Chiều 14/5, hội nghị Trung ương 12 (khóa XII) đã bế mạc. Trước đó, trong bài viết về công tác nhân sự Đại hội Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Kiên quyết không cho vào Ban Chấp hành những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc…".
Phóng viên Dân Việt đã có trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng để làm rõ hơn việc lựa chọn được người tài, ngăn kẻ cơ hội vào Đảng bộ các cấp cũng như Trung ương.
Thưa ông, trong thực tế liệu có những trường hợp biểu hiện giàu lên bất thường lọt vào Đảng bộ các cấp, hay thậm chí là Trung ương?
- Hiện nay, theo dư luận phản ánh, vẫn có những cán bộ giàu lên bất thường, có tài sản bất minh. Muốn làm rõ, cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh xem phản ánh của dư luận có đúng hay không. Nếu họ đúng, phải minh oan cho họ. Còn họ sai phải giải trình, xử lý nghiêm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu "không để lọt cán bộ giàu nhanh bất thường vào Trung ương". Làm thế nào để phát hiện ra những vị cán bộ "có biểu hiện giàu bất thường" thưa ông?
- Theo quy định, cán bộ phải thực hiện việc kê khai tài sản. Sau đó, các cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng sẽ đi kiểm tra, xác minh. Họ sẽ giám sát việc khai báo, kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên xem có khai báo trung thực hay không.
Người đi thẩm tra xác minh cũng phải là người trong sạch, vô tư, trong sáng. Thêm nữa, những người này cũng phải có phương pháp để căn cứ vào những quy định của pháp luật để kiểm tra.
Ví dụ, có trường hợp cán bộ có 3 tòa nhà, nhưng họ chỉ khai báo có 2 tòa. Vậy thì nhiệm vụ của cơ quan chức năng lúc này là phải xác minh, phải hỏi dân, lắng nghe dân, nghe thông tin từ báo chí.
Khi phát hiện ra sai phạm, phải loại những người vi phạm ra khỏi vị trí, chức vụ. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lòi ra, trước sau rồi mọi người cũng sẽ biết. Vì vậy, quan trọng là biết sớm để không tuyển chọn những người không đủ tiêu chuẩn vào Trung ương.
Người vi phạm, nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì kiểm điểm. Việc xử lý họ cũng là một cách để cứu họ chứ nếu không họ sẽ tiếp tục lừa dối và sẽ vô cùng nguy hiểm cho bản thân người đó, cho tổ chức Đảng.
Như ông nói, chúng ta đã có quy định, đã có tổ chức thực hiện việc xác minh "người giàu lên bất thường". Nhưng trong thực tế, nhận diện những kẻ cơ hội chính trị và tham vọng quyền lực có khó không, thưa ông?
- Thực ra việc nhận diện không khó, ta có thể căn cứ vào lĩnh vực người đó phụ trách, cách xử lý giải quyết việc đó như thế nào, có mị dân, xa rời dân hay không.
Sau đó, xem người đó nói và hành động như thế nào, nếu như soi vào các hành động cụ thể sẽ nhận diện được những kẻ tham vọng quyền lực.
Trên cơ sở nhận diện, sẽ thẩm tra thêm bằng cách xem lại tất cả những hành vi của người đó, kể cả từ những phản ánh của người dân.
Ở thời của tôi, có những nơi tỉnh uỷ mất đoàn kết, để khách quan, chúng tôi gửi thư kèm nội dung câu hỏi cho từng tỉnh uỷ viên và yêu cầu trả lời câu hỏi. Các tỉnh uỷ viên được hỏi không biết được câu trả lời của người khác.
Sau đó, chúng tôi sẽ xem xét các câu trả lời xem các tỉnh uỷ viên trả lời có khớp nhau, xác định tình trạng mất đoàn kết ở đâu, như thế nào. Tiếp đó chúng tôi sẽ đưa ra phương hướng, giải pháp.
Trường hợp để lọt những người có tham vọng quyền lực, có nhiều tài sản, nhà cửa bất minh vào Trung ương sẽ gây ra hệ lụy, hậu quả gì thưa ông?
- Trường hợp cán bộ lao động bằng chất xám, lao động vất vả mà có tài sản, cơ ngơi thì việc đó đáng hoan nghênh. Còn nếu cán bộ đại diện cho một nhóm lợi ích nào đó, giàu lên bất chính thì những người này không thể đứng ra làm lãnh đạo địa phương, đất nước được.
Hậu quả của việc này sẽ là lãnh đạo, chỉ đạo sai. Bởi khi họ đại diện cho một nhóm lợi ích nào đó, họ sẽ đặt lợi ích của nhóm đó lên trên. Như vậy, sẽ làm cho chủ trương, đường lối bị sai và sẽ đem lại những hậu quả về mặt chính trị, kinh tế xã hội…
Cái mất lớn nhất là mất lòng tin ở nhân dân. Mất tiền, mất của cải cũng là mất nhiều, nhưng mất niềm tin của dân còn nghiêm trọng hơn.
Thời ông còn đương chức, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng có thường xuyên kiểm tra, phát hiện ra cán bộ có nhiều tài sản, nhà cửa bất minh không thưa ông?
- Thời đó cán bộ sai phạm chưa nhiều, tuy nhiên, mọi phản ánh của người dân chúng tôi đều lắng nghe và đi xác minh, thẩm tra. Chúng tôi cũng đã loại được một số người giàu lên bất chính ra khỏi tổ chức Đảng.
Thậm chí, cũng có một số cán bộ cấp cao vi phạm chúng tôi đã nhắc nhở, kiểm điểm, nhưng chưa đến mức khởi tố hình sự. Rồi cũng có những người không minh bạch trong việc kiểm kê tài sản chúng tôi cũng biết được ngăn lại và không để lọt vào các vị trí lãnh đạo cấp cao.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021, việc cần tập trung làm trong công tác lựa chọn nhân sự hiện nay là gì thưa ông?
- Đầu năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu về vấn đề chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đại biểu toàn quốc.
Trong đó, có nêu chủ trương, quan điểm, đường lối, phương pháp và bàn về các bước làm. Điều đó chứng tỏ rằng Trung ương có thái độ hết sức thận trọng và đề cao tầm quan trọng của đại hội này.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, vẫn có những người cơ hội, thoái hoá biến chất muốn làm thế nào đó để giành được những vị trí quyền lực. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải có những tiêu chuẩn cụ thể, hàng rào chặt chẽ, loại trừ những kẻ sâu mọt, những kẻ thoái hoá biến chất lọt vào đảng bộ các cấp, Trung ương.
Một điểm nữa là khi đại hội diễn ra phải chú trọng đến vấn đề tổ chức thực hiện, chọn ra những lãnh đạo có đức, có tài. Những người làm sứ mệnh tuyển chọn cán bộ cũng phải là người trong sạch, vô tư khách quan và có trình độ.
Xin cảm ơn ông!