Hà Nội 30 năm trước qua cái nhìn của một người nước ngoài (Kỳ 1)

Ngày đăng: 09:21 11/02/2019 Lượt xem: 353


Hà Nội 30 năm trước qua cái nhìn của một người nước ngoài (Kỳ 1)

 
                                                       Nguồn:Báo Điện tử Thời Mới


Ở Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bạn có thể tự tin đi lại bất chấp luật lệ.



 
 
ha noi 30 nam truoc qua cai nhin cua mot nguoi nuoc ngoai ky 1
 
ha noi 30 nam truoc qua cai nhin cua mot nguoi nuoc ngoai ky 1
 

“Tôi đã nhìn thấy cô bé trên phố Hàng Khoai và không bao giờ quên được. Cao chưa đầy một mét, tóc thắt bím, đeo khăn quàng đỏ, chắc chỉ chừng tám tuổi và học lớp hai. Cô bé chầm chậm đi dọc con phố trong khihai tay cầm tờ Hà Nội Mới, đọc, đọc, đọc say sưa.

 

Có thể tìm thấy ở đâu nếu không phải Hà Nội một sự chuyên chú như vậy ở một người nhỏ tuổi dường ấy?

 

Và còn ở đâu có nhiều xe đạp như Hà Nội?

 

Phải làm sao tôi mới vượt nổi giao lộ ngùn ngụt người này - họ lao tới từ tứ phía và không bao giờ dừng lại! Nhưng cũng dễ thôi. Đi bộ từ từ, cứ thế mà đi, và họ sẽ bình tĩnh tự khắc điều chỉnh làn đường để tránh bạn và những người khác. Ở Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bạn có thể tự tin đi lại bất chấp luật lệ.

 

Trời ơi! Hà Nội vẫn còn khắc ghi trong tâm trí mình những gì thuộc về Trung Quốc. “Biên giới phía Bắc cách 170km”, một quan chức thành phố lên tiếng, “Chỉ mất chưa đầy 10 phút cho một chiếc máy bay chiến đấu vượt khoảng cách này”. Cuộc xâm lược gần đây nhất của Trung Quốc mới chỉ bị đánh bại chừng 10 năm trước; thậm chí giờ đây, một vị tướng nói với tôi, những trận đấu pháo nơi biên giới vẫn ngày ngày xảy ra…

 

Trước khi chúng ta đi sâu vào chi tiết, hãy để tôi kể lý do vì sao tôi lại ở đây.

 

Tôi đi tìm kiếm những câu trả lời cho một câu hỏi lớn. Tại sao những con người quả cảm, tài hoa và cần mẫn đã đấu tranh vũ trang suốt ba thập niên và phần nào đạt được mục đích của mình là đánh đuổi những kẻ thù hùng mạnh hơn nhiều như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ lại suốt 14 năm qua, thất bại trong việc tạo ra dù chỉ phân nửa mức sống tiêu chuẩn cho tối đa dân số?

 
ha noi 30 nam truoc qua cai nhin cua mot nguoi nuoc ngoai ky 1
Nhạc sĩ Văn Cao
 

Không ai ở nơi này đặt dấu hỏi cho vấn đề đó. Thông tin chính thức cho thấy thu nhập bình quân đầu người ở đây chỉ là hơn một trăm đôla Mỹ một năm. Để sinh nhai, một bác sĩ quản lý một bệnh viện đã phải làm người gác cổng về đêm. Một vị tướng tài ba khi nghỉ hưu phải trông chờ vào bà vợ bán thuốc lá ở vỉa hè; thậm chí bà còn phải đi bộ thêm hai dặm mỗi ngày chỉ để giữ thể diện trước bà con lối xóm. Vì đâu tôi biết điều này? Tôi có đi vòng quanh cùng Tiến, một thanh niên thân thiện làm ở Bộ Ngoại giao được phân công nhiệm vụ phiên dịch cho tôi và sắp xếp các cuộc gặp cần thiết - với một nhà kinh tế học, một nghệ sĩ, một ông chủ nhà máy, hoặc một quan chức từ Đảng Cộng sản cầm quyền. Họ cũng đều là những người thân thiện, một số người cực kỳ thân thiện và có hơn một lần, khi tôi đụng chạm tới những vấn đề nhạy cảm, họ gợi ý tôi hãy “viết một cách ẩn ý".

