Nhiều phụ huynh chúng ta trong thời buổi này vẫn hay kêu ca: “Ai cho tôi một vé đi tuổi thơ”?
Tôi cũng đã có lúc như thế. Rồi nhận ra, thật ra có hai vấn đề ở đây: Chúng ta có thực sự nghĩ đến tuổi thơ của con? Tại sao chúng ta không nhìn vào “tuổi thơ” của con chứ không phải “tuổi thơ” của mình?
Ký ức tuổi thơ sẽ theo ta đến hết cuộc đời, và không ký ức nào sẽ đủ mạnh để thay thế. Tôi nhớ tuổi thơ tôi với những buổi chiều ảm đạm trong căn nhà tranh mà góc nhà luôn có một cái cây nó cứ mọc xuyên tường, mẹ luôn lấy nước sôi đổ vào cho nó chết cho khỏi sập nhà, nhưng cứ vài bữa nó lại mọc lên.
Buổi chiều ảm đạm vì chờ mẹ về, nhớ bài hát: “Năm xưa anh phá núi em mở đường trên đỉnh Trường Sơn đồi núi chập chùng” anh trai hay hát... Bao nhiêu năm rồi lần nào bài hát này vang lên tôi cũng nổi da gà và cảm xúc ngay lập tức quay về chiều đông ảm đạm, nhưng ấm cúng và hạnh phúc đến nao lòng.
Tôi nhớ những đêm trăng sáng cả lũ chân đất chơi Giáp bắn trên con đường làng từ đầu đường đến cuối đường, di chuyển trong những bụi cây, dưới ánh trăng mà thi thoảng lại thấy một con rắn rùng mình trườn sang đường.
Nhớ tuổi thơ với những lần chui xuống gậm giường trốn mấy đứa bạn trong làng hay bắt nạt, hay tiếng cô xã đội trưởng đêm khuya thanh vắng đi rao: “Giặc đến ở dưới biển rồi”... để tập hợp dân quân tập dượt thời chiến tranh biên giới biên giới.
Tôi dĩ nhiên nhớ cây thị sum suê ở nhà một bà hàng xóm mà bà ấy lên được vô vàn chân kính với tôi đơn giản vì bà có cái cây thị, là cái cây kỳ diệu cành lá xanh mướt và những quả thị thơm phức bí ẩn trong đêm. Chao ôi, mùa thị được một quả thị cầm suốt ngày hay để ở đầu giường đã là một câu truyện cổ tích.
Tôi nhớ mình đã dặn dò mãi cô giúp việc về rằm tháng 7 mang ra cho mình quả thị, và đưa cho hai đứa con gái xem, kể cho chúng nó về quả thị cổ tích và kỷ niệm với bà ngoại của mẹ, kể về chuyện cô Tấm bước ra từ quả thị, hai đứa một đứa 4 tuổi một đứa 6 tuổi hỏi cô Tấm có đẹp như Barbie không?
Tôi phải lấy cô Tấm ra để cho chúng nó có mỗi liên tưởng hữu hình với quả thị hơn là với tuổi thơ của mẹ, chứ thực ra tôi cũng chẳng thích Tấm Cám.
Cứ mỗi năm Tết về chúng ta lại nói về tết, về cái sự truyền thống hay hiện đại, về việc chúng ta thích tết hay không thích tết, về cái sự bận rộn lo lắng mấy ngày tết.
Có lẽ đơn giản là tết giờ phức tạp quá, nào chúng ta phải đi chúc tết, phải mua sắm vô vàn đồ cho tết, chạy ngược chạy xuôi hoa đào hoa quất...
Nhưng nếu nhìn lăng kính từ ngày xưa, Tết cũng luôn là sự lo lắng của người lớn. “Tết đến sau lưng con nít thì mừng người lớn thì lo”, là câu nói từ thời bao cấp, với gánh nặng chủ yếu về thực phẩm ngày tết.
Nhưng con trẻ thì luôn thích tết. Tôi nhớ ngày xưa tết mới có bánh chưng, có thịt có hành muối mà ăn, và cả năm có một lần có quần áo mới, là tết.
