Ai giấu dịch? Có giấu được không? Và giấu để làm gì?

Ngày đăng: 08:22 03/03/2020 Lượt xem: 361


     Ai giấu dịch? Có giấu được không? Và giấu để làm gì?

 

                                          Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí

Mong rằng không có những suy diễn thiếu căn cứ làm hoang mang lòng dân và “mủi lòng” những người đang ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh.


 

 
Trước những thành công của Việt Nam trong cuộc chiến với dịch Covy – 19, đã xuất hiện một số ít người có tư tưởng hoài nghi, cho rằng chúng ta đang giấu dịch.

Để làm rõ việc này, theo suy nghĩ của tôi, cần trả lời ba câu hỏi: Ai giấu dịch? Có giấu được không? Giấu để làm gì?

Về câu hỏi thứ nhất, nếu có việc che giấu, sẽ gồm các thành phần là  Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, các cơ quan liên quan như bộ đội, công an, y bác sĩ, bệnh nhân và người nhà… Con số ước tính tới hàng trăm người.

Vậy thì liệu có giấu được không, khi mà nguời Việt ta có câu: “Một miệng thì kín, chín miệng thì hở”. Nếu như muốn giấu, chắc chắn phải “đeo khẩu trang” cho tất cả những người này nên dù có muốn thì điều đó cũng không thể. Nhất là trong thời buổi bùng nổ của các phương tiện thông tin, “thế giới phẳng”.

Cũng không thể “bịt mắt” được các cơ quan thông tấn, báo chí và đặc biệt là Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của  Mỹ  (CDC Mỹ) và WHO với con số được biết khoảng 120 người đang theo dõi rất sát diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam.

Không phải vô cớ mà Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ  mới đây đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) ra cộng đồng.

Câu hỏi thứ ba, giấu để làm gì? Trong khi Virus Covy 19 là thiên địch, đang làm náo loạn thế giới, các nước giàu có và tiên tiến về y học đang phải chịu những tổn thất không nhỏ thì nếu như (lạy giời, điều đó không xảy ra) Việt Nam ta có để xảy ra dịch bệnh ở mức cao hơn cũng không có gì lạ và cũng không thể trách móc một ai.

Còn ý kiến cho rằng giấu là để an lòng dân thì nói thẳng, muốn “an” cũng khó khi mà Covy 19 đã có mặt ở gần 70 quốc gia của tất cả các châu lục, trừ Nam Cực.

Một số ý kiến còn đặt vấn đề Việt Nam thực hiện xét nghiệm với số lượng quá ít (khoảng 1.500 trường hợp).

Theo tôi hiểu, việc thực hiện xét nghiệm chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ với tất cả các biểu hiện lâm sàng nhiễm bệnh, bệnh nhân có tiếp xúc với người bệnh, có thuộc địa bàn dịch bệnh… chứ không phải ai sốt, ho cũng xét nghiệm virus Covy 19.

Mặt khác, việc xét nghiệm không dễ dàng vì phương tiện và nhân lực khó có thể đáp ứng đồng thời cũng rất tốn kém. Cho đến thời điểm hiện tại, được biết nước Mỹ mới xét nghiệm cho khoảng 500 trường hợp.

Trong khi mỗi ngày, trên thế giới có hàng ngàn, hàng vạn người “hắt hơi, sổ mũi”.

Tóm lại, từ những suy luận trên, tôi cho rằng không có chuyện ai đó chủ trương giấu dịch mà ngược lại, thành công của chúng ta tính đến thời điểm này là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của việc công khai, minh bạch, kịp thời diễn biến của dịch bệnh cả ở thông tin đại chúng và cộng đồng mạng. Từ đó, nâng cao ý thức phòng chống với bản thân mỗi người dân và cho cả cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định: “Chúng ta xác định chống dịch trong thời đại thông tin là phải dùng thông tin để minh bạch tất cả. Chúng ta đã chủ động ngay từ đầu, làm việc với các nhà mạng, công ty công nghệ để đưa thông tin ngay, thông tin minh bạch nhất có thể, không chỉ báo chí mà cả mạng xã hội” đồng thời cho rằng đây chỉ là “chiến thắng mở màn”.

Theo báo Tiền phong, bài "Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ: Minh bạch thông tin phòng chống Covid-19" cho biết:" Ngày 2/3, Thường trực Thành uỷ Hà Nội làm việc với Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng chống dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng quan trọng nhất vẫn là minh bạch các thông tin trong công tác phòng chống dịch. Bởi nếu không chủ động thì mạng xã hội cũng sẽ thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận".

Trong cơn “lửa bỏng, nước sôi”, xin hãy tập trung cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Cũng không nên “giá như” hay “sao không thế này, sao không thế kia” bởi lịch sử không cho chúng ta quyền “giá như”, “sao không”...

Thậm chí, có thể rồi đây có những sai sót (đến giờ chưa thấy có) thì cũng khép lại, để khi hết dịch ta cùng ngồi “tính sổ” với nhau sau.

Mong rằng không có những suy diễn thiếu căn cứ làm hoang mang lòng dân và “mủi lòng” những người đang ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh.

Mệnh lệnh chung lúc này không thể khác là tập trung tất cả cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan