“Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc Từ cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc sau 40 năm nhìn lại” - Hoàng Kiền (Tiếp theo ****)
QUAN HỆ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC
TỪ CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
SAU 40 NĂM NHÌN LẠI.
Tác giả: Thiếu tướng Hoàng Kiền - Anh hùng LLVTND Việt Nam,
nguyên Tư lệnh Công binh Việt Nam.
PHẦN VI
CON ĐƯỜNG BÌNH THƯỜNG HOÁ QUAN HỆ GIỮA HAI NƯỚC.
Cuộc chiến tranh biên giới chỉ diễn ra trong một tháng, nhưng xung đột vũ trang biên giới vẫn diễn ra dai dẳng trên toàn tuyến suốt gần một thập kỉ. Hai bên đều căng thẳng, mệt mỏi và tổn thất về nhiều mặt trong đó Việt Nam thiệt hại và khó khăn nhiều hơn. Về quân sự, Việt Nam đã chịu sức ép của Liên Xô thành lập tới 10 quân đoàn gồm các quân đoàn chủ lực trực thuộc Bộ và các quân đoàn mới trực thuộc quân khu. Các quân đoàn 1,2,3,4 từ trước năm 1975, các quân đoàn mới thành lập gồm : 5, 6, 7, 14, 26, 29 đã hoàn chỉnh, quân đoàn 10 đang triển khai thì dừng lại. Trong 10 năm ấy, Trung Quốc cũng không thể làm cho Việt Nam khuất phục và sụp đổ, không ép được Việt Nam rút quân ngay khỏi Campuchia để vực dậy chế độ PolPot . Liên Xô thì muốn Việt Nam tiếp tục xung đột với Trung Quốc để giảm áp lực của Trung Quốc trên tuyến biên giới Xô - Trung, Việt Nam sẽ được Liên Xô viện trợ vũ khí, trang bị kỹ thuật và kinh tế...
Lãnh đạo Việt Nam đã thấy vấn đề không thể cứ chịu sức ép của Liên Xô để tăng quân đội mãi đối phó với Trung Quốc.
Năm 1989 Việt Nam rút quân khỏi Campuchia trước kế hoạch đã thỏa thuận với chính phủ Campuchia do ông Hengxamrin đứng đầu.
Năm 1991 Liên Xô tan rã, phe Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, tình hình thế giới diễn biến bất lợi cho Việt Nam.
Lúc này Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, Khmer đỏ đã tan rã và bị cả thế giới lên án. Đây là thời điểm thuận lợi và cần thiết nối lại quan hệ giữa hai nước XHCN do hai Đảng cộng sản lãnh đạo đã đến.
Ông Lê Đức Anh về nước được giao giữ chức Bộ trưởng / Bộ quốc phòng. Lãnh đạo Việt Nam đã cử Đại tướng Lê Đức Anh UVBCT - Bộ trưởng Bộ quốc phòng làm phái viên sang Trung Quốc gặp lãnh đạo của Trung Quốc bàn về vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước . Đại tướng Lê Đức Anh là người chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia , người tham mưu cho việc rút quân này. Đồng thời Liên Xô cũng tan rã. Trên thực tế lúc này Trung Quốc không còn lý do gì để chống Việt Nam.
+ VỀ VIỆC BÌNH THƯỜNG HOÁ QUAN HỆ GIỮA HAI NƯỚC, ĐẠI. TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH KỂ:
“Trong suy nghĩ, tôi dự kiến mình sẽ mở "hai luồng thăm dò": Một là thăm dò qua cộng đồng người Hoa ở khu vực Chợ Lớn thành phố Hồ Chí Minh. Việc gặp gỡ, tiếp xúc, thăm dò từ khối Hoa kiều này thì có thể "bắt mạch" được tư tưởng của Chính phủ nước họ. Hai là thăm dò qua đường Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội.
