Luận tội Tổng thống Trump: Cuộc đấu phức tạp và những kịch bản để ngỏ

Ngày đăng: 04:23 10/10/2019 Lượt xem: 404

Luận tội Tổng thống Trump: Cuộc đấu phức tạp và những kịch bản để ngỏ

 

                                        Nguồn: Báo Điện tử Soha.vn

Giọt nước tràn ly là việc xuất hiện đơn khiếu nại của "người thổi còi", tố cáo Tổng thống Trump đã lạm dụng chức vụ, lôi kéo nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

 

Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ nắm đa số đã chính thức khởi động quá trình luận tội đối với Donald Trump, Tổng thống đương nhiệm thứ 45 của nước Mỹ.

Luận tội Tổng thống là vấn đề hệ trọng, là thủ tục đặc biệt do Hiến pháp Mỹ qui định, có thể dẫn tới việc kết tội và phế truất Tổng thống. Dù sắp tới, có dẫn tới phế truất Tổng thống hay không, thì quá trình luận tội này cũng sẽ đặt ra nhiều hệ lụy đối với nền chính trị Mỹ nói chung, cũng như với mỗi đảng và Tổng thống Mỹ nói riêng.

Tuy nhiên, đây cũng là một cuộc đấu rất phức tạp, trên nhiều khía cạnh cả về pháp lý, chính trị và đạo đức đan xen, sẽ được bàn sâu thêm trong bài này.

 
Luận tội Tổng thống Trump: Cuộc đấu phức tạp và những kịch bản để ngỏ - Ảnh 1.

Vào 17 giờ 00 ngày 24.9.2019, nước Mỹ và cả thế giới, dù có thể đã có dự đoán trước, nhưng vẫn sửng sốt trước việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (thuộc đảng Dân chủ) thông báo: Hạ viện Mỹ chính thức khởi động quá trình điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump (thuộc đảng Cộng hoà).

Lý do được Pelosi nêu ra, cho rằng: Tổng thống đã có những hành vi sai trái, "phản bội" lại lời tuyên thệ Tổng thống và tính toàn vẹn của nền bầu cử Mỹ, và "không một ai có thể đứng trên pháp luật". Tổng thống Donald Trump lập tức phản bác, coi đây không gì khác hơn là "cuộc săn lùng phù thủy" và "hạ nhục Tổng thống".

Luận tội Tổng thống là thủ tục đặc biệt được Hiến pháp qui định. Tuyên bố của Pelosi chính là phát súng lệnh, "khởi đầu của khởi đầu" - một thủ tục liên quan tới cả  hai viện Quốc hội Mỹ, mỗi viện có các thẩm quyền và qui trình riêng biệt về luận tội và kết tội Tổng thống, người đứng đầu cơ quan hành pháp đẩy quyền lực của nước Mỹ.

 
 

Báo chí gọi đây là thời khắc "lịch sử". Thực tế, trong lịch sử 243 năm của Mỹ, đến nay mới chỉ có 2 Tổng thống bị Hạ viện chính thức luận tội, đó là: Tổng thống Andrew Johnson cách đây 150 năm (1868) và Tổng thống Bill Clinton (1998) - Ngoài ra, Tổng thống Richard Nixon, cách đây 45 năm (1974), cũng đã bị Hạ viện tuyên bố điều tra luận tội (như Trump hiện nay), song Nixon đã từ chức trước để tránh bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội.

Câu hỏi đặt ra, tại sao đến lúc này, phe Dân chủ mới đi đến quyết định này, trong khi họ đã giành lại đa số ở Hạ viện từ tháng 1.2019. Thực tế, nội bộ đảng Dân chủ cũng đã có ý kiến cần luận tội Tổng thống Trump, nhất là qua vụ Mueller điều tra Trump và các cộng sự có liên quan đến việc Nga can dự vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Chính Pelosi đã ngăn cản, vì cho rằng các chứng cứ có được khi đó không đủ mạnh và thuyết phục.

Giọt nước tràn ly chính là việc xuất hiện đơn khiếu nại của "người thổi còi", tố cáo Tổng thống Trump đã lạm dụng chức vụ, lôi kéo nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, nhất là qua điện đàm ngày 25.7.2019 với Tổng thống Zelensky, yêu cầu phía Ukraine điều tra về con trai và cá nhân cựu Phó Tổng thống Biden - hiện là một ứng cử viên Tổng thống của phe Dân chủ, đối thủ của Trump trong cuộc bầu cử 2020. Thêm nữa, lại có tin Trump đã từng chỉ đạo tạm chưa cấp khoản viện trợ quân sự cho Ukraine đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt (trị giá gần 400 triệu USD). Trump có thể bị cáo buộc lạm quyền, mưu lợi cá nhân, cùng với việc che giấu thông tin, ngăn cản điều tra về việc này.

