“Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc Từ cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc sau 40 năm nhìn lại” – Hoàng Kiền

Ngày đăng: 05:39 17/02/2019 Lượt xem: 531
QUAN HỆ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC
TỪ CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
SAU 40 NĂM NHÌN LẠI.
Tác giả: Thiếu tướng Hoàng Kiền - Anh hùng LLVTND Việt Nam,
nguyên Tư lệnh Công binh Việt Nam.

 
PHẦN I
BỐI CẢNH DIỄN RA
GIAI ĐOẠN QUAN HỆ HỮU NGHỊ TỐT ĐẸP
         Việt Nam Trung Quốc là hai nước láng giềng, với đường biên giới chung dài hơn 1400 ki lô mét, do đó có nhiều thuận lợi trong quan hệ giữa hai nước. 
         Năm 1930 được sự giúp đỡ của những người cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô sang Trung Quốc tổ chức hội nghị thành lập Đảng cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay....
         Năm 1941 sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã qua Trung Quốc về Việt Nam, Người dừng chân ở Pắc Bó - Cao Bằng ngay sát biên giới Việt - Trung để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
         Khi Trung Quốc kháng chiến chống Quốc dân đảng, Quân đội Việt Nam hành quân vượt Thập Vạn Đại Sơn theo điện yêu cầu của đồng chí Chu Ân Lai sang đánh dẹp quân Tưởng, giải phóng vùng đất Ung-Long-Khâm để đón đại quân Nam Hạ của Giải phóng quân Trung Quốc v.v
Trong kháng chiến chống Pháp, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Nam được Trung Quốc ủng hộ rất lớn. 
         Cuối năm 1953 Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 24 khẩu pháo để thành lập trung đoàn lựu pháo 105 mm chuẩn bị cho chiến dịch này.
         Bước vào chiến dịch, Việt Nam đề nghị Trung Quốc giúp đỡ và Trung Quốc lập tức đáp ứng trên tinh thần "toàn lực chi viện, chiến trường cần thứ gì, cần bao nhiêu, đều cố gắng cung cấp nhanh nhất". Trước yêu cầu cấp bách, Trung Quốc đã viện trợ 1.700 tấn gạo, bằng 6,8% tổng số gạo huy động cho chiến dịch, chi viện 3.600 viên đạn pháo 105 mm ( đó là cơ số đạn đi theo 24 khẩu pháo viện trợ đã đưa về Việt Nam ), chiếm 18% tổng số đạn pháo sử dụng, sau chuyển thêm cho Quân đội nhân dân Việt Nam 7.400 viên đạn 105 mm, mặc dù đạn pháo 105 mm của Trung Quốc đã trở nên khan hiếm sau chiến tranh Triều Tiên (tuy nhiên, vì điều kiện vận chuyển khó khăn, đến tháng 5-1954, 7.400 viên đạn này mới tới nơi khi trận đánh đã kết thúc). Trung đoàn lựu pháo 105 mm là đơn vị hỏa lực mạnh nhất của Việt Nam, do Trung Quốc giúp đỡ đã rót đạn xuống đầu thù khiến địch hoảng hốt, mất tinh thần.
         Trung đoàn Pháo cao xạ 367 có khí tài là những khẩu pháo cao xạ 61-K 37 mm do Trung Quốc viện trợ.
         Sau 8 tháng huấn luyện tại Trung Quốc, ngày 1 tháng 12 năm 1953, toàn bộ đội hình Trung đoàn cùng khí tài đã về nước. Năm 1954, Trung đoàn 367 chính thức tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, Trung đoàn cao xạ 367 đã lập được nhiều chiến công quan trọng, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội khắp năm châu. 
         Kết thúc chiến dịch đã bắn rơi 52 máy bay (trong đó có 2 trực thăng), bắn bị thương hàng trăm chiếc khác.