Vào đầu tháng 3-1987, tôi vào gặp Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, anh Võ Trần Chí làm Bí thư, nói với Ban Hoa vận của Thành ủy, tiến hành mời và gặp gỡ một số người đại diện và có uy tín trong cộng đồng bà con người Hoa của khu vực Chợ Lớn. Cuộc gặp đã diễn ra tại trụ sở của Thành ủy trong không khí thân tình và thẳng thắn. Có 8 Hoa kiều, một đồng chí đại diện Thành ủy và tôi. Tôi điểm lại quá trình quan hệ hữu nghị của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Trung Quốc-Việt Nam. Tôi cũng nói có những đồng chí người gốc Việt Nam nhưng đã tham gia Giải phóng quân Trung Quốc, trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc. Cũng có khá nhiều người gốc Trung Quốc là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Tôi nói về Cộng đồng người Hoa suốt mấy chục năm qua định cư, làm ăn sinh sống tại Việt Nam đã tham gia, đóng góp vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, tôi đã trực tiếp chứng kiến có những bà mẹ người Hoa đã nuôi dấu và cứu chữa thương binh là bộ đội Giải phóng ngay tại nhà mình, bất chấp nguy hiểm, đó là những nghĩa cử cao đẹp của bà con Hoa kiều tại khu vực Chợ Lớn này. Người Việt và người Hoa, Trung Quốc và Việt Nam, hai nước bấy lâu vẫn đoàn kết, hữu nghị là chuyện bình thường. Vừa rồi xảy ra chuyện Trung Quốc và Việt Nam lại xung khắc nhau là chuyện không bình thường. Vậy thì yêu cầu bà con người Hoa hãy góp sức mình để hàn gắn lại tình hữu nghị, để xoá bỏ cái không bình thường này đi. Tình hữu nghị Trung-Việt là truyền thống tốt đẹp và bền lâu, chúng ta cần làm cho nó bền vững và phát triển. Tôi nói những điều này, thấy họ nghe và nét mặt họ rạng rỡ, phấn chấn lắm. Họ phát biểu: Từ lâu rồi chúng tôi cũng muốn như thế. Việt Nam và Trung Quốc cứ tốt như hồi xưa với nhau, giúp nhau như anh em trong nhà thì chúng tôi sung sướng lắm. Sống trên đất Việt Nam, chúng tôi cũng muốn chăm lo xây dựng gia đình và góp công xây dựng đất nước Việt Nam, quê hương thứ hai của mình …
Cuộc gặp gỡ những người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc trong niềm vui tươi, phấn khởi và có sự đồng thuận cao.
Dịp này, Ban Đối ngoại Trung ương có chỉ đạo Bộ đội ta ở một số chốt giáp đường biên đưa thuốc lá, thuốc lào sang mời bộ đội bên Trung Quốc. Họ rất phấn khởi. Khi anh em mình hỏi vì sao cứ bắn pháo sang Việt Nam thì họ chỉ lên trời, ý nói tại trên ra lệnh thì họ phải làm chứ trong lòng họ không muốn hai bên bắn nhau. Qua đó ta hiểu được phần nào về thái độ của họ.
Trở ra Hà Nội, khoảng nửa tháng sau đó, tôi nói đồng chí Vũ Xuân Vinh, Cục trưởng cục Đối ngoại quân sự đi mời Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy đến dùng cơm tại nhà khách Bộ Quốc phòng, ở số 28 phố Cửa Đông. Cuộc gặp tuy bí mật nhưng không khí thoải mái và không ai cảm thấy có gì căng thẳng. Hai người vừa ăn cơm vừa nói chuyện. Tôi điểm lại quá trình quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nói rằng Trung Quốc giúp Việt Nam về cách mạng nói chung, về quân sự nói riêng là rất quan trọng....
Ở Điện Biên Phủ, nếu không có lựu pháo, vũ khí đạn dược và quân trang quân dụng của Trung Quốc giúp thì Việt Nam khó giành được thắng lợi. Rồi những năm đánh Mỹ, có những đoàn cán bộ, những đoàn học sinh miền Nam được gửi ra Bắc rồi đưa sang Trung Quốc học tập. Rồi chuyện Quân đội Việt Nam hành quân vượt Thập Vạn Đại Sơn theo điện yêu cầu của đồng chí Chu Ân Lai sang đánh dẹp quân Tưởng, giải phóng vùng đất Ung-Long-Khâm để đón đại quân Nam Hạ của các đồng chí Giải phóng quân Trung Quốc v.v… Đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, công lao của Việt Nam là chính nhưng là công chung của hai Đảng, hai nước. Vậy mà bây giờ tại sao lại xung đột với nhau. Việc này không phải do dân và bộ đội gây ra, mà do lãnh đạo của hai nước gây ra. Đề nghị đồng chí Đại sứ báo cáo với lãnh đạo của Trung Quốc. Tôi mới nhận chức nhưng cũng sẽ báo cáo với lãnh đạo của Việt Nam; để lãnh đạo hai nước gặp nhau giải quyết việc này. Tôi cũng kể lại với Đại sứ Trương chuyến đi với đồng chí Phạm Văn Đồng sang Tô Châu gặp Mao Chủ tịch. Khi Mao Chủ tịch hỏi có khó khăn và cần gì, tôi nói rằng cần súng đạn và tiền để mua gạo, thì một tháng sau chiến trường Nam Bộ đã nhận được vũ khí và tiền của Nhà nước và nhân dân Trung Quốc gửi đến… Khi nghe tôi nói vậy thì ông ta mừng lắm, nét mặt phấn khởi lắm và nói rằng "Thế thì tôi phải về nhanh để báo cáo với lãnh đạo bên tôi…"
Đến đây, sứ mệnh "mở luồng" và "thăm dò" mà Bộ Chính trị tin cậy giao cho tôi, được xem như đã hoàn tất. Tôi báo cáo tình hình với các anh trong Bộ Chính trị để các anh có kế hoạch gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc.”
