Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh
Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân
“Bác Hồ đã để lại một di sản vô cùng lớn cho ngoại giao Việt Nam”, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên khẳng định như vậy khi chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông chính là người đầu tiên của ngành ngoại giao đã tổng kết những tư tưởng của Hồ Chí Minh và xây dựng khá đầy đủ những tư tưởng này thành cuốn sách “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh” phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu nghệ thuật ngoại giao Việt Nam.
Phóng viên (PV): Cùng công cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho nền ngoại giao Việt Nam, để đến hôm nay, Việt Nam là người bạn đáng tin cậy, có trách nhiệm đối với bạn bè thế giới. Theo ông, tư tưởng Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng như thế nào đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam?
Ông Nguyễn Dy Niên: Bác Hồ của chúng ta đã để lại một di sản vô cùng lớn cho ngoại giao Việt Nam. Trong 30 năm bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, Bác đã tiếp xúc, vận động, làm việc với rất nhiều chính khách, nhà khoa học, học giả... Vì thế, có thể nói, người Việt Nam đầu tiên tạo nên nền văn hóa ngoại giao cách mạng chính là Bác Hồ.
Năm 1919, tại Hội nghị Versailles, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi đến Hội nghị Versailles”. Bản yêu sách này bao gồm 8 điểm rất ôn hòa, yêu cầu Chính phủ Pháp trao trả một số quyền tự do, dân chủ cơ bản tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Đây là một cuộc đấu tranh ngoại giao để lại nhiều bài học quý cho thế hệ sau.
|
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Ảnh: CÚC CHI |
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh với những nguyên lý và nội dung cơ bản, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là bộ phận quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh có nguồn gốc ở chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống văn hóa và ngoại giao Việt Nam, tinh hoa văn hóa, kinh nghiệm ngoại giao thế giới và ở thế giới quan, phương pháp luận mác-xít. Từ nguồn gốc ấy, trên nền tảng ấy đã đơm hoa, kết trái những nội dung chủ yếu của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó là các quyền dân tộc cơ bản, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH), là độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế, là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là hòa bình và chống chiến tranh xâm lược, là hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới với Việt Nam, là xây dựng quan hệ hữu hảo với các nước lớn, là xác định ngoại giao phải là một mặt trận, một binh chủng hợp thành của cách mạng Việt Nam.
Chiếm vị trí quan trọng trong toàn bộ tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó là phương pháp dự báo và nắm đúng thời cơ, ngoại giao tâm công và “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đó là phong cách ngoại giao với tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, ứng xử linh hoạt, thể hiện giản dị, dễ cảm hóa và thuyết phục, ngắn gọn, hàm súc và dễ hiểu. Đó là nghệ thuật vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến), nhân nhượng có nguyên tắc và lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến” là một phương pháp ngoại giao rất đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phương pháp này bắt nguồn từ triết lý phương Đông và đã được ông cha ta vận dụng tài tình trong bao thế kỷ đấu tranh dựng nước và giữ nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và tiếp tục phát triển, đã vận dụng hiệu quả và sáng tạo triết lý và kinh nghiệm “lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi” để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, để bảo vệ Nhà nước và chính quyền cách mạng Việt Nam non trẻ, để tranh thủ mọi cơ hội có thể được nhằm cứu vãn hòa bình, xây dựng thế và lực sẵn sàng đối phó và khắc phục mọi thử thách. Người chỉ rõ: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”. Linh hoạt trên cơ sở giữ vững nguyên tắc để vừa bảo đảm giữ vững được nguyên tắc, vừa thực hiện được lợi ích của quốc gia dân tộc. Cái bất biến trong hoạt động đối ngoại là chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc. Vì thế, muốn “ứng vạn biến” thì phải xác định được giới hạn của nhân nhượng, đánh giá đúng về mình và đối tác, về chiều hướng chuyển biến của so sánh lực lượng, về cái thuận và nghịch của tình hình quốc tế trong từng giai đoạn và thời điểm cụ thể, từ đó xác định bước đi thích hợp. Thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nắm vững mục tiêu, bản lĩnh vững vàng, quyết đoán khôn khéo, mau lẹ và kịp thời để ứng phó thích hợp với từng hoàn cảnh, từng tình thế, từng đối tượng trong từng trường hợp và vấn đề cụ thể. “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong hoạt động đối ngoại là sự kết hợp hài hòa giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa chủ động và sáng tạo trong tấn công ngoại giao, trong nhận biết, tạo dựng và nắm bắt cơ hội để bảo vệ và thực hiện tốt nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Tôi lấy ví dụ, tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chúng ta đã thực hiện đúng những điều Bác Hồ dạy. Trên bàn đàm phán, đồng chí Lê Đức Thọ đã đưa ra những lập luận mà đối phương không thể nào bác bỏ được. Đến Henry Kissinger, nhà ngoại giao giỏi nhất của nước Mỹ thời kỳ đó, cũng phải cúi đầu. Thậm chí, có những lúc đồng chí Lê Đức Thọ dùng những lời lẽ rất đanh thép, nặng nề để lên án những chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ mà Henry Kissinger vẫn phải lắng nghe mà không thể có những lập luận chống lại được.
