Nguồn:Báo Điện tử Zing.vn
Tư duy khác biệt của ông Kim Jong Un so với các thế hệ lãnh đạo trước đây tại Triều Tiên dường như đã được hình thành trong những năm tháng tuổi trẻ.
“Fujimoto này,
Mỗi ngày chúng ta đều cưỡi ngựa, trượt patin, chơi bóng rổ
Mùa hè thì lái canô hay đi hồ bơi
Nhưng còn cuộc sống của người dân bình thường như thế nào?”
Kim Jong Un trẻ tuổi từng tâm sự với Kenji Fujimoto, người đầu bếp riêng của bố mình, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, trong một ngày hè tại dinh thự gia đình ở thành phố biển Wonsan.
Fujimoto nói ngay từ khi Kim Jong Un còn nhỏ, ông đã cảm thấy người con trai nhỏ nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong Il đã thể hiện tư duy khác biệt với những anh chị em trong gia đình, theo Reuters.
Những lời nói này được đầu bếp người Nhật tiết lộ trong một quyển hồi ký xuất bản năm 2010. Vào thời điểm quyển sách ra mắt, vị tướng trẻ tuổi Kim Jong Un dần được hé lộ sẽ trở thành người lãnh đạo Triều Tiên trong tương lai. Gần một năm sau đó, ông Kim Jong Il đột ngột qua đời, khiến cả thế giới hồi hộp theo dõi số phận của Triều Tiên đặt trên vai nhà lãnh đạo 27 tuổi.
Trở thành người quyền lực nhất Triều Tiên đối với ông Kim Jong Un không phải là con đường thẳng tắp. Người con trai nhỏ tuổi nhất của ông Kim Jong Il ban đầu xếp thứ ba trong danh sách kế thừa quyền lãnh đạo đất nước.
Trước Kim Jong Un, nhà lãnh đạo thế hệ thứ hai còn có hai người con trai lớn là Kim Jong Nam, con của Kim Jong Il và diễn viên nổi tiếng Song Hye Rim, và Kim Jong Chol, con đầu lòng của nhà lãnh đạo với nghệ sĩ múa Ko Yong Hui – mẹ của Kim Jong Un.
Kim Jong Nam, sinh năm 1971, là người đầu tiên được ưu ái. Tuy nhiên, người con trai lớn tự đánh mất quyền thừa kế của mình vào năm 2001 sau khi bị bắt tại Nhật Bản. Ông gặp rắc rối với cơ quan chức năng do sử dụng hộ chiếu giả để xem công viên giải trí Disneyland tại Tokyo. Sau khi người con trai lớn làm chính quyền Bình Nhưỡng bẽ mặt, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã quyết định đào tạo út nam của gia đình - Kim Jong Un - chuẩn bị cho vị trí lãnh đạo cấp cao trong chính quyền.
Anh trai ruột của Kim Jong Un là Kim Jong Chol, sinh năm 1981, bị bố đánh giá là quá yếu đuối và không đủ năng lực để làm chính trị. Mối quan tâm của Kim Jong Chol là âm nhạc. Anh từng được người chú Jang Song Thaek hộ tống đến London để xem buổi trình diễn của tay guitar nổi tiếng thế giới Eric Clapton. Kim Jong Chol được cho là đang sống cuộc đời trầm lặng ở Bình Nhưỡng và là thành viên của một ban nhạc Triều Tiên.
Kim Jong Un khác xa hai anh lớn. Người con trai sinh năm 1984 của ông Kim Jong Il luôn tỏ rõ khí chất lãnh đạo, thích ganh đua và tiềm ẩn nhiều tham vọng lớn từ khi còn nhỏ. Fujimoto cũng thừa nhận rằng Kim Jong Un là người con được lòng ông Kim Jong Il nhất trong năm anh chị em.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2013 với Adam Johnson, nhà văn từng giành giải Pulitzer, Kenji Fujimoto nói ông từng bất ngờ trước ánh mắt sắc lạnh của “hoàng tử” trong lần đầu gặp mặt. Kim Jong Un khi đó chỉ mới 7 tuổi. Cậu mặc quân phục, được các trợ lý của bố gọi là “hoàng tử” và đã bộc lộ rõ xu hướng chính trị khi thể hiện sự thù ghét người Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên trong quá khứ.
