Đôi điều suy nghĩ về giải cứu nông sản.
CTV: Hoàng Văn Kính
Mấy năm lại đây, năm nào cũng có vài cuộc kêu gọi giải cứu nông sản, nghĩa là giải cứu người sản xuất, nghĩa là mua hộ những sản phẩm mà người sản xuất làm ra thừa ế chất đống không ai mua: dưa hấu, hành tím, mía đường, khoai lang, chuối, thanh long, củ cải, ớt, dưa chuột, hoa li, thịt lợn, gà công nghiệp…
Người tiêu dùng cả nước chung tay giải cứu người sản xuất trong lúc “ hoạn nạn” là một nghĩa cử cao đẹp, mang lại lợi ích cho cả đôi bên, người tiêu dùng thì mua được sản phẩm giá rẻ còn người sản xuất thì tiệu thụ được sản phẩm dư thừa.
Nhưng năm nào cũng giải cứu, mỗi năm giải cứu vài đợt thì không phải và không nên là một bài ca bất tận, là một cứu cánh nằm trong quy trình sản xuất. Nó không phải là một giải pháp căn cơ. Lỗi ở chỗ ta chưa tạo ra được sự gắn kết hiệu quả giữa hoạt động sản xuất và nhu cầu thị trường.
Giải cứu, ngoài mối quan hệ tình cảm, hỗ trợ lẫn nhau, nó còn là cái nợ đồng lần: anh đang gặp khó, tôi giang tay giúp anh và ngược lại anh cũng phải có trách nhiệm với tôi. Nếu không làm được như vậy thì khó bền.
Đã có không ít lời phàn nàn: Người tiêu dùng chung tay giải cứu người sản xuất vậy những khi giá cả leo thang, nhảy vọt đến chóng mặt thì người sản xuất có nghĩ đến việc giảm giá để hỗ trợ phần nào cho người tiêu dùng không. Hay đấy lại là thời cơ béo bở để người sản xuất gom hàng, ém hàng, nấng giá để vụ lợi theo kiểu: “ sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Gần đây nhất là cơn sốt thịt lơn diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay giá lợn hơi có thời điểm nhảy vọt lên 85-90 ngàn đồng /1kg thịt hơi khiến nhiều gia đình phải giảm lượng tiêu thụ hàng ngày, thậm chí phải bỏ thói quen, sở thích của trẻ nhỏ để tìm loại thực phẩm khác thay thế. Trong khi đó ở thời điểm ấy người chăn nuôi được hưởng lợi nhuận đến 2 triệu đồng/tạ lợn hơi.
Các cửa hàng tiện ích, các siêu thị cũng giang tay giải cứu người sản xuất trong đợt dịch Covid-19 ấy vậy mà khi các cửa khẩu Biên giới được giải phóng, hàng hóa lưu thông thuận lợi người sản xuất lại quay đầu bán qua Biên giới với lí lẽ: bán sang đấy được giá hơn. Dĩ nhiên đấy là quy luật cung cầu của thị trường nhưng còn một thứ quy luật nữa mà người sản xuất, người kinh doanh, người buôn bán phải luôn nhớ là: quy luật của tình người. Các cụ ta từ xa xưa đã tổng kết: Lúc hoạn nạn mới hiểu lòng nhau.
Trong điều kiện bất khả kháng thì việc kêu gọi giải cứu là cần thiết và người tiêu dùng cần chung tay giải cứu để giúp người sản xuất thoát cảnh bị phá sản. Nhưng cũng có nhiều trường hợp người sản xuất chạy theo lợi nhuận, phá vỡ quy hoạch sản xuất, đầu tư phát triển vô tội vạ, chạy theo phong trào bất chấp cảnh báo của các Cơ quan chức năng thì có nên kêu gọi giải cứu. Nếu bài ca giải cứu cứ tiếp diễn, cứ thừa là hô hào giải cứu thì sản xuất Nông nghiệp của chúng ta sẽ không thể phát triển theo quy mô hiện đại được ( Đấy là lời cảnh báo của các Nhà khoa học).
Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của người sản xuất cần phải có sự vào cuộc của Nhà nước, các cấp Chính quyền: từ công tác dự báo đến quy hoách sản xuất, quy mô, cơ cấu, kho bãi, thu mua, chế biến v.v… Nếu được như thế và chắc chắn phải như thế thì bài ca giải cứu sẽ không phải lặp lại nhiều lần.
( Ảnh minh họa) Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) đã thu mua hơn 1,3 tấn dưa hấu và tặng miễn phí cho Cán bộ Giảng viên nhưng đa phần mọi người đến nhận đều tự nguyện quyên góp để chia sẻ khó khăn cùng nông dân tỉnh Gia Lai vì dịch COVID-19 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Hoàng Văn Kính
(CTV Trang TT&BT TS; Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)