         Chuẩn bị cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Ðoàn cố vấn quân sự Trung Quốc do Thượng tướng Vi Quốc Thanh dẫn đầu đã tích cực tham gia cùng các tướng lĩnh Việt Nam trong các khâu khảo sát, lên kế hoạch và chuẩn bị chiến trường. Về phương án tác chiến, sau khi cân nhắc thuận lợi và khó khăn về cách đánh, cũng như về khả năng bảo đảm hậu cần, ngày 9-12-1953, các cố vấn Trung Quốc đề nghị chọn phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" trong hai phương án được đặt ra. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kế hoạch tác chiến "đánh chắc, tiến chắc" của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp; đồng thời, phân tích và quan sát tình hình thực tế, ngày 26-1-1954, đoàn cố vấn Trung Quốc đã hoàn toàn ủng hộ phương án của Ðại tướng.
         Hoà bình lập lại trên miền Bắc, Trung Quốc tích cực ủng hộ, viện trợ cho Việt Nam phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, củng cố quốc phòng. Hàng loạt công trình, nhà máy được xây dựng trên Miền Bắc Xã hội chủ nghĩa có các chuyên gia, công nhân kĩ thuật bậc cao của Trung Quốc, với khí thế đoàn kết thi đua sôi nổi hừng hực....
         Đảo Bạch Long Vĩ bị quân Tưởng Giới Thạch chiếm đóng từ năm 1945 khi vào Việt Nam giải giáp quân Nhật, sau khi hiệp định Geneva kí kết họ không trả Việt Nam. Năm 1956 Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc ra giải phóng đảo này. Sau đó Trung Quốc thông báo trao trả cho Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nói do không có tàu, đề nghị Trung Quốc giữ giúp. Trung Quốc đã tặng Việt Nam 2 chiếc tàu để ra tiếp quản đảo Bạch Long Vĩ. ( Tôi có gần 3 năm công tác, xây dựng công trình ở đây...)
         Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam do đế quốc Mỹ tiến hành bắt đầu leo thang năm 1965, Trung Quốc tiếp tục là nước dẫn đầu về viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo đánh giá của Liên Xô, từ năm 1955 đến 1965 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cung cấp cho Việt Nam 511,8 triệu rúp viện trợ kinh tế (khoảng 569 triệu đôla). Trong tổng số này có 302,5 triệu rúp (336 triệu đôla) được cung cấp dưới dạng các khoản viện trợ.
Năm 1958 Trung Quốc để mất vị trí đứng đầu trong việc viện trợ, nhưng họ tiếp tục cung cấp một khối lượng lớn viện trợ cho Bắc Việt Nam. Bắc Kinh là nguồn cung cấp chủ yếu ngoại tệ mạnh cho Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Năm 1966, Trung Quốc gửi cho Việt Nam 20 triệu đôla, năm 1967 khoản viện trợ này lên đến 30 triệu đôla. Và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục cung cấp thực phẩm và vũ khí cho Bắc Việt Nam. Nguồn vũ khí, quân phục, lương thực... của Trung Quốc gần như chiếm vị trí tuyệt đối trong các đơn vị chủ lực của QĐNDVN.
         Một số đơn vị quân đội Trung Quốc được triển khai ở một số tỉnh Bắc Việt Nam vào năm 1965. Phần lớn lực lượng này là các đơn vị xây dựng cầu đường, các đơn vị công binh công trình, có một số đơn vị phòng không.
Những trung đoàn đầu tiên của Trung Quốc được đưa tới miền Bắc Việt Nam năm 1965.
         Công binh Trung Quốc đã sang giúp Việt Nam đào các đường hầm pháo binh trên các đảo và một số điểm khu vực biên giới phía Bắc. Một số đơn vị phòng không của Trung Quốc sang Việt Nam tham gia chống chiến tranh phá họai của Mỹ đối với miền Bắc Việt Nam, đã bắn rơi hơn một trăm máy bay ( tôi được nghe BQP thông báo số liệu chính thức này ), một số quân nhân Trung Quốc đã hi sinh khi sang giúp Việt Nam đánh Mỹ, thi hài được qui tập vào các nghĩa trang liệt sĩ riêng tại miền Bắc Việt Nam.
