nhanh chóng trong sự hoan hỷ của lòng người dân nói chung, cán bộ đảng viên nói riêng.
Việc nhiều lãnh đạo, quan chức, cả Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương bị kỷ luật khi vi phạm đã củng cố, khôi phục lại niềm tin của người dân. Ảnh: Ngọc Diệp.
Vậy nguyên nhân nào đã cho chúng ta những kết quả, thành công đó? Nói như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi ông đến dự và chỉ đạo Hội nghị của Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương hôm 28.12, thì những thành tựu chúng ta có được trong năm qua là nhờ có nhiều nguyên nhân.
Nhưng có lẽ bao trùm lên tất cả là nhờ chúng ta được thừa hưởng những thành tựu to lớn quan trọng, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới; những kết quả toàn diện đạt được trong 2 năm 2016 - 2017 và nhờ có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Cả hệ thống chính trị, bao gồm các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã có nhiều đổi mới, phối kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, bài bản hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời, đúng đắn, sát hợp và có hiệu quả các vấn đề cuộc sống đặt ra, nhất là các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, bức xúc xã hội.
Bên cạnh đó còn nhờ có sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí... tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ một thông điệp bất di bất dịch trong giai đoạn tới: “Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng, chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân không đủ tiêu chuẩn”.
Tuy nhiên, nếu so với nhiều nước (chỉ cần so sánh với các nước trong khu vực ASEAN), Việt Nam có tốc độ phát triển vẫn còn chậm và bình quân thu nhập đầu người vẫn còn rất thấp. Đó chính là một thách thức lớn của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 nếu chúng ta không muốn tụt hậu.
Phía trước chúng ta vẫn còn ngổn ngang những thách thức phải vượt qua nếu không muốn bị tụt hậu xa hơn nữa khi các nước hàng xóm cũng có những tiến bộ rất đáng nể.
Trong “Doing Business 2019” mà Ngân hàng Thế giới World Bank vừa công bố, Việt Nam dù tăng so với chính mình, điểm tổng của Việt Nam tăng từ 66,77 lên 68,36 và 4 năm gần đây đều liên tục tăng điểm, nhưng vẫn còn chậm so với các quốc gia khác.
Năm vừa qua Việt Nam được World Bank ghi nhận có 3 cải cách lớn trong lĩnh vực gia nhập thị trường, thuế và thực thi hợp đồng, nhưng nếu như so với năm ngoái, Việt Nam được ghi nhận tới 5 cải cách thì lại giảm đến 2 cải cách.
Nếu so sánh trong khu vực ASEAN thì Việt Nam vẫn chưa lọt được vào top 4 nước đứng đầu. Với vị trí 69 trong xếp hạng “Doing Business 2019”, Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với Singapore (đứng thứ 2 thế giới), Malaysia (thứ 15) hay Thái Lan (thứ 27).
Tôi muốn nhắc lại chi tiết này để cùng thấy một điều, chúng ta tuy có tiến bộ nhất định, nhưng các nước xung quanh còn tiến bộ nhanh hơn ta. Vì thế, nếu không biết mình biết người, “tự ru ngủ trong vòng nguyệt quế”, trong chiến thắng thì thật đáng lo, bởi chính nó sẽ ngăn chặn đà tiến bộ của đất nước ta và cũng bởi "hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước và hơn thế nữa, nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị tới nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới, hải đảo” (lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc).
Việt Nam còn nhiều thách thức phải vượt qua để gặt hái được những thành công mới trong năm 2019.
4 thách thức không hề nhỏ đang chờ đón Việt Nam chúng ta, theo các nhà hoạch định chính sách cho biết trong năm tới, đó là:
Thứ nhất, sự tiếp tục gia tăng tiền lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động là một vấn đề đáng quan ngại.
Thứ hai, các cải cách khu vực tài chính đã giúp củng cố bảng cân đối tài sản của hệ thống ngân hàng. Lợi nhuận, vốn và chất lượng tài sản của phần lớn các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn còn đối diện với nhiều rủi ro, nợ xấu còn cao, biên lợi nhuận thấp và năng lực vốn tự có yếu.
Ngay cả các ngân hàng lớn có sở hữu nhà nước thì đệm vốn tự có vẫn còn mỏng so với các ngân hàng trong khu vực ASEAN, các khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô vẫn còn thiếu linh hoạt, khiến khả năng ứng phó trước các biến động bất thường của hệ thống tài chính thường chậm và bị động.
Thứ ba, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ nợ công đang có xu hướng giảm dần từ 63,7% GDP năm 2016 xuống 62,6% năm 2017, cuối năm 2018 ước giảm còn 61,4% GDP và năm 2019 có khả năng giảm còn 61,3% GDP. Mặc dù nợ công vẫn duy trì tính bền vững, nhưng không gian tài khóa cần được cải thiện hơn nữa mới có thể tăng khả năng ứng phó với các thách thức nảy sinh trong trung hạn.
Đặc biệt, nợ nước ngoài của quốc gia là một chỉ báo cần được lưu ý. Mặc dù nợ nước ngoài của quốc gia tăng thời gian qua chủ yếu do vay nợ nước ngoài của khu vực tư nhân nhưng vẫn không thể xem nhẹ vì tính rủi ro của nó .
Thứ tư, cán cân thương mại hàng hóa năm 2018 ước thặng dư 2,6% GDP. Tuy nhiên, sự mất cân đối thương mại vẫn diễn ra ngày càng lớn giữa một khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng thặng dư lớn và một khu vực nội địa (cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân) tiếp tục thâm hụt.
Nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô lớn là các tập đoàn đa quốc gia bắt đầu đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, nhìn chung vẫn có quy mô rất nhỏ, năng suất thấp (chỉ bằng 1/5 của khu vực FDI), xuất khẩu chủ yếu vẫn là các sản phẩm nông nghiệp có tỷ lệ chế biến thấp.
Trong khi đó, tiến trình cải cách và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm chạp. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn án ngữ trong các ngành công nghiệp truyền thống độc quyền nhà nước, tiếp tục nhận được ưu đãi đi cùng với các yếu kém cố hữu...
Thách thức là thế, song với vị thế của một quốc gia 94 triệu dân với lợi thế được coi là quốc gia có dân số trẻ cao, chúng ta đang quyết tâm đi tắt đón đầu trong thời kỳ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên có khả năng phát triển tốt. Nhiệm vụ của chúng ta là phải vượt qua được các khó khăn, thách thức, làm rõ các động lực tăng trưởng mới với tầm nhìn phát triển trong kỷ nguyên mới gắn liền với tư duy đổi mới.
Cải cách là để tìm ra phương án tốt nhất cho bài toán tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, hướng tới tăng trưởng bứt phá, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở tận dụng thành tựu khoa học công nghệ của nhân loại, đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, có nền kinh tế thị trường tiên tiến, phát triển bền vững, lấy mục tiêu phát triển con người là trọng tâm, đảm bảo thực hiện các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh...
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2019 phải bằng năm 2018 cũng chính là một thách thức mới. Song chúng ta hãy tin rằng, một năm mới đã đến với nhiều khát vọng mới của dân tộc Việt Nam sau một năm đạt được nhiều thắng lợi sẽ có đủ tự tin vào cuộc chiến mới. Hơn nữa, đất nước ta lại đứng trước thềm của Đại hội Đảng khoá 13 với rất nhiều mục tiêu sẽ được đặt ra cho kế hoạch 5 năm (2021-2026), chúng ta tin rằng sẽ gặt hái được những thành công mới.