Nguồn:Báo Điện tử
Bước sang năm 2019, người dân trông đợi có bước đột phát để không một ông vua con nào còn tồn tại trong đời sống chính trị - kinh tế - xã hội đất nước.
LTS:Công tác cán bộ được coi là khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng vững mạnh. Như Bác Hồ từng chỉ ra “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2, Tuần Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả loạt bài xoay quanh vấn đề được rất nhiều người quan tâm này.
Xem lại Bài 1: Đảng viên trừ, đảng viên sạch và chuyện ‘thà ít mà tốt’
Những “ông vua con” là thuật ngữ đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng để chỉ “một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng”.
Khác với thời xưa chỉ có vua cha và một vua con là hoàng thái tử. Ngày nay, ông vua con vừa không do vua cha sinh ra, vừa không chỉ có một mà là rất nhiều “ông”, tạm gọi là những “ông vua con thời @”. Đặc điểm nổi bật của những “ông” này là “ăn của dân không từ một thứ gì”, là một phiên bản méo mó sinh ra từ bộ máy nhà nước.
Thật vậy, Nhà nước Việt Nam là nhà nước Của dân - Do dân - Vì dân. Bộ máy nhà nước của 30 năm kháng chiến giải phóng dân tộc (1945-1975), của 20 năm trăn trở và khởi động công cuộc Đổi Mới (1976-1995) đã làm nên biết bao kỳ tích mà không sinh ra ông vua con nào. Sau 50 năm kể trên, khi nền kinh tế phát triển, đã có của ăn của để thì trong bộ máy nhà nước bắt đầu xuất hiện những ông vua con, ban đầu chỉ là một bộ phận “nhỏ”, rồi “không nhỏ”, nay đã kết thành bè thành mảng, ngày càng đông đúc.
Những phần tử này từ đâu sinh ra thì đã rõ, nhưng vì sao lại hình thành và phát triển thì không phải dễ thấy, nhưng một số khâu đã dần dần hé lộ.
|
Đặc điểm nổi bật của những “ông” này là “ăn của dân không từ một thứ gì”. Ảnh minh họa |
Ở khâu tuyển chọn. Mặc dù khâu này đã có tiêu chuẩn, quy trình, ngày càng chi tiết, chặt chẽ nhưng nhiều khi lại bị những quy trình tự biên tự diễn về “chạy phiếu”, “chạy chức”, “chạy quyền”… vô hiệu hóa. Các quy trình “chạy” này đã đẻ ra những ông vua con “sành điệu” về luồn lách, đục khoét.
Ở khâu giao quyền. Trong bộ máy nhà nước, đâu đâu cũng thấy những người được giao làm Đại diện chủ sở hữu đối với những tài sản mà pháp luật quy định là thuộc sở hữu toàn dân. Mặc dù pháp luật không giao cho bất cứ cá nhân nào được làm “Đại diện toàn quyền” chủ sở hữu toàn dân, nhưng những ông vua con đã tự cho mình cái quyền đó.
Với quyền này, khi là người mua sắm tài sản cho nhà nước thì họ mua với giá cao hơn giá thị trường, còn khi là người bán họ lại bán với giá thấp hơn giá thị trường. Công khai, minh bạch, đấu thầu, đấu giá là những quy định bắt buộc trong các công việc thu chi ngân sách nhà nước, nhưng các ông vua con đã chủ động phớt lờ hoặc cố tình bỏ qua.
Tất cả đều nhằm tạo ra những chênh lệch giá, theo đó Nhà nước là người bị thiệt đơn thiệt kép, còn những ông vua con lại ngon lành vớ bẫm. Ở khâu giao quyền này, những ông vua con xuất hiện như nấm mọc sau mưa, thiên hình vạn trạng mà ngành nào, cấp nào cũng có.
Ở khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát. Khâu này bao gồm một rừng thanh Bảo kiếm khiến những người ngay thẳng cũng phải dè chừng. Nhưng đối với những ông vua con thì những thanh Bảo kiếm này có vung lên hay không, vung lên rồi có chém xuống hay không, chém xuống nhưng có trúng đích hay không… tất cả còn tùy thuộc vào những “ông chống lưng” cho từng ông vua con.