Quả nhiên sau đó, trong chuyến đi thăm Singapo (tháng 7-1990), Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã "đánh tiếng" là "sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với Việt Nam". Ở thời điểm này ta cũng đã hoàn tất việc rút toàn bộ Đoàn chuyên gia và Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước....
Một tháng sau đó, ngày 19-8-1990, Tổng Bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân có thư qua đường Đại sứ mời Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Đỗ Mười sang thăm Trung Quốc. Cuộc gặp không công khai giữa hai Tổng Bí thư và hai Thủ tướng Chính phủ đã diễn ra trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990. Hai bên bàn bạc thoả thuận những nguyên tắc để lập lại quan hệ bình thường giữa hai nước. Hai bên cũng thống nhất việc đưa Quốc vương Xi-ha-núc trở về Tổ quốc Campuchia của ông và giải quyết vấn đề Campuchia.
Tuy nhiên những sự kiện trên là những dấu hiệu rất cơ bản để tiến tới việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước nhưng đó là sự kiện diễn ra ở cấp lãnh đạo cao nhất của hai Đảng và hai Nhà nước (Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ), là những cuộc gặp hẹp và bí mật. Bởi vậy cán bộ ở cấp dưới, nhất là ở cơ sở và bộ đội hai bên đường biên không thể biết, do đó hàng ngày trên tuyến biên giới vẫn chưa có sự thay đổi lớn theo xu hướng hoà bình hữu nghị mà vẫn duy trì không khí xung đột căng thẳng; tuy lúc này phía bên kia không còn cho quân tiến công sang, nhưng bộ đội của họ vẫn bắc các dàn loa phóng thanh chửi rủa với những lời lẽ rất tệ hại nặng nề và vẫn bắn pháo sang bên đất của ta.....
Nhất là ở Quảng Ninh, họ chửi và bắn pháo rất nhiều. Anh em mình nghe rát tai, tức quá thì cũng chửi lại và nạp đạn pháo bắn lại. Nhưng khi lên thị sát thấy vậy, tôi đ ã nhắc nhở cán bộ và anh em... thì anh em thôi, không bắn, không chửi lại nữa. Tôi bảo, họ bắc loa chửi ta thì ta nhắc lại truyền thống và quá trình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước; họ bắn sang ta bằng đạn pháo, thì ta "bắn lại" bằng tình hữu nghị! Nhất định phải làm mọi cách để nối lại tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt-Trung. Ở cao điểm Vị Xuyên, bộ đội hai bên nhìn rất rõ nhau vì chỉ cách nhau mấy chục thước. Tôi bảo anh em mang thuốc hút và diêm quẹt sang mời họ. Bên họ cũng nhiều anh em nghiện thuốc nên họ phấn khởi lắm. Hai bên nói chuyện với nhau và cũng thôi không chửi, không bắn nhau nữa.
Tiếp đó, cuối tháng 7 năm 1991, tôi được cử làm phái viên của Bộ Chính trị sang bàn bạc những vấn đề cụ thể việc bình thường hoá quan hệ hai nước. Cùng đi với tôi có đồng chí Hồng Hà, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương. Sáng ngày 28 bắt đầu khởi hành. Trên đường đi Bắc Kinh, chúng tôi dừng chân ở Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, được lãnh đạo tỉnh Quảng Tây tiếp đón chu đáo, thân tình.....
Sáng hôm sau, 29 tháng7, từ 9 giờ đến 12 giờ, đồng chí Kiều Thạch, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc làm việc với chúng tôi tại Đại lễ đường. Cùng dự về phía Trung Quốc còn có các đồng chí cán bộ nữa... . Cuộc họp này để chuẩn bị cho cuộc hội đàm chính thức với Tổng Bí thư Giang Trạch Dân sau đó.
Cuộc hội đàm chính thức diễn ra tại Trung Nam Hải vào buổi chiều ngày 31 tháng 7 năm 1991; phía Trung Quốc do Tổng Bí thư Giang Trạch Dân làm trưởng đoàn. Trước khi hội đàm, có ít phút gặp riêng giữa Tổng Bí thư Giang và tôi, có hai phiên dịch của hai Ban Đối ngoại Trung ương Việt Nam và Trung Quốc. Ông Giang Trạch Dân liền nêu một vấn đề khá "hóc búa"- Ông nói:
- Tới đây lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau sẽ mở lại trang sử tốt đẹp quan hệ Trung-Việt. Nhưng có một vấn đề quan trọng phải bàn riêng, vì ra họp chung khó nói. Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng Bí thư. Trước chưa biết, nhưng nay nghiên cứu lịch sử mới biết là Nam Sa tức Trường Sa của Trung Quốc.
