Trường Sơn...mùa gieo hạt

Ngày đăng: 07:43 28/01/2020 Lượt xem: 425

TRƯỜNG SƠN...MÙA GIEO HẠT.

.
 
(QBĐT) - Từ trên đỉnh dốc cao của đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây phóng tầm mắt xuống trung tâm xã Trường Sơn (Quảng Ninh), các cụm thôn bản nằm dọc hai bên thượng nguồn sông Long Đại mang cảm giác thanh bình. Cứ khoảng độ cuối tháng mười một, đầu tháng Chạp Âm lịch, người dân Trường Sơn lại xuống đồng canh tác vụ đông-xuân. Vào mùa gieo hạt, những cánh đồng đỏ màu phù sa ven sông ấy đông vui như trẩy hội.
 
Những người đi gieo hạt
 
Trong nghị quyết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội xã Trường Sơn năm 2020, vụ đông-xuân toàn xã phấn đấu gieo trồng 200ha sắn, 70ha ngô; 20ha lúa nước; 50ha lúa rẫy; 130 ha lạc; 30ha đậu xanh và 50ha đậu đỗ các loại...
 
Nhìn vào cơ cấu cây trồng để thấy rằng một xã biên giới nghèo, thuần nông như Trường Sơn ngoài thế mạnh về chăn nuôi, trồng và khoanh nuôi, bảo vệ rừng thì chủ yếu phát triển được cây sắn, sau đó đến cây lạc, cuối cùng là ngô. Và diện tích các loại cây lạc, ngô, đậu xanh, đậu đỗ… tập trung dọc các cánh đồng nặng trĩu phù sa được dòng Long Đại ân tình bồi đắp hàng năm kéo dài từ chân cầu treo qua bản Cây Sú đến thôn Hồng Sơn, qua Tân Sơn, đến Long Sơn, vào Liên Sơn và Thượng Sơn.
 
 Vào vụ đông- xuân, cánh đồng hai bên dòng Long Đại đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Vào vụ đông- xuân, cánh đồng hai bên dòng Long Đại đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Mùa gieo hạt ven sông Long Đại bắt đầu vào cuối tháng mười một, đầu tháng Chạp Âm lịch, kéo dài từ một tuần đến mười ngày thì kết thúc. Trong khoảng thời gian này, những làng bản Trường Sơn đông vui như trẩy hội. Đứng trên đỉnh dốc cao của đường Hồ Chí Minh nhìn xuống cả một vùng thượng nguồn Long Đại đẹp như bức tranh thủy mặc.
 
Chúng tôi may mắn được hòa cùng niềm vui ngày xuống đồng với bà con nông dân xã Trường Sơn khi tự mình đặt bàn chân xuống vùng đất tươi xốp nặng phù sa. Trong hàng trăm người dân ra đồng, chúng tôi có dịp trò chuyện với bà Phạm Thị Lan ở thôn Long Sơn. Bà Lan vui chuyện: “Đất trời Trường Sơn năm ni mưa thuận, gió hòa nên khâu làm đồng, gieo hạt rất thuận lợi. Hy vọng sẽ được mùa”. Nhà bà Lan có 6 nhân khẩu, mỗi nhân khẩu được chia 1 sào đất màu, vị chi là 6 sào. “Chủ yếu trồng lạc và ngô. Cây lạc vào những năm sinh trưởng tốt, không bị bệnh tật thì khoảng 100 ngày là cho thu hoạch. Bình quân 1 sào trên dưới 2 tạ, bán chừng 2 triệu đồng. Nhưng đó là thời điểm được mùa được giá đó nhé!”. 
 
Do thời tiết vào vụ sản xuất đông-xuân 2019-2020 thuận lợi nên cây lạc, cây ngô ở Trường Sơn gieo xuống chừng bảy ngày thì “chui đất, phất lên” khá nhanh, chờ bàn tay con người làm cỏ, bón phân, vun gốc.
 