         Xăng dầu Liên Xô viện trợ cho Việt Nam được chuyển qua Trung Quốc đưa đến hai điểm biên giới khu vực Lạng Sơn và Quảng Ninh, từ đây theo đường ống bơm vào chiến trường qua đường Trường Sơn.
         Đoàn chuyên gia quân sự Trung Quốc đầu năm 1971 đã vào đến khu vực đường 9 - Nam Lào trên đường Trường Sơn để nghiên cứu về vận chuyển chi viện cho chiến trường, giúp Việt Nam đánh Mỹ, chúng tôi đã tiếp xúc với họ tại Binh Trạm 32, thắm tình đồng chí, tình hữu nghị .
         Ngày 30/4/1975 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn, Tổ quốc thống nhất, cả nước tập trung xây dựng Chủ nghĩa xã hội với khí thế thật sôi nổi. Trung Quốc tiếp tục viện trợ kinh tế, hàng trăm công trình được trển khai với sự giúp đỡ của các chuyên gia, cán bộ, công nhân kỹ thuật bậc cao của Trung Quốc để khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng đất nước.

 
NHỮNG BẤT ĐỒNG HIỆP ĐỊNH GENEVA
         Trong đàm phán đi đến ký kết hiệp định Geneva, Trung Quốc có vai trò rất quan trọng, nhưng đưa ra nội dung kí kết chưa thỏa đáng với Việt Nam.
Trọng cuốn sách “ Bên thắng cuộc “ của tác giả Huy Đức có viết : 
         ... Hành động của Chu Ân Lai tối 22-7-1954 cũng khiến cho nhiều nhà ngoại giao miền Bắc Việt Nam “để bụng”. Hôm ấy, sau khi ký Hiệp định Geneva, Chu tổ chức một dạ tiệc chia tay, mời cả Ngô Đình Luyện, người của phía Việt Nam Quốc gia. Trong bữa tiệc, Chu còn đề nghị chính quyền Sài Gòn mở cơ quan đại diện ngoại giao ở Bắc Kinh: “Tất nhiên, về mặt ý thức hệ thì Phạm Văn Đồng gần gũi chúng tôi hơn, nhưng điều đó không loại bỏ việc có đại diện từ miền Nam. Suy cho cùng, chẳng phải tất cả các đồng chí đều là người Việt Nam, và chẳng phải tất cả chúng ta đều là người châu Á hay sao?”.
         Trong hồi ký được công bố chính thức trên báo Nhân Dân184, thư ký kiêm phụ trách báo chí của đoàn Việt Nam trong Hội nghị Geneva, ông Nguyễn Thành Lê, gọi sự kiện Chu Ân Lai mời Ngô Đình Luyện mở tòa lãnh sự tại Bắc Kinh là “câu kết với Pháp và tay sai”. Ông Lê cho rằng “Bắc Kinh đã ép buộc Hồ Chí Minh phải chia đôi Việt Nam theo Vĩ tuyến 17”. Theo ông Hoàng Tùng, ngày 3-7-1954, sau khi đạt được thỏa thuận với Mỹ và Pháp, Chu Ân Lai rời Geneva về gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp tại Liễu Châu, thông báo với Hồ Chí Minh ý kiến của Molotov và của ông ta, dự định chia cắt Việt Nam thành hai miền ở Vĩ tuyến 17.
         Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh nhất quyết đòi, dẫu có lùi cũng chỉ Vĩ tuyến 15 hoặc tối thiểu là 16. Một mặt, Chu Ân Lai “dọa”, Hoa Kỳ có thể nhảy vào vòng chiến và khi đó, Liên Xô và Trung Quốc sẽ không thể hỗ trợ cho Hồ Chí Minh. Một mặt, ông ta mềm dẻo: “Ghi nhớ lời dặn của Hồ Chủ tịch, nhưng xin phép, tướng ngoài biên ải được căn cứ vào tình hình thực tế mà quyết định”. Theo ông Việt Phương, một thư ký trong Đoàn đàm phán Hiệp định Geneva của Việt Nam: “Về sau Phạm Văn Đồng thừa nhận, khi Chu Ân Lai nói sông Bến Hải sẽ được lấy làm giới tuyến, ông Phạm Văn Đồng không biết là Việt Nam có con sông ấy. Họ đã nghiên cứu kỹ đến như vậy để ép chúng ta”.
         Trung Quốc, Liên Xô rõ ràng đã không làm hết sức mình cho Việt Nam trên “tinh thần quốc tế vô sản”, nhưng Việt Nam không thể nào độc lập khi không chỉ lệ thuộc “hai ông anh lớn” về vũ khí để đánh nhau với người Pháp ở Điện Biên Phủ mà còn lệ thuộc cả phương tiện đàm phán trong Hội nghị Geneva. Theo ông Việt Phương, lúc đó đoàn đàm phán không có điều kiện để trao đổi với Đảng và Chính phủ. Tất cả mọi thông tin liên lạc đều phải nhờ qua Trung Quốc. Từng cuộc họp một, Phạm Văn Đồng báo cáo về cho Hồ Chí Minh đều phải sử dụng điện đài và mật mã của Đoàn Trung Quốc. Trong thời gian nghỉ, Chu Ân Lai lại bay về gặp Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh. Mọi tính toán của Đoàn và chỉ đạo ở nhà đều ở trong tay Trung Quốc.
QUAN ĐIỂM CỦA TRUNG QUỐC
ĐỐI VỚI CUỘC ĐẤU TRANH VŨ TRANG Ở MIỀN NAM VIỆT NAM
         Theo hiệp đinh Geneva tháng 6/1956 tiến hành tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Ngô Đình Diệm phá hoại hiệp định, đưa ra đạo luật 10/59 , lê máy chém đi khắp miền Nam để giết hại những người yêu nước, hàng chục vạn người bị chém giết dã man . Chủ trương của Đảng lao động Việt Nam là tiến hành đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ độc tài ngụy quyền Sài Gòn. Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội là Hà Vĩ biết tin này đã điện báo cáo về cho lãnh đạo Trung Quốc. Mao Trạch Đông trả lời ngay : Việt Nam không thể làm như vậy được, Việt Nam nhất định phải trường kì mai phục. Đảng ta không nhất trí, chúng ta bí mật tổ chức phát triển lực lượng vũ trang của ta, đẩy mạnh kháng chiến để đánh đổ chế độ tay sai bán nước, giành chính quyền.
         Sau đó đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng ta do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu sang thăm Trung Quốc, gặp Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình nói “ các đồng chí, bây giờ cái sai của các anh thành việc đã rồi, các anh chỉ nên đánh ở mức trung đội trở xuống thôi”...
THOẢ THUẬN MỸ TRUNG TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM
         Thông qua ngoại giao bóng bàn, lãnh đạo Trung Quốc đã mời tổng thống Mỹ sang thăm Trung Quốc, một bước ngoặt lớn trong quan hệ Mỹ - Trung có liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam.
         “Chuyến thăm Trung Hoa của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 là 1 sự kiện quan trọng trong lịch sử ngành Ngoại giao hiện đại. Chuyến thăm lịch sử đánh dấu sự thay đổi cục diện thế giới, biến "cái bắt tay lịch sử giữa lãnh đạo hai nước bên kia Thái Bình Dương" thành hiện thực và đánh dấu sự khởi đầu cho một kỉ nguyên mới.