Đây chính là bước ngoặt trong cuộc đấu giữa hai phe Dân chủ - Cộng hoà. Ngay nội bộ phe Dân chủ tại Hạ viện, số hạ nghị sĩ Dân chủ ủng hộ luận tội Trump sau khi có tin này, cũng đã tăng vọt, lên tới 220/235, vượt quá đa số cần thiết (218) để luận tội Tổng thống. Đây là điểm chốt để Pelosi tin rằng đã đến lúc và đủ độ chín để khởi động việc luận tội Tổng thống Trump, với tuyên bố ngày 24.9 nêu trên.

(Ghi chú: "người thổi còi" được luật Mỹ qui định, cho phép một cá nhân, đặc biệt trong giới tình báo, được báo cáo ẩn danh và được pháp luật bảo vệ, các thông tin liên quan đến sự vi phạm của các quan chức cao cấp, bao gồm cả Tổng thống).

Luận tội trong chế định hiến pháp và các thủ tục đặt ra

Luận tội là một phần chế định Hiến pháp của Mỹ nhằm bảo đảm cân bằng và kiểm soát quyền lực. Cụ thể, Hiến pháp Mỹ qui định: (i) Tổng thống có thể bị "phế truất" một khi bị "luận tội" và bị tuyên "có tội" về các tội phản bội, hối lộ và các tội nghiêm trọng khác. Quyết định này có hiệu lực ngay (Điều II HP); (ii) Hạ viện là cơ quan duy nhất có quyền "luận tội" và Thượng viện là cơ quan duy nhất có quyền "kết tội" (Điều I).

Từ qui định của Hiến pháp, có thể hình dung chung như sau: Đây là một quá trình gồm hai bước chính, bước một là "luận tội", thuộc quyền riêng biệt của Hạ viện (đóng vai trò công tố) và bước hai là "kết tội", thuộc quyền riêng biệt của Thượng viện (đóng vai trò toà án), ra phán quyết và tuyên Tổng thống có tội hoặc vô tội.

Thực hiện vai trò công tố, Hạ viện quyết định về điều tra - khởi tố, xác định tội danh và bỏ phiếu quyết định luận tội - theo đa số thường. Nếu được Hạ viện thông qua, vấn đề sẽ được chuyển sang Thượng viện.

Thượng viện đóng vai trò toà án, xem xét và quyết định về luận tội - cáo trạng (các tội danh) do Hạ viện chuyển sang, trong đó: các thượng nghị sĩ là các thẩm phán; chánh án toà án tối cao chủ trì; đại diện Hạ viện đóng vai trò công tố; Tổng thống được cử luật sư bảo vệ tại toà.

Thượng viện bỏ phiếu quyết định kết tội - theo đa số ⅔, về việc có tội hay vô tội (về các tội danh mà Hạ viện đã luận tội). Nếu phán quyết là "có tội", Tổng thống lập tức sẽ bị phế truất (theo Hiến pháp, Phó Tổng thống sẽ lên thay).

 
Luận tội Tổng thống Trump: Cuộc đấu phức tạp và những kịch bản để ngỏ - Ảnh 4.

Mục tiêu của phe Dân chủ tại Hạ viện là đẩy nhanh quá trình luận tội, với các bước: gấp rút điều tra thông tin và tìm bằng chứng, từ đó xác định tội danh và sớm tiến hành bỏ phiếu luận tội Tổng thống Trump.

Theo đó, ngay sau ngày 24.9, phe Dân chủ nắm đa số và giữ chức chủ tịch các ủy ban của Hạ viện, đã chỉ đạo 6 ủy ban liên quan (như tình báo, đối ngoại, giám sát, tư pháp…) cùng lúc tham gia điều tra, với Uỷ ban Tình báo đóng vai trò điều phối, tập trung vào vụ Tổng thống Trump liên quan đến Ukraine.

