Sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam ở Trung Phi

Ngày đăng: 11:18 22/09/2019 Lượt xem: 589

Sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam ở Trung Phi

Xe Liên Hợp Quốc qua trạm kiểm soát của phiến quân ở Trung Phi thường bị gây khó dễ, nhưng xe có sĩ quan mặc áo in chữ Việt Nam trên ngực thì được mời qua.

Trong lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc ở Cộng hoà Trung Phi có 5 sĩ quan quân đội Việt Nam là trung tá Hoàng Trung Kiên (tham mưu tác chiến), trung tá Nguyễn Thị Liên (tham mưu đào tạo), thiếu tá Nguyễn Đức Thắng (tham mưu phân tích tình báo), đại úy Lê Hồng Quân (tham mưu trang bị) và đại úy Trần Thanh Sơn làm quan sát viên quân sự.

Trung tá Sơn kể, một trong những ấn tượng lớn nhất của anh khi làm nhiệm vụ ở đất nước châu Phi xa xôi này là, mỗi lần xe của Liên Hợp Quốc đi qua trạm kiểm soát thường bị lực lượng phiến quân hoặc quân chính phủ chặn lại, lục lọi rất kỹ càng, song khi thấy trong xe có lá cờ đỏ sao vàng, sĩ quan mặc áo có chữ Việt Nam trên ngực, thì nhóm binh lính canh gác sẽ hỏi mày là người Việt Nam à? Nếu đúng thì cho qua.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng giải thích thêm, nhờ tình cảm của người dân Trung Phi, sĩ quan Việt Nam thường được tín nhiệm giao nhiệm vụ dẫn các đoàn xe của Liên Hợp Quốc. Trong các chuyến công tác, ngoài treo cờ đỏ sao vàng, các sĩ quan Việt Nam còn gắn dòng chữ Việt Nam trên xe. Trước đây dòng chữ Việt Nam trên ngực áo của những người lính mũ nồi xanh nhỏ hơn, về sau thay quân phục thì dòng chữ này được thiết kế với cỡ chữ to, dễ đọc hơn.

Trung tá Lê Ngọc Sơn và những học trò Trung Phi được anh giảng dạy trước và sau giờ làm ở phái bộ Liên Hợp Quốc. Ảnh: VNPKC

Trung tá Lê Ngọc Sơn và những học trò Trung Phi được anh giảng dạy trước và sau giờ làm ở phái bộ Liên Hợp Quốc. Ảnh: VNPKC

Là sĩ quan tham mưu tác chiến, ngoài nhiệm vụ ở văn phòng từ 8h sáng đến 5h chiều, trung tá Sơn dành tất cả thời gian còn lại để dạy học cho những đứa trẻ nghèo khó, con em của người dân địa phương. Do người Trung Phi nói tiếng Pháp, anh phải đến Đại học Bangui nhờ sinh viên phiên dịch tiếng Anh mỗi khi đứng lớp.

"Lần đầu tiên tôi đến gặp một nhóm sinh viên ở khuôn viên trường. Nhìn thấy chữ Việt Nam trên ngực áo tôi, họ vui mừng ra mặt. Ai cũng xoắn xuýt hỏi bạn đến từ Việt Nam ư? Tôi biết về đất nước bạn đấy. Hỏi ra mới biết lịch sử Việt Nam được đưa vào giảng dạy tại trường học ở Trung Phi", anh Sơn nói.

Khi anh ra chợ, người dân nhìn thấy chữ Việt Nam trên áo cũng kéo lại hỏi chuyện; có người còn tay bắt mặt mừng, tuôn một tràng tiếng Pháp khoe "trước đây tôi từng có một chiếc áo in cờ Việt Nam". Còn trong phái bộ của Liên Hợp Quốc, những người bảo vệ thậm chí còn nhờ anh dạy họ chào và tạm biệt bằng tiếng Việt. Mỗi ngày, khi thấy anh từ xa, họ đã nói "xin chào" bằng tiếng Việt rất to.

Sự giúp đỡ nhiệt tình của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pasteur (ở Trung Phi) khi sĩ quan gìn giữ hoà bình Việt Nam đến hỏi mua dụng cụ thí nghiệm cho học sinh, cũng là kỷ niệm trung tá Sơn không bao giờ quên. Đó là một ngày nắng nóng, anh tìm gặp vị Viện trưởng người Pháp mà anh e ngại sẽ khó tính. Tuy nhiên, khi biết Sơn đến từ Việt Nam, ông đã tươi cười nói "tôi rất thích lịch sử hào hùng của các bạn, chỉ tiếc là chưa có dịp đến thăm vì xa xôi quá".

