Khi viết về tranh dân gian Đông Hồ quê mình, chỉ bằng đôi câu thơ mộc mạc, chắc là do ngẫu hứng, thế mà Hoàng Cầm đã khái quát được đúng cái chất Đông Hồ không lẫn đi đâu được:
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
Thế mới biết, bằng sự nhạy cảm, Hoàng Cầm đã khắc họa đúng bản sắc của tranh Đông Hồ: Gà lợn, nét tươi trong, giấy điệp. Ở đây, Đông Hồ được thi sĩ chắt lọc ra từng ấy câu chữ thôi mà sao nó chính xác đến vậy. Cho đến tận bây giờ, sau khi thi sĩ đã khuất núi gần 20 năm, nhưng mọi người vẫn còn nhớ câu thơ này. Nét đặc trưng của tranh Đông Hồ là lấy đề tài về gà, lợn, đó là tranh phục vụ nông dân, khác với tranh Hàng Trống là tranh thị thành, tranh Kim Hoàng là tranh ven đô... Đặc sắc của tranh Đông Hồ là làm bằng giấy điệp, cũng là một tiêu chí để nâng vẻ đẹp và phân biệt với các dòng tranh giấy đỏ (Kim Hoàng) và tranh giấy trắng (Hàng Trống). Vài tiêu chí đơn giản vậy mà Hoàng Cầm đã vẽ nên thần thái một dòng tranh thì thật là đại tài.
Khi đi tìm vẻ đẹp của tranh Đông Hồ, nhiều người đổ xô về làng Đông Hồ để tham quan và đã có cuộc Hội thảo quốc tế về tranh dân gian Đông Hồ vào tháng 11-2019 ở quê hương Bắc Ninh, tạo đà để dòng tranh này thêm sức mạnh vươn ra thế giới.
Tuy nhiên, điều mà Hoàng Cầm nói về “màu dân tộc” lại là câu hỏi không dễ trả lời. Trước ông, có hai cha con nhà Đông Phương học Pháp: Maurice Durand và Marcus Durand đã từng nghiên cứu các dòng tranh dân gian Việt Nam, trong đó có Đông Hồ, với những tác phẩm xuất bản từ năm 1960 và mới đây được xuất bản bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Ông Durand bố thấy tranh Đông Hồ rất lạ so với các trường phái mỹ thuật đồ họa và hội họa phương Tây xưa nay, cũng không giống với mỹ thuật Trung Hoa.
Thoạt tiên, nó gây cho người phương Tây sự ngỡ ngàng bởi sự hơi “lòe loẹt” một chút. Đó chính là gam màu rực rỡ, chủ yếu từ các màu mạnh, chói. Cái đẹp của tranh Đông Hồ chính là ở sự ngồ ngộ trong mắt các nghệ sĩ được đào tạo bài bản. Mà không cứ tranh Đông Hồ, cả nghệ thuật nặn tò he từ bột nếp cũng dân dã làm sao. Dưới đôi bàn tay nghệ nhân nông dân đã biến ảo thành những con rồng, ông tướng, con chim bay, con lợn sinh động. Thì ra, nghệ thuật xuất phát từ làng xã, từ nông thôn đều mang bản sắc mà Hoàng Cầm nói là hồn dân tộc. Chí ít, một thời được người dân Việt Nam chấp nhận, tồn tại lâu dài và mang sự khác biệt với dân tộc khác.
Tranh dân gian Đông Hồ đáp ứng được thị hiếu của nông dân Bắc Bộ: Tết về cần có các bức tranh tươi vui, màu sắc phải rực rỡ để làm điểm nhấn trên cái tông màu nâu của mái rạ, tường đất, áo nâu sồng. Vì thế, họ chọn các màu hơi gắt mà lại dễ kiếm quanh xóm làng: Màu đỏ lấy từ đất son trên núi Thiên Thai, các màu khác thì từ dành dành, nụ hoa hòe, lá chàm, vỏ cây vang, bột quả gấc, than lá tre, rỉ đồng, sa khoáng... Thế mà mấy màu đơn sơ này đã chuyển tải được bao tâm thức của người nông dân.
Nhiều thập kỷ, tranh Đông Hồ làm ra không kịp bán, cứ tháng Chạp, thuyền buôn các nơi đổ về đậu kín bến Hồ chở gạo, muối, cá khô, đặc sản khác để đổi lấy từng chồng tranh to nhỏ đem về. Vì thế, để sản xuất cho nhanh, họ đã cải biến từ khâu khắc gỗ, “đập” màu (thường mỗi tranh cần đến 5 bản khắc màu). Chính cái đẹp của tranh dân gian Đông Hồ nằm ở cách pha màu độc đáo, bố cục thoáng đãng và nhất là đề tài mang ước vọng của người dân Việt Nam một thuở.
Không chỉ Việt Nam mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đều có tranh dân gian khắc gỗ kiểu Đông Hồ. Mỗi nước có bản sắc riêng mang hồn dân tộc của chính mình. Thế giới đang “phẳng” dần dần, hội họa cũng nhanh hòa nhập như nhiều ngành nghệ thuật khác. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, mỗi dân tộc lại muốn có bản sắc riêng về mặt văn hóa như một tấm “căn cước” giữa thế giới mênh mông này.
Đi tìm tấm “căn cước” cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam, chắc tranh dân gian Đông Hồ là ứng cử số một. Cũng như trong âm nhạc, hồn dân tộc “đọng” trong nét dân ca quan họ, điệu hát văn chứ không thể tìm được ở các điệu múa, lời hát “tân kỳ” mà nhiều người thường nói đùa là không thể phân biệt được đâu là hát, đâu là gào, là hú hét...
Hoàng Cầm đã đúng khi giải mã được “hồn dân tộc” trong tranh Đông Hồ, cả đời ông đi tìm bản sắc Việt qua những di sản văn hóa nghệ thuật của xứ Kinh Bắc quê ông. Chỉ thế thôi, cũng đã làm nên một nhà thơ, nhà văn hóa tài năng.
Giáo sư Trịnh Sinh
(PS st Theo Báo Biên phòng)