Theo đó các Ủy ban này đã có các trát yêu cầu Nhà Trắng, Ngoại trưởng Pompeo và Luật sư riêng của Trump là Giuliani phải cung cấp thông tin và các hồ sơ liên quan; đồng thời, cũng đã triệu tập nhiều quan chức đến báo cáo, điều trần (như với Tổng Thanh tra Cộng đồng tình báo Atkinson, cựu Đặc phái viên về Ukraine Volker, Đại biện và Đại sứ Mỹ tại Ukraine Taylor và Yovanovitch, Đại sứ Mỹ tại EU Sondland…). Phe Dân chủ tại Hạ viện cũng cảnh báo, ngay cả với Nhà Trắng và Ngoại trưởng, nếu không hợp tác, sẽ coi đó là bằng chứng về tội cản trở Quốc hội điều tra luận tội.

Tổng thống Trump tập trung phê phán phe Dân chủ, tiếp tục bác bỏ các cáo buộc, trong đó: khẳng định Tổng thống đã làm đúng, là điều tra tham nhũng, không nhằm vụ lợi chính trị trong vụ liên quan đến Biden; coi các thông tin của "người thổi còi" là "nghe lại", không có căn cứ; chỉ trích Chủ tịch Ủy ban Tình báo Adam Schiff là lạm quyền, cần bị phế truất. Ngoại trưởng Pompeo tố cáo Dân chủ đe dọa, gây áp lực quá mức.

Phe Cộng hoà về cơ bản hiện đứng về phía Tổng thống, đang tính toán các phương án, cả về chính trị và pháp lý, để đối phó với phe Dân chủ.

Ngày 25.9, chỉ một ngày sau thông báo về điều tra luận tội, phe cộng hoà tại Hạ viện đã đưa dự thảo nghị quyết yêu cầu hủy bỏ quyết định trên của Pelosi, nhưng đã bị phe Dân chủ dùng đa số bỏ phiếu bác bỏ (với số phiếu: 222-184, cơ bản phân tuyến theo đảng phái).

Hiện tại, phe Cộng hoà và Tổng thống Trump đang tập trung yêu cầu Chủ tịch Hạ viện (Pelosi) phải triệu tập phiên toàn thể Hạ viện và bỏ phiếu chính thức cho phép khởi động quá trình điều tra luận tội (như Hạ viện đã làm trong các trường hợp trước đây với Tổng thống Andrew Johnson, Nixon và Clinton) - nhưng cả Pelosi và phe Dân chủ cho rằng điều này không bắt buộc và không cần thiết.

Cuộc đấu hai bên, tuy mới bắt đầu, nhưng đã phân tuyến và rất phức tạp.

 
Luận tội Tổng thống Trump: Cuộc đấu phức tạp và những kịch bản để ngỏ - Ảnh 5.

Trước hết luận tội là cuộc đấu được quyết định bằng đa số, căn cứ theo thẩm quyền và thủ tục của Hạ viện và Thượng viện.

Nếu căn cứ thuần túy vào tương quan hiện nay giữa Dân chủ và cộng hoà tại hai viện, có thể thấy rõ kịch bản sau:

Bước 1: Khả năng Tổng thống Trump bị Hạ viện "luận tội" là rất cao: Do Dân chủ nắm đa số (235 Dân chủ - 198 Cộng hòa, trên tổng số 435), có thể dễ dàng đạt được đa số quá bán (218) theo Hiến pháp qui định để bỏ phiếu luận tội Tổng thống.

Bước 2: Khi đến Thượng viện, khả năng cũng rất cao là Tổng thống sẽ được tuyên "vô tội" và trắng án: Hiến pháp qui định cần phải có đa số 2/3 (tức là 67/ tổng số 100 thượng nghị sĩ) đồng ý thì Thượng viện mới có thể tuyên bố Tổng thống "có tội", theo đó bị phế truất - Cộng hoà hiện nắm đủ đa số cần thiết (53 Cộng hòa - 47 Dân chủ  để ngăn cản mọi đề xuất của Dân chủ (muốn đạt được đa số ⅔, phe Dân chủ cần phải có thêm ít nhất 20 phiếu "đảo ngũ" từ phe Cộng hoà - điều này là không thể, nếu tính thời điểm hiện nay).

Kịch bản trên tương tự như đã xảy ra với Tổng thống Andrew Johnson và Bill Clinton, bị Hạ viện luận tội, nhưng đến Thượng viện được tuyên trắng án và tiếp tục đến hết nhiệm kỳ Tổng thống của mình.

Tuy vậy, không phải kịch bản trên lúc nào cũng được bảo đảm vì còn phải phụ thuộc vào việc đa số như nêu ở trên của mỗi đảng có giữ được một cách nhất quán hay không.

