Quy định cứng nhắc sẽ khiến người bản lĩnh, sắc sảo phải rời Quốc hội
VOV.VN - Ý kiến đại biểu cho rằng, vì quy định cứng nhắc nên nhiều đại biểu có trình độ, năng lực, tư duy, bản lĩnh nghị trường phải rời Quốc hội.
Chiều 12/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Lãng phí nguồn nhân lực
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu rõ, theo báo cáo tổng kết việc thi hành một số nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội, việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí, kiện toàn bộ máy của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã ngày càng khẳng định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội.
|
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu). |
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm nhưng con số này đến nay vẫn chưa đạt. Quốc hội khóa XIV có 167 đại biểu chuyên trách trên tổng số 483 đại biểu Quốc hội, mới đạt 34,5%.
Theo đại biểu, cần phân tích rõ nguyên nhân tại sao tỷ lệ này không đạt đồng thời quán triệt sâu sắc Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm ở các cơ quan hành pháp.
"Cần quy định tỷ lệ tối thiểu đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là 40% để có cơ sở phấn đấu, quy hoạch, bố trí cán bộ” - ông Nguyễn Văn Tuyết nêu rõ.
Dẫn lại quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội, song theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) để hiện thực hóa quan điểm trên, phát huy thành quả đạt được làm tiền đề cho thành tựu khóa XV cần phải bước qua rào cản trong tư duy lập pháp của 3 trụ cột: đó là đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng tham mưu giúp việc.
Theo ông Phạm Trọng Nhân, khi thông qua Luật tổ chức Quốc hội, các đại biểu Quốc hội khóa XIII kỳ vọng chúng ta sẽ đáp ứng 35% đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhằm tháo gỡ những bất cập được chỉ ra. Song, dù rất nỗ lực nhưng vẫn không đạt được yêu cầu.
"Trong tổng số 483 đại biểu Quốc hội, chỉ có 167 đại biểu chuyên trách, nếu 316 đại biểu kiêm nhiệm dành cho Quốc hội đúng 1/3 thời gian, với cách quy đổi đơn giản sẽ thấy thực chất chỉ có hơn 260 đại biểu hoạt động toàn thời gian" - ông Phạm Trọng Nhân nói.
|
Đại biểu Phạm Trọng Nhân. |
Nhấn mạnh số đại biểu chuyên trách không đạt, đại biểu kiêm nhiệm vì nhiều lý do khó bảo đảm cả về chất lượng và thời gian, đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng việc đổi mới nâng cao chất lương hoạt động của Quốc hội là bài toán nan giải. Do đó, nếu khóa XV vẫn giữ tỷ lệ 35%, số đại biểu chuyên trách là 175 đại biểu, với 325 đại biểu kiêm nhiệm, thì liệu khóa mới có tiếp tục điệp khúc “gỡ rối, đổi mới, đẩy mạnh và nâng cao”.
Đại biểu dẫn thực tế cho thấy không ít đại biểu chuyên trách ở thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” nhưng không trình độ, năng lực, tư duy và bản lĩnh nghị trường của họ thì khó có đại biểu trẻ nào có được.
“Sau 5 năm chắt lọc tinh hoa, kiến thức kinh nghiệm Quốc hội, cuối cùng họ cũng phải lui về vì quy định cứng nhắc thì liệu đây có phải là sự lãng phí nguồn lực” – đại biểu Phạm Trọng Nhân nói và đặt câu hỏi dự luật lần này giải quyết thực tiễn ra sao để giữ được những tinh hoa làm trụ cột thực sự của Quốc hội.
Có cơ chế, chính sách thu hút người có năng lực
Cùng chung quan điểm, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP Hà Nội) cũng cho rằng cần tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách. Về băn khoăn chất lượng nguồn nhân lực liệu có đảm bảo, đại biểu Ngọ Duy Hiểu khẳng định: “Vấn đề là hình thành cơ chế, chính sách để thu hút những người có trình độ năng lực và đủ tiêu chuẩn đảm nhiệm công việc này”.
|
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội). |
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng đề nghị nghiên cứu cơ chế để không “công chức hóa” đại biểu Quốc hội chuyên trách, thu hút những trí thức, nhà khoa học giỏi, luật sư, hay doanh nhân thành đạt có tâm huyết, muốn đóng góp cho Quốc hội.
“Ví dụ có Giáo sư sau khi về hưu có mong muốn đóng góp cho Quốc hội và họ có thể trở thành đại biểu Quốc hội chuyên trách bằng chế độ trả công. Khi họ không đảm bảo yêu cầu thì có thể bị mãi nhiệm, miễn nhiệm thay bằng việc hiện nay chúng ta đang “công chức hóa” trở thành rào cản để thu hút người thực sự giỏi, tâm huyết muốn xây dựng đất nước” – đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói và đề nghị nâng tuổi đại biểu Quốc hội chuyên trách để những đại biểu có trình độ, kinh nghiệm tiếp tục cống hiến.
Tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu làm cơ sở tiếp tục thảo luận kỹ hơn tại các phiên họp sau và báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xin phép thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9 của năm 2020./.
Kim Anh/VOV.VN