Tất cả hãy chung sức để vượt qua đại dịch
Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet
Để chiến thắng Covid-19, lúc này cần đặt quyền sống của cộng đồng lên trên các quyền của cá nhân; để đảm bảo bình an cho mỗi người và cộng đồng, tất cả hãy chung sức hành động.
Đại dịch Covid-19, thảm họa của nhân loại
Đại dịch Covid-19 đang làm cả thế giới chao đảo, cướp đi mạng sống của hàng nghìn người mỗi ngày. Số người bị nhiễm nCoV tăng chóng mặt.
Cập nhật đến 9h20 ngày 28/3, 199 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có người nhiễm nCoV, với 594.280 người nhiễm; 27.250 người tử vong. Mỹ có số lượng người nhiễm nCoV cao nhất thế giới 102.338 người, 1.604 người tử vong; Italia 86.498 người nhiễm, 9.134 ca tử vong; châu Âu trên 16.000 người tử vong.
Châu Âu và Mỹ đứng đầu thế giới về lĩnh vực y tế, nhưng trong đại dịch covid - 19, các cơ sở y tế của họ đều quá tải nghiêm trọng. Ở Italia, Tây Ban Nha, Pháp… bệnh nhân phải nằm ra cả hành lang bệnh viện. Các thầy thuốc Tây Ban Nha không được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ nên 10.000 thầy thuốc, nhân viên y tế nước này nhiễm nCoV, theo số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha công bố ngày 27/3.
Bang New York, hiện là tâm điểm của đại dịch Covid-19 ở Mỹ, các bệnh viện ở đây đã có khoảng 5.000 - 6.000 máy thở dùng hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng, khi dịch Covid-19 bùng phát, trang bị thêm 7.000 máy và được Chính phủ Liên bang hỗ trợ thêm 400 máy nhưng vẫn không đủ để cấp cứu bệnh nhân. Vì vậy các bệnh viện của bang này phải thực hiện giải pháp, hai bệnh nhân sử dụng một máy thở.
Đại dịch Covid-19, làm cho cả nhân loại gần như phải đứng yên, khi hàng loạt quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật, kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi nhà, nghiêm cấm tập trung đông người (nhiều quốc gia cấm tụ tập trên 2 người); các hãng hàng không của nhiều quốc gia phải tạm dừng các đường bay quốc tế; hàng loạt công ty, doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất; trường học của phần lớn các quốc gia phải tạm thời đóng cửa; các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao ở mọi cấp độ từ địa phương đến quốc gia, tới quốc tế đều buộc phải tạm dừng hoặc hủy bỏ; nhà hàng, cửa hiệu, quán ba tạm thời phải đóng cửa.
Đại dịch Covid-19 không chỉ tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD vào nhiệm vụ chống dịch của các quốc gia mà còn thổi bay hàng nghìn tỷ USD khác trên các thị trường chứng khoán thế giới. Để tránh một cuộc đại suy thoái toàn cầu, ngày 26/3, lãnh đạo các nước G20 cam kết bơm 5.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới, để khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.
Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng: "Rõ ràng chúng ta đã bước vào thời kỳ suy thoái" mà sẽ còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Đến nay chưa ai có thể dự đoán “sóng thần” nCoV tàn phá trên toàn thế giới đến bao giờ, thảm họa mà nó để lại ra sao, nhưng chắc chắn trong thời gian trước mắt, mỗi ngày nhân loại lại tiếp tục hứng chịu những tổn thất khủng khiếp về sinh mạng và kinh tế.
Việt Nam chủ động ứng phó với Covid-19
Cuối tháng 1/2020, dịch nCoV bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), lúc đó Việt Nam mới có 6 ca nhiễm nCoV.
|
Tất cả hãy chung sức để vượt qua đại dịch |
Ngay ngày 2/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra khi xét tính chất, mức độ nguy hiểm (bệnh truyền nhiễm nhóm A), nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu và đặc biệt với đặc điểm dịch tễ của Việt Nam, dịch rất có thể bùng phát dữ dội.
Quyết định kịp thời đó đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành bại trong cuộc chiến chống đại dịch covid - 19 ở Việt Nam.
Hàng loạt các động tác quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng, của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch virus Corona, do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban đã đưa lại kết quả là đến trước ngày 6/3/2020, Việt Nam chỉ có 16 người nhiễm nCov và cả 16 người đều đã khỏi bệnh.
Từ giữa tháng 2 trở đi, dịch lây lan và bùng phát ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ. Đây cũng là khu vực có hàng trăm nghìn người Việt sinh sống, lao động, học tập, du lịch … khi có dịch họ ồ ạt trở về nước. Ngoài ra, hàng ngày có hàng nghìn người từ các quốc gia này đến Việt Nam du lịch. Bởi vậy, từ ngày 6/3, số người bị phát hiện nhiễm nCoV ở Việt Nam tăng nhanh.
Đến ngày 27/3, Việt Nam có 163 bệnh nhân nhiễm nCoV; có trên 50.000 người phải đưa vào các khu cách ly. Ngoài ra nhiều tuyến phố, thôn xóm, các tòa chung cư có người bị nhiễm nCoV đã từng sống cũng bị cách ly.
Đến nay số người nhiễm và số người nghi nhiễm Covid-19 ở Việt Nam dù tăng nhiều lần so với trước đây, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Nguyên nhân quan trọng hàng đầu của thành công này là nhờ Việt Nam đã kịp thời phát hiện, cách ly người nhiễm nCoV, những người tiếp xúc trực tiếp (F1), những người tiếp xúc gián tiếp (F2,F3,F4…) với người nhiễm nCoV.
Thành quả chống Covid-19 mấy tháng vừa qua là rất quan trọng, tuy nhiên cuộc chiến phía trước còn gay go phức tạp hơn nhiều và thắng lợi tiếp theo mới có ý nghĩa quyết định.
Trong phiên họp thường trực Chính phủ ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra, chỉ có 2 tuần trước mắt để hành động, cả nước cùng chung tay chiến đấu với dịch Covid-19. Đây vừa là chỉ đạo vừa là lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ.
Muốn giành thắng lợi trong trận quyết chiến chống đại dịch này trong thời gian tới, cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, của các bộ ngành và các địa phương đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của mọi người dân Việt Nam.
Để chiến thắng dịch bệnh, lúc này cần đặt quyền sống của cộng đồng lên trên các quyền của cá nhân; để đảm bảo bình an cho mỗi người và cộng đồng, chúng ta hãy chung sức hành động.
Hành động thiết thực nhất của mỗi người là chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế về thực hiện các biện pháp chống dịch. Đây là những nội dung, những việc làm không khó nhưng nếu mỗi người đều tự giác thực hiện và thực hiện nghiêm túc sẽ đóng vai trò quyết định đối thắng lợi trong cuộc chiến chống lại đại dịch của đất nước.
( C. H sưu tầm)