Và tết thực sự lâng lâng trong không khí, tết có mùi có vị có màu sắc có âm thanh hẳn hoi, mùi hương trầm, mùi pháo, có tiếng phảo nổ đì đùng, nhà cửa nghèo nàn cũ kỹ tự nhiên được treo lên bức tranh cá chép ngắm trăng hay bốn mùa, bốn loại hoa in trên giấy của Nhà in Tiến bộ (tôi nhớ thế), mà sau này mới được biết là tranh Hàng Trống.
Tết bâng khuâng mưa phùn ngồi chầu hẫu bên cạnh chiếu gói bánh chưng, thằng bạn thập thò mang sách vở đến trả, tưởng nó thích mình thực ra là nó sợ “giông” cho ngày tết khi có đồ lạ trong nhà.
Rồi vẫn trong cái không khí bâng khuâng mưa phùn đó chạy ra chạy vào trong nhà ngoài sân với nồi bánh chưng nấu bằng củi sôi sùng sục, hơ tay cho đỡ lạnh và nghe chuyện, nói chuyện, cười đùa, tất tả, thực sự thư thái đầm ấm đủ cho cả một năm.
Nhớ không khí chợ tết đông đúc ấm cúng hơn ngày thường, tôi đứng trông xe đạp cho mẹ (ngày đó chưa có dịch vụ trông xe), chờ nôn nao ngoài đường, mẹ đi ra bảo: “Gớm, phải cấm nổ pháo đi chứ đang đi lại giật mình pháo nổ cái đùng ngay cạnh”.
Rồi thì pháo cũng bị cấm thật. Tết chúng ta tự nhiên thành “digital” trên màn hình LED. Nhưng trẻ con đương nhiên là vẫn thích tết. Tết được nghỉ học, được tự nhiên cũng xúng xính quần áo mới và bị đạo diễn bởi người lớn kiểu này kiểu kia chỗ này chỗ kia để có ảnh cho lên Facebook.
Tết của bố mẹ nhưng vẫn là tết của trẻ con, là tuổi thơ của chúng nó. Và một ngày nào đó, chúng nó lại nhớ lại cái tết ngày xưa của mình, lại phàn nàn tết bây giờ chẳng giống tết xưa...
Điều mấu chốt của câu chuyện ở đây: Đừng bắt con mình sống tuổi thơ của bố mẹ và đừng phàn nàn là chúng nó không có tuổi thơ.
Tuổi thơ chúng nó có thể không phải là cây thị và ánh trăng, mà là Đoàn tàu Thomas and friends và cái đảo Sodor xa xăm nào đó không có thực, nơi có những mùa Giáng sinh huyền ảo Ông già Noel và đoàn tuần lộc đi nhờ đoàn tàu xuống đảo phát quà.
Hằng đêm, tôi phải dùng đoàn tàu Thomas với Percy với Gordon... để tự sáng tác ra các câu chuyện Ông già Noel đi trong bão tuyết để xuống đảo Sodor tặng quà Noel dựa trên niềm đam mê các đoàn tàu này của con...
Tuổi thơ của trẻ là những ký ức gắn liền với con bạn, do bạn tạo ra cho con bạn, với trí tưởng tượng mênh mông mang lại những điều kỳ diệu. Với con tôi, những đêm đọc truyện và kể chuyện cho con sẽ là những kỷ niệm ngọt ngào chúng nó sẽ không bao giờ quên.
Một ngày nào đó, khi vào tuổi trung niên, chúng nó sẽ bắt gặp cuốn sách mẹ từng đọc cho chúng nó ngày chúng nó còn bé, và ký ức sẽ tràn về, ấm áp trong tim...
Cuộc đời là gì nếu không chỉ là những sưu tập kỷ niệm? Và phải là kỷ niệm của mình, không phải của ai đó, kể cả đó là của bố mẹ mình. Trẻ con sẽ tự tạo nên tuổi thơ của mình, nếu chúng ta cho phép chúng.
Phạm Thị Cúc Hà
(Giám đốc Hệ thống giáo dục Just Kids)
PS st Theo Dân trí