Nguồn gốc tượng Bà cũng chỉ là huyền thoại
Bức tượng Bà vốn nằm trên đỉnh núi Sam, và không ai biết tượng đã được đặt từ bao giờ. Nhưng khu vực núi Sam, xưa kia vốn ngập trong nước biển, và núi Sam chỉ là cái hòn nhỏ nhô lên. Trải qua bao thời gian, phù sa dần bồi lắng, mới hình thành vùng đất đồng bằng từ Châu Đốc trải dài ra tận Hà Tiên (Kiên Giang), và “hòn” Sam trở thành núi Sam ngày nay.
Và theo truyền thuyết về vương quốc Phù Nam, kể rằng, 1 vị hoàng tử Ấn Độ một hôm bỗng dưng chán quyền lực, của cải sẵn có, đã dẫn đoàn tùy tùng lên thuyền làm chuyến hải hành về phía mặt trời mọc, với hoài bão tìm ra một vùng đất mới, lập vương quốc riêng cho mình…
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, hoàng tử và đoàn tùy tùng đến khu vực có nhiều hòn nổi lên trên biển. Đó là vùng Châu Đốc ngày nay - khi phù sa chưa đủ để xua nước biển, tạo lập vùng đồng bằng như hiện giờ. Đến hòn đảo tương đối thấp ở trong sâu, đoàn người lên thám sát và nhận thấy đây là đất tốt. Đó chính là núi Sam bây giờ.
Bệ đá trên đỉnh núi Sam - được cho là nơi xưa kia Bà từng ngự - Ảnh: Nguyễn Hồ
Để đánh dấu sự có mặt của mình tại vùng đất mới, hoàng tử đã đắn đo suy nghĩ rất lâu để tìm chứng tích gì thật đặc biệt. Cuối cùng, tia sáng lóe lên trong đầu. Hoàng tử cho đoàn tùy tùng khiêng từ tàu lên pho tượng đá mang theo từ quê nhà, đặt lên đỉnh hòn. Hoàng tử nào có ngờ rằng, sau này pho tượng của mình đã trở thành Bà Chúa Xứ, được muôn người tôn kính. Và vùng đất mà hoàng tử đánh dấu, thực ra không phải vùng đất mới, mà thuộc về lãnh thổ của 1 nữ vương tên là Lưu Yi…
Truyền thuyết này có nhiều điểm phù hợp, nếu xét về hình dáng, kiểu cách pho tượng Bà Chúa Xứ hiện đặt tại miếu dưới chân núi Sam. Ngày nay, trên đỉnh núi Sam vẫn còn 1 bệ đá mà nhiều người cho rằng chính là nơi xưa kia Bà ngự. Bệ đá thuộc loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn - vốn không có ở vùng đất này, có chiều ngang khoảng 1,6 mét, dày 0,3 mét, ở giữa có 1 lỗ vuông cạnh 0,34 mét. Hiện giờ, bệ đá được xem như 1 chứng tích và được bảo vệ cẩn thận.
Còn tượng Bà cao khoảng 1,65 mét, làm bằng đá son, nặng ước chừng 1 tấn, thuộc loại tượng thần Visnu, tạc dáng người ngồi nghĩ ngợi điều gì đó, trông quý phái, vương giả. Tương truyền, khuôn mặt Bà rất giống người ái nam ái nữ theo trường phái tạc tượng của đạo Bà La Môn xưa kia. Nhưng sau khi phát hiện và đưa tượng xuống núi, người dân đã tô vẽ thêm để tượng trông thành 1 người đàn bà như ngày nay.
Cả đoàn quân Xiêm không lay chuyển được, nhưng vì sao nay tượng lại ở dưới chân núi?
Và tượng Bà bị mất 1 cánh tay. Theo truyền thuyết, khi quân Xiêm La tràn đến, lên đỉnh núi gặp pho tượng và định lấy mang về. Nhưng dù cố gắng hết sức, họ vẫn không thể làm lay chuyển pho tượng. Tức khí, một số người đã dùng hung khí đập gãy 1 cánh tay của tượng Bà…
Lễ vật khách hành hương dân cúng Bà - Ảnh: Nguyễn Hồ
Sau khi quân Xiêm hậm hực bỏ đi, dân làng cũng đã huy động hàng trăm người lực lưỡng lên núi, định đưa tượng xuống phụng thờ. Tuy nhiên, họ cũng bó tay. Nhưng vào 1 ngày nọ, Bà đã nhập xác vào 1 người phụ nữ, tự xưng mình là Chúa Xứ Thánh Mẫu, và mách cho dân làng rằng, muốn đem tượng Bà xuống núi thì chỉ cần đúng 9 cô gái đồng trinh.
Y như rằng, khi 9 cô gái đến nhấc nhẹ thì tượng Bà cũng trở nên nhẹ bổng, và 9 cô gái trang nghiêm đưa tượng dần xuống núi. Nhưng đến khu vực mà tượng Bà được đặt cố định cho đến giờ, thì bỗng dưng tượng trở nên nặng trĩu, không cách nào nhấc lên được nữa. Dân làng cho rằng, Bà muốn ngự tại chỗ này nên đã lập miễu thờ.
Đó là truyền thuyết. Còn thực tế? Anh Nguyễn Thanh Tùng - cán bộ Trung tâm Du lịch nông dân An Giang, lại đưa giả thuyết khác hợp lý hơn. Anh phân tích, pho tượng theo sử sách ghi là được tìm thấy năm 1824. Trước đó, ngẫu nhiên lại là thời điểm mà quan Trấn thủ Thoại Ngọc Hầu, phụng mệnh triều đình huy động rất nhiều nhân lực, để đào con kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc và Hà Tiên. Kênh được đào từ năm 1819, đến năm 1823 mới xong.
