Chuyên gia: "Trung Quốc thua trong cuộc chiến thương mại với Mỹ"

Ngày đăng: 04:58 23/09/2019 Lượt xem: 404

Chuyên gia: "Trung Quốc thua trong cuộc chiến thương mại với Mỹ"


 
 
0:00/0:00
 
 
 
 
 

Giới phân tích nhận định đã có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc thua trong cuộc chiến thương mại với Mỹ mặc dù Bắc Kinh chưa bao giờ thừa nhận điều này.
 

Chuyên gia: Trung Quốc thua trong cuộc chiến thương mại với Mỹ - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty)

Hãng tin Reuters gần đây dẫn số liệu của chính phủ Trung Quốc cho biết, tốc độ phát triển kinh tế chậm chạp của nước có xu hướng xấu đi trong tháng 8, khi “sự tăng trưởng về sản xuất công nghiệp ở mức thấp nhất trong 17 năm rưỡi trong bối cảnh những tổn thương từ cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng lan rộng và nhu cầu trong nước ngày càng giảm đi, ngoài ra doanh thu bán lẻ và quy mô đầu tư cũng ngày càng tệ hơn”.

Bất chấp những số liệu không mấy khả quan trên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc vẫn trên đà đạt được tốc độ tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm nay.

Theo nhận định của nhà phân tích Helen Raleigh trên Fox News, do chính phủ Trung Quốc thường có xu hướng vẽ ra một bức tranh tươi sáng hơn cho nền kinh tế Trung Quốc để đạt được các mục tiêu về chính trị, nên hầu hết giới quan sát về Trung Quốc đều tin rằng phát biểu của Thủ tướng Lý không phản ánh đúng thực trạng xuống dốc của nền kinh tế Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Brookings ước tính Trung Quốc đã thổi phồng tốc độ tăng trưởng GDP thêm gần 2% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2008 - 2016. Trên thực tế, Trung Quốc chưa bao giờ đạt tốc độ tăng trưởng 6%/năm trong gần một thập niên. Hơn nữa, quy mô thực sự của nền kinh tế Trung Quốc ước tính khoảng 10,9 nghìn tỷ USD, thấp hơn 18% so với con số báo cáo chính thức là 13,8 nghìn tỷ USD, tính thời điểm năm 2018.

Đòn thuế quan thương mại liên tiếp của Tổng thống Trump đã giáng đòn mạnh vào Trung Quốc khi nền kinh tế nước này đang sụt giảm và gây ra tác động nặng nề. Thuế quan không chỉ làm giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, mà còn khiến các công ty nước ngoài chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi nước này.

Bắc Kinh hy vọng các biện pháp kích thích nền kinh tế, bao gồm cắt giảm thuế và tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn cũng như chính quyền địa phương, sẽ làm giảm hoặc thậm chí xóa bỏ những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, các dữ liệu mới nhất chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho thấy, các biện pháp kích thích nền kinh tế vẫn chưa đủ để xoa dịu thiệt hại từ cuộc chiến thương mại.

Khó khăn và giải pháp của Trung Quốc

Trung Quốc không thể trông cậy vào người tiêu dùng nước này để kích thích thích tăng trưởng kinh tế vì giá thịt lợn tăng cao. Thịt lợn là thực phẩm chính đối với các gia đình Trung Quốc. Kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, Trung Quốc đã áp thuế cao hơn vào nông sản từ Mỹ, với mức thuế đánh vào thịt lợn tăng từ 12% lên 62%.

Trung Quốc hy vọng việc gây thiệt hại cho người nông dân Mỹ sẽ gây sức ép, buộc Tổng thống Trump phải nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, chiến lược này rốt cuộc đã thất bại theo hai hướng.

Thứ nhất, mặc dù nông dân Mỹ chịu thiệt hại và chỉ trích chiến tranh thương mại, nhưng sự ủng hộ của họ dành cho tổng thống vẫn tăng lên. Theo Bloomberg, “khoảng 67% nông dân Mỹ tuyên bố vẫn ủn hộ ông Trump tái đắc cử vào năm 2020”.

