Kể chuyện làng: Làng nón Chuông của tôi

Ngày đăng: 08:34 18/04/2020 Lượt xem: 402

Kể chuyện làng: Làng nón Chuông của tôi

Phạm Thành Long 
                  Nguồn: Báo Dân Việt, ngày 18/4/2020
 

(Dân Việt) Làng Chuông của tôi, sau hòa bình lập lại 1954 được tổ chức thành xã Phương Trung (thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông - nay là Hà Nội). Có lẽ ở nước ta, nhất là vùng đất Việt cổ đồng bằng sông Hồng, không nhiều ngôi làng trở thành đơn vị hành chính cấp xã như làng nón Chuông của tôi ngày nay.

 


 ke chuyen lang: lang non chuong cua toi hinh anh 1

Cổng làng Chuông đi từ quốc lộ 21B vào

Dân quê tôi vẫn quen gọi quê hương là làng Chuông chứ ít khi gọi tên xã. Chợ Chuông quê tôi gần như ngày nào cũng họp. Với diện tích hơn 2 hécta, chợ Chuông là nơi buôn bán của gần 800 hộ lớn nhỏ. Họ bán buôn, bán lẻ các loại nón, các nguyên vật liệu làm nón và nhiều loại hàng hóa cho bà con của làng và nhân dân trong vùng…

Dân làng Chuông tự hào về 3 người con của quê hương:

Trong 82 bia tiến sĩ ở Quốc Tử Giám, Hà Nội, làng Chuông của tôi đóng góp một tiến sĩ. Đó là cụ Phạm Kinh Bang (là cụ tổ của dòng tộc Phạm Huy của Làng). Cụ đỗ đệ tam đồng tiến sĩ năm 1529, thời Mạc Đăng Dung. Cụ làm quan đến chức ngự sử.

Đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307 nổi tiếng của Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp – một người con của làng Chuông. Ông là Phạm Hồng Sơn – một “Paven Coocsaghin của Việt Nam”. Đỗ tú tài toàn phần năm 1945, ông xung phong Nam tiến, và trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307 oai hùng. Bài hát “Tiểu đoàn 307” rất hào hùng ca ngợi tiểu đoàn của ông. Tiểu đoàn trưởng Phạm Hồng Sơn bị thương vào cột sống trong một trận chiến đấu. Ông tập kết ra Bắc, điều trị tại Bệnh viện 103. Bằng nghị lực sống mãnh liệt, nằm trên giường bệnh, ông tự học tiếng Nga để rồi dịch tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” và nhiều tác phẩm khác của Liên Xô ra tiếng Việt. Ông trở thành hình mẫu lý tưởng và tấm gương về nghị lực sống của thanh niên những năm 60 của thế kỷ trước. Khi qua đời, ông đã để lại toàn bộ nhuận bút dịch các tác phẩm in sách và tiền lương gửi tiết kiệm của ông tặng làng để xây nên Bệnh xá Phương Trung năm 1967.

 ke chuyen lang: lang non chuong cua toi hinh anh 2

Cổng tam quan chùa Chuông vào những phiên chợ chính

Người con thứ ba của làng là bà Phạm Thị Nhật – một chỉ huy du kích nổi tiếng của làng Chuông thời kỳ chống Pháp. Bà là hình mẫu để kịch gia nổi tiếng Đào Hồng Cẩm viết nên hình ảnh “Chị Nhàn” trong vở kịch nói cùng tên nổi tiếng một thời. Bà Nhật là Bí thư chi bộ Đảng, đồng thời là xã đội trưởng chỉ huy du kích mưu trí và dũng cảm. Một tay bà đào hơn 120 hầm bí mật để trụ vững trong lòng địch vào ban ngày, ban đêm bà chui lên chỉ huy du kích đánh Pháp, diệt tề giữa lòng địch. Với tài binh vận, bà Phạm Thị Nhật tay không đã “nhổ” được bốt Chuông, bốt Ngã Tư Vác của giặc mà không tốn một viên đạn… Cùng với Nguyễn Thị Chiên ở Thái Bình, bà là một trong hai nữ chỉ huy du kích nổi tiếng của đồng bằng Bắc Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Tại Đại hội Thi đua Toàn quốc lần thứ nhất năm 1951, bà Nhật được Bác Hồ tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc. Bà còn được Bác tặng một khẩu súng lục để về tiếp tục chỉ huy đánh giặc…

Từ đầu thế kỷ XX đến nay, làng Chuông quê tôi nổi tiếng với nghề làm nón – nón Chuông. Hàng chục loại nón đã được các bàn tay khéo léo của những người thợ quê tôi sản xuất: Nón ba tầm, nón quai thao, nón lá non, nón lá già, nón treo tại các đền thờ, nón dành cho các đoàn nghệ thuật, nón đồ “su vơ nia”… Nón làng Chuông quê tôi có mặt ở nhiều vùng quê. Nón Chuông cũng theo chân khách du lịch đi đến nhiều quốc gia trên thế giới. Vài năm trở lại đây, làng tôi trở thành một địa chỉ du lịch làng nghề của Hà Nội, hàng tuần đón nhiều đoàn khách quốc tế và trong nước tới thăm làng nghề làm nón…

 ke chuyen lang: lang non chuong cua toi hinh anh 3

Hình ảnh thổi cơm thi trong Hội chợ Chuông ngày 10 tháng Giêng

Trong cuộc khởi nghĩa chống lại quân nhà Đường, ông Đỗ Huệ đã lãnh đạo hàng trăm tráng binh của làng tôi trở thành nghĩa quân dũng cảm của Phùng Hưng. Họ đã góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vĩ đại của dân tộc ta, khẳng định ý chí quật cường của dân tộc, lật đổ chế độ đô hộ của phong kiến phương Bắc suốt gần 1.000 năm…

