Tại sao lò đã “nóng” mà các quan tham vẫn trơ lỳ?
Nguồn: Báo Điện tử TuanVietNamnet
Trong những năm vừa qua, với chiến dịch “đốt lò”, hàng loạt quan to, quan bé bị trừng trị nghiêm khắc, cứ tưởng các quan tham sẽ dè chừng. Nhưng vì sao những kẻ rắp tâm tham nhũng vẫn không chùn tay?
Gần đây nhất, vụ Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị cơ quan điều tra lập biên bản về hành vi vòi vĩnh đòi chung chi ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã làm dậy sóng dư luận.
Báo chí cũng vừa phát hiện một dự án gần 13.000 căn hộ xây trái phép giữa trung tâm TPHCM. Tình trạng quy hoạch đô thị ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và ở nhiều thành phố, thị xã khác đang ngày ngày bị băm nát, cho thấy các “nhóm lợi ích” bất chấp pháp luật, bất chấp răn đe vẫn cấu kết với nhau để trục lợi.
Vụ sửa điểm, nâng điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Dù cơ quan điều tra có tìm ra đủ chứng cứ hay không thì dư luận cũng không khó để nhận ra phần lớn những thí sinh được sửa điểm là “thành quả” của hành vi trục lợi.
Theo báo Tuổi trẻ, có bị can khai để rút bài sửa điểm 3 môn đạt tổng điểm theo yêu cầu trong tổ hợp xét tuyển đại học, trung bình mỗi trường hợp "giá" là 1 tỉ đồng. Trong quá trình điều tra, một số bị can trong vụ án đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính.
Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị, giáo dục mà tất cả các lĩnh vực khác, tình trạng tham nhũng vẫn âm ỉ, nhức nhối. Việt Nam vẫn bị xếp hạng cao trong bảng xếp hạng tham nhũng của thế giới.
Vậy tại sao các quan tham vẫn cứ trơ lỳ đến vậy?
|
Báo chí có vai trò quan trọng trong phát hiện tham nhũng. |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói, muốn chống tham nhũng thì quyền lực phải được nhốt “vào lồng” cơ chế, luật pháp. Luật pháp phải nghiêm khắc, rõ ràng; thực thi luật pháp phải nghiêm minh và quyền lực phải có cơ chế kiểm soát thì mới ngăn chặn được đặc tính tư lợi của con người trong một bộ phận quan chức phát triển thành tham lam và dẫn đến tham nhũng.
Tham nhũng không phải bây giờ mới có, không phải riêng một quốc gia nào. Từ khi xã hội loài người hình thành nhà nước đến nay, tham nhũng luôn hiện hữu. Tham nhũng bao giờ cũng diễn ra ở tầng lớp nắm quyền lực. Khi quyền lực không được kiểm soát thì mức độ, quy mô tham nhũng càng nghiêm trọng.
Tham nhũng tất yếu dẫn đến bất công, mâu thuẩn xã hội gay gắt. Đây là cội nguồn làm cho quốc gia bị lũng đoạn, rối ren; chính thể chao đảo, thậm chí sụp đổ.
Những năm gần đây, tham nhũng vẫn là nguyên nhân chính làm cho nhiều triều chính bị sụp đổ, như Tunisia, Lybia, Ai cập … năm 2011; làm cho nhiều chính khách, nguyên thủ bị phế truất, như Luiz Inácio Lula da Silva bị phế truất Tổng thống Brazil năm 2011, Park Geun Hye bị phế truất Tổng thống Hàn Quốc năm 2017, Jacob Zuma Tổng thống Nam Phi buộc phải tuyên bố từ chức năm 2018…
Vậy cội nguồn của tham nhũng do đâu và tại sao nó tồn tại xuyên suốt lịch sử và phổ quát toàn cầu như vậy?
Cội nguồn của tham nhũng trước hết là do tuyệt đại đa số con người luôn có đặc tính thu vén tư lợi. Mặt khác, ở mức độ khác nhau, đa phần con người đều có xu hướng vươn lên để vượt trội so với cộng đồng, trước hết và quan trọng nhất là vượt trội về đời sống vật chất.
Bởi vậy, con người không bao giờ thoả mãn nhu cầu về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần. Có một học giả đã có khái niệm rất hóm “con người là động vật bất mãn”.
Có thể khẳng định, rằng tư lợi là một trong những thuộc tính nổi trội nhất của con người, thuộc phạm trù bản chất. Nếu thuộc tính tư lợi được lý trí, phẩm hạnh của mỗi người (chủ thể) chế ngự; được kiểm soát bằng pháp luật và giám sát của cộng đồng (khách thể) thì sẽ có sự điều tiết hài hoà giữa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội. Còn nếu thuộc tính tư lợi không được chủ thể chế ngự và không được khách thể kiểm soát, con người sẽ trở nên tham lam tột độ.
Với người tham lam, nếu có quyền lực thì lạm dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng; không có quyền lực thì buôn gian, bán lận, lừa đảo, trộm cướp..., thậm chí giết người để thỏa mãn lòng tham về vật chất.
Thực tiễn cho thấy, nếu thuộc tính tư lợi của con người được kiểm soát bằng thể chế nhà nước tiến bộ và hệ thống pháp luật nghiêm minh, thì lòng tham bất chính sẽ bị chế ngự và hạn chế tối đa hệ luỵ tiêu cực của nó.
Lúc đó, tham nhũng khó có đất sống, đồng nghĩa kinh tế phát triển lành mạnh, tạo cơ sở xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Điều này được thể hiện rất rõ ở các nước có nền quản trị quốc gia tiên tiến như Sigapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, các nước châu Âu...
Khách quan mà nói, ở các nước đạt trình độ phát triển tiên tiến về kinh tế và nền hành chính công, không phải tất cả những người trong hệ thống công quyền không có ý định tham nhũng mà là do cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực và hệ thống pháp luật ở các quốc gia đó rất chặt chẽ, ít có cơ hội cho quan chức tham nhũng. Nói cách khác, quan chức muốn tham nhũng cũng khó mà tham nhũng được.
Ngược lại, một khi quyền lực không được giám sát, kiểm soát dẫn đến mất dân chủ, không công khai minh bạch thì sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng phát triển. Điều này thể hiện rõ ở các nước đang phát triển và nhất là các nước chậm phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho các quốc gia này luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu, thậm chí đắm chìm trong bạo loạn, xung đốt vũ trang.
Với Việt Nam, chúng ta là một nền kinh tế chuyển đổi, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực còn đang được xây dựng và hoàn thiện. Đây chính là “khoảng trống” cho tham nhũng phát triển.
Bởi vậy hàng chục năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều nghị quyết, chủ trương, giải pháp chống tham nhũng nhưng tình trạng này vẫn chưa được đẩy lùi và được xem là giặc nội xâm. Tham nhũng hoành hành ở mọi ngõ ngách, mọi tầng nấc không chỉ làm thất thoát một khối lượng tài sản khổng lồ của quốc gia mà còn bào mòn nghiêm trọng niềm tin của nhân dân.
Nguyên nhân của vấn đề là do ở nước ta quyền lực chưa được kiểm soát chặt chẽ. Điều này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6/2018: “Thể chế, chính sách pháp luật trên một số lĩnh vực còn bất cập, tính khả thi không cao; chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm thực hiện, nên dễ dẫn đến việc lạm quyền để trục lợi…” [2]
Đâu là lời giải đáp cho những bất cập về thể chế, những hạn chế trong thực hiện giám sát, kiểm soát quyền lực, và hạn chế về phòng, chống tham nhũng?
Trả lời câu hỏi này cần xem từ tổng kết của Marx: “Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng” và “Mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị, trong đó kinh tế giữ vai trò quyết định chính trị, còn chính trị tác động mạnh mẽ trở lại kinh tế”. Bên cạnh đó là thực tiễn thành công và chưa thành công của các mô hình kinh tế, chính trị trên thế giới trong hàng trăm năm qua.
Từ đó, có lẽ chúng ta cần cải cách mô hình quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, tương thích với nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.
Khi đó, quyền lực sẽ được nhốt vào lồng luật pháp, bị giám sát, giúp loại trừ tham nhũng tận gốc và giúp vận hành trơn tru các quy luật của kinh tế thị trường. Hành trình đưa đất nước tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh cũng sẽ được rút ngắn.
Nếu cơ chế quản trị quốc gia ít tương thích với thể chế kinh tế trường hiện đại sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, trong đó nguy hiểm nhất là hình thành các “nhóm lợi ích” trục lợi từ công sản quốc gia, tài sản của nhân dân, dẫn đến hình thành chủ nghĩa tư bản thân hữu. Đây là nguy cơ khôn lường với dân tộc.
Nguyễn Huy Viện
[1].https://tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-o-son-la-gia-nang-diem-moi-truong-hop-trung-binh-1-ti-dong-20190525084513726.htm
[2].https://vov.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-ve-phong-chong-tham-nhung-779201.vov