Lịch sử và nền chính trị Mỹ cũng đã chứng kiến, có những nhân tố có thể dẫn tới phân hoá, thậm chí "đảo ngũ", làm xói mòn đa số vốn có hiện nay của mỗi đảng, nhất là với đảng của Tổng thống, đối tượng của quá trình luận tội.

 
 

Đến nay, phía Cộng hòa cơ bản nhất quán, bảo vệ Tổng thống. Tuy có phức tạp, nhưng Tổng thống Trump vẫn giữ được  thế mạnh, các chỉ số kinh tế khá tốt và giữ được sự ủng hộ khá vững bền của số cử tri nòng cốt (thường xuyên 38 - 39%, gần đây có xu hướng tăng thêm).

Tuy nhiên, tình hình còn tiếp tục diễn biến, tuy khó, nhưng không loại trừ có thể có đột biến phức tạp. Mặt khác, tính cách của cá nhân Tổng thống Trump cũng có thể dẫn đến những tác động cả thuận cả nghịch, một mặt, "cách đấu rắn", có thể làm nao núng đối phương, nhưng mặt khác, cũng có thể lại "đổ thêm dầu vào lửa" bất lợi.

Như vậy vẫn sẽ còn nhiều kịch bản có thể xảy ra. Có một số nhân tố cần chú ý theo dõi tiếp. Trước hết là các bằng chứng - mức độ vi phạm có thể dần bộc lộ ra qua quá trình điều tra và diễn biến phản ứng của dư luận - cử tri.

Vẫn có giả định là phía Dân chủ không tìm được bằng chứng thật xác đáng để luận tội Trump. Theo đó, dù có đa số tại Hạ viện, Dân chủ cũng phải tính đến phản ứng bất lợi từ phía dư luận và cử tri, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới mình trong bầu cử 2020, để cân nhắc các bước đi, bao gồm cả khả năng kéo dài quá trình điều tra xuyên qua thời điểm bầu cử (tránh bất lợi nếu bỏ phiếu luận tội ngay). Còn khi có bằng chứng xác đáng và có lợi thế chính trị, chắc chắn Dân chủ sẽ thúc ép, đẩy nhanh qui trình và sẽ đạt được việc Hạ viện luận tội Tổng thống.

Mặt khác, khi bằng chứng rõ ràng và liên quan trực tiếp đến cá nhân Tổng thống, thì tuỳ mức độ nghiêm trọng, sẽ có tác động khác nhau đến tập hợp lực lượng của đảng Cộng hoà - cần nhấn mạnh rằng, mức độ nghiêm trọng nêu trên phụ thuộc vào cách nhìn, phản ứng của dư luận - cử tri và của cá nhân các nghị sĩ của đảng cộng hoà.

 
Luận tội Tổng thống Trump: Cuộc đấu phức tạp và những kịch bản để ngỏ - Ảnh 7.

Trường hợp được coi là "ít nghiêm trọng hơn", có thể sẽ tương tự như kịch bản đã xảy ra với Tổng thống Andrew Johnson (bất đồng về chính sách tái thiết) và Clinton (quan hệ nam-nữ), tức là bị luận tội tại Hạ viện nhưng "trắng án" tại Thượng viện, là kịch bản các nghị sĩ cơ bản bỏ phiếu nhất quán theo từng đảng của mình và đa số của mỗi đảng tại từng viện hiện có, Hạ viện và Thượng viện, vẫn được giữ.

Trường hợp nghiêm trọng nhất, đến nay chưa thấy có khả năng xảy ra - Ví dụ đáng chú ý là kịch bản đã xảy ra với Tổng thống Nixon (1974): Hạ viện bỏ phiếu quyết định khởi động quá trình điều tra luận tội Tổng thống, với số phiếu rất cao (410 - 4), như vậy, không chỉ phe Dân chủ mà cũng đã có rất nhiều hạ nghị sĩ cộng hoà, đảng của Tổng thống, đã bỏ phiếu ủng hộ điều tra luận tội Tổng thống. 

Đó là do bê bối trong vụ Watergate quá lớn, Tổng thống Nixon mất tín nhiệm với cả cử tri nước Mỹ và với các nghị sĩ của cả hai đảng. Nixon, từ sức ép của chính đảng của mình, đã phải từ chức Tổng thống để tránh một cuộc bỏ phiếu luận tội chính thức của Hạ viện (khả năng luận tội sẽ được thông qua)  - Theo đó, vấn đề cũng sẽ không bị đẩy sang Thượng viện, tránh cho cộng hoà bị đẩy vào thể tiến thoái lưỡng nan, vì khó có thể vượt qua dư luận và chịu mất uy tín để bảo vệ Nixon.