         Một vấn đề khác 2 bên cần bàn thảo là về cuộc chiến tại Việt Nam. Washington hy vọng giành được sự giúp đỡ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để sớm chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam một cách thuận lợi, cho phép Hoa Kỳ " luồn lách" ra khỏi Việt Nam. Theo tính toán, Tổng thống Mỹ phải cố gắng thuyết phục Mao. Trạch Đông và Chu Ân Lai ép Hà Nội đi vào 1 giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến.
         Tuy nhiên Chu Ân Lai nhấn mạnh rằng trước khi có cuộc họp cấp cao, không bên nào được thảo luận công khai về cuộc chiến và phía Mỹ tán thành. Trung Quốc lo ngại những tác động tới đồng minh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của họ. Nếu Washington hoặc Bắc Kinh thừa nhận rằng Việt Nam là 1 phần trong chuyến đi của Tổng thống Mỹ tới Trung Hoa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chắc chắn sẽ chạy ngay tới sát Moskva hơn nữa và sức ép của Bắc Kinh sẽ không còn hiệu quả. Kết quả là Chu Ân Lai nhấn mạnh tới 1 sự im lặng về "vấn đề Việt Nam" và Nixon cũng thông báo cẩn thận về vấn đề này.
         Trong tuyên bố chung Trung-Mỹ đưa ra vào cuối tuần Nixon ở thăm Trung Quốc, nguyên nhân khiến 2 nước xích lại gần nhau là vì họ cùng phải chống lại những người Xô Viết Nga. Phản đối bá quyền của Liên Xô ở châu Á và Thái Bình Dương, rõ ràng ám chỉ việc làm suy yếu ảnh hưởng của Moskva ở khu vực.
         Trung Quốc mong muốn Nixon sẽ được tái đắc cử vào năm 1972.
         Nội dung bản thông cáo chung Thương Hải năm 1972 đề cập đến tình hình Đông Dương, Chính phủ Hoa Kỳ khẳng định lại mục đích của mình là tìm cách giải quyết vấn đề Việt Nam bằng thương lượng.
         Có thể nói "mưu toan" của Mỹ trong chính sách ngoại giao nước lớn là: buộc Trung Quốc cắt giảm viện trợ cho Việt Nam hòng ngăn chặn cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam ở miền Nam.
         Năm ngày sau khi đoàn Mỹ rời Bắc Kinh, Chu Ân Lai bay đi Hà Nội. Ông cam đoan với lãnh đạo Việt Nam là ông ta không bán rẻ họ trong cuộc họp cấp cao với Nixon.
         Trên thực tế, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo dõi những cuộc gặp gỡ thân tình ở Bắc Kinh giữa Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai với Nixon với sự lo ngại và cảnh giác.
         Những người cộng sản Việt Nam đã bày tỏ quan điểm của mình nhân dịp Đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham dự Hội nghị Phong trào Không Liên kết năm 1973 tại Algérie . Tại Hội nghị này, Cộng hòa miền Nam Việt Nam trở thành Thành viên Chính thức của Phong trào Không Liên kết; mà từ năm 1970 đến năm 1973 chỉ là Quan sát viên. Nhân sự kiện này, Báo Nhân dân đã ra Bài Xã luận quan trọng "Thắng lợi của Xu thế Cách mạng" - Bài Xã luận này được các nước lớn trên Thế giới (Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ,...) quan tâm đặc biệt - Bài Xã luận tỏ rõ Quan điểm của Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam là "Thời kỳ của các nước lớn tập trung lại để đè bẹp các nước nhỏ đã vĩnh viễn qua rồi". Qua Bài Xã luận này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn thể hiện thái độ của mình với Cuộc gặp giữa Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai với Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon ngày 17 tháng 2 năm 1972 tại Thượng Hải, Trung Quốc.
