Cũng như mọi năm, vào dịp 17.2, dân tộc chúng ta lại có dịp tưởng nhớ đến những ngày mà "Tập đoàn bành trướng Bắc Kinh" đã đưa 600.000 quân cùng nhiều phương tiện, vũ khí xâm lược nước ta. Họ cậy thế "biển người" tràn sang khắp các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam với cái cớ muốn "dạy cho Việt Nam một bài học" (!!!). Vậy mà nay, cuộc chiến ấy đã tròn 40 năm.
Cuộc chiến tranh này sau đó rơi vào thế giằng co và bùng phát trở lại vào năm 1984, khi Trung Quốc lại tung ra cuộc tấn công 6 tỉnh biên giới một lần nữa. Nhưng điểm nổi bật là họ đánh chiếm núi Đất (Vị Xuyên), rồi tiếp đó cuộc chiến đầy khốc liệt, dai dẳng đã dàn trải trên cả mảnh đất của huyện đặc biệt này. Nhiều nhà quân sự trong nước và quốc tế đã xem nó như có 2 cuộc chiến tranh ở nước ta trong 10 năm chứ không phải chỉ là 1.
Và phải thêm 5 năm sau đó (1989), biên giới Việt -Trung mới thực im tiếng súng thì quả là không ai có thể ngờ được.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng tới gia đình mừng thọ Trung tướng Đặng Quân Thuỵ sang tuổi 90 rất chu đáo, ấm cúng.
Đã là chiến tranh thì bên nào cũng sẽ tổn thất
Tổn thất trong 10 năm đã khiến cho cả 2 nước thiệt hại thật nặng nề và cũng là bài học sâu sắc cho cả hai bên dù có thể với cách nhìn có khác nhau.
Tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân ta trong 3 ngày đầu của chiến dịch mà Trung Quốc phát động đã khiến phía họ thiệt mạng khoảng 5.000 quân, không kể vô số quân bị thương.
Còn phía chúng ta, có lẽ điển hình nhất là ở mặt trận Vị Xuyên (thuộc Hà Giang ngày nay) vào những năm 1986-1987 đầy khốc liệt rồi mới đi đến kết thúc thì cũng chưa khi nào chúng ta công bố toàn bộ con số chính xác phía quân ta hy sinh.
Đây có lẽ là cả một vấn đề cũng đến lúc cần được chính thức công bố.
Tôi đã nhiều lần hỏi cụ thể con số hy sinh trong suốt 10 năm của cuộc chiến tranh này với Trung tướng Đặng Quân Thuỵ - vị tướng của trận mạc khắp trong Nam, ngoài Bắc và cả Campuchia.
Theo thống kê của phía ta thì Trung Quốc thiệt mạng 26.000 quân cùng với 37.000 quân bị thương, chưa kể thiệt hại về vật chất trên toàn tuyến biên giới.
Phía ta, tuy chưa có công bố chính thức nhưng cũng có cả chục nghìn cán bộ, chiến sĩ và dân quân, tự vệ bị hy sinh, không kể hàng chục nghìn dân thường chết oan... Ông Thuỵ cho biết thế.
Với tư cách là người trong cuộc nhưng chỉ là vị tướng chỉ huy ở một vùng biên giới nên có thể ông khiêm tốn, chỉ muốn nhìn nó ở phạm vi hẹp tại khu vực mà ông đảm trách và biết kỹ.
Ông Thuỵ nói tiếp: “Nếu chỉ tính riêng ở mặt trận Vị Xuyên, một huyện giáp biên thuộc tỉnh Hà Giang bây giờ, chúng ta đã hy sinh khoảng trên 4.000 cán bộ, chiến sĩ chủ lực quân, chưa kể dân quân địa phương. Tức là non nửa con số đã hy sinh của cả cuộc chiến 10 năm trời trên 6 tỉnh biên giới. Như thế là đủ hiểu tính khốc liệt ở đây đến mức nào. Đến nay, vẫn còn đến trên 2.000 người chưa tìm thấy hài cốt bởi đạn pháo địch và các vũ khí ngày ấy đã nghiền nát thi thể các đồng chí chúng ta cùng với đá núi...”.