Sau khi trò chuyện và biết việc trung tá Sơn tự nguyện dạy học cho trẻ con Trung Phi, vị Viện trưởng đã nhờ nhân viên đưa anh xuống phòng thí nghiệm và dặn anh "thích gì thì cứ lấy, không phải trả tiền". Tuy nhiên, trung tá Sơn chỉ lấy một dụng cụ cần thiết cho lớp học. Ông Viện trưởng thấy vậy đã cố dặn dò "sau này có khó khăn gì cứ đến, tôi sẽ giúp đỡ". 

Với Trung tá Nguyễn Thị Liên, sang Trung Phi nhận nhiệm vụ từ tháng 7, ngay từ những giây phút đầu tiên khi đoàn sĩ quan đến cổng phái bộ Liên Hợp Quốc, tiếng hô vang "Việt Nam, Việt Nam" đã giúp chị trút bỏ mọi mệt nhọc sau hành trình di chuyển hơn 20 giờ. Chị chia sẻ cảm giác "yên tâm và ấm áp" khi ra khỏi phái bộ, đi đến nẻo đường, góc phố nào, chị và đồng đội cũng được những người da đen cười tươi và cất tiếng Xin chào Việt Nam

"Ở một đất nước châu Phi xa xôi, khi được đón tiếp như vậy, bạn sẽ thấy yêu đất nước mình hơn và cố gắng sống thật ý nghĩa, cố gắng lan tỏa yêu thương và truyền cảm hứng đến tất cả mọi người", trung tá Liên nói.

Trung tá Nguyễn Thị Liên cùng các nhân viên kiểm tra an ninh phái bộ Liên Hợp Quốc tại Trung Phi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trung tá Nguyễn Thị Liên cùng các nhân viên kiểm tra an ninh phái bộ Liên Hợp Quốc tại Trung Phi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một lần, trước sự nhiệt tình chào hỏi của nhân viên bảo vệ ở cổng phái bộ, chị Liên đã đố những người này viết được hai chữ Việt Nam, ngay lập tức tất cả mọi người đều cầm bút nắn nót viết. Lần khác, trung tá Liên quên mang theo thẻ, đang định quay về nhà lấy thì người gác cổng nói vào đi và cho biết hoàn toàn tin tưởng những người lính đến từ Việt Nam.

Từng có một nhiệm kỳ làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình tại Trung Phi, nên lần trở lại vào tháng 7/2019, mọi thứ đã quen thuộc với trung tá Hoàng Trung Kiên. 

Anh Kiên nhớ lại, năm 2015, lần đầu thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ với nhiệm vụ sĩ quan tham mưu, khi anh đến kiểm tra trang bị của các đơn vị Rwanda, Congo DRC và Cameroon, họ rất ngạc nhiên và hồ hởi khi thấy có một sĩ quan Việt Nam tham gia đoàn công tác của Liên Hợp Quốc. Quá trình làm việc, các bạn thỉnh thoảng giơ tay lên nói Vietnam, number one.

"Trong giờ giải lao, các bạn đến bắt tay và thay vì tôi kể chuyện về Việt Nam, họ lại kể chuyện về Việt Nam cho tôi nghe", anh Kiên nhớ lại. Anh nói, những người bạn từ các nước nói trên cho biết họ biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của người Việt Nam... "Điều đó làm tôi cảm động. Tôi ra về với lời hẹn lần tới quay lại kiểm tra sẽ tặng họ một vài cuốn sách về Việt Nam", anh Kiên nói và cho hay với sự quý mến của bạn bè ở châu Phi, anh tự tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chuyến trở lại lần này.

Phần lớn lãnh thổ của Cộng hòa Trung Phi đang nằm trong tay các nhóm vũ trang và 60% dân số nước này cần trợ giúp. Tình trạng bạo lực tại đây tăng cao từ khi phiến quân Hồi giáo lật đổ chính phủ vào năm 2013 và gây ra phản ứng dữ dội từ những nhóm vũ trang Thiên chúa giáo. UNICEF cho biết những đợt tấn công nhằm vào trường học, bệnh viện, thánh đường và nhà thờ ngày càng nhiều, các nhân viên cứu trợ cũng trở thành mục tiêu.

Phái bộ ổn định đa chiều Liên Hợp Quốc tại Cộng hoà Trung Phi (MINUSCA) được thành lập vào tháng 4/2014, chia làm 4 phân khu (Đông, Tây, Trung tâm và Thủ đô), hiện có 43 quốc gia gửi quân tham gia. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Phái bộ là bảo vệ dân thường và hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực tại Cộng hòa Trung Phi.

Hoàng Thùy

tin tức liên quan