         Trong cuốn sách “ Bên thắng cuộc “ của tác giả Huy Đức có nói rằng: năm 1973, ông Lê Duẩn kể với bà vợ Nguyễn Thụy Nga: “Khi Nixon thương lượng với Trung Quốc, nó ra điều kiện nếu Trung Quốc để cho Mỹ ném bom B52 ra miền Bắc thì Mỹ sẽ nhường hòn đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc. Trước kia Trung Quốc có hứa nếu Mỹ đánh miền Bắc thì Trung Quốc sẽ can thiệp, nhưng sau chuyến đi của Nixon, Trung Quốc tuyên bố ‘mi không đụng đến ta, ta không đụng đến mi’. Do đó, Mỹ cho máy bay bắn phá liên tục mười hai ngày đêm ở Hà Nội, Hải Phòng, đánh các đê điều ở miền Bắc, với ý đồ đưa miền Bắc vào thời kỳ đồ đá. Mỹ dùng B52, dùng F111A, hai loại máy bay hiện đại nhất. 
         Sau đó, Chu Ân Lai sang gặp anh ở Hồ Tây. Ông đi dưới bậc thang lên đưa tay, anh không bắt. Anh nói: “Các đồng chí đã bán đứng chúng tôi. Các đồng chí lấy xương máu của dân tộc Nam để trả giá với Mỹ. Chúng tôi biết nhưng chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ đánh đến cùng và nhất định chúng tôi sẽ thắng ”.
         Theo đại tá Khuất Biên Hoà - nguyên thư kí của Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng /BQP, Chủ tịch nước kể lại về những gì được biết là : sau khi đón tiếp Nixon, Chu Ân Lai bay sang Hà Nội Đc Lê Duẩn đón tại nhà khách của sân bay Gia Lâm. Khi nghe Chu Ân Lại giải thích chuyến thăm của Nixon là để bàn về kết thúc chiến tranh Việt Nam.
         Ông Lê Duẩn với thái độ gay gắt nói:
         Nếu bàn về kết thúc chiến tranh Việt Nam phải bàn trên đất Việt Nam sao lại bàn trên đất Trung Quốc. 
Các đồng chí không tiếp Nixon chúng tôi đánh hai ba năm nữa sẽ thắng, các đồng chí tiếp nó, mai nó sẽ đánh phá dữ dội hơn, chúng tôi phải đánh mười năm mới thắng.
         Hai bên gay gắt to tiếng với nhau, Chu Ân Lai ngượng ngùng lên máy bay về nước luôn.
        Sau chuyến thăm của tổng thống Mỹ đến Trung Quốc, viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam có thay đổi theo chiều hướng xấu đi, chúng tôi những người chiến sĩ trên đường Trường Sơn đều thấy vấn đề này. Số lượng vũ khí, hậu cần giảm đi, chất lượng có số không tốt, súng thiếu kim hỏa, đạn thiếu ngòi nổ ...
         Ngày 18/12/1972 Mỹ đưa máy bay chiến lược B52 đánh phá thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một sô địa điểm của Miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc làm ngơ... với tuyên bố “mi không đụng đến ta, ta không đụng đến mi”.
        Ngày 19/1/1974 Trung Quốc đưa hải quân đánh chiếm hết các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do quân đội ngụy Sài Gòn đóng giữ, họ đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong khi hạm đội 7 của Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông, ngụy quyền Sài Gòn đề nghị giúp đỡ, Mỹ làm ngơ...
         Ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng, Đại tướng Dương Văn Minh - tổng thống ngụy quyền Sài Gòn tuyến bố đầu hàng không điều kiện, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn. Trong buổi lễ mừng chiến thắng, Bí thư thứ nhất Đảng lao động Việt Nam Lê Duẩn đã đọc một bài diễn văn quan trọng, trong đó có nội dung cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước Xã hội chủ nghĩa anh em.... Trung quốc không đồng ý với lời cám ơn này khi xếp Trung Quốc sau Lên Xô, những bất đồng tiếp tục bị khoét sâu thêm
( còn nữa )

tin tức liên quan