Bộ trưởng đi xe bus, Giám đốc Sở đi xe đạp: Ở nước ngoài là chuyện bình thường!
Bộ trưởng đi xe bus, Giám đốc Sở đi xe đạp: Ở nước ngoài là chuyện bình thường!
Nguồn: Báo Điện tử InfoNet
"Nếu thực hiện được việc bộ trưởng đi xe bus, chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở đi xe đạp... một cách triệt để thì mỗi năm đỡ tốn hàng chục vạn ô tô, hàng chục vạn người lái xe. Và ở một số nước ngoài, chuyện lãnh đạo sử dụng phương tiện công cộng trở nên bình thường".
Đây là chia sẻ của nguyên Phó chủ nhiệm Văn hóa – Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến xung quanh đề xuất ‘chủ tịch tỉnh đi xe máy, bộ trưởng đi xe bus, giám đốc sở đi xe đạp” của ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 15/8 vừa qua.
|
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến. |
Theo đó, bà Thủy đề xuất mô hình này nhằm tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông, đặc biệt là thực hiện nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành. Vị đại biểu dân cử tỉnh Hậu Giang cũng cho hay, ý tưởng này xuất phát từ việc gần đây Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đã đi xe máy đi làm và nhận được nhiều ý kiến tán đồng của dư luận.
Tuy nhiên bà Thủy cũng nhấn mạnh, mô hình này chỉ áp dụng cho lãnh đạo đi làm việc bình thường, còn đi công tác vẫn phải có xe công đưa đi để đảm bảo công việc. Đặc biệt, với những lãnh đạo nhà ở xa cũng không thể đi xe đạp được…. vì thế “tùy theo từng điều kiện mà mình áp dụng, chứ không phải máy móc”.
Bày tỏ sự tán đồng với đề xuất này, ông Lê Như Tiến cho biết, bản thân ông đã có dịp đi một số nước Bắc Âu, từng chứng kiến nhiều lãnh đạo cao cấp ở đây sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus hay xe đạp. Và họ chỉ sử dụng xe công vụ trong trường hợp phải đi công tác xa hoặc thực hiện công việc đặc biệt.
“Tôi từng ngồi xe bus với một số bộ trưởng Đan Mạch ở Copenhagen thấy họ rất bình dân, vui vẻ với những người xung quanh… Họ coi họ là người được dân tín nhiệm bầu lên.
Ở những nước này, chuyện lãnh đạo sử dụng phương tiện công cộng trở nên bình thường. Nhưng ở Việt Nam thì không có thói quen như thế, đã là quan chức cấp tỉnh, bộ, ngành… bao giờ cũng được cấp xe, đưa đón tại nhà", ông Tiến cho hay.
Theo ông Tiến, việc sử dụng các phương tiện công cộng hay xe đạp để đi làm của các quan chức những nước Bắc Âu mang lại nhiều giá trị. Trước hết là giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cũng như hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm ngân sách…
“Ở những nước Bắc Âu với nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người lên tới 30- 50.000 USD/tháng nhưng họ vẫn sử dụng phương tiện công cộng để đi làm”, ông Tiến nhấn mạnh và cho rằng, với cách này “người dân nhìn lãnh đạo với con mắt kính trọng và thân thiện”.
Hơn nữa, khi lãnh đạo ngồi chung xe với dân, cũng là dịp để họ nói chuyện, trao đổi với người dân để hiểu thêm đời sống của người dân, lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của người dân.
“Những lãnh đạo đi xe bus sẽ dễ gần dân hơn, tranh thủ hỏi chính sách có đến người dân không, họ có gặp khó khăn gì không... Trên thế giới, các nước lãnh đạo đi làm bằng bus hay xe đạp đã thực hiện lâu rồi, tuy nhiên ở Việt Nam, nếu có trường hợp nào đó mà đi như thế, lại bị cho là lạc lõng.
Giống như trước đây tôi từng kiến nghị chỉ trừ một số chức danh quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước còn lại các chức danh khác nên khoán phương tiện đi lại vào lương…. Nếu thực hiện được điều này một cách triệt để thì đỡ tốn hàng chục vạn ô tô, hàng chục vạn người lái xe….
Trong khi đội ngũ lái xe hầu hết chỉ làm nhiệm vụ đón đưa lãnh đạo từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Thời gian còn lại là ngồi chơi. Như thế quá lãng phí.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho rằng tùy theo từng điều kiện để áp dụng chứ không phải thực hiện một cách máy móc. Để làm được việc này, mỗi cán bộ lãnh đạo phải tự nhận thức được rằng xe cũng chỉ là phương tiện để đi lại. Phải gương mẫu thực hiện chứ không phải chỉ ‘diễn”.
“Đi xe bus là đi xe bus thật, đi xe máy là đi xe máy thật, đi ô tô là đi ô tô thật… Thậm chí những vị lãnh đạo cao tuổi, nhà xa không đi được xe máy, xe đạp thì có thể đi bus hoặc taxi”, ông Tiến nói.