Siêu dự án tâm linh 15.000 tỉ đồng: Một thứ “BOT cổng chùa”?

Ngày đăng: 07:56 13/01/2019 Lượt xem: 555


 Siêu dự án tâm linh 15.000 tỉ đồng: Một thứ “BOT cổng chùa”?


                                                    Nguồn: Báo Điện tử Lao Động


Nếu đâu đâu cũng siêu dự án “du lịch tâm linh” thì ngoài chuyện “dựa vào di sản để móc túi dân”, một nguồn lực lớn cũng sẽ “chảy máu” vào những thứ tốn kém rất nhiều tiền bạc mà không hề tạo ra của cải vật chất.
 


Xin bắt đầu bằng một con số thông qua hình thức đầu tư (đối tác công tư) PPP được nêu tại “Đối thoại cấp kỹ thuật lần thứ nhất trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác phát triển về PPP”: 1.293.674 tỉ đồng.

 

Gần 1,3 triệu tỉ đồng huy động xã hội hóa kể từ 2016. Và sản phẩm là các dự án hạ tầng “góp phần tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.
 

 
sieu du an tam linh 15000 ti dong mot thu bot cong chua

Đại gia Xuân Trường (Đồ họa LĐO)
 

Trong khi đó, chẳng hạn siêu dự án tâm linh 15.000 tỉ đồng đang nổi sóng dư luận mà được chấp nhận, chúng ta không thể biết được lợi nhuận rút cục vào túi ai, chúng ta không thể trả lời nó sẽ tạo ra cái gì - cho dù tâm linh cũng là một nhu cầu có thật của nhiều người dân.

 

15.000 tỉ đồng đề nghị đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn như 15.000 tỉ đồng khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc... Những lời đề nghị rất nhiều số 0. Và ở một giác độ nào đó, giá trị tạo ra của cải vật chất, tạo ra sản phẩm cũng là số 0.

 

Trên truyền thông, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận: “Nếu là xã hội hóa thì doanh nghiệp có quyền thu, nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ không để tình trạng doanh nghiệp dựa vào di sản để "móc túi" người dân”.

 

Chủ trương xã hội hóa trong những dự án thuộc phạm trù “tâm linh” đang rất có vấn đề.

 

Vấn đề từ việc biến đền chùa miếu mạo của dân thành của tư nhân để “chặn cổng thu tiền”. Vấn đề cho đến cả những di sản quốc gia cũng được “khai thác” để người dân buộc phải trả tiền cho những thứ thuộc về tài sản chung. Và cả sự méo mó khi hình thành trên thực tế một “ngành công nghiệp tâm linh” tiêu tốn rất nhiều tiền bạc, lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội.

 

Sẽ là thiển cận nếu nói nên dành nguồn lực xã hội hóa ấy cho chỉ những dự án trong lĩnh vực hạ tầng - bởi tâm linh cũng là một nhu cầu, nhưng sự cẩn trọng và việc xem xét nghiêm túc không bao giờ là thừa cả.

 

Dẫu mang danh nghĩa xã hội hóa, dẫu “cái bánh vẽ” đón từ 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động, thu ngân sách 1.000 tỉ đồng/năm rất hấp dẫn đối với những địa phương dẫn đầu top thu ngân sách như Hà Nội, nhưng thực tế địa phương vẫn sẽ phải bỏ tiền thuế của dân ra đối ứng chứ không phải nhận không, kiểu từ trên trời rơi xuống.

 

Phải chăng chính chúng ta đang phải bỏ tiền ra để “xây BOT cổng chùa” móc tiền trong chính túi chúng ta?

 
tin tức liên quan