Học giả thế giới nói gì về cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong-un tại Hà Nội (Phần 4)

Ngày đăng: 09:46 23/02/2019 Lượt xem: 526


Học giả thế giới nói gì về cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong-un tại Hà Nội (Phần 4)

                                                     Nguồn:Báo Điện tử VietTimes 


Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc họp thượng đỉnh lần 2 giữa 2 nước có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào tổng thống Donald Trump. Nhưng cũng có người cho rằng Trung Quốc sẽ là một yếu tố có thể gây trở ngại cho cuộc đàm phán song phương.

Ted Galen Carpenter là nghiên cứu cấp cao về an ninh tại Viện Cato, ông là tác giả của 12 quyển sách và hơn 750 bài viết về các vấn đề quốc tế:

Học giả thế giới nói gì về cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong-un tại Hà Nội (Phần 4) - ảnh 1
Ông Ted Carpenter.

Thành công hay thất bại của cuộc họp thượng đỉnh Trump - Kim lần 2 phụ thuộc phần lớn vào việc hai nhà lãnh đạo tập trung vào một số mục tiêu hạn chế và có thể đạt được hay lựa chọn để hoàn toàn chấp nhận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Đáng tiếc, chính quyền của ông Trump (cũng giống như những chính quyền trước đây) vẫn nhấn mạnh về việc phải khiến Bình Nhưỡng "đầu hàng" và chấp nhận việc giải trừ hạt nhân một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Một kết quả như vậy chắc sẽ không xảy ra trong cuộc họp thượng đỉnh lần này hay cả trong những dịp khác nữa.

Thay vì tiếp tục tìm kiếm những điều viển vông, Washington cần theo đuổi một mục tiêu thực tế hơn: xây dựng một mối quan hệ bình thường với Bình Nhưỡng, qua đó giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Việc thiết lập mối quan hệ mới có thể dẫn tới vấn đề đặc biệt có thể thỏa hiệp là: Bình Nhưỡng kê khai hoàn toàn số lượng vũ khí hạt nhân và các hệ thống phóng, cùng với việc cung cấp hạn chế việc kiểm chứng cả hai thành phần trên. Hoa Kỳ cũng không nên tìm cách hoàn toàn loại bỏ năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Cuộc họp thượng đỉnh lần này sẽ là cơ hội cho một sự tiến triển lớn hơn với một thỏa hiệp như vậy. Hơn nữa, để tạo điều kiện cho mối quan hệ mang tính hợp tác hơn, Hoa Kỳ cần đưa ra một loạt các bước đi nhún nhường nhưng quan trọng. Một trong những bước đi đó là lập ra hiệp nghị để chứng thức hóa thỏa thuận ngầm hiện tại - trong đó, Bình Nhưỡng kìm lại việc tổ chức thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân, còn Hoa Kỳ thì trì hoãn vô thời hạn tập trận thường niên Hoa Kỳ- Hàn Quốc. Một trong bước quan trọng khác là lập tức đưa ra các cuộc đàm phán để đưa ra hiệp ước chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Kết quả tất yếu cho tiến trình này là việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa 2 bên.

Tổng thống Trump cần biểu thị ý muốn gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế để đổi lấy việc Triều Tiên đóng băng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và sự đồng thuận của Bình Nhưỡng - để cho thanh tra quốc tế kiểm chứng sự thực thi. Tiếp theo, tổng thống cần đảm bảo rằng nếu chính phủ của ông Kim Jong-un tôn trọng tất cả những cam kết của mình (và tiếp tục giảm căng thẳng với Hàn Quốc), thì ông sẽ tìm cách để quốc hội gỡ bỏ phần lớn các lệnh trừng phạt hiện nay với Triều Tiên.

Nhưng viễn cảnh cuộc họp thượng đỉnh đạt được những mục tiêu khiêm tốn hiện không khả quan. Ông Trump bị bao vây bởi các cố vấn, đặc biệt là 2 ông Mike Pompeo và John Bolton. Hai ông này có vẻ như có khuynh hướng phá hỏng bất cứ thiên hướng hòa giải nào của tổng thống Hoa Kỳ với chính sách về Triều Tiên và các vấn đề quốc tế khác. Nếu tổng thống không bỏ qua những lời khuyên mang tính chất "diều hâu" của họ, cuộc họp thượng đỉnh sẽ kết thúc thất bại - có thể là một thất bại lớn. Và kết quả của nó sẽ lại mang tới những căng thẳng đáng báo động trên bán đảo Triều Tiên như chúng ta đã chứng kiến vào năm 2017.