Trên cánh đồng đang vào xanh sắc lá lạc, ngô non trải dài, bà Trần Thị Thất, Trưởng thôn Long Sơn cười giòn tan khi thấy tôi bước đi khó khăn với đôi dày bết phù sa non. Nụ cười làm xua tan hết mệt nhọc của những người làm đồng. “Thôn Long Sơn có 372 nhân khẩu nhưng chỉ có 21ha đất màu chia theo Nghị định 64 từ những năm 1994. Những khẩu qua năm 1995 trở về sau này thì không có đất”- bà Trần Thị Thất cho biết. 
 
Theo lời nữ trưởng thôn, liên tiếp hai năm nay, cây lạc Trường Sơn chết ẻo, mất mùa, nông dân gặp nhiều khó khăn. “Mà người quê biên giới, tấc đất quý hơn tấc vàng, bỏ đất thì biết làm gì đây. Nên tiếp tục gắn bó, yêu thương mảnh đất hiền… Cơ trời, năm nay vào vụ thuận lợi. Mong được mùa cho dân mừng!” - bà Thất vắt khăn lau mồ hôi trên mặt, nụ cười tự tin, hiền khô.
Nụ cười lạc quan của nữ trưởng thôn Long Sơn Trần Thị Thất, kỳ vọng về một sự đổi thay ở Trường Sơn.
Nụ cười lạc quan của nữ trưởng thôn Long Sơn Trần Thị Thất, kỳ vọng về một sự đổi thay ở Trường Sơn.
Và những người đi gây dựng lòng tin
 
Đối với xã Trường Sơn, năm 2019 là một năm có nhiều biến động đan xen, giữa được- mất; giữa đổ vỡ-dựng xây; giữa thất vọng-hy vọng… đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đoàn kết hơn nữa trên tinh thần dựng xây để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2015-2020. Sau khi hàng loạt cán bộ chủ chốt của xã bị “dính” kỷ luật, huyện Quảng Ninh đã tăng cường hai cán bộ huyện lên giữ chức Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã.
 
Sau gần một năm cùng với toàn Đảng bộ, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức lăn lộn đi “gieo hạt giống” niềm tin trong nhân dân, tình hình xã Trường Sơn dần ổn định, có những bước phát triển khá ngoạn mục.
 
Năm 2019, tổng diện tích các loại cây trồng nông-lâm nghiệp đạt trên 1.115 ha, vượt chỉ tiêu 7,8%; tổng đàn gia súc 2.652 con; trồng mới 400 ha rừng; 18 đơn vị thôn, bản tiếp tục nhận đất rừng hơn 469 ha (với 502 hộ hưởng lợi); có 547 hộ gia đình được vay vốn từ các chương trình, dự án để phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng kinh tế hộ gia đình với tổng dư nợ hơn 16.229 triệu đồng… Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh đến 14,8% so với chỉ tiêu đề ra từ 4 đến 6%. Lần đầu tiên, HĐND xã Trường Sơn đã xây dựng hoàn chỉnh và ban hành nghị quyết chuyên đề về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội áp dụng cho năm 2020 và các năm tiếp theo. Có thể đây được xem là bước đột phá giúp Trường Sơn chuyển mình trên con đường giảm nghèo bền vững.
 
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nhì tâm sự: “Trên cương vị lãnh đạo, cá nhân tôi thực sự bộn bề nỗi lo ngày mới lên nhận nhiệm vụ mới. Nhưng rồi sau gần một năm gắn bó với Trường Sơn, tất cả đều dần dần được giải quyết, đi vào nền nếp. Khi những trăn trở của cá nhân được đem ra bàn bạc giữa tập thể, nhận được sự đồng thuận, nhất trí từ tập thể và nhân dân thì không gì là không thực hiện được. Những kết quả về kinh tế-xã hội; quốc phòng-an ninh; công tác xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới… đã minh chứng cho điều đó”.
 
Những người đi gieo hạt giống xuống cánh đồng trĩu nặng phù sa, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Những người đi gây dựng lòng tin, niềm tin đã “neo đậu” khắp 18 thôn bản xa, gần ở Trường Sơn. Trên con đường xuôi về đồng bằng, tôi chợt thấy xuân sớm đã chớm từ lúc nào giữa đất trời Trường Sơn. Lại văng vẳng bên tai lời cổ nhân dạy: “Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân”.
 
Ngô Thanh Long

tin tức liên quan