Từ hơn chục năm trước Đại hội XII, đa phần các ông vua con đã thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật với bao “ấm ức thanh tra”, “qua loa giám sát”. Những công cụ pháp luật này chào thua khi gặp đội ngũ những “ông chống lưng”.
Ở khâu tai mắt nhân dân. Những ông vua con ở đâu, đi đâu, làm đâu, ăn đâu… nhân dân đều biết. Nhưng đối với những người là cấp dưới thì ít ai dám nói cái tật của họ; Những người cùng nơi cư trú với họ thì dù biết nhưng không có nghiệp vụ ghi lưu bằng chứng, nên tố ai nghe. Trong khi đó, những người là đại biểu của dân thì phải nói và làm theo nghị quyết của tổ chức, đoàn thể, đâu phải muốn xử là được đối với các ông vua con.
Vậy là, người dân dù với tư cách nào cũng ở vị trí yếu thế hơn so với các ông vua con, làm sao dẹp được họ. Thật ngạc nhiên, vẫn những người dân ấy, khi làm tai mắt để tìm bắt bọn trộm cắp không có chức tước thì hiệu nhiệm vô cùng, đố tên nào thoát lưới.
Ở khâu kỷ luật Đảng. Đây là khâu khắc tinh đối với các ông vua con. Nếu khâu này cũng mắc lỗi thì họ sẽ an toàn trên cả tuyệt vời. Nhưng thật không may cho họ bởi ngay sau Đại hội XII của Đảng, chính Tổng bí thư, người đã nhận diện loại “vua” này đã hạ quyết tâm cao để chống bọn “nội xâm” trong đó có những ông vua con với phương châm “sai đến đâu xử đến đó, không có vùng cấm”.
Nhiệm kỳ XII tuy mới đi được nửa chặng đường, nhưng nhiều ông vua con, kể cả những ông vua con rất to như Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên trung ương, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư và Phó bí thư cùng Chủ tịch và Phó chủ tịch cấp tỉnh, Thiếu tướng cùng Trung tướng và Thượng tướng đã lĩnh án kỷ luật Đảng nhiều mức. Kéo theo đó là việc mất hết mọi chức, quyền Nhà nước giao, cùng mọi bổng lộc, địa vị hoàng kim do tự biên tự diễn mà có của những ông vua con.
Để những ông vua con không thể tiếp tục sinh sôi
Như đã thấy, chỉ qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XII, với chuyển biến có tính cách mạng về kỷ luật Đảng, một bộ phận trong bè mảng những ông vua con đã bị xử lý. Nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều ông vua con vẫn chưa bị trừng trị hoặc vẫn trễm trệ trên ghế quyền lực để tiếp tục “ăn của dân không từ một thứ gì”. Cuộc chiến chống giặc nội xâm còn tiếp diễn.
Số phận những ông vua con được tạo ra trước Đại hội XII sớm muộn sẽ được định đoạt. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào khâu kỷ luật Đảng thì cuộc chiến này sẽ kéo dài tới vô tận bởi các khâu khác vẫn tiếp tục cho ra lò những ông vua con mới.
Để kết thúc cả một thời vùng vẫy của những ông vua con đã sinh ra và không để sinh ra thêm một ông vua con mới nào nữa thì các khâu khác phải cùng vào cuộc với tính cách mạng như khâu kỷ luật Đảng đã và đang làm.
Bước sang năm 2019, toàn dân đang đặt nhiều niềm tin vào những đột phá mới của đất nước, trong đó có đột phá để không một ông vua con nào còn tồn tại trong đời sống chính trị - kinh tế - xã hội đất nước với hy vọng rằng:
Việc tuyển chọn sẽ loại được những kẻ giỏi luồn lách, đục khoét;
Việc giao quyền sẽ loại ra được những kẻ tự cho mình có toàn quyền định đoạt các tài sản thuộc Sở hữu toàn dân do được giao quản lý;
Việc kiểm tra, thanh tra, giám sát sẽ vượt qua dược những “ông chống lưng”;
Việc giám sát của nhân dân sẽ được trao những thực quyền để họ và những đại diện của họ không còn bị yếu thế khi phải đương đầu không chỉ với những ông vua con mà cả với những “ông chống lưng” nữa.
TS. Đinh Đức Sinh