Đừng để tái diễn những “ông vua con”, “ông quan” sống trên dân
Nguồn:Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân
Không ngẫu nhiên mà người lãnh đạo cao nhất của đất nước đã sử dụng từ “ông vua con”, “ông quan”-những danh xưng chỉ có trong thời phong kiến chuyên quyền ngày xưa để ám chỉ, gắn vào một bộ phận quan chức thời nay.Bởi những quan chức này mang danh là “đảng viên cộng sản”, “công bộc”, “đầy tớ” của dân, nhưng không chịu tu dưỡng, rèn luyện, nói hay làm dở, nhất là có tác phong quan cách, lối sống xa hoa và trái ngược với bản chất của những người chiến sĩ cách mạng, gây tổn hại nghiêm trọng đến thanh danh của Đảng, làm xói mòn niềm tin trong nhân dân.
Quan chức sống, sinh hoạt xa hoa - một thái độ vô trách nhiệm với dân
Khi nhìn nhận, xem xét, đánh giá nhân cách một con người, không thể không nói đến phong cách, lối sống của họ. Vì phong cách, lối sống vừa là những yếu tố quan trọng góp phần làm nên tư cách đạo đức của con người, vừa là một trong những quy chuẩn để soi chiếu, định vị giá trị văn hóa của họ trong mối quan hệ với tập thể, tổ chức, cộng đồng và xã hội. Điều này càng có ý nghĩa đối với cán bộ, đảng viên.
Nói đến phong cách, lối sống của cán bộ, đảng viên chân chính là nói đến vẻ đẹp giản dị, tấm lòng trung thực, tinh thần cao thượng, tình cảm thân thiện, tâm hồn thanh khiết, thái độ giao tiếp ứng xử chuẩn mực và ý thức đối nhân xử thế giàu lòng nhân ái, bao dung. Đặc trưng phong cách, lối sống của cán bộ, đảng viên cộng sản tập trung ở đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
|
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị Trung ương 4 Khoá XII. Ảnh: TTXVN |
Phong cách, lối sống không phải là cái gì trừu tượng, khó hiểu, mà nó được thể hiện, bộc lộ từ trang phục, đồ dùng sinh hoạt cá nhân đến thái độ, hành vi ăn, mặc, ở, nói năng, đi lại, tiêu dùng, giải trí của cán bộ, đảng viên. Những cán bộ, đảng viên chuẩn mực thì thường cảm thấy xa lạ, thậm chí “dị ứng” với những trang phục lòe loẹt, mang mặc không đúng lúc, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh giao tiếp và cũng không sử dụng những đồ dùng sinh hoạt cá nhân xa xỉ, đi những xe sang vượt tiêu chuẩn cho phép, ăn uống lãng phí, tiêu dùng xa hoa, giải trí phù phiếm. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên lại thích nổi trội trước đám đông không phải bằng tài năng, công lao đóng góp, cống hiến cho tập thể, xã hội, mà bằng những thứ hào nhoáng bên ngoài như trang phục sang chảnh, trang sức lộng lẫy, biển số xe “lộc phát”, tiện nghi sinh hoạt cá nhân đẳng cấp, biệt thự siêu sang, ăn chơi xả láng, thậm chí tiêu tiền như… ném qua cửa sổ.
Tất nhiên, với những cán bộ, đảng viên may mắn được hưởng quyền thừa kế khối tài sản lớn của ông cha để lại, hay có người thân ăn nên làm ra do kinh doanh đầu tư sinh lời... thì họ có quyền hưởng thụ sự giàu sang của mình mà không ai thắc mắc. Nhưng thực tế có không ít quan chức và người thân thích ruột thịt của họ sống, sinh hoạt khác xa với số đông người dân, mà số tiền chi tiêu xa xỉ, lãng phí này chủ yếu từ những khoản thu nhập bất minh, tham nhũng. Đây mới là điều đáng phải cảnh tỉnh, phê phán.
