Tôi vẫn nhớ, ngày nhỏ, vào dịp cận Tết, lớp tôi lại cùng nhau viết thư gửi các chiến sĩ đang công tác nơi đảo xa của Tổ quốc. Trong trí nhớ của tôi, Trường Sa, Hoàng Sa, các đảo Tây Nam… hiện lên qua lời giảng của cô giáo, qua phóng sự được xem trên truyền hình. Đó là những hòn đảo đối đầu với sóng gió, hiên ngang giữa biển khơi, là vườn rau xanh mướt được các chiến sĩ vun xới, là những con lợn ục ịch với một chế độ chăm sóc đặc biệt.
Cứ mỗi dịp viết thư như vậy, lũ trẻ chúng tôi lại vô cùng háo hức, giống như viết thư cho người thân của mình. Có đứa hỏi thăm sức khỏe các chú, có đứa hỏi về khó khăn vất vả nơi đảo xa, đứa lại hỏi thăm vườn rau, thậm chí còn tò mò về đàn lợn có mấy con.
Những câu hỏi ngô nghê nhưng cuối thư, hầu như ai cũng mong muốn được một lần ra thăm đảo hoặc trở thành những người chiến sĩ hải quân, canh gác vùng biển thiêng liêng Tổ quốc. Riêng với cá nhân tôi, tôi muốn được tự mình đặt chân tới tất cả các vùng biển đảo trên cả nước, được chiêm nghiệm về cuộc sống của những người lính trên đảo, xem họ sinh sống ra sao, hằng ngày thực hiện nhiệm vụ của mình như thế nào.
|
Các bức thư với những nét vẽ ngộ nghĩnh được gửi tới cán bộ, chiến sĩ công tác tại các đảo Tây Nam (Ảnh: T.N) |
Cho đến mãi sau này, trở thành phóng viên, tôi mới có cơ hội hiện thực hóa ước mơ của mình khi vinh dự được cơ quan cử đi công tác cùng với cán bộ Vùng 5 Hải quân. Trong chuyến đi này, tôi không còn là cô bé cặm cụi viết thư tay gửi các chú mà trở thành người mang thư của các bạn nhỏ trạc tuổi tôi hồi đó tới các chiến sĩ nơi biển đảo Tây Nam.
Những lá thư được viết trên trang giấy học trò, với lời lẽ mộc mạc, ngây ngô nhưng trong đó chứa đựng tình cảm thân thương, niềm tin yêu của các cháu học sinh đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lá thư của bạn nhỏ Đỗ Ngọc Anh, học sinh lớp 8 có đoạn viết: “Hàng ngày, qua bài giảng của các thầy cô cũng như qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng cháu đã phần nào hiểu được nhiệm vụ cao cả và sự hi sinh thầm lặng của các chú. Mỗi khi nhắc đến biển, đảo Tổ quốc, cháu luôn thấy trong đó hình ảnh hiên ngang, đầy sức sống của những người lính Hải quân.”
Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ, Ngọc Anh hồn nhiên viết: “Cháu không tưởng tượng được cuộc sống của cháu sẽ như thế nào nếu không có internet, facebook… trong khi các chú ở đó chỉ có sóng, gió và những khó khăn”. Rồi Ngọc Anh tự hứa với các chú: “Cháu sẽ phấn đấu học tập và rèn luyện thật tốt để hoàn thiện bản thân, để thực hiện ước mơ của mình và trở thành người có ích cho xã hội.”
Với lòng tin yêu mãnh liệt, những người lính Hải quân đã được các em học sinh xem như người thân, để tâm sự, sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống. Bạn nhỏ Nguyễn Quốc Bảo – học sinh lớp 4 viết: “Các chú yêu quý, bố cháu cũng là một người lính hải quân, nên bố ít khi có thời gian về nhà với cháu, những dịp đặc biệt thấy các bạn có bố bên cạnh còn cháu thì chỉ được đi với mẹ thôi, nên cháu cũng có buồn. Nhưng cháu vẫn luôn tự hào về bố và đồng đội. Cháu chúc các chú nhiều sức khỏe để bảo vệ Tổ quốc. Cháu ở nhà sẽ cố gắng ăn nhiều, chăm học, để mai sau lớn lên trở thành một người lính đảo như các chú. Cháu yêu các chú.”
|
Những người lính trẻ xúc động, tự hào khi nhận được thư của các bạn học sinh (Ảnh: L.T) |
Là một phóng viên trực tiếp mang những lá thư của con gái mình cùng bạn bè của cháu tới các chiến sĩ trên vùng đảo Tây Nam, nhà báo Lê Thanh Nga – Biên tập viên Đài Phát thanh truyền hình Thái Nguyên chia sẻ: Đây là lần thứ ba chị đến với biển đảo của Tổ quốc. Mỗi chuyến đi đều có những ấn tượng tượng riêng. Nhưng lần đi này, đúng vào dịp đón tết Nguyên đán nên chị và các đồng nghiệp được nhận thêm nhiệm vụ mang thư và tranh của các em nhỏ tiểu học, trung học cơ sở tại Thái Nguyên đến với các chiến sĩ.
“Trong lúc tôi đang thu xếp đồ đạc cho chuyến công tác, thì con gái tôi đã nhìn thấy những bức thư gửi các chiến sĩ trong vali của mẹ. Cô bé liền ngỏ lời muốn viết một lá thư gửi tới các chú. Con yêu các chú hải quân lắm. Và chỉ sau 30 phút cô bé đã hoàn thành bức thư của mình và dặn đi dặn lại mẹ phải trao tận tay cho các chú. Tôi cảm thấy rất bất ngờ và xúc động, vì bé đã học lớp 4, nhưng cũng chỉ biết tới các chú qua sách vở và các chương trình truyền hình thôi. Nhưng tình cảm bé dành cho các chú lính đảo lại không hề ít đi chút nào”, chị Nga kể.
Những lá thư của học sinh đưa tới các đảo Tây Nam không gửi cụ thể cho người nào nhưng chứa đựng những dòng cảm xúc thật lắng đọng. Mỗi người lính đảo đều cảm nhận được bản thân mình là người được nhận thư. Vì vậy, họ luôn đón nhận từng lá thư bằng tình cảm trân quý, đọc cho nhau nghe, chuyền tay từ người này đến người khác và lưu giữ như một kỷ vật.
Cầm trên tay những lá thư đong đầy yêu thương của các em nhỏ, thiếu úy chuyên nghiệp Lương Quang Huy – chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân không khỏi xúc động: Thư của các em nhỏ luôn là món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa đối với những người lính đảo chúng tôi. Là một người lính trẻ tôi tự thấy mình phải cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để xứng đáng với tình cảm mà đất liền đã dành cho”.