Tôi lớn lên trong ngôi nhà 4 thế hệ, người lớn nhất tôi sống cùng là bà ngoại, ký ức tuổi thơ của tôi “đậm đặc” chuyện Tết, đó là khi được may quần áo mới, được ăn bánh tét, mứt, bánh bột gạo, được lì xì tiền mới thơm phưng phức...

Nhà đông con, những năm 80, 90 nông thôn cơ bản nghèo cả vật chất lẫn tinh thần, bởi vậy cái ăn, cái mặc luôn là thứ quan trọng nhất. Tuy nhiên không riêng nhà tôi mà tất cả mọi người đều để dành quanh năm cho một cái Tết “có thịt treo trong nhà”.

Mâm cơm tất niên đạm bạc đúng nghĩa gồm có nồi cơm trắng, cá ngừ kho, dĩa miến xào, bát canh măng, không có tivi, wifi là khái niệm chưa có ai nhắc tới nhưng mọi thành viên trong gia đình đều cảm thấy vui vẻ chan hòa.

Tối 30 đám con nít chúng tôi không đủ sức chờ đón giao thừa, người lớn thì chuẩn bị mổ gà làm cỗ cúng “qua canh” - là thời khắc chuyển qua năm mới, cúng bái xong xuôi chúng tôi được thức dậy để ăn thịt gà trộn lá chanh, muối tiêu khi mắt còn riu ríu ngủ, thế mà ngon lạ lùng.

Sáng đầu năm mới, chúng tôi nhớ y ốt lời người lớn dặn dò, không được nói to, không được nghịch ngợm, không được làm vỡ chén bát...và vô số thứ “cấm kỵ” đối với tâm hồn trẻ thơ là thứ gì đó vô cùng nghiêm trọng!

Bà con chòm xóm bắt đầu đến thăm nhau, họ niềm nở đon đả nói cười, thức ăn đãi khách là bánh tét chấm đường, ăn kèm dưa món, nhà ai có điều kiện mới có hạt hướng dương, bịch mứt dừa, gói thuốc thơm đầu lọc, khách sộp lắm mới lỳ xì trẻ con 500 đồng, hoặc 1 nghìn đồng.

Tết cổ truyền không có lỗi!

Hàng chục cái Tết trôi qua trong đời, ngày càng đủ đầy hơn nhưng sao cảm giác háo hức cứ vơi dần vơi dần. Phải chăng mình đã khám phá tất cả mọi thứ về Tết? Hay trưởng thành và Tết là hai thái cực xung khắc khi nỗi lo toan ập đến bất ngờ vì phải “đóng vai chính” trong gia đình?

Thật sự mà nói, Tết vẫn còn vui phần nhiều, nhưng đâu đó một luồng thở dài mệt mỏi len lỏi trong cuộc sống được báo chí lan truyền hay cả trong câu chuyện phiếm bên tách trà.

Nào là công nhân mất Tết vì công ty làm ăn bết bát, thưởng Tết chổ ít chổ nhiều, chổ chưng hửng không có xu nào, người người nhà nhà căng mình cho một cái Tết đàng hoàng nhất có thể...thế còn bao chuyện tốt đẹp do Tết mang lại sao ít được nhắc đến thế nhỉ?

Nhiều khi chợt nghĩ, cớ sao phải ném vào Tết cái nhìn chê chán? Tết đâu có lỗi gì? Đấy, nhờ Tết mà người lao động được nghỉ ngơi, con cháu có dịp đoàn tụ về nguồn cội, người người có cớ để tặc lưỡi bỏ qua cho nhau lỗi lầm cũ, nhà nhà có cơ hội rửa bát nhang, lau bàn thờ; xóm làng, phường phố tự nhiên đẹp đẽ hẳn lên...