Nghe vậy tôi liền nói:
- Tôi cũng như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về Trung ương; khi về có dịp nghiên cứu về lịch sử, địa lý và pháp lý thì thấy Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bây giờ chúng ta nên cử các cơ quan chức năng nghiên cứu và xác định cụ thể.
Nghe vậy, ông Giang không nói gì nữa, chỉ cười thôi. Rồi ông bảo:
- Tới giờ rồi, mời đồng chí ra hội đàm!
Nói chung cuộc hội đàm đạt kết quả tốt; mọi vấn đề đặt ra đều được hai bên thoả thuận, nhất trí, kể cả việc giải quyết vấn đề Campuchia. Có một điểm tốt, khác với cuộc gặp hai bên vào năm trước ở Thành Đô là phía Trung Quốc không còn lấy việc giải quyết vấn đề Campuchia làm điều kiện tiên quyết cho việc bình thường hoá quan hệ Trung-Việt nữa. Lúc đó Khơ-me đỏ đã tan, Trung Quốc cần ta đồng tình việc đưa Quốc vương Xi-ha-núc trở về Campuchia, mà thời điểm đó Xi-ha-núc đang ở Bắc Kinh. Trung Quốc cũng thấy rằng quan hệ hữu nghị với Việt Nam để phát triển là một nhu cầu của cải cách, mở cửa của họ. Khi họ gặp thái độ của ta rất phải chăng thì họ tiếp thu ngay. Họ đang có nhu cầu phát triển, ta cũng có nhu cầu bình thường hoá quan hệ để ổn định và phát triển, hơn nữa bối cảnh Quốc tế lúc này Liên Xô đã tan rã, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng sụp đổ, do đó hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa Trung-Việt đã gặp nhau như một tất yếu lịch sử.”
LỜI PHÁT BIỂU CỦA HAI TRƯỞNG ĐOÀN TẠI CUỘC HỘI ĐÀM:
Tổng Bí thư Giang Trạch Dân: Tôi nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Hồng Hà. Tháng 9 năm ngoái đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Đỗ Mười đến làm việc ở Thành Đô, đồng chí Hồng Hà cũng có mặt. Hôm nay được dịp quen biết đồng chí Lê Đức Anh, tôi rất phấn khởi. Theo tập quán của chúng tôi, xin mời đồng chí nói trước.
Bộ trưởng Lê Đức Anh: Tôi rất phấn khởi được gặp đồng chí Tổng Bí thư. Tôi biết đồng chí rất bận nhưng vẫn giành thì giờ tiếp chúng tôi, chứng tỏ đồng chí rất quan tâm. Rất cám ơn đồng chí! Tôi xin chuyển lời thăm hỏi và chúc sức khoẻ của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, các đồng chí Cố vấn Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công tới đồng chí và nhờ đồng chí chuyển lời thăm hỏi đó tới đồng chí Đặng Tiểu Bình, các đồng chí lãnh đạo khác của Trung Quốc.
.....
Về công việc, chúng tôi đã thông báo về Đại hội VII, đã kiểm điểm việc thực hiện những thoả thuận ở Thành Đô cả về Đảng và Nhà nước xem việc gì làm được, việc gì chưa làm được. Tôi đã nêu tất cả với đồng chí Kiều Thạch. Hôm qua chúng tôi được đồng chí Lý Bằng tiếp và cho phương hướng giải quyết những vấn đề thuộc Nhà nước. Chúng tôi rất phấn khởi. Hôm nay gặp đồng chí Tổng Bí thư, xin đề nghị đồng chí Tổng Bí thư cho ý kiến về những mong muốn của Đảng chúng tôi, về việc Đoàn cấp cao Đảng và Nhà nước chúng tôi do đồng chí Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc mở đầu trang sử mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước sau hơn mười năm trắc trở. Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, Bộ Chính trị và ba đồng chí Cố vấn mong rằng sự kiện đó sẽ được thực hiện trong năm 1991 này. Được như thế thì rất đáng phấn khởi không chỉ đối với lãnh đạo mà cả đối với toàn Đảng, toàn dân chúng tôi....