Thời gian qua, dư luận từng xôn xao khi biết những thông tin về lối sống, sinh hoạt, giải trí xa hoa của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người thân của họ. Như một hệ lụy tất yếu, những vật dụng trưng diện “đình đám” trước bàn dân thiên hạ của nhiều quan chức lại trở thành những “vật chứng” khiến cho chủ nhân của nó rơi vào tình cảnh “điêu đứng”, thậm chí có người còn lâm vào cảnh lao lý. “Trăm năm bia đá cũng mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Rồi đây, những quan chức “nhúng chàm” phải “vào nhà đá bóc lịch” cũng có ngày được trở lại vị thế một công dân tự do; hay có quan chức sai phạm vài ba năm sau sẽ được “xóa án” kỷ luật Đảng, nhưng dư luận sẽ khó quên những vật dụng xa hoa của chủ nhân, ví như chiếc xe sang Lexus của cá nhân một cựu phó chủ tịch UBND tỉnh lại được cấp biển số xanh (xe công); những biệt thự hoành tráng của một số quan chức và con em một số quan chức cao cấp mọc lên sừng sững ở những vị trí "đất vàng" hay trên những thửa ruộng đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị sử dụng sai mục đích…
Cán bộ, đảng viên cần có liêm sỉ để nhân dân được trông mong, nhờ cậy
Nếu phong cách, lối sống của một người dân, dù hay-dở, tích cực-tiêu cực, văn minh-lạc hậu, cao thượng-thấp hèn… thường có ảnh hưởng trong phạm vi nhỏ thì phong cách, lối sống của cán bộ, đảng viên dù tốt hay xấu đều có sức tác động lớn hơn theo hai chiều hướng thuận hay nghịch. “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”. Đảng viên giữ cương vị, chức vụ càng cao, sức ảnh hưởng đối với xã hội càng lớn, thì phong cách, lối sống của họ càng trở thành tiêu điểm để mọi ánh mắt người dân đổ dồn vào.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta rất trăn trở và có lúc bày tỏ sự đau lòng về sự xuống cấp “không phanh” về phong cách, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cách đây 3 năm, ngày 27-5-2016, khi phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó đã nghiêm khắc cảnh tỉnh: “Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một “ông vua con” ở đấy!”. Mới đây, trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, khi đề cập đến trách nhiệm nêu gương về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, thêm một lần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gióng lên hồi chuông cảnh báo: “Những “ông quan” nói một đằng, làm một nẻo, kêu gọi người khác tiết kiệm trong khi bản thân xa hoa, lãng phí, chi dùng bằng tài sản, công quỹ Nhà nước, bằng tiền thuế của dân, cờ bạc, tiệc tùng vô độ… thì chẳng những không làm gương được, mà còn làm mất uy tín của Đảng, mất niềm tin trong nhân dân”.
Không ngẫu nhiên mà người lãnh đạo cao nhất của đất nước đã sử dụng từ “ông vua con”, “ông quan”-những danh xưng chỉ có trong thời phong kiến chuyên quyền ngày xưa để ám chỉ, gắn vào một bộ phận quan chức thời nay. Bởi những quan chức này mang danh là “đảng viên cộng sản”, “công bộc”, “đầy tớ” của dân, nhưng không chịu tu dưỡng, rèn luyện, nói hay làm dở, nhất là có tác phong quan cách, lối sống xa hoa và trái ngược với bản chất của những người chiến sĩ cách mạng, gây tổn hại nghiêm trọng đến thanh danh của Đảng, làm xói mòn niềm tin trong nhân dân.
Sớm nhận ra lối sống xa hoa, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, 3 năm trở lại đây, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định nhằm chấn chỉnh tác phong, lối sống không phù hợp cũng như yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tự giác thực hành nêu gương sống, sinh hoạt giản dị, tiết kiệm, liêm chính. Những nội dung đó tập trung ở Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; và gần đây là Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”…
Phong cách, lối sống của cán bộ, đảng viên là một phần làm nên diện mạo, tư cách, uy tín, danh dự của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu ai đó chót có phong cách lệch lạc, lối sống sai trái, tiêu cực, thì nên sớm tự uốn nắn, chấn chỉnh để tự giác đưa mình vào quỹ đạo nhằm tránh những hệ lụy không đáng có xảy ra đối với mình và gây phiền hà, liên lụy đến tổ chức, cơ quan, đơn vị. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng tâm sự, khi cán bộ, đảng viên đã mang trọng trách phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thì mỗi người không chỉ cần có tài, có khát vọng cống hiến, mà phải có liêm sỉ để đất nước, đồng bào được trông mong, nhờ cậy. Nếu ai không lấy lại được niềm tin trước sự rộng lượng của nhân dân bằng cách thể hiện tính tiên phong trong nhận thức và hành động, nhất là tiên phong nêu gương về đạo đức, lối sống thì hãy tự nguyện rời bỏ con đường chính trị, nếu không, nhất định Đảng buộc họ phải ra đi.