“Khi hoàng tử Jong Un bắt tay chào tôi, cậu ấy nhìn chằm chằm với ánh mắt thù địch. Tôi không thể nào quên được cái nhìn ấy. Như thể cậu ta muốn nói rằng: Trước mắt cậu là một gã người Nhật đáng khinh bỉ”, Fujimoto viết trong hồi ký năm 2003.
Trong quyển hồi ký thứ hai xuất bản năm 2010, Fujimoto tiết lộ Kim Jong Un có lần còn quát mắng cô ruột Ko Yong Suk vì gọi mình là “Tiểu tướng quân”. Con trai nhỏ nhất của ông Kim Jong Il muốn mọi người gọi mình là “Đồng chí tướng quân” chứ không phải một đứa trẻ không hiểu chuyện chính trị.
Theo lời kể của Fujimoto, ông lần đầu gặp nhà lãnh đạo tương lai của Triều Tiên khi cậu và anh trai Kim Jong Chol gặp rắc rối với một chiếc diều kiểu Nhật Bản. Không ai trong nhóm tháp tùng dám giúp hai đứa trẻ vì sợ làm phật lòng ông Kim Jong Il, hoặc bị các “hoàng tử” nổi nóng và trừng phạt nếu sửa không được món đồ chơi của họ.
Chỉ có Fujimoto, người đã giành được niềm tin tuyệt đối của Kim Jong Il khi chăm lo từng miếng ăn cho nhà lãnh đạo, là dám tiếp cận lũ trẻ. Ông sau đó được chỉ định làm người bầu bạn với Kim Jong Un gần 10 năm, cho đến khi nhà lãnh đạo trẻ tuổi tròn 18 tuổi.
Ông Kim Jong Un được thông báo nằm trong danh sách kế vị vào năm 1992, theo Ko Yong Suk. Ngày sinh nhật lần thứ tám, cậu được tặng một bộ đồ tướng quân. Những lãnh đạo quân đội ngày hôm ấy đều phải cúi chào Kim Jong Un để bày tỏ sự kính trọng trước con trai của nhà lãnh đạo quốc gia.
“Lớn lên một cách bình thường là điều không tưởng đối với Kim Jong Un, đặc biệt khi những người xung quanh luôn đối xử với cậu ấy một cách bất thường như vậy”, Ko Yong Suk nhấn mạnh.
Nắm quyền từ năm 27 tuổi, ông Kim Jong Un trở thành một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới. Ông kế thừa một đất nước với lịch sử đầy kiêu hãnh, được thành lập trong thời kỳ Chiến tranh lạnh bởi sự cạnh tranh giữa những siêu cường hạt nhân.
Trọng trách lớn đòi hỏi quá trình chuyển giao quyền lực được chuẩn bị kỹ lưỡng. Người lập quốc của Triều Tiên, lãnh tụ Kim Nhật Thành, đã chỉ định con trai Kim Jong Il là nhà lãnh đạo tương lai gần 20 năm trước khi chính thức nắm quyền.
Bố của Kim Jong Un có nhiều thời gian đên xây dựng đồng minh và hệ thống lãnh đạo phù hợp với tính cách và tầm nhìn của riêng mình. Theo ông Lee Sang Keun, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Thống nhất ở Seoul, Hàn Quốc, mô hình trên cho thấy quá trình chuyển giao quyền lực cho Kim Jong Un đáng lẽ phải được hoàn thành khi bố ông vẫn còn sống.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên thực tế chỉ có ba năm để chuẩn bị trước khi ông Kim Jong Il qua đời đột ngột vào năm 2011.
Theo nghiên cứu của Viện Brookings, quá trình “ép chín” người út nam nhà Kim bắt đầu từ năm 2008, sau khi ông Kim Jong Il may mắn sống sót qua cơn đột quỵ thập tử nhất sinh. Kim Jong Un chỉ chính thức được công bố là nhà lãnh đạo tương lai của Triều Tiên vào tháng 9/2010, được phong hàm tướng bốn sao ở tuổi 26.