Đình làng Chuông thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, ông Đỗ Huệ - một hào trưởng của làng và tướng Nguyễn Xí (một danh tướng – trọng thần của Lê Lợi) làm Thành hoàng của làng. Nhưng đình làng Chuông không phải là nơi thờ chính Phùng Hưng và Nguyễn Xí. Làng tôi có 4 ngôi đền thờ khá linh thiêng. Đó là Đền Trung, Đền Thượng, Đền Ông, Đền Tứ Chi. Ngôi Đền Thượng (gần với nghĩa trang liệt sĩ của làng ngày nay) là nơi thờ chính Đức vua Phùng Hưng. Cách đây hơn 500 năm, dân làng Chuông còn xây dựng Đền Trung (nằm giữa khu Đồng Cõi, thôn Tây Sơn của làng) là nơi thờ tướng Nguyễn Xí – một vị tướng văn võ song toàn của Lê Lợi. Ông là người có công lớn trong trận đánh Cổ Lâm (Thanh Oai ngày nay) tiêu diệt quân nhà Minh. Vua Lê Hiến Tôn (con của vua Lê Thánh Tông) đã phong ông là “Phúc Thần” ban chiếu cho các nơi lập đền thờ. Ngay sau khi Nguyễn Xí mất, dân làng Chuông đã lập Đền Trung để thờ ông. Đền Trung được xây dựng trên một mảnh đất rộng 2.894m2. Ngày trước Đền Trung cây cối um tùm. Nhiều cây lim được trồng trong khuôn viên của đền. Trải qua hơn nửa thiên niên kỷ mà hàng chục cây lim cổ thụ được trồng từ ngày xây đền vẫn được dân làng tôi gìn giữ nguyên vẹn cho tới ngày nay.

 ke chuyen lang: lang non chuong cua toi hinh anh 4

Sản phẩm nón được làm ra bởi những bàn tay tài hoa của các cô gái làng Chuông

Làng Chuông quê tôi rất tự hào với những truyền thống văn hóa gắn liền với các công trình văn hóa tâm linh được xây dựng và lưu giữ cho tới ngày nay. Ngôi đình làng Chuông được xây dựng phía trước ngôi chùa Chuông. Ngôi đình vào loại lớn nhất trong vùng. Phía trước sân đình là 4 trụ đá lớn, chạm trổ hoa văn khá đẹp. Chùa làng tôi còn có tên là chùa Tân Quang. Chùa Chuông có thể sánh với chùa Mía Sơn Tây về số lượng tượng Phật và sự độc đáo của các pho tượng. Chùa có hơn 100 pho tượng, trong đó có tượng Phật nằm khá đặc biệt. Cổng tam quan trước chùa đồ sộ hai tầng, ít thấy ở nhiều ngôi chùa trong vùng. Tại gian thờ mẫu, hai cánh cửa  còn giữ được nguyên vẹn hai bức chạm khắc hoa văn vô cùng tinh xảo, chứng minh cho nghệ thuật chạm khắc tinh hoa từ thế kỷ thứ XVI. Vì thế mà chùa Tân Quang đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Nghệ thuật Quốc gia. Đình và chùa Chuông được xếp hạng Di tích Lịch sử và Nghệ thuật Quốc gia năm 1990.

Độc đáo nhất của quê tôi ấy là văn hóa chợ Chuông. Từ xa xưa, quê tôi đã xuất hiện câu ca dao: “Mồng mười đi chợ Chuông chơi/Xem đánh cờ người, xem thổi cơm thi”.

 ke chuyen lang: lang non chuong cua toi hinh anh 5

Một góc phiên chợ Chuông bán nón

Chợ Chuông họp phiên chính vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch hàng tháng. Nhưng hầu như ngày nào chợ cũng họp. Mồng 10 tháng Giêng hàng năm có phiên chợ Chuông độc đáo nhất trong năm. Trước sân đình rộng lớn, làng tổ chức tế rước linh đình. Đặc biệt là tổ chức các cuộc thi nấu cơm, thi đánh cờ người. Ngày xưa các tráng binh của làng dưới sự chỉ huy của hào kiệt Đỗ Huệ hành quân đánh giặc Đường dưới cờ khởi nghĩa của Phùng Hưng. Họ phải vừa đi vừa nấu cơm. Để lưu giữ hình ảnh ấy mà phiên chợ mồng 10 đầu năm, dân làng đã tổ chức cuộc nấu cơm thi độc đáo. Ban đầu người dự thi phải vừa ăn mía vừa lấy bã mía “làm củi” để nấu cơm. Niêu cơm nhỏ được treo toòng teng trên một chiếc gậy (sau này do một người gánh). Ai nấu cơm chín trước là người thắng cuộc. Sau này để giảm bớt độ khó cho người dự thi, người ta phát cho mỗi người một đoạn tre khô. Người thi phải dùng dao chẻ ống tre thành những chiếc đóm để việc nấu cơm nhanh hơn, dễ dàng hơn… Phiên chợ mồng 10 chính là ngày hội của làng. Nhà nhà đi chợ sắm sanh lễ vật về làm cỗ và mang lễ lên chùa, lên đình cúng tế. Người làng dù đi làm ăn ở muôn nơi thì phiên chợ mồng 10 cũng cố gắng thu xếp công việc về dự hội làng. Nét đẹp của văn hóa truyền thống này được trao truyền đời nối đời và được tổ chức trang trọng cho tới ngày nay…


tin tức liên quan