Gordon G. Chang là tác giả của sách "Cạnh tranh hạt nhân: Triều Tiên chống lại thế giới":

Học giả thế giới nói gì về cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong-un tại Hà Nội (Phần 4) - ảnh 2
"Đôi khi, cách thức "gây khó dễ" của Trung Quốc mang hình thức đơn giản là lãnh đạo của họ tham dự một buổi trình diễn ca múa nhạc tại Bắc Kinh".

Ông Tập Cận Bình và phu nhân đã tham dự một "buổi trình diễn hiếm có" của đoàn Triều Tiên bao gồm 280 ca sĩ và vũ công tại Bắc Kinh vào ngày 27.1. Ông và phu nhân cũng đã xuất hiện trên sân khấu để chào các khán giả. Việc ông tham gia buổi diễn kỷ niệm 70 năm quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc là một điềm gở cho cuộc họp thượng đỉnh lần 2 sắp diễn ra giữa tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un.

Trung Quốc yêu cầu phải là một bên tham gia các cuộc đàm phán để "giải trừ hạt nhân" Triều Tiên. Họ có trách nhiệm lớn trong việc cộng đồng quốc tế cần phải thực hiện các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng. Các thực thể Trung Quốc đã cung cấp nhiều tài nguyên, thiết bị, kỹ thuật cho nhiều chương trình của Triều Tiên.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã bảo vệ và cung cấp sợi dây cứu sinh về tài chính cho chế độ Triều Tiên. Nên họ cũng là người vi phạm một loạt các lệnh trừng phạt quốc tế với Bình Nhưỡng. Vì vậy, Bắc Kinh không muốn ngay lập tức đảo ngược chính sách đã áp dụng trong những thập kỷ cũ đối với Triều Tiên.

Năm 2017, ông Trump đã tìm kiếm sự trợ giúp từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông đã học được bài học một cách nhanh chóng. Và vào tháng 3.2018, ông đã trực tiếp tuyên bố sẽ đàm phán với Triều Tiên thay vì trông chờ vào Bắc Kinh.

Kể từ tháng 3.2018, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã giành phần để được tham gia đàm phán. Họ đã nắm lấy vai trò khi ông Tập Cận Bình mời ông Kim Jong-un tới Trung Quốc 3 lần vào năm ngoái và một lần vào tháng trước.

Trương Vân thuộc Đại học Ngoại giao Bắc Kinh đã viết trên Hoàn cầu Thời báo rằng ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh vào tháng 1 bởi "Trung Quốc đã lặp lại ủng hộ của mình cho việc theo đuổi sự cần thiết hợp pháp về mặt an ninh của Triều Tiên".

Thực tế, việc ông Kim, người luôn theo chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên có thể tự biến hình ảnh của mình thành "lệ thuộc Bắc Kinh" khi luôn tới Trung Quốc trong khi ông Tập Cận Bình không có chuyến thăm ngược lại tới Bình Nhưỡng.

Ông Tập Cận Bình cũng biểu lộ những gì mà giảng viên James Floyd Downes thuộc Đại học Hồng Kông gọi là "trò chơi quyền lực". James Floyd viết trên tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng: "Kiểu trò chơi quyền lực này sẽ gây khó khăn hơn cho chính quyền của ông Trump có được những bước tiến có ý nghĩa trong đàm phán với Bình Nhưỡng".

Vì thế, không nên quá kỳ vọng vào cuộc gặp sắp tới của ông Trump với ông Kim. Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng và hy vọng sẽ "gây khó dễ" được với ông Trump. Đôi khi, cách thức "gây khó dễ" của Trung Quốc mang hình thức đơn giản là lãnh đạo của họ tham dự một buổi trình diễn ca múa nhạc tại Bắc Kinh.