Tổng bí thư Giang Trạch Dân,
Chúng ta là những người cộng sản, phải thực sự cầu thị. Hiện nay xã hội chủ nghĩa đang thoái trào. Tình hình ngày nay khác tình hình khi nước chúng tôi giải phóng và khi nước các đồng chí được giải phóng. Nhưng chúng ta là những nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải khẳng định chủ nghĩa xã hội sẽ thắng lợi. Đồng chí phải thấy đây là quá trình đấu tranh hết sức gian khổ. Cho nên chúng ta là hai nước láng giềng, hai đảng cộng sản cầm quyền, không có lí do gì không xây dựng quan hệ láng giềng hữu hảo với nhau. Từ sự đột biến ở Đông Âu và qua 25 tháng tôi công tác ở Trung ương, tôi nhận thức được rằng kiên trì xã hội chủ nghĩa là rất quan trọng. Các nước phương Tây lúc nào cũng muốn xoá chủ nghĩa xã hội khỏi trái đất này. Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đánh đổ Quốc Dân Đảng giành chính quyền. Chúng tôi xây dựng đất nước, không bao lâu, chúng tôi phải chống Mỹ viện Triều, sau đó chúng tôi cũng tham gia cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của các đồng chí. Cho nên phương Tây, nhất là Mỹ qua hai lần đọ sức bằng phương thức chiến tranh, chúng không xóa được chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Bọn chúng dùng biện pháp "diễn biến hoà bình" của Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét, để đối phó với chủ nghĩa xã hội, đối phó với bức màn sắt- như Nixơn đã viết cuốn "Không đánh mà thắng". Cả Nixơn và Brêdinxki đều nhận định: Chủ nghĩa cộng sản- Chủ nghĩa xã hội sẽ bị tiêu diệt trên trái đất này. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời. Năm 1985 Nixơn đi Đông Âu. Sau khi về Nixơn dự đoán không bao lâu nữa Đông Âu sẽ có thay đổi lớn. Tình hình không may đã diễn ra đúng như Nixơn dự đoán.
Tháng 5-1991, trước khi tôi đi Liên Xô, Nixơn vừa đến Liên Xô trước đó 2 tuần....
Nixơn nói "Liên Xô phải triệt để đầu hàng, hạ vũ khí, phải quá độ sang tư bản chủ nghĩa bằng con đường hoà bình thì mới viện trợ, nếu không thì không viện trợ. Đối với âm mưu lật đổ, chúng có pháp bảo: Dùng chế độ đa đảng để lật đổ Đảng." Chúng tôi rất cảnh giác chế độ đa đảng. Về mặt này chúng tôi kiên quyết chống hoạt động đa đảng. Quả thật như thế, En-xin vừa lên Tổng thống Cộng hoà Liên bang Nga liền thủ tiêu các cơ sở đảng ở cơ quan, xí nghiệp. En-xin đã từng là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Đảng cộng sản Liên Xô. Nghe tin này như người Trung Quốc nói "Xúc mục kinh tâm"- Những điều trông thấy khiến ta giật mình. Hiện nay các nước phương Tây muốn dùng chiêu bài dân chủ, tự do, nhân quyền để thực hiện diễn biến hoà bình...
Điều thứ hai tôi nhận thức được đó là quân đội nhân dân phải tuyệt đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quân đội là cây súng, hình thái ý thức là cây bút. Với tư cách quân đội, đồng chí Lê Đức Anh lâu năm hơn tôi. Tôi làm nghề nào mới học nghề ấy. Tôi vừa đi hơn 20 tỉnh và thành phố trong tổng số 30 tỉnh thành. Tôi đã đi 18 quân khu. Trước đây tôi chưa được bầu làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Sau khi được bầu tôi thường xuyên đi thăm các quân khu. Đồng chí Lê Đức Anh hiểu tầm quan trọng của cây súng hơn tôi. Cây bút cũng rất quan trọng. Về tuyên truyền quả thật phải không ngừng cải tiến phương pháp tuyên truyền. Mục đích của tuyên truyền là đi sâu vào lòng người....
Tôi đã giới thiệu tóm tắt nhận thức của cá nhân tôi. Tôi tin rằng chuyến đi thăm của đồng chí thúc đẩy việc tiến tới bình thường hoá quan hệ hai đảng, hai nước. Qua đồng chí xin gửi lời thăm tốt đẹp tới đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy rằng đồng chí Nguyễn Văn Linh làm cố vấn nhưng đồng chí đó đã để lại ấn tượng sâu sắc cho chúng tôi.....
Tôi rất phấn khởi được gặp đồng chí. Hôm nay là bước mở đầu tốt đẹp của chúng ta.
Cuộc đàm đạo được nối tiếp trong buổi chiêu đãi ngay tối hôm đó, 31-7-1991 cũng tại Trung Nam Hải.
Đồng chí Giang Trạch Dân: ...Chúng ta đang đứng trước những vấn đề phức tạp hơn khi đất nước mới giải phóng. Khả năng lãnh đạo của từng cá nhân thế hệ cũ lớn hơn những người mới. Chúng tôi phải dựa vào các đồng chí cũ. Lãnh đạo hành chính điều quan trọng là phải dựa vào sự nhất trí. Trung Quốc có câu "Ba anh thợ da bằng một Gia Cát Lượng". Tôi cũng nhớ một câu nói nổi tiếng: "Sợ nhất lô cốt bị phá từ trong phá ra"...
