Chắt chiu cho những mầm cây
Nhìn hai cây quất xum xuê cành lá ngay trong sân chùa đảo Sơn Ca, chúng tôi bèn đặt câu hỏi về bí mật phía sau mầu xanh đầy sức sống ấy. Sư trụ trì chùa chia sẻ, vào mùa khô, mọi lực lượng trên đảo đều dốc lòng chăm sóc, giữ gìn mầu xanh và sự sống bởi ở nơi đầu sóng đó chính là niềm tin, tình yêu thật thiêng liêng. Khẩu phần nước ngọt của người có thể cắt giảm nhưng cây cối, vật nuôi thì không. Một trong hai cây quất ở sân chùa là do bộ đội gửi sư thầy chăm giúp ít ngày để cán bộ, chiến sĩ tập trung đón đoàn công tác lên thăm đảo. Cách bộ đội đưa cây sang chùa chẳng khác nào mang trẻ con đi gửi, lỉnh kỉnh xô chậu, nước ngọt, bình tưới theo cùng.
Đảo xa bốn bề nắng gió mặn chát, nỗi mong mưa lộ rõ trong ánh mắt, lời nói, hướng nhìn của bộ đội dõi theo những đám mây đen dạt trôi phía biển. Đúng lúc đảo khát thì mưa bất ngờ ào xuống, gọi lên hàng nghìn tiếng reo vui. Nước từ mái nhà và tất cả nơi có dòng chảy đều theo đường ống dẫn thẳng vào bể dự trữ. Còn lại trên sân từng ô vũng nhỏ, lính đảo vừa tắm mưa, vừa gom nước. Nhóm người này tay cầm những chiếc gầu hót rác mới tinh, mài sát sạt xuống sân, động tác cực kỳ nhanh gọn, nghiêng nghiêng, đổ nước vào xô, vào can; nhóm người khác chụm tay lại mà vốc từng vốc nước. Sau trận mưa đầu mùa, cây cối trở lại mỡ màng, vật nuôi không còn bỏ ăn, cáu bẳn, toàn đảo phủ sắc xanh tưởng chừng bất tận. Những đảo có hộ dân như: Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây… trẻ nhỏ cũng ùa ra khoảnh sân trước nhà nhảy nhót, đùa vui. Lắm khi, qua màn mưa, bộ đội đứng bên này nhìn sang mãi, nhớ nhà, nhớ con.
Sau trận mưa đầu mùa thường là những tháng ngày dông bão triền miên. Bắt đầu từ hơi gió, lính đảo sẽ cảm nhận được tiếp theo là mưa “lành” hay “dữ”. Nếu xuất hiện một luồng gió thanh mát thổi đến từ một hướng, không mang hơi muối mặn biển khơi mà kéo cả bầu không khí rười rượi theo, kiểu gì cũng dông bão. Bão ở đảo luôn bất trắc, khó lường. Bộ đội trên đảo Thuyền Chài kể, cuối năm 2017, bão Tem-bin đi qua hồi lâu, trời yên biển lặng trở lại, lính đảo vừa thả vật nuôi, mở tấm che cây cối ra thì cơn bão bỗng quay đầu lại, cuốn sạch bách. Từng đợt sóng dựng cột tiến công vào đảo, gió lốc giật cả mái nhà, cột điện, pin năng lượng, đường sóng dữ đánh sập cầu bê-tông... Sau thiên tai, toàn bộ sắc xanh đã bị vùi dập, vô số cây tra, bàng vuông lâu năm gãy đổ, bật gốc ngổn ngang. Toàn đảo tập hợp lực lượng khắc phục hậu quả trong đó có việc dựng cây, tỉ mỉ kiểm tra rễ, cưa cho bằng các đầu cành rồi quét vôi. Cây như hiểu lòng người, chỉ gần một tháng sau chồi mới đã đâm lên, vươn thẳng hướng mặt trời. Vật nuôi bị bão cuốn không cách nào lấy lại được nhưng suốt những tháng ngày sau đó, các đoàn công tác ra thăm đảo biết chuyện đều xin chó, chuyển chó từ đảo khác sang, bộ đội lại khấp khởi, rưng rưng ra cầu tàu đón nhận.
Riêng ở đảo chìm và nhà giàn, cán bộ, chiến sĩ tận dụng tăng gia trên từng chút đất chuyển từ đất liền, cho nên tiết kiệm, nâng niu hết mức. Nơi đây, chỉ cần một cơn sóng lớn tung nước biển lên cao rồi bất thình lình đổ xuống cũng đủ làm rũ chết cả vườn rau chứ chưa nói dông bão. Trên đảo chìm, hàng chục, hàng trăm thùng rau dịch chuyển theo mùa gió. Cảnh bộ đội bê cây chạy quanh đảo tránh sóng là rất thường tình. Thực tế, nơi đảo xa, sức sống không đến từ ngẫu nhiên tạo hóa mà phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí, trách nhiệm của con người. Cụ thể nhất chính là bộ đội. Nhiều đồng chí chỉ huy đảo tự tay ươm trồng từng quả bàng vuông, cùng các chiến sĩ kiểm soát tất cả quả xanh trên cây, đếm quả to để làm rọ thép bảo vệ, tránh rụng rơi thất thoát. Một điều khá đặc biệt ở quần đảo Trường Sa là mỗi khi bộ đội tăng gia trên biển, gặp quả bàng vuông trôi nổi đều vớt đưa về ươm thử. Nhờ lớp vỏ dày, kết cấu hạt khá đặc biệt cùng bàn tay nâng niu, chăm sóc của những người lính, vài tháng sau quả bàng vuông ngấm mặn vẫn bật chồi mạnh mẽ, khỏe khoắn.