Nhiều báo cáo tình báo cho biết, ngay khi nhận thấy con trai thứ ba của mình đủ năng lực kế thừa vị trí lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong Il đã tiến hành hàng loạt biện pháp bảo vệ cho tương lai của Kim Jong Un. Trong suốt 14 tháng trước khi qua đời, ông Kim Jong Il cùng con trai thực hiện liên tiếp nhiều cuộc kiểm tra nội bộ chính quyền, hy vọng tạo nên uy tín và quyền uy cho vị tướng trẻ.
Lee Sang Keun cho biết cố lãnh đạo Triều Tiên đã thay đổi mô hình “songun” ưu tiên quân đội, buộc giới tướng lĩnh phải cạnh tranh với bộ máy của đảng Lao động Triều Tiên (WPK) để nhận được sự ưu ái của nhà lãnh đạo trẻ sau này.
Kim Jong Un bất chấp những thử thách đã củng cố thành công quyền lực của mình với bàn tay sắt.
Trong lễ tang của ông Kim Jong Il vào tháng 12/2011, đi cùng với Kim Jong Un trong đoàn tiễn đưa linh cữu có bảy cố vấn thân cận nhất của cố lãnh đạo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo trẻ tuổi sau đó chọn lựa những người được đặc biệt tin tưởng để làm việc cùng mình.
Tháng 10/2017, ông Kim Jong Un đưa em gái ruột Kim Jo Yong vào bộ chính trị. Cô trở thành nhân vật luôn đồng hành cùng nhà lãnh đạo trẻ tuổi trong hàng loạt sự kiện ngoại giao quan trọng của Triều Tiên một năm sau.
Tính đến năm 2017, Kim Jong Un là nhà lãnh đạo bí ẩn nhất thế giới. Ông liên tiếp thử nghiệm tên lửa rồi khẳng định Triều Tiên đã hoàn thiện sức mạnh răn đe hạt nhân đủ sức tấn công nước Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng phía sau những hành động này là những toan tính kỹ lưỡng và có hệ thống của ông Kim.
“Ông ấy dám chấp nhận rủi ro nhiều hơn những nhà lãnh đạo trước đây. Ông ấy cũng thể hiện một gương mặt mới khi sẵn sàng thừa nhận sai lầm. Đây là một phong cách khác hoàn toàn mà chúng ta chưa từng chứng kiến”, Jenny Town, biên tập viên tại nhóm nghiên cứu Triều Tiên 38 North, nhận định.
Tư duy khác biệt của Kim Jong Un so với các thế hệ lãnh đạo trước đây tại Triều Tiên dường như đã được hình thành trong những năm tháng tuổi trẻ. Trở về từ Thụy Sĩ trong kỳ nghỉ hè năm 2000, Kim Jong Un không ngừng trăn trở về chuyến công du của bố mình đến Trung Quốc giữa giai đoạn đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên đang diễn ra.
“Tôi muốn bàn với ông Fujimoto điều này. Tôi nghe từ thượng tầng rằng Trung Quốc đang thành công rực rỡ trên nhiều mặt trận. Từ kỹ thuật, thương mại, khách sạn đến nông nghiệp, tất cả mọi thứ đều thành công. Chúng ta có nên xem đó là hình mẫu để học tập”, Fujimoto kể lại cuộc trò chuyện với Kim Jong Un khoảng một năm trước khi ông bỏ trốn.
Fujimoto rời khỏi Triều Tiên vào năm 2001. Ông được Kim Jong Un mời về thăm Bình Nhưỡng vào tháng 7/2012 với lời hứa sẽ tha thứ cho sự bỏ chạy trong quá khứ. Đầu bếp người Nhật còn được mời dùng tiệc trưa cùng với nhà lãnh đạo trẻ và phu nhân Ro Sol Ju.