Muốn học Chủ tịch Hồ Chí Minh về đường lối đối ngoại là phải học rất kỹ, rất cơ bản, từ những lập luận, tư tưởng độc lập tự chủ, từ trí tuệ, hiểu biết về thế giới.
PV: Năm 1987, chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, UNESCO đã ra nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Nghị quyết đã được Đại hội đồng UNESCO biểu quyết với đa số tuyệt đối. Theo ông, vì sao các thành viên UNESCO, bất kể quan điểm chính trị, tôn giáo đều ủng hộ nghị quyết của UNESCO?
Ông Nguyễn Dy Niên: Tôi nghĩ Bác Hồ của chúng ta là một vị thánh. Chúng ta không nói Bác Hồ là Thánh Hồ Chí Minh như nhân dân Ấn Độ gọi Mahatma Gandhi là Thánh Gandhi vì chữ “Bác” gần gũi lắm. Những tư tưởng của Bác là đóng góp chung cho nhân loại, không phải chỉ riêng cho dân tộc Việt Nam.
PV: Ngày nay, thế giới đã có nhiều biến đổi, theo ông, chúng ta cần vận dụng tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào cho phù hợp, để tiếp tục nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam?
Ông Nguyễn Dy Niên: So với các thời kỳ cách mạng trước đó, thế giới hiện nay đã có những đổi khác cơ bản. Đất nước Việt Nam cũng đã đổi thay sâu sắc và phát triển mạnh mẽ. Ngoại giao Việt Nam cũng đã trưởng thành trong thời đại Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tính chất của thời đại và sự vận động của các mâu thuẫn vẫn tiếp tục thể hiện ở các mức độ, cấp độ khác nhau trong quan hệ quốc tế và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia mà hoạt động đối ngoại của nước ta luôn phải lưu ý thỏa đáng và xử lý kịp thời. Vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh để nhận biết đúng đắn những chuyển biến ấy, tranh thủ được cái có lợi nhất cho đất nước, hạn chế tối đa cái bất lợi cho dân tộc.
Phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh vẫn là những chuẩn mực để hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hướng vào đó, dựa vào đó mà xử lý thành công những vấn đề mới đặt ra cho đất nước nói chung và cho đối ngoại Việt Nam nói riêng. Đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện tại cũng như mai sau tiếp tục xuất phát từ nền tảng tư tưởng đó và theo hướng kim chỉ nam ấy. Vì thế, việc không ngừng nghiên cứu, học tập, quán triệt và thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh có tầm quan trọng quyết định đối với việc triển khai thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng. Chỉ như vậy đối ngoại Việt Nam mới có thể vươn lên ngang tầm với thời đại, mới có đủ khả năng để xử lý kịp thời và thỏa đáng, có lợi nhất cho đất nước tất cả những vấn đề nảy sinh. Chỉ có như vậy, ngoại giao Việt Nam mới có thể trở thành nền ngoại giao cách mạng, chính quy và hiện đại, xứng đáng là nền ngoại giao trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã và tiếp tục soi rọi cho ngoại giao Việt Nam thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là sự thể hiện sức sống bất diệt của tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và tiếp tục phát triển những giá trị nhân văn cao cả trong tư tưởng của Người. Đó cũng là cách chúng ta thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của chúng ta đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu đã phấn đấu, hy sinh cả cuộc đời vì độc lập, tự do của dân tộc, vì tương lai phồn vinh của đất nước Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
THU PHƯƠNG (thực hiện)
( C. H sưu tầm)