- Không lẽ gì cùng là đồng bào mà chúng ta lại khó hòa hợp, đồng thuận. Phải chăng trong sâu thẳm, có những ai đó chưa vượt qua được hận thù, mặc cảm; chưa vượt qua được sự đố kỵ và thiếu niềm tin với đồng bào của mình?
Lời tòa soạn: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam. Mời quý độc giả gửi bài viết về tuanvietnam@vietnamnet.vn.
Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, danh xưng Việt Nam đã xuất hiện từ lâu đời. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 12 tấm bia có niên đại thế kỷ XVI - XVII khắc hai chữ Việt Nam và một bản in khắc gỗ từ năm 1752 cũng có danh xưng Việt Nam. Ngoài ra, một số tác phẩm cổ cũng đã nhắc đến từ Việt Nam, như cuốn Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc (đời nhà Trần, thế kỷ XIV) hay như cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi (đời thời nhà Lê, thế kỷ XV)….
Trong bộ sách Dụ Am văn tập của Phan Huy Ích, một cận thần của nhà Tây Sơn, có một văn bản ông đã “phụng mệnh Vua soạn thảo” năm Nhâm Tý (1792) đời vua Quang Trung, với tiêu đề “Tuyên cáo đặt mới quốc hiệu” cũng đã lấy quốc hiệu là Việt Nam.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, đến năm 1804, vua Gia Long chính thức đặt quốc hiệu là Việt Nam.
Về ý nghĩa, phần lớn các tài liệu đều cho rằng danh xưng “Việt Nam” được kiến tạo bởi hai yếu tố: chủng tộc và địa lý (người Việt ở phương Nam). Tuy nhiên, nếu chiết tự quốc hiệu Việt Nam gồm các ký tự V, I, E, T, N, A, M dưới ý nghĩa tiếng Anh thì mỗi ký tự đều gắn với một từ nói về phẩm chất, nhân cách của con người có ý nghĩa rất thiêng liêng với vận nước.
|
Quốc hiệu Việt Nam và những giá trị thiêng liêng |
Chữ V gắn với từ Vision (Tầm nhìn). Bất kỳ một quốc gia nào cũng vậy, tầm nhìn của giới tinh hoa (những người lãnh đạo đất nước) luôn là một trong những nhân tố đóng vai trò quyết định đối với vận nước. Nếu giới tinh hoa có tầm nhìn sáng suốt, vượt lên thời đại, định ra đường lối đúng đắn cho quốc dân vươn tới thì chắc chắn quốc gia sẽ hưng thịnh, muôn dân sẽ hạnh phúc. Trong lịch sử dân tộc, nhờ có những vị vua anh minh mà đất nước ta đã trở nên cường thịnh, như vua Lê Thánh Tông (trị vị đất nước từ năm 1460 - 1467), vua Minh Mạng (trị vì đất nước từ năm 1820 - 1840). Theo các tài liệu lịch sử, đây là hai giai đoạn Việt Nam trở thành quốc gia hùng mạnh nhất Đông Nam Á.
Chữ I gắn với từ Integrity (Chính trực hay còn gọi là Liêm chính). Chính trực là một trong những phẩm chất cao quý nhất của con người, một con người chân chính, nhất là một người lãnh đạo chân chính không thể thiếu phẩm chất này. Chỉ có những người lãnh đạo quang minh chính đại thì mới có thể xả thân, dâng hiến sức lực và trí tuệ cho dân, cho nước; mới có thể chí công, vô tư trong thực thi công vụ. Chỉ khi nào trong bộ máy nhà nước gồm những người liêm chính thì nhà nước đó mới là nhà nước liêm chính, nhà nước đó mới có thể là nhà nước trong sạch; mới thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân; mới được dân tin yêu.
Chữ E gắn với từ Enlightenment (Khai sáng - Giác ngộ). Đây cũng là phẩm chất tối quan trọng của người làm lãnh đạo. Để thực hiện được vai trò khai sáng, người lãnh đạo phải có tầm tầm tư duy, trí tuệ vượt trội cùng thế hệ đương thời. Để đạt được điều này đòi hỏi người lãnh đạo tuyệt đối không bao giờ bảo thủ, giáo điều mà ngược lại vừa phải không ngừng tìm kiếm, học hỏi tri thức cùng những giá trị tinh hoa của nhân loại vừa phải luôn lắng nghe nguyện vọng của nhân nhân dân, thấu hiểu cuộc sống của nhân dân, thật lòng và quyết tâm phấn đấu vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Chữ T gắn với từ Trustworthiness (Đáng tin cậy). Đây là tiêu chuẩn có tính sống còn đối với người lãnh đạo cũng như đối với một chính thể. Chỉ trên cơ sở người lãnh đạo, và bộ máy nhà nước được người dân tin cậy thì mới có thể tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, lúc đó người dân đồng lòng đưa hết sức lực, trí tuệ phấn đấu cho cho mục tiêu quốc thái dân an. Ngược lại khi cán bộ lãnh đạo bị nghi ngờ là vụ lợi hoặc không công bằng thì người cán bộ đó sẽ tự đánh mất vai trò và niềm tin trước nhân dân.