Fujimoto kể rằng Kim Jong Un rất cởi mở và hòa nhã, sẵn sàng trao đổi với ông về những ý tưởng thay đổi đất nước. Ông còn nói sự hiện diện của bà Ro tại bàn tiệc cho thấy một phong cách khác hẳn với cố lãnh đạo Triều Tiên.
“Đồng chí tướng quân lắng nghe mọi điều tôi nói, thậm chí đã gật đầu khi tôi khuyên ông ấy mở cửa đất nước với thế giới. Ông Kim Jong Il sẽ không bao giờ ngồi yên và chấp nhận lắng nghe những quan điểm như vậy”, Fujimoto trả lời New York Times năm 2012.
Cùng năm đó, không lâu sau khi nắm quyền, Kim Jong Un cho thử nghiệm mô hình cải cách nông nghiệp của Trung Quốc những năm 1980. Nông dân Triều Tiên được giữ lại phần lớn sản phẩm thu hoạch. Các doanh nghiệp nhà nước được quyền mua và bán nông sản với giá thị trường, thuê và sa thải nhân công. Đó là những điều mà Kim Jong Un đã chia sẻ với Fujimoto mùa hè năm 2000.
Doanh nghiệp và thương gia nước ngoài được khích lệ đầu tư vào những dự án nhà nước, hoặc các cơ quan sự nghiệp thuộc quân đội hay đảng WPK. Ông cũng làm ngơ cho thị trường chợ đen hoạt động và phát triển, thay đổi nỗ lực kiềm tỏa khu vực kinh tế tư nhân như bố mình từng làm.
Tháng 4/2012, Kim Jong Un đọc diễn văn trước toàn quốc: “Quyết tâm sắt đá của đảng là đảm bảo nhân dân không bao giờ phải sống trong cảnh thắt lưng buộc bụng một lần nữa”.
Đó cũng là lần đầu tiên trong 17 năm, người dân Triều Tiên được nghe giọng nói của người lãnh đạo đất nước, theo Reuters. Trong khi bố mình thường viết thư chúc mừng năm mới nhân dân rồi để cho báo đài thuật lại, Kim Jong Un chọn xuất hiện trên sóng truyền hình và đọc diễn văn mừng năm mới. Các nhà phân tích cho rằng Kim Jong Un noi gương ông nội nhiều hơn là bố mình.
Ông Kim Jong Il là nhà lãnh đạo với phong cách khép kín, không muốn thu hút sự quan tâm quá lớn của dư luận. Trong khi đó, nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên lại theo đuổi hình ảnh hoạt bát, cởi mở. Ông thường xuyên xuất hiện trong những bức ảnh tuyên truyền khi đang ôm hôn người dân, binh sĩ và các nhà khoa học với nụ cười rạng rỡ.
Để củng cố quyền lực, nhà lãnh đạo trẻ tuổi trong thời gian đầu đã dựa trên ba trụ cột chính: quân đội và sức mạnh hạt nhân, thị trường tư nhân hoạt động ngầm để xoa dịu người dân, và xây dựng hình ảnh được kính sợ nhất đất nước. “Ông ấy chọn xây dựng sự lãnh đạo dựa trên tình hình nền kinh tế của đất nước”, John Delury, chuyên gia tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc, nhận định.
Nhà lãnh đạo trẻ tuổi chọn gắn liền hình ảnh với những thành tựu kinh tế. Theo số liệu của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, hơn nửa số hình ảnh của Kim Jong Un được truyền thông Triều Tiên ghi lại và đăng tải trong năm 2015 là trong những sự kiện kinh tế, các chuyến thăm nhà máy hay nông trường. Chỉ đến năm 2017, khi những cuộc thử nghiệm vũ khí tăng đột biến và thách thức nước Mỹ, hình ảnh của Kim Jong Un mới tăng mức liên kết với quân đội nước này.
