Có nên tinh gọn đầu mối cấp tỉnh như vài chục năm trước?

Ngày đăng: 08:35 14/02/2020 Lượt xem: 343

      Có nên tinh gọn đầu mối cấp tỉnh như vài chục năm trước? 

                                                        Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt

Trong dự thảo văn kiện chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, việc tinh gọn đầu mối cấp tỉnh nên được đề cập như một vấn đề hệ trọng. Từ chỗ nghiên cứu, bàn thảo  thấu đáo, khoa học, chúng ta hy vọng sẽ được thực hiện trong chương trình hoạt động của nhiệm kỳ 13 trên tinh thần chung: Tinh gọn bộ máy hành chính cấp tỉnh đến mức có thể mà vẫn hiệu quả. 


Sự kiện tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội hồi năm 2008, sau nhiều ý kiến trái chiều, sau những băn khoăn nhất định thì về cơ bản, sau 12 năm hoạt động, dù còn những bất cập, nó vẫn tỏ ra phù hợp với sự phát triển trong tương lai. Nó hoàn toàn giúp cho thủ đô của chúng ta phát triển khi “chiếc áo cũ“ đã quá chật chội. Nó là nền tảng cần thiết của một quốc gia sẽ có quy mô dân số hàng trăm triệu người và hơn thế trong tương lai. Và đó là một chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước ta. 

Từ câu chuyện nhập, tách các địa phương theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trong vài chục năm qua ở nước ta, tôi có suy nghĩ rằng tại sao hiện nay chúng ta mới chỉ tính chuyện tinh gọn bộ máy địa phương ở cấp huyện, xã mà không tính đến chuyện sáp nhập ở cấp tỉnh, thành như ta đã từng làm?  

Nếu chúng ta làm tốt cả việc này, Nhà nước sẽ giảm đáng kể chi ngân sách nuôi bộ máy. Một đại biểu Quốc hội từng nêu vấn đề này trên diễn đàn Quốc hội và đưa ra con số đáng suy nghĩ: Gánh nặng ngân sách để chi tiêu cho bộ máy đang quá lớn. Tiền thuế mà nhân dân đóng không thể chịu nổi khi mà hằng năm chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% chi ngân sách cả nước. Số còn lại phải dành một phần không nhỏ cho quốc phòng và an ninh thì còn đâu để chi cho đầu tư phát triển ?

Việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả mới chỉ dừng lại ở cấp huyện và xã và cũng chỉ mới là làm điểm ở các địa phương, mà chưa phải là ở cấp tỉnh, thành phố, nơi rất cần nghiên cứu sâu để thực hiện. 

Có một thực tế, nếu như chúng ta chủ trương chia tách tỉnh, huyện thì xem ra sự hồ hởi, nhập cuộc của cán bộ các địa phương có vẻ nhanh hơn, rốt ráo hơn là nhập lại cho gọn. Điều này cũng không có gì lạ vì đó là quyền lợi, là tương lai của mỗi người.

 

 co nen tinh gon dau moi cap tinh nhu vai chuc nam truoc?  hinh anh 2

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua việc sáp nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng. Ảnh: quochoi.vn

Có một chuyện cũ, tôi muốn kể lại. 

Tôi từng theo học hệ dài hạn tại Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái  Quốc khoá 15 (1988-1990). Khi vừa nhập học được khoảng 1-2 tháng, chúng tôi có nghe thông tin  vào năm 1989 sẽ có  chuyện Quốc hội xem xét cho phép chia tách một số tỉnh. Vì thế, một số học viên đang học hệ dài hạn khoá chúng tôi đã “nhạy bén” đề nghị nhà trường xem xét cho chuyển sang học hệ nâng cao (khoá học có 10 tháng mà không phải kéo dài 2 năm như bình thường).

Thì ra, nếu như buộc phải học 2 năm như ban đầu, mấy người bạn tôi khi học xong  trở về thì cũng là lúc “mâm bát” ở địa phương họ (như các tỉnh  Bình Trị Thiên, Phú Khánh, Nghĩa Bình cũ...) đã sắp xong. Vậy thì còn đâu chỗ mà  chờ họ nữa!

Việc chia tách tỉnh tương tự như vậy còn tiếp diễn một đợt cuối nữa vào năm 1996 và bây giờ  chúng ta có 63 tỉnh, thành phố (sau khi Hà Tây nhập về Hà Nội). Mà trước đó, khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước, cả nước ta cũng chỉ có 44 tỉnh, thành phố. Thế nhưng, thời điểm nói trên cũng là giai đoạn các tỉnh trong cả nước vẫn đang nhấp nhổm chia tách tiếp. Cho nên, khi chúng tôi tốt nghiệp thì một số người bạn  tôi, họ trở về địa phương lại rất đúng lúc có nhu cầu trọng dụng, bởi ở các tỉnh như  Hoàng Liên Sơn, Nghệ Tĩnh, Hà Nam Ninh cũ được Quốc hội biểu quyết và cho chia tách tiếp. 

Việc tách nhỏ như vậy, cũng có thể vì những lý do nào đó mà Quốc hội mới cân nhắc và phê duyệt. Song, đến thời điểm này, bộ máy địa phương vốn đã quá cồng kềnh lại thêm nhiều tỉnh quá ư  nhỏ bé. Nhỏ đến mức  cần phải suy nghĩ lại, nhất là ở thời đại công nghiệp 4.0.