Joseph Cirincione là chủ tịch Quỹ Ploughshares, một tổ chức an ninh toàn cầu. Catherine Killough là hội viên của Ploughshares:

Học giả thế giới nói gì về cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong-un tại Hà Nội (Phần 4) - ảnh 3
Chủ tịch Quỹ Ploughshares.

Phần lớn lo lắng về cuộc họp thượng đỉnh lần 2 Hoa Kỳ - Triều Tiên là do tổng thống Trump hơn là Chủ tịch Kim Jong-un. Lý do là vì sự khinh suất của ông Trump hơn là tính "ngoan cường" của ông Kim sẽ đe dọa tới vụ ngoại giao hạt nhân này. Liệu ông Trump có nhượng bộ quá nhiều, hay tuyên bố thắng lợi quá sớm? Hay cuộc họp lần này sẽ lại chỉ là một lần chụp ảnh chung khác?

Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ kết luận rằng Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình khi chúng là chìa khóa cho sự tồn vong của chế độ. Chúng ta đồng ý với điều này. Nhưng liệu chúng ta có thể thay đổi tính toán về an ninh của họ? Có thể. Cựu sĩ quan của Liên Hợp Quốc và quân đội Hoa Kỳ tại Triều Tiên Vincent K. Brooks, tin rằng ông Kim có thể rất nghiêm túc trong việc cắt giảm lực lượng hạt nhân. Ông Brooks đã trả lời phỏng vấn của PBS NewsHour: "Ông ấy đã chuyển sang một hướng khác. Liệu có thể xây dựng niềm tin thích đáng để vượt qua nhiều thập kỷ ngờ vực và thất bại? Thách thức hiện đang ở ngay trước mắt".

Quan hệ Hoa Kỳ - Triều Tiên luôn căng thẳng trong nhiều thập kỷ - Mà ông Trump suýt nữa đã làm nó bùng cháy vào năm 2017. Rất nhiều chính sách của chúng ta nông cạn và hời hợt. Chúng ta phản đối vũ khí hạt nhân - việc sẽ mất rất nhiều thời gian trong tương lai và thất bại trong việc ưu tiên cho các giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề. Giờ công việc lại đang trong tay của một trong những vị tổng thống "thiếu trách nhiệm nhất" trong lịch sử Hoa Kỳ.

Đã có nhiều thành công trong quá khứ và chính quyền của ông Trump cần học tập từ chúng. Tổng thống Bill Clinton đã tiến đến được một Thỏa thuận khung năm 1994, một thỏa thuận hạt nhân đáng ghi nhớ đã đóng băng quá trình sản xuất plutonium của Triều Tiên, và ngăn chặn việc sản xuất khoảng 100 vũ khí hạt nhân trong hơn 8 năm. Ông John Bolton đã giết chết thỏa thuận này và dùng việc Triều Tiên bí mật nghiên cứu làm giàu uranium làm lý do. Ông ta đã khoe rằng: "Đó là cây búa tôi đã tìm kiếm để đập tan Thỏa thuận khung".

Nếu chính quyền của ông Trump có thể đạt được điều gì đó gần với Thỏa thuận khung, nó sẽ là một bước tiến lớn. Nhưng cái giá sẽ tăng lên do hiện tại Triều Tiên có một kho vũ khí hạt nhân lớn. Washington cần phải chuẩn bị để đàm phán, và đàm phán một cách cứng rắn. Điều này có thể bắt đầu bằng cách thử tìm những mục tiêu của ông Kim Jong-un. Liệu ông ấy có tìm kiếm điều mà tướng Brooks tin tưởng - "thiết lập những mối quan hệ hoàn toàn mới trong vùng đông bắc Á", đặc biệt là với Hoa Kỳ? Chúng ta cần kiểm tra điều này với đàm phán và sự đảm bảo quan trọng về an ninh. Có thể đây sẽ là cơ hội cuối cùng, tốt nhất của chúng ta. Ông Brooks nói "Thiếu vắn sự hội thoại... Chúng ta sẽ lại quay về thời điểm 2016 và 2017, với rủi ro lớn hơn vì tính toán sai lầm về hành động của phía khác".

tin tức liên quan