Lựa chọn xây dựng tính chính danh của hệ thống lãnh đạo dựa trên kinh tế, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chấp nhận thay đổi chiến lược đối ngoại của đất nước đầy bất ngờ. Năm 2018 đánh dấu sự xuất hiện của “chính khách” Kim Jong Un với hàng loạt hoạt động ngoại giao và tiếp xúc cấp cao, ba lần công du sang Trung Quốc, ba cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và đỉnh điểm là hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore vào tháng 6.
Ông Kim Jong Un đột nhiên trở nên quen thuộc với hình ảnh của một nhà ngoại giao, một chính khách chuyên nghiệp. Nội dung những cuộc gặp thượng đỉnh đều chỉ ra điểm chung: Bình Nhưỡng muốn tăng cường đầu tư từ nước ngoài, nới lỏng sức ép các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế, phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế.
Tuy nhiên, những suy tính cho tương lai mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đang cân nhắc vẫn là ẩn số lớn.
Các báo cáo tình báo thời gian qua cho thấy Triều Tiên vẫn chủ động làm giàu hạt nhân và chế tạo vũ khí. Dù vậy, ông Kim Jong Un không còn lớn tiếng về năng lực hạt nhân quốc gia, không trình diễn vũ khí và không kích động khủng hoảng, theo New York Times.
Trong một báo cáo mới đây của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), giới chuyên gia đã cáo buộc Triều Tiên không khai báo cho cộng đồng quốc tế về căn cứ tên lửa bí mật Sino Ri. Nhà phân tích Victor Cha, cựu đặc phái viên Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể cố tình gạt tên căn cứ này khỏi quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa, qua đó duy trì năng lực đe dọa các đối thủ.
Theo Reuters, sau một năm lặng sóng, truyền thông Triều Tiên trong những tháng cuối năm 2018 đã nhiều lần cảnh báo Bộ Ngoại giao Mỹ rủi ro tái lập “những đối đầu nảy lửa” giữa hai nước nếu tiếp tục thắt chặt cấm vận. Trong thông điệp đầu năm 2019, ông Kim Jong Un cũng đưa ra thông điệp cứng rắn rằng "nếu Mỹ thất hứa" và tiếp tục "duy trì các lệnh trừng phạt kèm áp lực", Triều Tiên "sẽ không còn cách nào khác ngoài tìm kiếm một con đường mới cho chủ quyền quốc gia".
Lời đe dọa về “con đường mới” đã khiến các nhà phân tích tranh cãi về tầm nhìn thật sự của ông Kim. Một số nhà phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên hàm ý kêu gọi tăng thêm bên tham gia vào nỗ lực tái lập hòa bình trên bán đảo. Ngay sau thông điệp này, ông Kim Jong Un lại có chuyến công du lần thứ tư sang Trung Quốc ngay dịp đầu năm mới và trước thềm cuộc gặp lần hai với Tổng thống Donald Trump.
Theo Harry Kazinis, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Quốc gia ở Washington, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang tìm cách đặt tổng thống Mỹ vào thế phải lựa chọn: hoặc đàm phán về vấn đề hạt nhân và giảm cấm vận, hoặc Trung Quốc sẽ vào cuộc và Triều Tiên có thể giữ lại hạt nhân.
Nhưng các dấu hiệu từ đàm phán mới nhất cho thấy Triều Tiên và Mỹ đang giảm dần các khác biệt đáng kể trong đàm phán hạt nhân. Về phía Washington, chính quyền của ông Trump cũng đưa ra những tín hiệu về chấp nhận việc giải giáp hạt nhân sẽ là một tiến trình dài chứ không thể vội vàng. Bình Nhưỡng thì nhiều khả năng sẽ gỡ bỏ một nhà máy hạt nhân quan trọng bậc nhất của mình và đồng ý cho các thanh sát viên IAEA vào kiểm tra.
Những tiến triển mới nhất có thể là chỉ dấu cho ông Kim Jong có thể sẽ có thượng đỉnh thành công với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những ngày sắp tới.
Với sự mở cửa và bước ra bên ngoài, sự bí ẩn của Triều Tiên và ông Kim Jong Un sẽ lùi lại dần cho những hình ảnh bình thường và chân thực hơn về chính trị gia này.
Thanh Danh