Tôi hiểu rằng kinh nghiệm của đồng chí Lê Đức Anh rất phong phú. Các nước phương Tây bắt đầu tính toán đến vấn đề rất nghiêm trọng đối với chúng ta và vấn đề giáo dục thanh niên. Thanh niên dễ tiếp thu văn minh phương Tây. Tiếp thu kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của phương Tây, chúng ta không phản đối. Tôi thường xuyên có quan điểm tiếp thu những văn hoá ưu tú phương Tây. Nhưng phải làm cho thanh niên thấy nhân dân ta đã từng bị áp bức của các cường quốc...Bắt đầu từ năm nay, chương trình giáo dục cấp 1 của chúng tôi có phần giáo dục tình hình đất nước, có phần lịch sử cận đại vì thế hệ chúng tôi sớm muộn cũng đi gặp Các Mác nên chính quyền sau này rơi vào tay ai không thể không suy nghĩ. Tôi xin nói thẳng với đồng chí và nói nhiều vì lần đầu gặp đồng chí nhưng cảm thấy như người bạn lâu năm.
Lê Đức Anh: Khi ở chiến trường, tôi thấy rõ sự giúp đỡ của Trung Quốc. Tất nhiên có cả Liên Xô. Nhưng sự giúp đỡ của Trung Quốc cụ thể, thiết thực: Súng B40, lương khô, mũ cối, thuốc xoa chống muỗi, chống vắt v.v… Trong chống Mỹ, cứu nước, các đồng chí đã viện trợ toàn diện cho Việt Nam.
Đồng chí Giang Trạch Dân: Đó là việc cần làm.
Lê Đức Anh: Bây giờ Trung Quốc hơn 1 tỷ dân, đang tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đó là viện trợ to lớn nhất, không thể đánh giá hết được.
Đồng chí Giang Trạch Dân: Tôi đã nghe thông báo về Đại hội VII. Thấy các đồng chí kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa , kiên trì chủ nghĩa Mác Lê-nin, tự đáy lòng tôi thấy rất phấn khởi.
Lê Đức Anh: Về quốc tế, đồng chí nói gọn đủ, tôi tiếp thu lập trường quan điểm của các đồng chí, điều đó làm tăng niềm tin ở tương lai xã chủ nghĩa đối với chúng tôi. Trong thời điểm này, Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ to lớn trước sự tồn vong, còn hay mất của chủ nghĩa xã hội, của phong trào độc lập dân tộc trên thế giới. Đó là nhận thức sâu sắc của chúng tôi. Về phía Việt Nam chúng tôi kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa . Tất nhiên không cần lập mặt trận chống ai, nhưng Trung Quốc ổn định, vững, là niềm cổ vũ lớn cho phong trào cộng sản quốc tế.
Đồng chí Giang Trạch Dân: Quan hệ quốc gia với quốc gia, chúng tôi theo 5 nguyên tắc chung sống hoà bình- mấu chốt nhất là không can thiệp vào nội bộ của nhau. Còn giải quyết quan hệ Đảng với Đảng- chúng tôi theo 4 nguyên tắc- mấu chốt cũng là không can thiệp vào nội bộ nhau.
Người ta ai cũng mong muốn người trong họ hàng của mình tốt lên. Láng giềng cũng muốn láng giềng của mình tốt hơn. Như tôi đã nói đứng trước tình hình quốc tế hiện nay, xã hội chủ nghĩa đang thoái trào, những nhà nước do Đảng Cộng sản cầm quyền không còn bao nhiêu. Nên tự đáy lòng tôi hết sức tán thưởng đường lối Đại hội VII Việt Nam...
Đối với chúng ta phải kiên trì sự lãnh đạo của Đảng. Trong kinh tế, sở hữu nhiều thành phần nhưng phải lấy công hữu làm cơ sở. Đó là những điều tâm huyết của tôi. Lần đầu tiên được gặp đồng chí, tôi rất thú vị, nói hết lời.
Lê Đức Anh: Lần đầu tiên gặp đồng chí Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, tôi thấy rất thân tình. Những lời nói từ đáy lòng đồng chí nói ra được thể hiện cụ thể ở những nơi tôi đến tham quan: xã Tứ Quý Thanh, Công ty gang thép Thủ Đô …
Đồng chí Giang Trạch Dân: Đồng chí lớn tuổi hơn tôi, làm việc lâu năm hơn tôi, kinh nghiệm phong phú hơn tôi.
Bộ trưởng Lê Đức Anh: Chúng tôi ở nước nhỏ, tầm nhìn hẹp.
TBT Giang Trạch Dân: Trung Quốc có câu nói "Con chim chích tuy nhỏ nhưng gan mật đều có". Tôi chủ trương bố trí cho cán bộ công tác ở cơ sở rồi mới điều lên trên, như vậy mới tốt.
