Đừng hành xử với dân như “quan phụ mẫu”

Ngày đăng: 02:44 16/04/2019 Lượt xem: 384


            Đừng hành xử với dân như “quan phụ mẫu”


                                               Nguồn:Báo Điện tử  


Nếu các cơ quan biết cách ứng xử và có lời nói dễ nghe thì phiền hà của dân giảm đi rất nhiều, đó có thể xem là cách hành xử có văn hóa.

 

Cán bộ, công chức thời nay là những người được nhân dân ủy thác quyền lực của mình để làm việc cho dân, thế nên họ phải có bổn phận, trách nhiệm phục vụ nhân dân và thể hiện thái độ giao tiếp, ứng xử lễ phép, đúng mực với nhân dân. 

Đừng hành xử với dân như “quan phụ mẫu”
Bà Đàm Thị Hệ, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông trong buổi làm việc với người dân. Ảnh cắt từ clip

Văn hóa ứng xử trịnh thượng

Mấy năm trước, dư luận từng rùng rùng bất bình khi một người dân kể, bà có việc đến ủy ban phường để chứng thực giấy tờ. Nộp hồ sơ rồi và do phải chờ khá lâu, bà đến hỏi cán bộ vì sao lâu thế. Tuy nhiên, cô cán bộ không ngẩng đầu lên, chỉ nói gọn lỏn một từ: “Chờ”.

Năm ngoái, dư luận lại ồn ào bán luận về tác phong công vụ khi một Trưởng công an xã lấy chân đá thúng cá của dân; Một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum rút súng dọa bắn dân; Một cán bộ trật tự đô thị ở Hội An đánh dân vì... làm vấy bẩn giày…

Mấy ngày gần đây, dư luận lại nóng lên bởi một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông xưng hô “mày- tao” khi giao tiếp với dân. Không bức xúc sao được khi cán bộ có trình độ cao, là bí thư chi bộ và người đứng đầu một cơ quan cấp phòng quan trọng ở địa phương lại có những lời lẽ thô thiển khi tiếp xúc với người dân.

Có ý kiến cho rằng, do cán bộ này tính tính nỏng nảy, thiếu kiềm chế trước yêu cầu đòi hỏi quá đáng của người dân nên thiếu sự bình tĩnh cần thiết. Và, cũng có thể do bị dồn nén cảm xúc không hài lòng với đối tượng tiếp xúc, từ đó có thái độ, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, không phù hợp với vị thế, tư cách của cán bộ, đảng viên.

Xét dưới góc độ tâm lý học, việc một ai đó tức thời có thái độ, hành vi ứng xử nông nổi, thiếu chín chắn trước những tình huống gây khó chịu cho mình, cũng dễ bề cảm thông. Nhưng sự cảm thông này chỉ dành cho những một công dân bình thường. Còn đối với cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có trình độ và đã trải qua rèn luyện thực tiễn, nhưng lại phát ngôn “văng tục” không đúng lúc, đúng chỗ khiến bà con bị tổn thương, lại là điều rất đáng trách.

Vẫn biết, một số lĩnh vực ví dụ như quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường luôn là “lĩnh vực nóng” ở nhiều địa phương. Cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực này thường chịu nhiều nhiều áp lực. Bất cứ sự sai sót, sơ hở nào trong công tác quản lý đất đai cũng có thể gây ra những “điểm nóng” từ cơ sở.

Điều đó càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhân viên tham gia giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan đến đất đai của người dân không chỉ am hiểu, nắm chắc luật pháp, mà còn phải có tinh thần cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu với những băn khoăn từ người dân; đồng thời phải tìm cách tháo gỡ, giải quyết khó khăn, khúc mắc cho người dân bảo đảm thấu tình, đạt lý. Ngay cả khi người dân làm sai, cán bộ cũng phải bình tĩnh, điềm đạm giải thích cho người dân hiểu bản chất vấn đề, chứ không nên “giận cá chém thớt”!

Tư tưởng “quan phụ mẫu”

Thật ra, câu chuyện xảy ra ở thị xã Gia Nghĩa không phải là hiện tượng cá biệt. Dư luận đã nhiều lần lên tiếng về một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn có thái độ quan cách, cửa quyền, hách dịch khi tiếp xúc, giải quyết những công việc cho người dân. Suy cho cùng, những biểu hiện đó đều có căn nguyên sâu xa là một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn để cho thói gia trưởng ngự trị trong tư tưởng, thái độ và hành vi ứng xử.  

Khi nói đến tác phong gia trưởng, chủ nghĩa gia trưởng, người ta liên tưởng đến những “ông quan” mũ cao áo dài của một thời phong kiến đầy “oai phong lẫm liệt”, dù ở chốn quan trường “ăn lộc vua, hưởng lộc nước” mà lại đi đứng nghênh ngang, coi mình như “quan phụ mẫu”, tức là cha mẹ của dân, nói gì cũng bắt dân chúng phải nhất nhất tuân lệnh!

Ngay từ khi chính quyền cách mạng non trẻ vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo, những cán bộ, đảng viên có thái độ gia trưởng lúc nào cũng “Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi”, “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy”, từ đó “Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”.

Đề cập đến thói gia trưởng trong cơ quan công quyền, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: “Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào thì như một “ông vua con” ở đấy và: “Có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến người lao động, chèn ép quần chúng”.

Không ngẫu nhiên mà lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng ta đã sử dụng những từ ngữ mạnh như “ngang tàng phóng túng”, “vác mặt quan cách mạng”, “chèn ép quần chúng”… Điều này như muốn cảnh tỉnh nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên vẫn để cho lề lối, cung cách hành xử hách dịch, cửa quyền vốn là tàn dư của chế độ quan lại phong kiến thời xưa ngự trị trong bản thân mình. Điều đó hoàn toàn xa lạ, trái ngược với tư tưởng tiến bộ, thái độ cầu thị, tác phong dân chủ của người cán bộ, đảng viên thời nay.

Chuẩn mực văn hóa ứng xử với nhân dân

“Lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Lời nói chẳng mất tiền mua”; “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”… Điểm qua vài ba câu đúc kết của ông cha ta bao đời nay với mong muốn nhắc lại một điều, thời nào cũng vậy, văn hóa giao tiếp, ứng xử thực ra không có gì to tát, mà là lời ăn tiếng nói, là cách xử sự với con người, với tổ chức, với công việc mà ai cũng có thể làm được nếu bản thân có tấm lòng trong sáng, tinh thần cầu thị và ý thức tôn trọng người khác.

Bởi thế, một trong bốn nội dung của Đề án “văn hóa công vụ” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra yêu cầu về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức có nội dung cốt lõi là khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân, mỗi “người Nhà nước” cần thực hiện “4 xin” là “xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và “4 luôn” là: “luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”.

Có ý kiến cho rằng, việc yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện “4 xin”, “4 luôn” có khiến “người Nhà nước” bị giảm vị thế trong con mắt người dân không? Xin thưa, không những không giảm, mà ngược lại càng tăng thêm tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với những người thực thi, thừa hành công vụ.

Bởi vì, cán bộ, công chức thời nay là những người được nhân dân ủy thác quyền lực của mình để làm việc cho dân, thế nên họ phải có bổn phận, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Một chính quyền của dân, do dân, vì dân thì nhất thiết phải lấy mục tiêu phục vụ và bảo đảm lợi ích tối cao cho dân, do đó, những “người nhà nước” đương nhiên phải có thái độ giao tiếp, ứng xử lễ phép, đúng mực.

tin tức liên quan