Phía Cộng hoà vừa qua cũng đã ra thông báo, cho rằng nếu Hạ viện (do Dân chủ nắm đa số) phê chuẩn việc luận tội Tổng thống, thì Thượng viện (do Cộng hoà nắm đa số) sẽ xem xét các bước tiếp theo như hiến định, để tránh dư luận chỉ trích bao che cho Tổng thống. Tuy nhiên, cũng không loại trừ, khi đến Thượng viện, phía Cộng hoà cũng có thể dùng thủ tục như vẫn xem xét, nhưng sẽ kéo dài đợi tới bầu cử Tổng thống 2020 và để cử tri là người phán xét cuối củng.

Qua đó, có thể thấy sự nhất quán của mỗi đảng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các diễn biến chính trị, trong đó có thước đo chính là cử tri - dư luận, mà bản thân các nghị sĩ cộng hoà, cũng phải cân nhắc các mặt thuận - nghịch giữa bảo vệ Tổng thống và uy tín, khả năng bầu cử-tái cử của mình. Tại bầu cử 2020, sẽ có 23/53 thượng nghị sĩ hiện nay của Cộng hoà phải ra tranh cử lại, nên sẽ rất quan tâm đến điều này.

 
Luận tội Tổng thống Trump: Cuộc đấu phức tạp và những kịch bản để ngỏ - Ảnh 8.

Trong quá trình luận tội, mỗi bên đều sẽ tranh thủ thế đa số hiện có của mình tại hai viện, Hạ viện và Thượng viện, để phát huy lợi thế trong mỗi bước đi, con bài và cách vận dụng thủ tục, sao cho có lợi nhất cho mình.

Dân chủ nắm đa số Hạ viện, đủ khả năng để thông qua việc luận tội Tổng thống Trump. Tại Thượng viện, Cộng hoà có đủ số phiếu cần thiết để Dân chủ không thể có được ⅔ số phiếu cần thiết để phế truất Tổng thống, qua đó dù Tổng thống có thể bị luận tội tại Hạ viện nhưng cũng sẽ được "trắng án" tại Thượng viện.

Tuy nắm đa số có ý nghĩa quyết định, nhưng đó không phải là tất cả - Điều chi phối sâu xa chính là tác động chính trị, của dư luận - cử tri, thuận - nghịch đối với mỗi đảng gắn với từng diễn biến của quá trình này, trước hết là thông qua các cuộc bầu cử.

 
 

Đa số của mỗi đảng, đặc biệt là của Cộng hoà - đảng của Tổng thống - tại Thượng viện hiện nay có thể được giữ vững, nhưng cũng vẫn có thể bị phân hoá, tùy theo diễn biến của tình hình và phản ứng của cử tri, dư luận.

Luận tội Tổng thống là một thiết chế hiến định và là một việc rất hệ trọng trong đời sống chính trị nước Mỹ. Trên thực tế và như đã xảy ra trong lịch sử, quá trình luận tội và phế truất Tổng thống luôn là một cuộc đấu tranh chính trị phức tạp, đan xen các yếu tố phát lý và đạo đức, trước hết là giữa các nghị sĩ của hai đảng Dân chủ - Cộng hoà.

Diễn biến, tình tiết, thông tin dồn dập từng ngày. Dân chủ ra sức đào sâu, tìm bằng chứng. Nội bộ cộng hoà xuất hiện sự dao động, riêng thượng nghị sĩ Romney đã lên tiếng coi hành động của Trump chống Biden là "sai trái". Nhưng cũng vì vụ Ukraine này, vị trí Biden là ứng viên Tồng thống hàng đầu của Dân chủ đang bị thách thức nghiêm trọng. 

Cũng đã có thông tin sẽ xuất hiện một nhân viên tình báo nữa - "người thổi còi" thứ hai, cung cấp thêm các thông tin sát thực liên quan đến vụ Trump - Ukraine. Tổng thống Trump vẫn bình tĩnh cho rằng, dù thông tin gì, thì cũng không thể vượt ra ngoài biên bản ghi lại cuộc điện đàm của Trump ngày 25.7 mà Nhà Trắng có trong tay.

Trước mắt, tình hình sẽ còn nhiều phức tạp và các kịch bản vẫn đang được để ngỏ./.

( C.H sưu tầm)

tin tức liên quan