Nói với dân

Ngày đăng: 07:04 13/06/2019 Lượt xem: 425

Nói với dân

Tôi nhớ một lần tham gia cuộc đối thoại giữa chính quyền một huyện đồng bằng sông Cửu Long và người dân nơi này. Cuộc đối thoại liên quan đến đơn thư tố cáo cán bộ xã của bà con cách đây 6 năm.

Bà con đã chờ nhiều tháng kể từ khi có đoàn thanh tra những tố cáo, song không có thêm tin tức nào. Nhiều người đã nghĩ rằng vụ việc bị "chìm xuồng", không đi đến đâu, có dấu hiệu bao che. Chỉ đến khi bức xúc lên cao, khiếu kiện vượt cấp, chính quyền huyện mới bắt đầu có động thái. Lãnh đạo huyện tổ chức một cuộc đối thoại với dân, ở đó từng thắc mắc một được tháo gỡ.

Cuộc họp hôm ấy bắt đầu căng thẳng vì sự xa cách và dè chừng của người dự họp. Nhưng tất cả bỗng trở nên cởi mở hơn khi đại diện phía người dân lên tiếng: họ đến đây "chỉ để nghe chính quyền giải thích" về lý do việc thanh tra, giải quyết tố cáo diễn ra quá chậm chạp.

Lúc này, vị lãnh đạo bắt đầu trình bày rõ ràng, rành mạch về quy trình cũng như việc làm mà đoàn kiểm tra đã thực thi. Ông cũng cam kết quyết tâm giải quyết dứt điểm vụ việc trên tinh thần cầu thị và đúng luật.

Tôi thấy mọi người trong phòng chăm chú lắng nghe từ đầu đến cuối và từ từ không khí cũng trở nên thân thiện hơn. Hóa ra, cái khó của chính quyền huyện nằm ở sự vướng mắc liên quan đến quy trình và sự cẩn trọng vì sợ kỷ luật sai người, họ bảo phải xác minh kỹ vụ việc. "Giá như mấy ổng nói trước cho bà con hay thì đã bớt hẳn lo lắng rồi", một bác đứng tuổi nói. Sau buổi họp, bà con phấn khởi hẳn, còn chính quyền huyện hứa sẽ xử lý triệt để điều dân muốn. Và họ sau đó đã làm được.

Thật ra xã hội Việt Nam rất coi trọng vai trò cá nhân người lãnh đạo, và người ta hoàn toàn có thể xây dựng được uy tín của mình chỉ bằng cách trò chuyện với dân. Thế nhưng có vẻ như nhiều vị lãnh đạo đương thời đã chọn hình ảnh oai nghiêm, có phần cao sang hay thậm chí quan cách, xa lạ thay vì một hình ảnh thân thiện.

Sự xa cách khiến người dân cảm thấy khó hơn để thông cảm với sai lầm của chính quyền nếu có, và cũng khiến những bức xúc dễ bùng lên hơn dù lẽ ra nó đã có thể chấm dứt khi vừa nhen nhóm. Trái lại, sự giao tiếp của chính quyền lại khá cứng nhắc với dư luận khi có cả đội ngũ dư luận viên hùng mạnh.

Một số phương thức giao tiếp như một thông điệp gián tiếp rằng người dân nên phục tùng một cách không đòi hỏi và phải tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của chính quyền. Kết quả, nó làm cho nỗ lực của giới công chức đổ sông đổ bể, càng đào sâu thêm sự bất tin tưởng với nhiều người "của Nhà nước".

Chính quyền có lẽ đã bị chỉ trích ít hơn nếu như họ có thêm tuyên bố trấn an khi dư luận phẫn nộ bên cạnh việc ra văn bản răn đe những người bày tỏ thái độ cực đoan ở cổng nhà ông Nguyễn Hữu Linh. Khi tướng Vương giãi bày với Quốc hội về lý do chậm khởi tố ông Linh, người ta đã gán cho ông những lời lẽ không mấy hay ho. Lúc Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng chia sẻ những khó khăn (hoàn toàn có thật và hợp lý) của cơ quan chấp pháp khi đối phó với tội phạm ấu dâm, dư luận cũng đã gán cho ông đủ ngôn từ khó nghe khác. Ông Vương và ông Dũng là những người làm chuyên môn, chưa có dấu hiệu sai sót trong công việc của họ, nhưng có lẽ sự im lặng không đúng lúc của chính khách đã tạo nên niềm tin rằng Nhà nước đang bao che cho kẻ phạm tội và bất kỳ ai nêu ra sự khó khăn cũng đều là về hùa với kẻ xấu.

Tôi nhớ một hình ảnh đẹp hiếm hoi đã diễn ra 5 năm trước, trong cao trào biểu tình phản đối vụ khủng hoảng giàn khoan của Trung Quốc. Sự kiện đó diễn ra ở Vũng Tàu và nhân vật chính là vị bí thư thành phố. Không có dùi cui, cảnh sát cơ động, hay những chiếc xe loa ồn ào như ở Sài Gòn, vị bí thư đứng trên xe, trình bày một cách thật sự chân tình với đoàn biểu tình. Ông kết thúc bằng việc kêu gọi mọi người nên về nghỉ vì đã trưa rồi. Cuộc biểu tình được dập tắt một phần chính nhờ thái độ đó.

Nhà nước chuyên nghiệp và hiện đại phải coi trọng cảm xúc của người dân hơn. Nói chuyện và thông tin với dân nên là một phần công việc và qua đó có thể đánh giá năng lực của lãnh đạo. Bài học về sự gần dân không thiếu trong lịch sử lập quốc. Thay vào đó, nếu chỉ chăm chăm vào sự giáo điều rằng người dân sẽ sợ hãi hoặc tin tưởng mù quáng thì những cuộc khủng hoảng niềm tin sẽ vẫn còn. Khi không có ai đứng ra nói với nhân dân, khi sân khấu bị bỏ trống, người dân có thể quay sang lắng nghe những tiếng nói cực đoan khác.

Gần dân là sự chân thành chia sẻ để lòng dân an, tuân theo lý lẽ và cảm xúc của người dân nhưng lưu ý nó không giống với thói dân túy mang màu sắc mánh khoé để dẫn dắt công chúng bởi một mục tiêu chính trị nào đó. Khi một chính khách lên tiếng xoa dịu cơn bức xúc của cộng đồng, tôi tin người dân đủ thông thái để phân biệt ông đang dân tuý hay nói với dân. 

Một bộ máy tuyên truyền dù lớn mạnh đến mấy cũng có thể thất bại bởi sự "lười biếng" của chính khách.

Lê Nguyễn Duy Hậu
PS st Theo VnExpress


tin tức liên quan