Lấy ví dụ như tỉnh Bắc Cạn (trước đây đã từng nhập với Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái), dân số hiện chỉ có 314 nghìn dân, bằng 1/10 dân số  của tỉnh Đồng Nai (3,09 triệu). Rồi như tỉnh Lai Châu, chỉ 460 nghìn dân, chỉ bằng 1/7 dân số tỉnh Thanh Hoá (3,6 triệu)... Thế nhưng bộ máy chính quyền cũng như hệ thống chính trị nói chung của các tỉnh này theo tôi biết thì không khác nhiều lắm. Có chăng chỉ là trong bộ máy đảng, cấp tỉnh uỷ hoặc thường vụ tỉnh uỷ có thể không giống  hệt nhau về con số. Còn về lương, về mọi chế độ thì không khác nhau, trừ khi đó là thành phố trực thuộc Trung ương. 

Liệu có nên tính đến chuyện hoặc là sáp nhập kiểu như trước đây cho bớt đầu mối, tiết kiệm ngân sách căn cơ hơn, hoặc nếu không thì trước mắt cũng nên phân loại thêm ở cấp tỉnh có tỉnh  loại 1, loại 2. Nếu làm như vậy sẽ công bằng hơn, chí ít cũng tiết kiệm ngân sách đi rất nhiều bên cạnh tinh gọn đầu mối sở, ban, ngành trong tỉnh.

Hãy hình dung một người lãnh đạo một địa phương có vài ba triệu dân trở lên với một địa phương chỉ vài ba bốn chục vạn dân, ta đã thấy công việc rất khác. Đó là chưa nói những thành phố lớn có gần chục triệu dân. 

Tôi cũng hiểu rằng, với một số địa phương miền núi cao, địa lý trải dài khó khăn thế nào. Việc đi lại có khi từ huyện xuống xã đã xa nhau đến 200 km như ở huyện Mường Tè (Lai Châu ) xuống xã cũng có tên là Mường Tè. Họ có nỗi cơ cực của họ. Song việc này cũng lại phải tính đến chế độ phụ cấp kiểu khác bù đắp sao cho công bằng nhất.  

Rồi thì ở một địa phương có dân số 3 triệu trở lên sẽ quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội ra sao so với một  địa phương chỉ có dăm chục vạn dân? Thế nhưng, cấp bậc hàm sỹ quan của họ cũng nhiều nơi vẫn như nhau. Thậm chí người đeo cấp hàm tướng và người đeo hàm đại tá (có thể do mới bổ nhiệm) chưa tương xứng với dân số của địa phương mình.

Hãy lấy mô hình  một quốc gia thuộc ASEAN như Indonesia. Họ là một quốc đảo (có 17.000 hòn đảo), với 269 triệu dân (chúng ta là gần 97 triệu), nhưng bộ máy chính quyền địa phương của nước họ cũng chỉ có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Vậy chúng ta vì sao lại sinh ra nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh đến vậy?

Thời buổi hiện nay là thời buổi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Công nghệ hiện đại  chính là cánh tay nối dài để bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị có điều kiện thuận lợi nhất hoạt động có hiệu quả mà không cần thêm nhân lực. Nó thuận lợi hơn khi tính chuyện tinh gọn bộ máy. 

Tôi rất tán đồng với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 11/2 khi bà chủ trì phiên họp của Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2019-2020 tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Bà lưu ý, trong quá trình sắp xếp, ngoài tiêu chí như diện tích tự nhiên, dân số, phải tính tới yếu tố quốc phòng, an ninh, truyền thống văn hóa lịch sử, tâm tư tình cảm của nhân dân. Sau khi nhập rồi thì triển vọng phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân thế nào mới là quan trọng.Quay trở lại ví dụ nhỏ như tôi vừa nêu, trước kia, cán bộ ở xã Mường Tè muốn lên thị trấn Mường Lát, huyện lỵ của Mường Tè, họ phải đi 200km lên họp. Nhiều khi lãnh đạo xã lên họp mang cả hộp dấu theo, để họp xong ở lại hội ý, thảo văn bản xin ý kiến luôn rồi cộp con dấu tại chỗ cho kịp, theo lời một Bí thư huyện Đoàn Mường Tè kể cho tôi năm 1994. Ngày nay, họ có thể họp trực tuyến rất đơn giản, không phải chỉ lo chuyện đi họp mà hết thời gian xuống thôn bản. Họ sẽ có điều kiện để gần dân hơn!

Chủ tịch Quốc hội cũng rất chia sẻ bởi bà quá hiểu rằng, việc tách ra thì dễ, nhập lại mới khó. Bà bày tỏ: "Vấn đề còn tâm tư thì tất nhiên rồi. Tách ra thì có thêm ghế để ngồi, nhập vào thì người thế này, người thế khác. Chúng ta cũng thế thôi chứ đừng nói cấp huyện. Đó là lẽ đương nhiên ...”

Tuy nhiên, với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, nếu nghĩ cho tương lai thì cũng rất khác và không hề đơn giản như tiến hành ở cấp huyện, xã. Song, không có gì là không thể nếu có quyết tâm chính trị cao và có sự đồng thuận từ trên xuống. Chỉ có tinh gọn bộ máy mới hy vọng nâng cao được đời sống người dân, bởi đất nước ta, bộ máy công chức viên chức trong hệ thống chính trị là vô cùng lớn, khó có một nền kinh tế nào chịu nổi...

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan