Toạ đàm này có sự tham dự của lãnh đạo nhiều trường ĐH, trường phổ thông và chuyên gia giáo dục trên địa bàn TPHCM tham gia góp ý.
Phát biểu tại toạ đàm, PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội thông tin, theo Báo cáo của Bộ kế hoạch đầu tư gửi Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Về báo cáo này, hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng, “Thực trạng giáo dục nước ta hiện nay đang kém nhất thế giới chứ không phải trong 10 nước tiên tiến nhất thế giới. Nếu chúng ta không kịp thay đổi thì trong vòng 5 năm nữa, Việt Nam tiếp tục thua kém. Đặc biệt, khi thay sách giáo khoa, đổi mới chương trình, chúng ta đang làm rất lạ lùng. Trong thời đại công nghệ số mà tôi chưa nghe gì chuyện nhúng công nghệ số vào sách.
Công nghệ số mà khi vẽ một hình không gian lên tờ giấy, học sinh vẫn phải tưởng tượng, học chay như thời không có máy tính thì tôi không tin việc đổi mới sẽ thắng lợi. Nếu không kịp điều chỉnh kịp, 5 năm nữa chúng ta sẽ chậm hơn nước khác tới 10 năm.
Một chuyên gia dạy toán cũng trăn trở, môn toán rất thú vị nhưng tại sao học sinh Việt Nam càng ngày càng tệ, bởi vì cách học và dạy hiện nay không giúp học sinh thấy thú vị. Bản thân tôi dạy, nếu dạy để học trò mê thì các em sẽ rớt hết.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, chuyên gia văn hóa học và ngôn ngữ học, nêu quan điểm: “Nếu nói giáo dục Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới còn có thể hiểu được, còn là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu”.
Theo ông Thêm, văn hoá của chúng ta rất âm tính, dẫn đến giáo dục là văn hoá đối phó. Trường học đối phó, nhờ đối phó mà chúng ta có kết quả PISA rất cao.
Hiện chúng ta kiểm định chất lượng, dù biết kết quả ra sao nhưng tất cả đều qua hết. Có những trường học sinh gần như bị lừa vì khi vào học thấy rất tệ. Nhiều trường đang phải loay hoay trong xây dựng chương trình, thay vì sắp xếp những môn học chung ở năm đầu tiên nhưng điều này sẽ khiến sinh viên bỏ học hàng loạt vì chán nản.
Cuối cùng, có trường đối phó bằng cách sắp xếp những môn học chung vào học kỳ cuối cùng, đẩy những môn học hấp dẫn cho năm đầu tiên. Thậm chí bài báo quốc tế cũng đối phó nốt, chúng ta ngồi đây đều biết hết.
Ông Thêm cho rằng, với công nghệ số, vấn đề không còn là ở SGK nữa; với kho dữ liệu trên mạng, vấn đề không còn học thuộc bài nhưng người Việt Nam chúng ta vẫn học thuộc để trả bài cho thầy, như vậy vẫn học đối phó. Thay vào đó, chúng ta cần khai thác và sử dụng dữ liệu trong thời đại 4.0 đó như thế nào?".
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phan Thanh Bình, cho biết, từ năm 2000, đất nước ta có chiến lược chung là “công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”. Đến nay, chúng ta đạt được một số kết quả trong đó có 3 đột phá gồm: Thể chế kinh tế, hạ tầng kinh tế kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nhìn vào bối cảnh hiện tại và so sánh với xung quanh coi chừng chưa chắc cải thiện mà đôi khi thụt lùi nếu không chuẩn bị cho chiến lược sắp tới.
PGS Bình cho rằng, nhắc đến chiến lược thường sẽ tính là 5 -10 năm, tuy nhiên về mặt giáo dục và khoa học xã hội thì phải nhìn xa cả một quá trình, thậm chí là 10 năm hoặc xa hơn.
Đối với lĩnh vực giáo dục, không phải chiến lược ngày hôm trước thì hôm sau có kết quả mà đòi hỏi cả một quá trình tích luỹ tịnh tiến. Không như kinh tế, tăng giá điện tác động xã hội ngay lập tức tác động giá cả thị trường còn giáo dục phải đi rất chậm, phải có một quá trình tích luỹ mới có hiệu ứng.
“Gần đây nhiều người nói giáo dục hiện nay có nhiều vấn đề, nhưng tôi cho rằng đây không phải là kết quả tức thì mà là hệ quả của một quá trình. Trước đây chúng ta hay nói “chuột chạy cùng sào” và biết đâu những vấn đề diễn ra hiện nay có thể trả giá cho nguyên nhân đó. Do đó, chiến lược phát triển, riêng lĩnh vực giáo dục phải nhìn đến năm 2030 hoặc 2045”, ông Bình đưa ra nhận định.
Lê Phương