“Và với lực lượng người, quân binh… hùng hậu tập trung để đào kênh, ông Thoại Ngọc Hầu đã cho di dời tượng xuống núi. Đây là giả thuyết khá phù hợp, bởi di chuyển tượng nặng như vậy phải cần rất nhiều người”, anh Tùng nói.
Phụ họa cho giả thuyết của mình, anh Tùng còn chứng minh rằng, không phải ngẫu nhiên mà miếu Bà Chúa Xứ và lăng Thoại Ngọc Hầu lại nằm đối diện nhau, như giờ vẫn thấy. “Điều này chứng tỏ rằng, chính ông Thoại Ngọc Hầu đã chọn địa điểm đặt miếu, đặt tượng và xây dựng lăng cho mình trước khi mất.
Theo sử ghi, năm 1821 - trước khi “tìm thấy” tượng Bà và đem xuống núi, bà Diệu phẩm phu nhân Trương Thị Miệt - vợ thứ của ông Thoại Ngọc Hầu, đã chết và được an táng tại khu lăng của ông, chôn bên trái ngôi mộ của ông hiện nay. Điều này càng chứng tỏ khu lăng mộ của ông Thoại Ngọc Hầu đã được xây dựng trước - khi ông còn sống.
Khó có chuyện ngẫu nhiên 9 cô gái đồng trinh có thể dễ dàng đưa tượng Bà men theo vách đá cheo leo để xuống núi và lại bỗng nhiên nặng trịch, rồi đặt đối diện lăng Thoại Ngọc Hầu”, anh Tùng phân tích.
Và khoảng 10 năm trước, trong lúc tu sửa ở khu lăng miếu, vô tình đã làm phát lộ nơi chôn đồ tùy táng của Thoại Ngọc Hầu tại lăng. Trong số đồ đạc phát hiện, có cả áo mão, kiếm của ông và đồ trang sức của các phu nhân… “Điều này càng minh chứng, ông Thoại Ngọc Hầu đã “quy hoạch” khu này”, anh Tùng khẳng định.
Nhưng tất nhiên, đến giờ vẫn chưa có nhà nghiên cứu nào khẳng định giải thuyết đúng là như thế nào. Chỉ biết, pho tượng khổng lồ lại đem được xuống núi - khi đó rất cheo leo, hiểm trở, cũng đã khiến sự huyền bí về Bà Chúa Xứ càng thêm huyễn hoặc nhiều người.
Vì sao Bà trở thành vị thần nữ?
Như đã nói ở phần trên, thì theo truyền thuyết, chính Bà đã nhập hồn và tự xưng mình là Chúa Xứ Thánh Mẫu, trước khi mách người dân cho 9 cô gái đồng trinh chuyển tượng mình xuống núi.
Còn theo quyển sách biên khảo “Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam” của ông Trịnh Bửu Hoài, thì chính ông Thoại Ngọc Hầu là người có công lớn để giúp Bà “xưng Chúa”.
Nhiều khách hành hương để lại lễ vật, tạ ơn Bà - Ảnh: Nguyễn Hồ
Số là, theo truyền thuyết vào khoảng năm 1820, trên đường đi dẹp loạn biên giới, ông Thoại Ngọc Hầu đã gặp tượng Bà. Giặc tan, trở về nhà, ông nghe vợ là bà Châu Thị Tế kể rằng, những ngày ông đi viễn chinh, bà ở nhà lo lắng và khấn nguyện trời phật phù hộ ông chiến thắng, bình yên trở về, thì bà sẽ lập miếu tạ ơn.
Khi đó, ông Thoại Ngọc Hầu mới sực nhớ pho tượng mình đã gặp, nên bảo binh sĩ đưa tượng về miếu thờ. Như vậy, giả thuyết này cũng phù hợp với phân tích của anh Tùng, tức chính ông Thoại Ngọc Hầu đã huy động dân binh đưa tượng Bà xuống núi.
Và Thoại Ngọc Hầu có nhiều công trạng, được người dân vùng Châu Đốc… tôn kính và trọng vọng, đương nhiên miếu thờ Bà mà ông lập, cũng được người dân theo đó sùng bái. Và cộng thêm nhiều huyền thoại về Bà Chúa Xứ như chúng tôi đã nêu ở các bài viết trước, nên Bà đã vang danh và được xem như vị thần nữ như ngày nay…
Và theo thông lệ hàng năm, lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức từ ngày 23 đến 27.4 (âm lịch), trong đó ngày vía chính là 25.4. Thời gian được chọn làm ngày vía Bà, được giải thích là ngày tượng Bà an vị sau khi được đưa xuống núi. Và lễ Tắm Bà được tổ chức vào 24 giờ ngày 23.4 âm lịch. Nước tắm được lấy từ nước mưa hòa với nhiều loại hoa thơm và nước hoa.
Sau lễ này, hàng ngàn người hành hương tràn vào chánh điện, với ước nguyện mình sẽ là người vào trước để hưởng lộc đầu tiên của Bà. Lộc Bà khi ấy chỉ là những cành hoa và các loại trái cây cúng trên bàn. Nhưng có người nhanh tay giật được cả cành hoa, nhưng dòng người xô đẩy quá kinh khủng nên chốc lát cành hoa ấy chỉ còn trơ… cái cọng không