Bằng tại chức giá trị như bằng chính quy, ai được lợi nhất?

Ngày đăng: 04:41 27/06/2019 Lượt xem: 442

Bằng tại chức giá trị như bằng chính quy, ai được lợi nhất?


(GDVN) - Bằng đại học tại chức, chính quy có giá trị như nhau thì chắc sẽ có nhiều người sẽ “đủ chuẩn” để tuyển dụng và bổ nhiệm chức vụ trong cơ quan nhà nước
Bắt đầu từ ngày 1/7/2019 tới đây, các loại hình đào tạo đại học có giá trị như nhau, trên các văn bằng không ghi loại hình đào tạo là điều khiến cho nhiều người băn khoăn.

Dù vẫn biết loại hình đào tạo không phải quyết định tất cả về chất lượng bởi tại chức, từ xa vẫn có người giỏi, chính quy vẫn có người dở.

Nhưng có một sự thật là hình thức đào tạo chính quy vẫn đang chiếm ưu thế hơn nhiều so với đào tạo không chính quy, kể cả chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo. Một khi vàng-cám lẫn lộn như nhau thì chất lượng giáo dục sẽ ra sao?

Bằng đại học chính quy và không chính quy sẽ có giá trị như nhau. (Ảnh minh họa: Công Tiến)

Hãy nhìn từ giáo dục phổ cập và hệ bổ túc văn hóa

Có một sự thật là có càng nhiều loại hình đào tạo tương tự thì chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống- đó là điều những người đang công tác trong ngành giáo dục thấy rất rõ.

Ngày trước, chúng ta chưa thực hiện chính sách phổ cập giáo dục, chất lượng giáo dục phổ thông đâu có bệ rạc như bây giờ.

Bởi nếu học sinh học yếu là bị ở lại lớp, học sinh vi phạm lớn là bị đuổi học, học sinh nghỉ quá thời gian quy định trong năm học là bị ở lại lớp và không đủ điều kiện xét tốt nghiệp trung học cơ sở.

Bây giờ, khi chúng ta đưa giáo dục phổ cập vào các trường tiểu học, trung học cơ sở thì chất lượng các cấp học này tự nhiên đi xuống. Trong khi “vị thế” của học sinh được nâng lên một bậc và vị thế người thầy thì ngày càng thê thảm.

Bởi quan điểm của lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục là nếu không học chính quy thì đưa sang phổ cập. Vì thế, học sinh nghỉ học, bỏ học nhiều ngày thì thầy cô, đoàn thể phải kết hợp vào nhà học sinh năn nỉ để học sinh đi học lại.

Học sinh vi phạm không dám kỷ luật, học sinh học yếu không dám cho ở lại lớp vì nhiều lãnh đạo giáo dục quan niệm đưa sang dạy phổ cập còn khổ hơn.

Những lớp dạy phổ cập thì đào tạo ra sao? Thích thì học trò đến, không thích thì thôi, khi thi thì kéo học sinh phổ thông vào thi hộ bởi học sinh phổ cập có biết cái gì đâu mà thi.

Vô tình nhà nước tốn tiền, mỗi trường hàng năm dành rất nhiều thời gian, công sức cho công tác phổ cập mà chất lượng gần như là con số 0 tròn trĩnh.

Đối với những học sinh lớp 9 dù nhiều trường chỉ lấy điểm đầu vào là 4-5 điểm (thi 3 môn, 2 môn nhân hệ số 2) mà thi không đậu thì chất lượng ở đâu ra. Nhưng thí sinh thi không đậu các trường trung học phổ thông thì vào học hệ bổ túc.

Thời buổi này mà tại chức bằng chính quy, lẽ đâu vàng trộn...cám

Phổ thông học hơn 13-14 môn học, bổ túc học 5-7 môn học, nhưng khi thi thì bằng cấp cũng có giá trị ngang nhau.

Vì thế, thời gian qua đã có hiện tượng học sinh phổ thông xin sang học bổ túc để có thời gian ôn thi đại học được tốt hơn.

Chừng ấy vấn đề đã cho thấy cấp học phổ thông đã bị phổ cập, bổ túc làm điêu đứng chất lượng bởi nhiều học sinh luôn có những bước dự bị cho mình.

Không học hệ này thì học hệ kia vì bây giờ hệ đào tạo nào cũng gần như đều thiếu học sinh.

Công nhận đại học chính quy và không chính quy như nhau là một bước...thụt lùi.

Hình thức đào tạo đại học ở nước ta hiện nay có 2 loại hình chính là hệ chính quy và không chính quy (từ xa, tại chức, liên thông).

Trong khi đại học chính quy dù có nhiều trường đại học địa phương có điểm đầu vào thấp nhưng phần lớn các trường còn lại là những học sinh tốt nhất mới đậu vào được chính quy.

Hơn nữa, đây là những học sinh vừa học xong lớp 12 nên việc đào tạo liên tục có nhiều thuận hơn.

Điều đặc biệt là trong những năm gần đây thì ngoài đào tạo chuyên môn, các sinh viên phải hoàn thành thêm chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc mà thường thì sinh viên được nhà trường quy định học ở trung tâm hay một trường đại học cụ thể nên có được chứng chỉ ngoại ngữ cũng rất khó khăn.

Chính vì vậy, nhiều sinh viên hoàn thành các tín chỉ đào tạo chuyên ngành mình học rồi nhưng vì chưa có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nên vẫn bị treo bằng cho đến khi hoàn thiện các chứng chỉ.

Điều này cho thấy việc hoàn thành việc học và được cấp bằng đại học chính quy hiện nay khó khăn hơn rất nhiều loại hình không chính quy.

Trong khi đó, hệ đào tạo không chính quy thường là những học sinh lớp 12 không đậu vào hệ chính quy và những người vừa học vừa làm. Hình thức đào tạo không chính quy hiện nay phần lớn là không phải thi đầu vào hoặc có thi cũng chỉ thi cho có hình thức.

Chính vì không gắt gao trong điểm danh hàng ngày nên có một số học viên đến đăng ký học nhưng thuê người đi học, thuê người thi hộ. Việc giảng dạy cũng chủ yếu là vào các ngày cuối tuần, hoặc buổi tối, đối với giáo viên thì học vào thời điểm hè.

Sinh viên chính quy tâm tư về bằng tại chức

Trong quá trình học và trước khi thi học phần, thi tốt nghiệp thường thì các lớp đào tạo không chính quy phải nộp một loại “quỹ lớp” rất lớn.

Loại quỹ này được ban cán sự lớp thu để “cảm ơn” những thầy cô giảng dạy, chấm điểm ở lớp của mình.

Chính vì đầu vào, cách đào tạo như vậy nên chất lượng hệ không chính quy thường thấp hơn rất nhiều so với hệ đào tạo chính quy- đó là một thực tế mà ai cũng có thể nhìn thấy.

Điều đáng lưu ý là ngày 07/8/2014 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2833/QĐ-BGDĐT về việc tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên, quyết định này do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký.

Như vậy, Bộ Giáo dục cũng đã nhìn thấy hình thức đào tạo từ xa không hiệu quả nhưng không hiểu sao lại tham mưu để các loại hình đào tạo chính quy và không chính quy có giá trị như nhau?

Cơ hội cho nhiều người thăng tiến khi rào cản bằng cấp đã được gỡ bỏ

Phải nói rằng hệ đào tạo nào cũng không quan trọng với các công ty tư nhân, công ty có vốn đầu tư nước ngoài bởi các công ty này thì họ quan trọng là nhân sự họ tuyển có làm được việc, có đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm hay không mà thôi.

Chuyện bằng cấp chỉ là cơ sở cần khi họ tuyển dụng. Nhưng, các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan nhà nước thì lại khác. Nơi đây- có nhiều mối quan hệ chằng chịt với nhau nên khi còn phân biệt loại hình đào tạo thì nhiều nơi còn e dè khi tuyển dụng, bổ nhiệm.

Bây giờ, khi các loại văn bằng đại học có giá trị như nhau thì chắc sẽ có nhiều người sẽ “đủ chuẩn” để tuyển dụng và bổ nhiệm chức vụ nhằm đảm nhận nhiều công việc trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước.

Dù vẫn biết, khi mọi cơ sở pháp lý đã có hiệu lực thì các văn bằng này có giá trị như nhau nhưng có lẽ khoảng cách về trình độ của các loại hình đào tạo này vẫn còn xa nhau nhiều lắm.

Nếu không cẩn thận trong tuyển dụng, bổ nhiệm thì e rằng tương lai sẽ có nhiều giá trị lẫn lộn với nhau và nhiều người yếu kém trong đơn vị lại là người lãnh đạo những người được đào tạo bài bản!

NGUYỄN CAO
PS st Theo Giáo dục Việt Nam 
tin tức liên quan