Về quân sự, đối với tôi là ngoại ngạch. Bây giờ không phải tôi đi học bắn súng mà học xây dựng quân đội, xây dựng chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi phải xây dựng chiến lược phòng ngự vì không có ý xâm lược ai. Chúng tôi phải tăng cường xây dựng quốc phòng. Bây giờ tình hình thế giới thay đổi nhanh. Có một điểm cần nghiên cứu về ý thức của Lê-nin: Chủ nghĩa đế quốc là chủ nghĩa tư bản dãy chết. Vì sao nó chưa chết? Nó rút kinh nghiệm. Ta cũng phải tổng kết kinh nghiệm cách mạng thế giới. Làm sao phải xây dựng tốt nhà nước xã hội chủ nghĩa của mình. Nói thật với các đồng chí, cuộc cải cách mở cửa do đồng chí Đặng Tiểu Bình đề ra thu được nhiều thành tích to lớn, nhưng kinh tế còn kém. Chúng tôi phải quyết tâm phát triển kinh tế, có phát triển mới có quyền phát triển. Có điều có thể khẳng định: Kinh tế phát triển, tài lực phong phú, chúng tôi cũng không xâm lược ai. Phải ổn định chính trị mới phát triển kinh tế được. Chúng tôi muốn có hoà bình để làm tốt công tác kinh tế. Nhưng điều đó hoàn toàn không phải do một mình chúng tôi quyết định được. Chúng tôi phải hết sức cố gắng. Trời không chiều ý người nên chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ mọi mặt như thế tốt hơn chỉ nghĩ tới một mặt.
+ Đến năm 1992 quan hệ giữa hai nước chính thức được bình thường hóa.
+ Từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được cải thiện, cuộc chiến hầu như không còn được nhắc đến trong các phương tiện truyền thông đại chúng, không được nói đến trong sách giáo khoa lịch sử ở Trung Quốc và một cách hạn chế tại sách giáo khoa của Việt Nam. Tại Trung Quốc, các phương tiện truyền thông gần như lãng quên nó, các tuyển tập bài hát không còn in các ca khúc nói về cuộc chiến, sách nghiên cứu viết về cuộc chiến bị từ chối xuất bản, đa số cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến không muốn nhắc đến nó.
Ở Việt Nam, một số ca khúc có nội dung về cuộc chiến, ví dụ "Chiến đấu vì độc lập tự do" của Phạm Tuyên, không còn được lưu hành trên các phương tiện truyền thông chính thống, đó là theo một thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước. Chính phủ Việt Nam để ý chặt chẽ các nội dung báo chí liên quan đến quan hệ Việt - Trung, và báo chí hầu như không nhắc đến cuộc chiến. Theo giải thích của ông Dương Danh Dy, cựu Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, thì Việt Nam "không nói lại chuyện cũ vì nghĩa lớn, chứ không phải vì chúng ta không có lý, không phải vì người Việt Nam sợ hãi hay chóng quên". Khi được hỏi về cuộc chiến từ 30 năm trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng từ nhiều năm trước lãnh đạo hai nước đã "thỏa thuận gác lại quá khứ và mở ra tương lai". Năm 2014, nhân kỷ niệm 35 năm Chiến tranh biên giới Việt-Trung, nhiều báo tại Việt Nam có bài viết về đề tài này.
Cuộc chiến tranh do Trung Quốc gây ra ngày 17/2/1979 là một cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng chính quyền Bắc Kinh khi đó nói, họ tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ” để đáp trả “những hành động khiêu khích chống Trung Quốc của Việt Nam”, “chi viện cuộc kháng chiến của nhân dân Campuchia”....Rằng, họ đã giành chiến thắng và cuộc chiến “phản kích tự vệ” đó đã đạt được mục đích đề ra”.v.v. và v.v..
Tuy nhiên, sau 40 năm, ngày càng có nhiều người Trung Quốc hiểu biết, tôn trọng lẽ phải, nhất là các học giả và những binh lính đã từng tham gia cuộc chiến tranh năm ấy nhận rõ sự thực, dũng cảm phản bác lại những điều mà họ bị tuyền truyền xuyên tạc dẫn đến từng bị ngộ nhận; đã có những công bố và phân tích về thực tế phũ phàng của “cuộc chiến tranh vô nghĩa” trái đạo lý ấy...
Một cuộc chiến tranh đã, đang và sẽ còn gây tranh cãi lâu dài ở Trung Quốc.
Dưới tiêu đề “Cựu binh tham chiến vạch ra 11 vấn đề bên trong của Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”,
Tác giả “Shuqinghaigui” nêu lên “11 vấn đề bên trong cuộc chiến tranh cần được làm sáng tỏ”, trong đó có vấn đề:
1.. Về nguyên nhân gây chiến tranh, đến nay vẫn chưa được giải thích công khai, chính thức và khiến người ta tin phục. Thậm chí tướng Trương Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến/Tổng bộ Tham mưu (con trai nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Trương Ái Bình) cũng thừa nhận trong hai cuốn sách của ông “Đi ra từ chiến tranh” và “Đặc công cuối cùng náu mình ở Đại lục”: về nguyên nhân của cuộc chiến tranh ấy, ngay Bộ trưởng Quốc phòng khi đó cũng không rõ vì sao phải tiến hành chiến tranh.