Niềm vui của chiến sĩ hải quân Trường Sa. Ảnh: THÂN TÌNH
Âm vọng của yêu thương
Nơi đảo xa, câu chuyện giữ mầu xanh mang biểu tượng về sức sống, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thường được nhen nhóm, truyền cảm hứng bắt đầu từ những người chỉ huy. Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông, Trung tá Hoàng Văn Phước khi không có nhiệm vụ hay công việc gì đặc biệt, đều xông xáo, xốc vác lao động cùng chiến sĩ. Anh giải thích, một cây trên đảo trồng xuống, nếu sống được cũng phải qua 10 đến 15 mùa thay quân thì bộ đội mới được hưởng cảnh quan, bóng mát. Vì thế, tất cả những cây tra, bàng vuông, phong ba, bão táp… các đoàn công tác vẫn trầm trồ khen ngợi đều là thành quả kết tụ từ tình yêu biển đảo của bao thế hệ đi trước. Bộ đội đảo xa không trồng cây cho mình mà còn cho đất liền và thế hệ mai sau.
Khắp quần đảo Trường Sa, mọi khó khăn khắc nghiệt về khí hậu, thiên nhiên đều được khắc phục bằng sức lực, tinh thần cao độ nhất và bí quyết thực hiện không gì khác chính bởi sự đoàn kết trên dưới một lòng của cán bộ, chiến sĩ. Các chỉ huy trưởng kể, họ tự hào khi chiến sĩ của mình cần cù, chịu khó, bất chấp hiểm nguy và đôi khi cũng phải bật cười trước khoảnh khắc tinh nghịch của những chàng trai mười tám, đôi mươi ấy. Ví như, lính “vay” lính rau; hay khi toàn đảo phát động phong trào diệt chuột, thu đuôi chấm điểm thì chiến sĩ lấy cành phi lao giả làm đuôi chuột khô nhằm “qua mắt” chỉ huy là chi tiết khá khôi hài và tất nhiên đều bị phát hiện. Trong cuốn sổ tâm tình người lính ở đảo Đá Đông, có những trang nhật ký mà nếu không đọc tên dưới chữ ký của Chỉ huy trưởng, Thiếu tá Trần Văn Phúc, thì chúng tôi nghĩ ngay đó được viết bởi một nhà văn: “Các đồng chí biết không, cuộc sống ở đảo thú vị lắm. Hằng ngày được ngắm bình minh, nghe tiếng sóng vỗ bờ “hôn đảo”. Chiều đến lại được ngắm những tia nắng vàng còn sót lại trên mặt biển và nền trời xanh của những buổi hoàng hôn buông xuống. Cuộc sống thú vị khi chúng ta đi thả lưới bắt cá cùng nhau, cả một đội hình dàn binh bố trận, người chặn đầu, người khóa đuôi... như đi đánh trận thật ấy... Rồi khi đuổi được cá vào lưới ai nấy đều quên hết mệt nhọc nhìn nhau tươi cười. Tôi nhớ những khi chúng ta quây quần bên nhau hát hò, nhảy nhót, những sự đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, sự hòa đồng của tập thể đảo trong cuộc sống... Những điều tưởng chừng như đơn giản ấy lại rất quý giá”. Anh nhắn gửi tới các đồng chí, đồng đội của mình: “Chúng ta hãy luôn giữ vững lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển đảo quê hương”.
Mầu xanh khắp quần đảo Trường Sa mà chúng ta đã và đang nhìn thấy được vun đắp từ bao điều bình dị mà cao cả, sâu xa. Món quà người ra thăm đảo nhận được như bông hoa ốc nhỏ xinh cũng lắng đọng biết bao tình cảm thiết tha của người lính. Tại nhiều điểm đảo, khi không bận rộn công việc chuyên môn, nếu chỉ huy trưởng đi trồng cây thì chính trị viên sẽ hướng dẫn chiến sĩ làm quà lưu niệm. Họ đầy đủ kinh nghiệm về sự tỉ mỉ, khéo léo lẫn cảm hứng truyền đạt cho lính mới. Hình ảnh chính trị viên ân cần hướng dẫn chiến sĩ của mình mài sáng vỏ ốc, trêu ghẹo chàng lính nào đó vụng về làm mãi không nên thật bình yên, mộc mạc như chính hình ảnh những nụ hoa hồng bằng ốc tượng trưng cho tình yêu gửi về đất liền.
Chúng tôi được nghe thật nhiều câu chuyện đặc biệt, trong đó có chuyện về người chiến sĩ quê ở Bình Dương. Năm 2015, anh ra đảo Trường Sa trong vai trò một cây văn nghệ của đoàn công tác, cảm động trước mầu xanh bất tận và sức sống mạnh mẽ của đảo xa đang bời bời giữa mùa khô khắc nghiệt cùng tấm lòng ngập tràn yêu thương, tin cậy từ bộ đội, năm sau anh tình nguyện lên đường nhập ngũ, trở thành lính đảo. Hình ảnh người chiến sĩ trẻ vốn có nước da trắng trẻo đã chuyển sang sạm đen vì nắng gió, nghiêm trang trong quân phục hải quân vẫy chào đoàn công tác ở cầu tàu lộng gió với ánh mắt, nụ cười ngời sáng để lại ấn tượng khó phai đối với bất cứ ai từng một lần gặp gỡ và nghe câu chuyện rưng rưng ấy.