Thứ hai, ngành công nghiệp thịt lợn của Trung Quốc đang phải chứng kiến dịch tả lợn châu Phi tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Ước tính Trung Quốc có thể mất tới 50 % số lợn tính đến cuối năm 2019. Giá thịt lợn tăng tới hơn 46% và một số chuyên gia dự đoán mức tăng này có thể lên tới hơn 80% vào năm sau.

Thịt lợn tăng cũng đẩy giá các loại thịt khác tăng theo, từ đó làm gia tăng sức ép lạm phát đối với nền kinh tế Trung Quốc. Điều này cũng cản trở người tiêu dùng Trung Quốc trong việc sẵn sàng và đủ khả năng chi trả cho các mặt hàng khác. Do tầm quan trọng thiết yếu của thịt lợn trong bữa ăn của người Trung Quốc, nên nếu giá thịt lợn leo thang, trong khi nguồn cung khan hiếm, điều này có thể khiến Trung Quốc đối mặt với nguy cơ bất ổn xã hội.

Trung Quốc đã loại một số nông sản của Mỹ, bao gồm đậu nành và thịt lợn, ra khỏi danh sách áp thuế bổ sung có hiệu lực từ ngày 17/9. Thông báo này được xem là động thái thiện chí của Trung Quốc trước thềm cuộc đàm phán thương mại với Mỹ vào tháng 10.

Tuy nhiên, đây dường như là biện pháp tuyệt vọng và tự cứu vãn của Trung Quốc, vì tất cả các nước xuất khẩu thịt lợn khác cộng lại cũng không thể đáp ứng sự thiếu hụt về nguồn cung thịt lợn cho Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn cần thịt lợn từ Mỹ và việc hoãn áp thuế bổ sung với thịt lợn Mỹ cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc ngầm thừa nhận rằng nước này không đủ sức trụ lâu dài trong cuộc chiến thương mại vớiWashington.

Nếu Trung Quốc hy vọng rằng nước này chỉ cần chờ tới khi ông Donald Trump thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau rồi sau đó mới ký thỏa thuận thương mại với Mỹ, thì Bắc Kinh nên suy nghĩ lại. Trong cuộc tranh luận gần đây nhất của các ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, không ứng viên nào đề xuất loại bỏ thuế quan thương mại do ông Trump áp đặt lên Trung Quốc. Ngay cả khi ông Trump thua cuộc, Trung Quốc cũng chưa chắc gặp được một tổng thốnh thân thiện hơn tại Nhà Trắng.

Sau khi xảy ra các vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy lọc dầu của Ả rập Xê út hôm 14/9, giá dầu tăng vọt và có thể sẽ còn tiếp tục leo thang. Cây bút Nathaniel Taplin của Thời báo Phố Wall nhận định Trung Quốc “thiệt hại lớn nhất khi giá dầu tăng” vì Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Sự kết hợp giữa giá dầu và giá thực phẩm tăng cao không chỉ đè nặng thêm sức ép lên nền kinh tế đang bị chững lại của Trung Quốc, mà còn khiến cho một số biện pháp kích thích nền kinh tế, như phá giá đồng nhân dân tệ, của Bắc Kinh càng thêm rủi ro.

Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD vào nền kinh tế của Iran thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Do vậy, Bắc Kinh cũng không kỳ vọng Iran, nước đang bị Mỹ cáo buộc đứng sau vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy dầu Ả rập Xê út, gặp sự cố.

“Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại vào tháng 10, và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục hành xử cứng rắn trong các cuộc đàm phán, tuy nhiên điều đó không thể che giấu sự thật rằng Trung Quốc đã thua trong cuộc chiến thương mại”, nhà phân tích Helen Raleigh bình luận trên Fox News.

Thành Đạt

Theo Fox News


tin tức liên quan