Lâu nay bạn có về quê không? Tớ đợi Tết về luôn một thể; Bao lâu rồi anh không về thăm ông bà? Ừ, từ Tết năm ngoái; Lúc nào khởi nghiệp vậy cậu? Tớ để ra Tết cho năm dài tháng rộng; Mình đang chuẩn bị lô hàng đặc biệt cho Tết, hy vọng bù lỗ cả năm nay; Căn nhà tuềnh toàng quá, chờ Tết thưởng to để sắp xếp lại...; Đó, chúng ta vẫn có vô số thứ lấy Tết làm mục tiêu đúng không?

Và rồi, còn nữa, chục năm trở lại đây chuyện đạo đức xã hội rất nhiều lần đi vào nghị sự quan trọng của Đảng, Chính phủ, Nhà nước. Nó đang xuống cấp trầm trọng, mối quan hệ người với người đã đổi chất, nhiều chân giá trị giờ bị cho là phù phiếm và ngược lại.

Anh giàu, tôi cũng muốn như thế, anh đỉnh cao chẳng nhẽ tôi muốn vực sâu? Cái lòng tham vất vưởng tha nhân đẩy nhiều mối quan hệ xã hội vào ngõ cụt mà suy cho cùng đó là khi niềm tin vào chân lý bị bào mòn.

Người giết người cũng do tuyệt vọng, buôn gian bán lận cũng do coi thường luân lý, tham nhũng cửa quyền cũng bởi sự thoái hóa từ sâu trong tâm khảm, ít tin tưởng nhau cũng vì cách nhìn lệch lạc...

Mất truyền thống văn hóa là mất gốc gác, khi đó con người không thể lý giải được "Đây là đâu?" và "Tôi là ai?"

Đừng ảo tưởng luật pháp có thể trị vì yên ổn xã hội mà không có một chân đế vững chải là văn hóa, đạo đức, luân lý con người. Tết cổ truyền có thể giúp chúng ta sống lại với tư cách là con người của gia đình, dòng tộc, biết trên có dưới, biết ngoài có trong.

Giáo sư Võ Tòng Xuân từng cho rằng: Tết cổ truyền dài lê thê, ăn nhậu bê tha, cờ bạc, tệ nạn và nên gộp tết âm và tết dương cho gọn, ăn Tết cùng thời điểm với các nước trên thế giới cho đúng tinh thần hội nhập, hòa cùng dòng chủ lưu của thế giới.

Nhớ thuở trước, Tết đâu có chè chén, cờ bạc đổ đốn, tai nạn giao thông chết người như bây giờ. Cờ bạc tràn lan có phải vì luật pháp chưa nghiêm, ngành chức năng “lỏng tay”?

Bia rượu ngập tràn, tai nạn liên hoàn có phải vì chế tài còn nhẹ? Đấy, Nghị định 100 ra đời đã giải quyết được bao việc nhức đầu lâu nay

Liên minh châu Âu (EU) rất hùng mạnh và rộng lớn nhưng “tiếng nói chung” rất giản đơn “In varietate concordia / Thống nhất trong đa dạng”.

Với Việt Nam, làm sao để hội nhập không hòa tan mới là khó, còn chạy theo hội nhập rồi mất luôn truyền thống văn hóa thì liệu cuối cùng con cháu chúng ta còn lại gì?

Người Do thái từng vướng vào thảm họa diệt chủng, họ rải rác khắp nơi trên thế giới nhưng chưa bao giờ bị đồng hóa với bất cứ ai. Bởi họ giữ được đức tin vào Abraham.

Người Việt không là chủ nhân của bất cứ tôn giáo lớn nào, nhưng rất nhiều học giả nước ngoài đã ngạc nhiên trước tín ngưỡng thờ cúng ông bà trên mảnh đất hình chữ S. Đó là lý do để chúng ta có mặt, tồn tại và phát triển.

Mất truyền thống chẳng khác nào con mất cha mẹ, cháu mất ông bà, dòng tộc không gia phả, xã hội không chổ níu vấu tinh thần. Lúc đó con người sẽ đi về đâu?