Theo kết quả sơ bộ từ Tổng cục Thống kê, sau khi đánh giá lại, quy mô GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng 25,4% mỗi năm, so với số liệu đã công bố trước đó. Với tổng quy mô kinh tế đến cuối năm 2017 đạt khoảng 220 tỷ USD, theo con số mới, quy mô GDP ước tính tăng lên 275 tỷ USD. Tính cả tốc độ tăng trưởng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam nhờ đó tăng lên ngưỡng 3.000 USD, thay vì 2.590 USD.
Kết quả đánh giá lại vẫn chưa được công bố đầy đủ, song chỉ riêng hai chỉ tiêu này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia. "Những điều chỉnh này sẽ không có ý nghĩa với hiện tại. Bản chất nền kinh tế đã diễn ra như thế nào thì sẽ vẫn như vậy. Tuy nhiên, những tác động đến tương lai mới là điều mà tôi lo ngại", PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nói với VnExpress.
|
Công nhân làm việc trong một nhà máy may. Ảnh: Reuters
|
Phân tích rõ hơn, ông Thế Anh cho biết, các chỉ tiêu kinh tế neo vào GDP sẽ có sự thay đổi về hình thức theo nghĩa tích cực hơn. Khi mẫu số tăng lên, các chỉ tiêu điều hành neo trên GDP sẽ giảm xuống tương ứng. "Nợ công hiện ở ngưỡng 58,4% GDP sẽ về dưới 50% khi quy mô nền kinh tế được đánh giá lại. Tương tự, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP sẽ giảm dưới 40%, đầu tư công trên GDP cũng giảm xuống 23-24% so với mức 30% hiện tại", ông Thế Anh nói.
Tuy nhiên, kinh tế trưởng VEPR lo ngại những con số này "tích cực hơn" về mặt hình thức, nhưng có thể "nới rộng hơn dư địa chi tiêu, đầu tư và vay nợ".
"Đây là câu chuyện hai mặt. Nếu việc chi tiêu, đầu tư là tích cực, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi. Nhưng nếu tăng chi tiêu, tăng vay nợ nhưng không hiệu quả, gánh nặng với nền kinh tế sẽ rất lớn", ông Thế Anh nói.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc đánh giá lại nền kinh tế phải đi kèm với việc điều chỉnh các giới hạn chỉ tiêu căn cứ theo GDP.
"Quy mô kinh tế tăng tới 25,4%, nếu không điều chỉnh các giới hạn, con số tuyệt đối có thể gia tăng quá nhanh", TS Cấn Văn Lực nói và cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần có sự điều chỉnh hợp lý các chỉ tiêu để mức trần tính theo số tuyệt đối "có thể tăng nhưng không gây ra sự mất cân bằng".
"Sẽ là rủi ro nếu Quốc hội giữ nguyên các chỉ tiêu phát triển kinh tế cũ trên nền tảng của GDP mới. Như trước đây, Quốc hội duyệt cho Chính phủ được thâm hụt ngân sách bằng 3,6% GDP, nếu quy mô GDP tăng lên mà Quốc hội không thay đổi chỉ tiêu 3,6% thì dư địa cho việc chi tiêu hơn sẽ được nới rộng", ông Thế Anh nhận xét.
Nền tảng của việc đầu tư, chi tiêu, trả nợ phải căn cứ vào tổng các nguồn thu từ nền kinh tế. Nhưng theo chuyên gia này, việc đánh giá lại quy mô GDP không có nghĩa nguồn thu sẽ tăng lên.
GDP sau đánh giá lại tăng cao được Tổng cục Thống kê giải thích là do bổ sung 76.000 doanh nghiệp, những đơn vị trước đây chưa được tính toán vào quy mô nền kinh tế. Nhưng theo Kinh tế trưởng của VEPR, việc bổ sung quy mô những doanh nghiệp này không có nghĩa lúc trước họ vô hình. "Họ vẫn hoạt động hợp pháp, vẫn đăng ký kinh doanh, đóng thuế đầy đủ nhưng do cơ quan thống kê bỏ sót. Khi tính thêm vào GDP, không có nghĩa những doanh nghiệp này sẽ làm tăng nguồn thu", ông Thế Anh nói.
Sau khi công bố kết quả sơ bộ của đợt rà soát lại GDP, Tổng cục Thống kê khẳng định mục đích của việc này không hướng tới để nới rộng chi tiêu hay để Chính phủ gia tăng vay nợ. "Chuyện nợ công tăng hay không là chính sách của Chính phủ, Bộ ngành, các nhà kinh tế, còn thống kê chỉ chịu trách nhiệm cung cấp bức tranh thực của nền kinh tế", ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê nói.
Theo ông, việc đánh giá lại quy mô GDP là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới. Quy mô GDP theo số liệu mới vẫn được thực hiện theo phương phảp sản xuất, không phải sử dụng cách tính toán mới và không gồm hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp do chưa có số liệu đầy đủ.
Về việc xuất hiện thêm 76.000 doanh nghiệp và kết quả thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm cũng giải thích do "nhiều doanh nghiệp chây ì không cung cấp thông tin hoặc cung cấp số liệu thấp hơn thực tế". Bên cạnh đó, ông nói, khối lượng công việc thống kê lớn nhưng nguồn lực có hạn, việc tính toán số liệu hàng năm xây dựng theo mô hình chọn mẫu, tính toán được xu hướng nhưng chưa thực sự đầy đủ về quy mô.
Đây cũng không phải lần đầu cơ quan thống kê đánh giá lại quy mô nền kinh tế. Năm 2013, Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2008-2012, khi đó GDP tăng khoảng 9%. Theo cơ quan này, con số tăng thêm thấp hơn lần đánh giá năm 2019 do việc đánh giá cách đây 6 năm chỉ tập trung một số ngành như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản.
Trên thế giới, việc đánh giá lại GDP cũng là hoạt động phổ biến, tuy nhiên, mức thay đổi tới hai chữ số so với số liệu cũ phần lớn chỉ xảy ra tại những nền kinh tế đang phát triển. Kết quả đánh giá lại quy mô GDP của Zambia năm 2014 cao hơn 25% so với số công bố trước đó, Ghana tăng 60%, Nigeria tăng 59,5%, Maldives tăng 37%, Kenya tăng 25%.
Còn ở các nước phát triển, những lần đánh giá lại GDP chỉ giúp quy mô tăng thêm vài phần trăm. Năm 2013, Mỹ công bố kết quả đánh giá lại GDP cập nhật khung lý thuyết của hệ thống tài khoản quốc gia 2008 (SNA 2008), GDP tăng thêm 560 tỷ USD, tương đương 3,6%. Trung Quốc, trong hai lần đánh giá lại gần nhất năm 2013 và 2015, quy mô GDP thêm 3,4% và 1,3%. Tại châu Âu, Đức và Italy giai đoạn 2013-2014 cũng đánh giá lại nền kinh tế, giúp tăng thêm 3% và 7%.
Riêng ở khu vực Đông Nam Á, kết quả đánh giá lại quy mô GDP của Indonesia năm 2015 giúp tăng 6,45% GDP; còn Malaysia trong lần gần nhất điều chỉnh GDP tăng 3,2%.
Minh Sơn