Chữ N gắn với cụm từ Nation-first (Quốc gia là trên hết). Lịch sử nhân loại cũng như lịch sử dân tộc đã chỉ ra, chỉ khi giới tinh hoa của đất nước đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, coi đó là điều thiêng liêng nhất thì họ mới không vụ lợi và mới toàn tâm toàn ý phấn đấu cho sự hùng cường, văn minh của đất nước. Lúc đó, giới tinh hoa thật sự là ngọn cờ thiêng liêng, là “thỏi nam châm” khổng lồ tập hợp sức mạnh toàn dân tộc phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Chữ A gắn với từ Aspiration (Khát vọng). Khát vọng là nhân tố then chốt, quan trọng hàng đầu để mang lại thành công cho mỗi người. Với những người thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước thì khát vọng phải là vì một nước Việt Nam cường thịnh, vì cuộc sống tự do, hạnh phúc của nhân dân. Nếu người lãnh đạo có được khát vọng như vậy thì đó sẽ là động lực đánh thức khát vọng của cả dân tộc vượt qua mọi thách thức đưa đất nước đến bến bờ hạnh phúc, vinh quang.
Cuối cùng là chữ M gắn với từ Motherland (là Quê hương và cũng có thể hiểu là Đất Mẹ, là Tổ Quốc). Với mỗi người con nước Việt thì Quê hương - Đất mẹ - Tổ quốc luôn là tình cảm thiêng liêng vì đó là cội nguồn, là tình đồng bào. Chính vì tình cảm thiêng liêng đó, mà dân tộc Việt Nam đã chiến thắng hàng chục cuộc xâm lăng của các đội quân xâm lược hùng mạnh trong hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Quê hương - Đất mẹ - Tổ quốc vừa là cội nguồn vừa là nền tảng để hợp quy tạo nên sức mạnh, đảm bảo cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy mỗi người dân nước Việt, nhất là giới tinh hoa của đất nước không được phép làm tổn thương Đất mẹ, tổn thương Tổ quốc, tổn thương tình đồng đồng bào.
Có thể nói 7 từ và cụm từ tiếng Anh bắt đầu từ những ký tự của quốc hiệu Việt Nam là bộ tiêu chí về những phẩm chất quan trọng nhất, tốt đẹp nhất đòi hỏi mỗi người dân nước Việt, trước hết là giới tinh hoa cần phải ghi nhớ để hoàn thành bổn phận với quốc dân đồng bào.
Nhờ lấy lợi ích Tổ quốc và tình đồng bào làm tối thượng, không phân biệt đảng phái, giai cấp nên Bác Hồ đã tập hợp được các giai tầng trong xã hội từ nhân sĩ trí thức đến quan lại dưới chế độ cũ; từ công nhân, nông dân, học sinh, thương gia, địa chủ …. Đây là một trong những nhân tố quyết định cho thắng lợi của cách mạng tháng Tám, thắng lợi của các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong gần 75 năm qua.
Để hội nhập với thế giới, phát triển đất nước chúng ta thực hiện phương châm làm bạn với tất cả các nước. Các quốc gia cựu thù cũng đều trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam, nhờ vậy nước ta càng ngày càng có tiếng nói và vị thế trên trường quốc tế. Đồng thời, chúng ta có thế và lực làm đối trọng với những thế lực có dã tâm thôn tính lãnh thổ của Việt Nam.
Cho nên không lẽ gì cùng là đồng bào mà chúng ta lại khó hòa hợp đồng thuận. Phải chăng trong sâu thẳm, có những ai đó chưa vượt qua được hận thù, mặc cảm; chưa vượt qua được sự đố kỵ và thiếu niềm tin với đồng bào của mình?
Bởi vậy, để có sự hoà hợp dân tộc trước hết cần phải vượt qua những gì thuộc về quá khứ, tôn trọng và chấp nhận sự tồn tại đa dạng về tư duy và quan điểm.
Có như vậy thì đất nước mới thống nhất bền vững đúng nghĩa, cả về giang sơn lãnh thổ lẫn hòa hợp, đồng thuận của cả cộng đồng dân tộc, đảm bảo cho quốc thái dân an, cho sự trường tồ của dân tộc.
Nguyễn Huy Viện