Trung tướng Đặng Quân Thuỵ trao đổi với tác giả. (Ảnh: Q.P)
Nhớ đến quá khứ để có trách nhiệm tri ân người ngã xuống
Trung tướng Đặng Quân Thuỵ năm nay đã bước sang tuổi 91 nhưng trí tuệ thì vẫn rất sáng suốt. Ông nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân khu 2 (giai đoạn 1987-1992). Khi cuộc chiến đang vào lúc cam go, khốc liệt nhất thì chính ông là Phó Tư lệnh Quân khu 2 trực tiếp kiêm Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên (năm 1986).
Qua những cuộc trò chuyện cùng ông đã không dưới vài ba lần, tôi đã hiểu thêm, có lẽ ông luôn cảm thấy chính mình cùng cả dân tộc chúng ta đang còn mang một món nợ vô cùng lớn trước vong linh những người đã ngã xuống vì công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.
Tôi nhìn ông, một vị tướng vừa quắc thước, phong độ lại vừa nhân hậu và trí tuệ nhưng cũng đủ tinh ý để nhận ra nét mặt ông thoáng đượm một nỗi buồn sâu thẳm. Nỗi buồn của vị lão tướng đã từng trực tiếp nhiều lần cầm quân đánh trận trong các cuộc chiến tranh suốt 45 năm không ngơi nghỉ.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã có 2 lần bị thương (năm 1945), khi vừa thi xong Tú tài ở trường Bưởi (Lycé edu Protectorat), Hà Nội thì tham gia Nam tiến chống Pháp tại mặt trận Ban Mê Thuột, và bị rất nặng (vào năm 1979), khi chiến đấu chống lực lượng Khmer đỏ Campuchia tại biên giới Tây - Nam nước ta với tư cách Tư lệnh Binh chủng Hoá học được tăng cường cho chiến trường.
Ông Đặng Quân Thuỵ cho rằng, cuộc chiến tranh cũng đã lùi xa. Cả hai phía, theo ông nhìn nhận thì đều thấu hiểu sự mất mát bởi hậu quả của chiến tranh mang lại. Và cũng chính vì thế, nhân dân 2 nước sẽ càng mong muốn hoà bình hơn bao giờ hết.
Dân tộc Việt Nam chúng ta từ thời Đức Thánh Trần Hưng Đạo hay thời Vua Lê Lợi, chúng ta đã luôn thể hiện với kẻ xâm lược khi họ thua trận một lối ứng xử đầy nhân đạo, cấp lương thực, thuyền bè cho về nước an toàn mà không đánh tới cùng một khi kẻ bại trận đã giương cờ đầu hàng. Chúng ta luôn khát khao được sống trong hoà bình và mong mỏi có người láng giềng tốt.
Thiệt hại trong chiến tranh thì tất cả sẽ đều thiệt hại, chẳng từ phía nào. Làm sao tránh được chiến tranh, sống trong yên ổn mới là điều dân tộc ta mong muốn dù trước đó, kẻ nào một khi dám động đến giang sơn này cũng sẽ phải trả giá...
"Chúng ta luôn mong muốn nước họ cũng phải thấy rằng khi đã xung đột nhau thì rồi sẽ chả giải quyết cái gì tốt đẹp. Được sống trong hòa bình thì nhân dân 2 nước sẽ đều thuận lợi, ấm no, hạnh phúc" - Tướng Thuỵ tâm sự.
Ông kể rằng, trong vài năm gần đây, mỗi khi có dịp trở lại chiến trường xưa, ông vô cùng ấn tượng trước sự thay da đổi thịt của nhiều vùng cao phía bắc Tổ quốc. Cũng nhờ có hoà bình mà các địa phương xây dựng, phát triển kinh tế đến chóng mặt và nhìn thấy rất khang trang.
Cứ nhìn mấy địa phương như thành phố Lào Cai ngày nào bị san bình địa do đạn pháo, như Lạng Sơn rồi Cao Bằng cũng đều vậy... Rất ấn tượng! Đời sống nhân dân rất phong phú, kinh tế phát triển đến độ không ngờ. Ngay cả huyện Vị Xuyên của Hà Giang mà tôi từng chỉ huy chiến đấu ở đó cũng thế. Thật khác xưa vô cùng!