 

Nhưng đôi khi tôi không cần tới phiên dịch, và vì thế khi tôi mô tả cách mà những việc này vận hành nơi đây - rằng người dân phải vật lộn ra sao trong cuộc sống thường ngày, ví dụ - tôi không ám chỉ cụ thể bất kỳ ai, bạn sẽ hiểu rằng tôi biết rõ họ không muốn bị nhận diện hoặc có thể bị nhận diện.

 

Hà Nội vào tháng Giêng, tiết trời giá lạnh, và thật ngạc nhiên vì điều này. Gió se se lạnh thổi trên mặt hồ, gợi cảm giác khoan khoái. Một nhóm các cô gái trẻ nối đuôi nhau tới công sở sau khi đã tập thể dục buổi sáng. Và tôi dừng lại ở một hàng ăn nhỏ gần đó, nơi nổi tiếng vì có món phở ngon nhất thành phố này, còn có cả rượu gạo, thật tuyệt cho bữa sáng. Rồi đi tới Nhà máy xe đạp Viha (Nhà máy xe đạp Thống Nhất, chú thích của người dịch). Đại hội Đảng VI đã kêu gọi “đổi mới tư duy” và đặc biệt chỉ thị đổi mới trong nông nghiệp và công nghiệp (công nghiệp nhẹ hay công nghiệp hàng tiêu dùng, chú thích của người dịch), để phát triển sản xuất. Tôi rất muốn tìm hiểu tác động của nó lên nhà máy quốc doanh điển hình này.

 

Tôi thấy những công nhân lành nghề làm việc với những máy móc cổ xưa đóng dấu các bộ phận, định hình và ráp chúng lại với nhau. Cứ trong 100 chiếc xe đạp thì có 2 tới 3 chiếc được chạy thử bằng động cơ mô tô trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Chiếc xe đạp được treo 4 quả tạ để nâng tổng trọng lượng lên 180 pounds (tương đương 90kg, chú thích của người dịch). Một chiếc xe đạp được treo 7 quả tạ tổng cộng lên tới 210 pounds (tương đương 105kg, chú thích của người dịch) đi qua những ổ gà mô phỏng - chiếc xe được chạy thử cho tới khi bị hỏng để người ta kiểm tra xem những phần nào cần được gia cố. Nhưng tại sao việc phun sơn được thực hiện ở đó và lắp ráp xe thì trên phố? Vì đâu rất nhiều công nhân chỉ đứng xung quanh rất lâu trước giờ ăn trưa?

 

Vị phó giám đốc và người đứng đầu Đảng ủy nhà máy đưa ra đủ lời giải thích. Tất cả những lời giải thích này cùng đi đến một điểm: họ được giao chỉ tiêu sản xuất 16.000 chiếc xe đạp trong năm nay - “và chúng tôi có thểđạt được chỉ tiêu đó, vậy thì sao phải thay đổi?”.

 

Nhưng chẳng phải Đại hội Đảng đã kêu gọi phát triển sản xuất hay sao? Ồ vâng, họ nói, họ cũng luôn nghĩ về việc nâng cao hoạt động của mình, “nhưng đó không phải vấn đề đơn giản, cần nhiều thời gian, rất nhiều thời gian”.

 

Đại hội Đảng VI cũng đã hợp pháp hóa các doanh nghiệp tư nhân. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Văn Linh đi tham quan một nhà máy tư nhân đặt tại một căn nhà phố trong một con ngõ ở quận Hai Bà Trưng.

 

Ở tầng dưới, các khung dệt vải lụa được mua lại từnông dân còn tầng trên được in dấu bởi những thiết kế đầy màu sắc. Người chủ hãnh diện nói rằng, ông bắt đầu công việc này từ bốn năm trước với 15 nhân viên, “giống như một hợp tác xã”. Giờ ông có 85 công nhân được trả lương theo năng lực. Năm ngoái, ông xuất khẩu tới Nhật Bản ước đạt 100.000 đôla Mỹ, và ông hưởng trọn lợi nhuận, ông có đóng 10% thuế.

 

(Hết kỳ 1)

 

Tác giả: Peter T. White / Ảnh: David Alan Harvey (Tạp chí National Geographic - Số tháng 11/1989 - Đỗ Phương Linh dịch)

 
tin tức liên quan