Quan thì xa, bản nha thì gần Thứ hai, 16/9/2019, 00:45 (GMT+7) "Anh nhà báo đây rồi, nhờ anh giúp chúng tôi...", ngày 5/1/2013, tôi đang đi ngang tỉnh lộ bị một phụ nữ kéo lại. Phía sau chị, một đoàn người lố nhố, ai cũng mũ bảo hiểm, khẩu trang kín mặt và cuốc xẻng trong tay. Ở phía xa xa, một dàn máy xúc và máy ủi đứng chờ, tháp tùng dàn máy là lực lượng lên đến cả trăm người trong đồng phục công an chính quy và công an xã. Gỡ tay người phụ nữ, tôi hỏi xem mình có thể giúp được gì. Và như thường lệ, lại là chuyện đất đai. Ven tỉnh lộ 55 có mấy sào đất vốn xưa trồng lúa. Nhưng do gần đường nên lúa thường rất xấu và nhiều chuột. Mấy năm nay, phong trào trồng cây cảnh ở huyện lên cao, người dân bèn tôn đất lên trên mấy thửa ruộng này để đắp vồng trồng cây cảnh. Đang yên đang lành thì có chỉ đạo của Thủ tướng "phải giữ 273.000 hecta đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực". Huyện tôi lại là một lá cờ đầu trong suốt những năm bao cấp về trồng lúa nước. Và lãnh đạo huyện cần một điểm vi phạm để thí điểm "ngăn chặn việc biến diện tích đất lúa thành trồng cây cảnh". Hôm đó là ngày tổ chức cưỡng chế. Khí thế và phương tiện đã rất sẵn sàng. Nhìn quan và dân một đường hai trận tuyến, tôi chẳng biết phải làm gì. Tôi sực nhớ ra, "ngày 5/1/2012", và xin số điện thoại của ông chủ tịch huyện, vốn mới chuyển từ trưởng công an huyện sang nửa nhiệm kỳ. Ông này, may cho tôi, là bạn học cấp ba của cậu tôi. "Chú ơi, dưới này rất căng, mà hôm nay chú không nên cưỡng chế. Vì đúng ngày này năm ngoái, ngoài Hải Phòng xảy ra vụ Cống Rộc của ông Đoàn Văn Vươn". Không biết có phải vì cuộc điện thoại đó mà vụ giao tranh đã không xảy ra. Chiếc máy ủi liếm một đường nhỏ trên thửa ruộng dường như chỉ để quyết toán rồi rút đi. Sau này, khu đất được giữ nguyên trạng, không trồng lúa mà cũng chả trồng cây cảnh. Còn tôi thì khốn đốn. Ông chú chủ tịch lệnh về ủy ban xã và công an xã vào hỏi han đe dọa nhà tôi, cho rằng tôi đã tiếp tay cho những người dân kia chống lại chính quyền. Chuyện qua nhiều năm rồi, mà tôi vẫn nhớ như in. Nhớ ngày 5/1 vì nó trùng hợp với vụ xảy ra ở Cống Rộc – làng báo chúng tôi nổi sóng; và nhớ chi tiết vụ việc, vì tôi vẫn day dứt rằng một việc tưởng "làm giúp chú" mà lại bị hiểu thành "dọa chú" để bị công an xã sục lùng, dọa lại. Là bộ mặt trực diện của chính thể tiếp xúc với dân hàng ngày, hàng giờ, chất lượng của đội ngũ cán bộ cấp xã, phường, thị trấn luôn quan trọng - như khẳng định trong các tài liệu chính thức của Đảng và tất nhiên là với nhân dân. Tuy nhiên, có một khoảng cách rất xa giữa ý chỉ này và thực tiễn. Hậu quả của nó, không chỉ đơn thuần là thêm hàng dài đứng trước cơ quan tiếp dân của trung ương và bộ ngành, mà còn là những bất ổn dễ vón cục thành điểm nóng. Những người chấp pháp và thừa hành ở cơ sở khi khoác lên mình bộ đồng phục biểu trưng cho quyền lực mà không có một bản lĩnh văn hóa thường rất dễ sinh ra lạm quyền. Có vô vàn những câu chuyện kiểu như "công an xã đánh trọng thương người", "cán bộ địa chính phường xé sổ đỏ của dân", "cán bộ tiếp dân văng tục chửi bậy, thách thức người đi làm giấy tờ". Trong một cơ chế phân quyền khá mạnh về thủ tục hành chính như hiện nay ở Việt Nam, những khiếm khuyết của đội ngũ tại cơ sở lại càng trở nên trầm trọng. "Quan bức thì dân phản", nếu có một tầng lớp cửa quyền hách dịch, thì rất dễ bị đối lại bằng những lớp dân "hậu duệ Chí Phèo", sẵn sàng dùng điện thoại để "livestream cào mặt". Xây dựng một bộ mặt tử tế ở cấp cơ sở dường như là một việc làm quá sức mà Trung ương đã nhiều lần sực nhớ ra, thực hiện được một hồi, rồi lơ là. Năm 2007, trước ngày 1 tháng 7 - ngày Pháp lệnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chính thức hiệu lực - theo trí nhớ của những người làm báo chúng tôi, là thời điểm mà các vụ khiếu kiện tập thể diễn ra ở rất nhiều địa phương. Sự gia tăng đột biến ấy là hệ quả của việc hành pháp ở các địa phương không theo kịp sự cởi mở của Pháp lệnh dân chủ. Người dân, dẫn đầu là các cựu binh vốn bị kìm nén bấy lâu dưới sự đè nén của lớp cường hào, lý dịch kiểu mới, đã dùng Pháp lệnh làm vũ khí tấn công thẳng vào thành lũy "mất dân chủ" ở địa phương. Cơn địa chấn đó kéo dài được chừng đâu một năm rồi cũng lắng, vì dân sau một hồi khiếu tố cũng chỉ nhận thấy tiếng than của mình như đá ném ao bèo. Có vẻ như sau lần ấy, Trung ương nhận ra, muốn tạo ra sự lành mạnh ở địa phương, thì văn bản thôi chưa đủ. Vậy là đề án 600 của Bộ Nội vụ ra đời. Năm 2012, có gần 600 trí thức trẻ được rầm rộ đưa về làm phó chủ tịch của 64 xã khó khăn với mong muốn tạo ra đột biến trong công tác cán bộ cơ sở ở các địa phương, làm tiền đề cho việc đổi mới sau này. Năm năm sau, dự án tổng kết, trong số 580 phó chủ tịch đó, chỉ 58 trường hợp đã được bầu lại làm "phó chủ tịch xã". Chương trình này, sau lễ tổng kết, đến nay không còn ai nhắc tới. Tục ngữ có câu "quan thì xa mà bản nha thì gần", câu nói mà người dân dùng để bảo ban nhau phải ăn ở ứng xử làm sao cho "phải phép", đừng có dại mà động tới những vị cường hào, lý dịch ở địa phương. Chuyện người dân phải khép nép với các vị chức sắc ở xã, ở tổng tưởng như đã xa xôi vài thế kỷ, sẽ không bao giờ tái xuất trong một thể chế "do nhân dân làm chủ". Nhưng thực tiễn luôn khác xa với những diễn ngôn. Trong khi chờ đợi những thiết chế công vụ được thực thi, người ta lại tiếp tục trông cậy vào nhận thức và tự giác. Vấn đề là, nhận thức chỉ có thể tiến triển tích cực nhờ quá trình giáo dục liên tục, liêm chính và chặt chẽ. Còn bây giờ có những tình huống khi người cấp dưới ngẩng lên trên để trông gương thì cũng chỉ biết chép miệng hoặc thở dài. Nếu đạo đức công vụ của các cán bộ cơ sở là yếu tố tối quan trọng để đại diện cho chính thể, lại không thể giáo dục trong ngày một ngày hai, thì chỉ còn cách trao thêm quyền giám sát cho người dân. Và khi trong hệ thống còn các bậc phụ mẫu giống như Lý Cường, Bá Kiến thì chúng ta đành phải chấp nhận họ được giám sát bằng livestream kiểu Chí Phèo. Dần dà, cách giám sát ấy sẽ giúp quan ra quan, và dân cũng ra dân. Lại Trọng Tình PS st theo VnExpress