Phải nói là từ đống tro tàn, từ đống gạch đổ nát của chiến tranh, nhân dân các tỉnh biên giới với nỗ lực tự thân rất lớn cùng sự chỉ đạo của Trung ương và chi viện của cả nước đã nỗ lực xây dựng một bộ mặt mới và bây giờ, tôi thấy tình hình đã đổi mới hoàn toàn ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cựu Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên - Trung tướng Đặng Quân Thuỵ bên những ngôi mộ đồng đội tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang. (Ảnh: Q.P)
Tuy nhiên, vẫn theo Trung tướng Đặng Quân Thuỵ “dù chiến tranh đã kết thức 30 năm rồi, nhưng tôi thấy Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên bây giờ cũng còn sơ sài lắm. Cần xây dựng, chỉnh trang sao cho vừa trang nghiêm, ấm cúng lại vừa tiết kiệm mà vẫn đẹp. Đây cũng là một trong nhiều cách để tri ân cả ngàn người đã nằm xuống mảnh đất thiêng liêng này.
"Chúng ta cần phải tri ân người đã khuất bằng nhiều cách, phải sớm tìm được hài cốt hoặc mộ phần chưa rõ tên của những người lính và dân quân địa phương đã ngã xuống vì Tổ quốc. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện chính sách nói chung đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ trong cả nước", ông khẳng định.
Trung tướng nhấn mạnh thêm: "Không ai được phép lãng quên lịch sử. Nhắc đến lịch sử là để xem nó như một bài học. Chúng ta nhắc đến quá khứ nhưng tránh kích động, gây chia rẽ quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Chúng ta chỉ mong qua đó, cả hai nước sẽ cùng nhau nhìn lại, tránh đi mọi tranh chấp bằng vũ lực, cùng giải quyết hòa giải trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nhắc đến quá khứ là để chúng ta càng phải có trách nhiệm để hoàn thiện chính sách cho tốt hơn nhằm tri ân những người đã ngã xuống cũng như người còn sống, đã từng hy sinh xương máu cho Tổ quốc”.
Ông tâm sự: Trước tiên, việc tìm kiếm quy tập hài cốt những người còn lại bây giờ, cái khó khăn nhất trước hết vẫn là công tác tổ chức. Chúng ta cần thành lập các đội quy tập. Trước kia việc đi tìm số hài cốt đồng đội còn sót lại trên chiến trường thường là anh em đồng đội ở đơn vị cũ tự tổ chức.
Nhưng bây giờ Trung ương đã thành lập hẳn một đơn vị để đi tìm hài cốt anh em. Bộ Quốc phòng giao hẳn cho Quân khu 2 mà tập trung vẫn là “điểm nóng” như Vị Xuyên - nơi có một lượng người hy sinh vô cùng lớn trong số tất cả các địa phương biên giới phía Bắc...
Điều đáng phấn khởi nữa là vấn đề kinh phí. Trước kia, anh em tự đóng góp với nhau để làm cho gia đình đồng đội hoặc tình nguyện vô tư, Nhà nước chỉ cung cấp một ít thôi. Bây giờ rõ ràng là đã có tổ chức và được cấp kinh phí. Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng nguồn kinh phí nói trên cũng chưa nhiều và thậm chí còn rất ít so với nhu cầu thực tiễn đòi hỏi. Vì thế, vẫn cần có nhiều nguồn trợ giúp từ xã hội hoá.
Giờ cần phải làm 2 động tác, một là làm sao gỡ được mìn vì ở đó mìn nhiều lắm. Không cẩn thận, mình đi tìm thì mình lại bị thương vong tiếp. Nên chăng hãy cứ gỡ mìn đã rồi lúc bấy giờ mới dò từng hướng một...
Hôm vừa rồi, trên đó cũng tìm được 15 anh em. Chúng ta đã làm một lễ truy điệu rất trang nghiêm, xúc động rồi cẩn thận đưa hài cốt về. Hôm đó, có đồng chí Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, ngoài ra còn có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên là Trung đoàn trưởng thuộc F313 từng chiến đấu ở mặt trận này lên dự - Tướng Đặng Quân Thuỵ cho biết.
Ông Thuỵ cũng bày tỏ một điều rất đáng để chúng ta cùng suy nghĩ nhân dịp tưởng nhớ về cuộc chiến tranh đã đi qua 40 năm tròn. Theo ông, chúng ta cần sớm có những tổng kết cuộc chiến tranh nói trên.
Qua đó, xây dựng khoa học nghệ thuật quân sự về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc để đáp ứng tình hình mới, phục vụ nghiên cứu và học tập, để lực lượng vũ trang chúng ta sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, cũng có điều kiện đúc kết để làm tài liệu giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ sau này thấy được niềm tự hào của các thế hệ cha anh họ đã từng hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc...