Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chênh 32 tỷ USD 'không có cơ sở'

Ngày đăng: 07:51 10/07/2019 Lượt xem: 300


     Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chênh 32 tỷ USD 'không có cơ sở'


                                  Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Số liệu 26 tỷ USD mà Bộ KH-ĐT đưa ra làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không có cơ sở. Có thể đó chỉ là giá trị xây lắp của dự án.



Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI - đại diện liên danh tư vấn lập dự án) cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao 26 tỷ USD mà Bộ KH-ĐT đưa ra không có cơ sở. Có thể đó chỉ là giá trị xây lắp của dự án.

Báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng đã được tính toàn kỹ.

Tổng mức đầu tư 58,7 tỷ USD của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được liên danh tư vấn đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ và cập nhập đơn giá thời điểm hiện tại. 

Dự án đường sắt tốc độ cao có quy mô và các thông số tương tự dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM đã được QH xem xét từ năm 2010.

Thời điển trước khi trình Chính phủ trình QH xem xét, quyết định thông qua, Bộ KH-ĐT cũng đã thẩm định và dự án có tổng mức đầu tư khoảng 55,8 tỷ USD.

Ông Sơn cho rằng, đơn giá của Việt Nam áp vào đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thấp hơn so với của Trung Quốc và Nhật Bản khoảng 30%.

"Tư vấn Nhật Bản đã tính toán phương án xây dựng hạ tầng đường sắt tốc độ cao 350 km/h với hạ tầng hiện hữu ở Việt Nam. Theo đó chi phí giảm 30% so với xây dựng ở Nhật Bản", ông Sơn nói.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chênh 32 tỷ USD ''không có cơ sở''
Đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam được Bộ GTVT trình Thủ tướng trong báo cáo tiền khả thi có tổng mức đầu tư 58,7 tỷ USD

Tổng giám đốc TEDI nói rõ, số liệu về tổng mức đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được liên danh tư vấn tính toán rất chi tiết và kiểm soát chặt chẽ.

Đối với phần xây lắp hạ tầng, nếu xây dựng dự án để cho tàu chạy vận tốc 350km/h giá trị xây lắp sẽ tăng khoảng 10% so với tàu chạy 200km/h. Còn về phần mua sắm phương tiện, thiết bị để chạy tàu 350km/h cũng sẽ tăng khoảng 26% so với tàu chạy 200km/h.

Như vậy, khi xây dựng hạ tầng và mua sắm phương tiện, thiết bị để phục vụ chạy tàu 350km/h cũng chỉ tăng khoảng 5 tỷ USD so với xây dựng hạ tầng, mua sắm phương tiện, thiết bị cho tàu chạy 200km/h.... nên không thể có chuyện chênh tới 32 tỷ USD.

Liên quan đến báo cáo của Bộ KH-ĐT về công nghệ của dự án, ông Sơn khẳng định, đối với phần hạ tầng, các nhà thầu trong nước hoàn toàn đủ năng lực để làm. Riêng phần thiết bị, với xu thế hiện nay của một số doanh nghiệp, việc nghiên cứu để đưa ra sản xuất các thiết bị phụ trợ, có sử dụng một số vật tư đặc chủng của nước ngoài thì hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Để có những con số cụ thể, cơ quan chức năng cần đưa tổ chức tư vấn, chuyên gia độc lập vào cùng với liên danh tư vấn nghiên cứu để làm rõ số liệu. Không nên đưa ra những con số không có cơ sở, tạo hiểu lầm trong dư luận xã hội.

Trước số liệu báo cáo  Bộ KH-ĐT đưa ra về dự án đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT cho rằng, kết quả nghiên cứu của Bộ cũng như ý kiến của Bộ KH-ĐT liên quan đến quy mô, tổng mức đầu tư dự án sẽ tiếp tục được Bộ có ý kiến, giải trình làm rõ trong quá trình thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước và thẩm tra của các cơ quan có liên quan trước khi trình QH thông qua chủ trương.

Bộ GTVT tiếp tục triển khai nghiên cứu, tham mưu và thực hiện các bước tiếp theo của dự án một cách cẩn trọng, khách quan và tuân thủ đúng quy trình và các quy định của pháp luật hiện hành.

Theo tờ trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Bộ GTVT, dự án có tổng chiều dài dự án 1.559km chạy dọc hành lang Bắc - Nam, đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP.HCM. 

Tốc độ thiết kế đoàn tàu 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách.

Dự án có tổng mức đầu tư 58,7 tỷ USD và được chia thành 2 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 24,71 tỷ USD, giai đoạn 2 là 34 tỷ USD.

Thời gian thực hiện dự kiến như sau: 2020 - 2032 nghiên cứu, đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM; giai đoạn 2 dự kiến từ 2032 - 2050 đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang. Trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2050.

tin tức liên quan