Hành vi quan chức
Nguồn:Báo Điện tử VnExpress
Tôi vẫn dùng một chiếc kính mắt cũ đã mua hơn 10 năm qua. Dù không phải “hàng xịn”, nhưng nó gắn với kỷ niệm khó quên.
Tôi vẫn dùng một chiếc kính mắt cũ đã mua hơn 10 năm qua. Dù không phải “hàng xịn”, nhưng nó gắn với kỷ niệm khó quên.
Vào một chiều muộn, trên bãi biển Hawaii nườm nượp du khách, tôi bước vào tiệm kính nhỏ ven đường. Lựa chiếc kính trắng 0 độ, tính tiền xong, tôi chờ người bán hàng lồng nó vào hộp. Sau thoáng bối rối, anh ngẩng đầu lên hỏi: "Rất xin lỗi, tôi không biết anh có thực sự thích cái này không? Vì, hmm, anh biết không, tôi vừa thấy có vết rạn nhỏ trên tròng".
Kiểm tra lại, quả thực tôi thấy vết rạn rất nhỏ, rất khó nhận biết nếu không săm soi thật kỹ. Cảm kích với sự thành thực của anh ta, tôi cười: "Không sao, vết rạn rất nhỏ. Tôi thích nó" - "Vậy, theo quy định, tôi sẽ bớt cho anh 150 USD. Phiền anh cho tôi hủy giao dịch, và quẹt lại thẻ tín dụng".
Chuyện cũ được gợi nhớ khi vài ngày trước, một trung tâm mua sắm khá lớn gần nơi tôi sống tại Quận 2, TP HCM đóng cửa. Thương hiệu lớn, vị trí đắc địa, không xa trung tâm thành phố, lại gần khu "nhà giàu" với mật độ người nước ngoài đông hơn người bản xứ, nhưng nó đã phải nói lời tiễn biệt. Kết cục đáng buồn này cũng đã xảy ra với nhiều trung tâm thương mại khác tại Hà Nội hay TP HCM. Có điều gì tưởng như phi lý, khi mức sống và mức tiêu dùng khả dụng của người Việt Nam ngày một tăng cao, cùng xu hướng chuyển dịch lên hàng cao cấp của giới trung lưu... Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đang tiếp tục nhắm tới thị trường gần 100 triệu dân này.
Giáo sư Gary A. Knight, Đại học công cộng bang Florida, Hoa Kỳ có một kết luận: phần lớn người tiêu dùng các nước đều ưu tiên lựa chọn và sẵn sàng chi trả cao hơn một chút cho hàng hóa và dịch vụ của chính nước mình so với hàng ngoại nhập. Nhưng phải chăng người tiêu dùng Việt là ngoại lệ?
Các nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng trong nghề tư vấn của tôi đã chỉ ra, tiêu chí lựa chọn đầu tiên của người mua là "mua hàng nơi uy tín". Yếu tố uy tín vượt qua cả yếu tố giá tốt, mẫu mã đẹp hay có chương trình khuyến mãi. Một khảo sát về người tiêu dùng Việt Nam của Nielsen dù đã cách đây khá lâu, 2010, với hàng trăm người Hà Nội và Sài Gòn cho biết: 95% người Hà Nội và 85% người Sài Gòn quan tâm về nguồn gốc của sản phẩm; 50%-57% người Hà Nội và Sài Gòn cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền để có được dịch vụ bán hàng tốt hơn.
Sẽ không có bất kỳ một chủ doanh nghiệp nào, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, dám đùa cợt với lòng tin của khách hàng. Những đồng tiền đầu tư là mồ hôi, nước mắt của chính họ, là của để dành cho con cháu. Tuy nhiên, trong bản báo cáo "Made in country index" năm 2017 (Chỉ số hàng nội địa quốc gia), Việt Nam chỉ xếp hạng 46 trên 52 quốc gia được khảo sát. Đó cũng là vị thế của lòng tin với doanh nghiệp Việt trong tâm trí người tiêu dùng nội địa.
Lòng tin của người mua dành cho một sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ của một quốc gia không thể chỉ dựa trên nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp mà nó còn bị ảnh hưởng và được nuôi dưỡng từ hệ sinh thái "lòng tin xã hội" của chính cộng đồng ấy; cộng với niềm tin dành cho thương hiệu quốc gia - nơi sinh ra sản phẩm dịch vụ đó.
Điều này đã được Francis Fukuyama, nhà khoa học chính trị Hoa Kỳ, khẳng định trong tác phẩm "Phẩm hạnh xã hội và cội nguồn thịnh vượng" theo công thức: thịnh vượng - lòng tin. Với hàm ý, hành vi tiêu dùng phản ánh sự thịnh vượng. Và đạo đức ảnh hưởng bởi giới quan chức.
Sẽ không quá lời khi khẳng định chúng ta đang quá thiếu lòng tin xã hội. Mỗi ngày, mỗi giờ, luôn tràn ngập những thông tin xấu khiến công chúng giật mình về chất lượng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Từ bún có chất phản quang độc hại, đến những doanh nghiệp khổng lồ xả thải ra môi trường. Từ những sản phẩm thực phẩm chức năng "chữa ung thư"’ làm từ bột tre, đến việc người ta nhận được cục gạch thay vì iPhone khi mua hàng qua mạng.
Ở vế thứ hai của niềm tin với hàng Việt, với vai trò người quan sát, tôi còn nhận thấy: không chỉ trong môi trường kinh doanh, uy tín của thương hiệu Việt còn bị tác động bởi những thông tin tiêu cực về hành vi của những tầng lớp cao hơn trong xã hội. Một chiếc xe biển xanh được sử dụng cho việc tư, những người có quyền và có tiền đeo cà vạt hay đồng hồ, khoác hàng hiệu... Tôi chợt nghĩ tới việc Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã từng 8.200 lần đi tàu công cộng về quê trong suốt nhiệm kỳ. Còn thủ tướng Phần Lan ngồi trong toilet trên máy bay vì vợ ông đã ngồi chiếc ghế cuối cùng.
Bạn sẽ phản biện ngay, hành vi quan chức thì liên quan gì tới uy tín hàng Việt. Nhưng không chỉ Francis Fukuyama mà chính các cụ nhà ta đã nói "vết rạn lúc trẻ, vết mẻ lúc già".
Mỗi hành vi không đẹp của xã hội, của giới thương gia, và đặc biệt của quan chức và những người có ảnh hưởng trong xã hội, sẽ được tích tụ lại qua năm tháng, và để trở thành vết mẻ trong niềm tin của xã hội và người tiêu dùng về một thương hiệu chung của cộng đồng.
Như một điều tất yếu, nó góp phần hủy hoại lòng tin vào sản phẩm và dịch vụ của người Việt tạo ra, và góp phần kìm hãm sự thịnh vượng chung. Hành vi của quan chức, cán bộ, tôi tin, có liên quan đến hành vi của những người bán hàng thiếu tận tâm, thiếu trung thực, khiến cả một trung tâm thương mại có thể phải đóng cửa.
Bộ trưởng Văn hóa của Việt Nam, trong phiên chất vấn gần đây nhất, có nói đến ý "đạo đức xuống cấp từ kinh tế". Ý đó có thể không sai, nhưng cần suy ngẫm cả về điều ngược lại: nền kinh tế, có thể xuống cấp vì đạo đức.