2. Những sách ghi chép chân thực về cuộc chiến tranh ấy không thể xuất bản được. Năm 2010, tôi (tác giả) căn cứ vào những gì mình đã trải qua viết được hai cuốn sách “Ghi chép của một thương binh chiến tranh Việt Nam” và “Thực sắc”, đăng lên mạng, gây bùng nổ khắp nước. Nhưng cuốn đầu được thông báo là “không thể xuất bản”. Sách về “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” không được kích động quá, chỉ được gọi là “Xung đột vũ trang cục bộ ở phía Nam”. Một cuộc chiến tranh làm đổ máu mấy chục vạn người mà không cho nói đến như thế, trong tương lai ai sẽ đi đánh nhau cho các người đây?
Cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” năm 1979, rất nhiều binh sĩ Trung Quốc đã trở thành vật hy sinh. Họ chết vì cái gì?”.
Những vấn đề được người cựu binh đó nêu lên đã gây cộng hưởng rất lớn làm chấn động dư luận Trung Quốc.
Ở Việt Nam, nhân dịp kỉ niệm 40 năm chiến thắng trong cuộc chiến ranh biên giới, các phương tiện truyền thông của Nhà nước cũng đã nói nhiều hơn đến cuộc chiến tranh này. Gần đây đã có các cuộc gặp mặt kỉ niệm, tưởng niệm được quay video , các bài viết, các lời phát biểu của các tướng lĩnh, cựu chiến binh, các học giả và các tầng lớp nhân dân nói chung, nhất là những người trực tiếp tham gia cuộc chiến với những đề xuất, yêu cầu cần được nói rõ, đầy đủ hơn về cuộc chiến tranh này. Mong muốn chung là cần làm rõ âm mưu, dã tâm của những nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó, cần tôn vinh chiến thắng và sự hi sinh anh dũng của quân và dân ta. Rất nhiều bài viết, hình ảnh được đăng trên một số báo chí, nhất là trên mạng xã hội.
Thể hiện sự quan tâm của các tầng lớp xã hội hai nước đến cuộc chiến tranh này nhiều hơn và ngày càng có yêu cầu cao hơn.
+ Ba thập kỉ về biên giới Việt Nam - Trung Quốc:
Cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam - Trung Quốc thực chất kéo dài trong gần 10 năm từ 1979 đến 1989.
Tiếp theo là cuộc đàm phán về biên giới kéo dài trng 10 năm từ 1989 đến 1999.
Tiếp đến là phân giới cắm mốc biên giới hai nước cũng kéo dài 10 năm từ 1999 đến 2009.
Năm 2009, sau 30 năm cuộc chiến, Việt Nam và Trung Quốc hoàn thành việc cắm 1971 mốc phân định biên giới sau khi hai chính phủ ký kết hiệp định biên giới, kết thúc đàm phán về các khu vực tranh chấp dọc biên giới. Năm 2009 hai nước đã tổ chức lễ mừng việc hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy - Hà Giang, với tuyên bố chung hai bên đều thắng. Đây mới là thực chất thắng lợi của hai bên, đặc biệt đối với Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam ký kết một hiệp ước song phương ngang bằng với Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ.
Để có được hiệp ước này là cả một quá trình đấu tranh lâu dài, bền bỉ và quyết tâm rất cao của cả hai bên, nhất là Việt Nam. Trong đó có chuyến thăm của TBT ĐCSVN Lê Khả Phiêu sang Trung Quốc và hội đàm với TBT ĐCSTQ Giang Trạch Dân thống nhất kí văn kiện quan trọng này.
Đây là một dấu mốc lịch sử rất quan trọng. Có một số người không hiểu, một số phần tử xấu tung tin là ông Lê Khả Phiêu bán đất cho Trung Quốc, rồi đổi đất lấy hoà bình vv. Những ý kiên đó là sai trái. Cuộc đàm phán phân định biên giới kéo dài trong mười năm, có một số chỗ thua thiệt là do trình độ kỹ thuật của cán bộ ta và thủ thuật của phía bạn....
Cuộc chiến tranh biên giới ít được nhắc tới. Tuy vậy gần đây viên tướng Lưu Á Châu - Chính ủy Học viện không quân Trung Quốc đã có bài phát biểu ca ngợi tinh thần chiến đấu của các binh sĩ Trung Quốc chống Việt Nam xâm lược, với giọng điệu vu cáo đổi trắng thay đen
( còn nữa )