Thủ tướng: “Không phải quyền anh, quyền tôi, phải vì 100 triệu dân”
Thủ tướng: “Không phải quyền anh, quyền tôi, phải vì 100 triệu dân”
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
“Để vực dậy nền kinh tế, các Bộ, ngành phải xắn tay áo vào cuộc, phải đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Không phải quyền anh, quyền tôi mà phải vì đất nước, dân tộc và 100 triệu dân Việt Nam”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến “Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp: Cùng nỗ lực - Vượt thách thức - Đón thời cơ - Phục hồi nền kinh tế”, sáng nay (9/5).
“Bức tranh” Việt Nam trong đại dịch Covid-19
Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, cho tới giờ này có thể nói những doanh nghiệp (DN) tham dự được hội nghị hôm nay là những DN có năng lực tốt nhất, có “sức khỏe” tốt nhất trong đại dịch Covid-19.
Bằng chứng là TPHCM có 270.000 DN nhưng chỉ có 3% DN rời thị trường, 97% đang chờ cầu để hoạt động trở lại. Về tăng trưởng kinh tế, trong quý 1/2020, TPHCM tăng trưởng so với cùng kỳ 1,03%; Hà Nội tăng trưởng trên 3,5%, Hải Phòng tăng trưởng tới 14,9%.
Theo tổ chức Oxfam - một liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại trên 90 quốc gia, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra có sức ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khủng hoàng tài chính toàn cầu năm 2008.
Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới đây của Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng -3% trong năm nay, đánh dấu một cuộc suy thoái sâu nhất kể từ đại suy thoái của nhưng năm 1930.
Trong khi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi vốn là động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới những thập kỷ đều tăng trưởng -1% thì kinh tế Việt Nam được coi là một điểm sáng. Cụ thể, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cuối tháng 3 vừa qua, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 là 4,9%, con số của một tổ chức khác dự báo là 2,8%.
Trên thực tế, quý 1 vừa qua, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 3,82% - mức thấp nhất của quý 1 trong hơn 10 năm trở lại đây nhưng là mức khá cao so với bối cảnh chung của thế giới và cao nhất khu vực ASEAN và châu Á. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam được dự báo tăng trưởng dương trong năm nay là 0,6%, Philippines là 0,5%; các nước khác dự báo đều tăng trưởng âm.
Mô hình chống dịch của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, sau 23 ngày Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, trừ người nhập cảnh vào Việt Nam đã được cách ly tập trung, Việt Nam không có người chết vì Covid-19.
Tại sao Việt Nam có thể đạt được thành công như vậy? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nguyên nhân là trong con người Việt Nam đã có sẵn chất đề kháng của tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật và tuân thủ của người dân.
“Điều này cho thấy một chân lí, đó là nếu mỗi người chấp nhận hi sinh lợi ích nhỏ của mình thì tất cả đều được lợi” - Thủ tướng nhấn mạnh và cho hay: Đảng và Nhà nước đã đưa ra các giải pháp quyết liệt, kịp thời, đồng bộ. “Chúng ta không chủ quan nhưng chúng ta cũng đừng lo lắng vì chúng ta đã kiểm soát, đẩy lùiđược dịch Covid-19 trong thời gian qua” - Thủ tướng nói.
Trên bình diện kinh tế, tăng trưởng của Việt Nam duy trì được mức cao hơn so với bình quân tăng trưởng mà các nước đạt được trong thời kỳ thuận lợi. Rõ ràng, Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường thế giới như nhiều ý kiến và đã chứng minh rằng năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam, của các doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn.
“Phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức trên 5%, phải kiểm soát lạm phát dưới 4%” - Thủ tướng đặt ra yêu cầu và cho rằng để đạt được mục tiêu này thì phải tập trung vào “5 mũi giáp công”: Một là, thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là kinh tế tư nhân; hai là, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); ba là, đẩy mạnh xuất khẩu; bốn là, thúc đẩy đầu tư công; năm là, khuyến khích tiêu dùng nội địa với dân số gần 100 triệu dân.
Không phải quyền anh, quyền tôi!
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh hiện nay, để phục hồi nền kinh tế thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Hội nghị hôm nay không phải là dịp để ngồi “than nghèo, kể khổ” hay kể lể khó khăn của DN mà phải thể hiện tinh thần yêu nước và quyết tâm hành động mạnh mẽ. Kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam phải phát triển hình chữ V chứ không phải chữ U và càng không thể là chữ W.
“Nền kinh tế Việt Nam như lò xo bị nén lại giờ bật lên phát triển. Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức giúp doanh nghiệp tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, từ hội nghị này phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói xong để đó, phải thể hiện được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho DN, tăng tốc phát triển. Theo Thủ tướng, ngoài sự nỗ lực của DN và người dân thì vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp, các ngành rất quan trọng.
“Các Bộ, ngành phải xắn tay áo vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp. Một tinh thần cải cách đổi mới và thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp nhiều khó khăn cần được hun đúc; một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, kiến tạo phát triển; một tinh thần dựa vào sức mạnh của gần 100 triệu dân” - Thủ tướng cho biết.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý trong thực hiện công việc “không phải quyền anh, quyền tôi mà lúc này phải vì đất nước, dân tộc, vì 100 triệu dân Việt Nam, cần quán triệt để hợp tác thành công”; những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta chúng ta thể hiện tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, bản lĩnh ý chí và khí phách của con người Việt Nam.
Cuối bài phát biểu quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài thơ Tự khuyên mình, đó là: “Ví không có cảnh đông tàn/Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”. Thủ tướng bày tỏ hai câu thơ của Bác Hồ là lời động viên tất cả chúng ta trong những lúc khó khăn và mong muốn quyết tâm của các ngành, các doanh nghiệp sẽ lan tỏa mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế Việt Nam.
( C. H sưu tầm)