Xây tổ cho chim sẻ rồi xây tổ cho đại bàng
Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet
Các tập đoàn nước ngoài phát tín hiệu dịch chuyển chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng trong khu vực châu Á đang dấy lên hy vọng cho Việt Nam trong việc thu hút “đại bàng vào làm tổ”.
Không thể một sớm một chiều
Những ngày qua, hình ảnh về chiếc tai nghe không dây AirPods Pro mới nhất của Apple với dòng chữ Assembled in Vietnam (lắp ráp lại Việt Nam) đã thu hút nhiều sự chú ý của nhiều khách hàng. Sau nhiều đồn đoán, Apple đã hiện thực hóa chủ trương gia tăng đặt hàng các nhà cung cấp ở Việt Nam cho những sản phẩm của “người khổng lồ” này.
|
Một nhà máy của Samsung ở khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Lương Bằng |
Cùng với đó, thông tin Panasonic sẽ ngừng sản xuất máy giặt từ tháng 9 và tủ lạnh từ tháng 10 ở Thái Lan, đóng cửa nhà máy sản tại nước này từ mùa thu năm nay và hợp nhất sản xuất sang một cơ sở lớn hơn ở Việt Nam cũng làm nhiều người phấn khích.
Những tín hiệu ấy đã dấy lên niềm hy vọng Việt Nam có thể đón đầu việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, để thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã “lệnh” thành lập Tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài mới, để đón được các “đại bàng” đến làm tổ.
Nhưng, trước ‘vận hội’ đó, chúng ta cần bình tĩnh nhìn lại mình để Việt Nam có thể làm được gì, và cần làm gì để dòng vốn FDI sạch hướng đến Việt Nam, để nguồn vốn này sẽ đóng góp nhiều hơn vào chất lượng tăng trưởng.
Mấy chục năm qua, dòng vốn FDI đã tạo ra nhiều cú hích cho tăng trưởng GDP của Việt Nam, cũng như tạo nên những cột mốc kỷ lục về xuất khẩu. Nhưng ngoài việc gia công, lắp ráp, thâm dụng lao động, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều thay đổi đáng kể về “chất”, chưa tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, chưa đưa nền sản xuất của Việt Nam lên tầm cao mới.
“Để thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển chúng ta không nên sốt ruột quá mà cần chuẩn bị tốt các điều kiện”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trả lời câu hỏi với sự thận trọng nhất định khi nói về cơ hội từ dòng vốn FDI. “Đó không phải việc có thể làm trong một sớm một chiều”, ông Tuấn nói tiếp.
Là người gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp suốt bao năm qua, ông Đậu Anh Tuấn hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của nền sản xuất Việt Nam như thế nào, những hạn chế của môi trường kinh doanh hiện tại ra sao. Cho nên, ông có lý do để nhắc đến cơ hội vàng này với sự thận trọng cần thiết.
“Chuyển dịch vốn đầu tư không phải có tính thời điểm. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn mọi thứ, tối thiểu vài năm. Vấn đề Việt Nam có đáp ứng được chất lượng hạ tầng, điện, cảng biển, đường sá, kết nối, nhân lực… hay không? Liệu Việt Nam đủ sức nhận nhiều dự án lớn hay không, khi mà nhiều nơi đất cũng không còn nữa”, ông Tuấn đặt ra những bài toán thiết thực cần giải quyết.
|
Thu hút FDI, nhưng cũng cần chăm chút cho những doanh nghiệp "nội" lớn lên. Ảnh: Lương Bằng |
Những điểm yếu kinh niên
Ngoài những vấn đề kể trên, việc Việt Nam thiếu đi các ngành công nghiệp hỗ trợ, thiếu nền sản xuất, chế biến chế tạo tiên tiến cũng đang trở thành một điểm trừ trong việc thu hút FDI. Bởi vì, khi một tập đoàn lớn chọn Việt Nam làm điểm đến, họ sẽ phải cân nhắc khả năng Việt Nam có thể cung cấp được nguồn nguyên vật liệu cho việc sản xuất quy mô lớn hay không. Nhìn Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, chúng ta có thể hiểu vì sao nhiều tập đoàn tới Việt Nam đầu tư sản xuất, nhưng vẫn luôn kêu ca về tỷ lệ nội địa hóa.
Rõ ràng đây là điểm Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi khi nguyên phụ liệu gần như phụ thuộc vào Trung Quốc. Ví dụ trong ngành dệt may, Việt Nam phải nhập từ bông, xơ sợi, cho đến vải vóc, nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc, Hàn Quốc với số lượng hàng chục tỷ đô la mỗi năm. Tính riêng năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại, 2,3 tỷ USD xơ, sợi, 12,69 tỷ USD vải các loại, và khoảng 5,61 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may da giày.
Còn ngành điện – điện tử, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỷ USD (chiếm 42%), từ Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%), từ Nhật Bản 1,7 tỷ USD (chiếm 4,2%).
Những số liệu ấy được thể hiện rõ nét trong các báo cáo của Bộ Công Thương. Nhiều ngành hàng khác cũng trong cảnh tương tự. Ngay cả với mặt hàng thép, trong khi thép xây dựng bão hòa, thì Việt Nam vẫn thiếu đi các nhà máy sản xuất thép chế tạo. Nguồn nguyên liệu thép chế tạo cho công nghiệp đóng tàu và các ngành nghề khác vẫn chủ yếu là nhập khẩu.
Sự phụ thuộc nguyên phụ liệu từ nước ngoài lớn tới mức khi nguồn cung từ Trung Quốc bi “đứt đoạn” vì Covid – 19, gần như sau đó nhiều ngành hàng của Việt Nam lâm cảnh “ăn đong”.
Điểm yếu kinh niên này mấy chục năm nay vẫn không giải quyết được. Nó đã, đang và sẽ trở thành điểm trừ nếu Việt Nam muốn thu hút những “đại bàng” về làm tổ. Các tập đoàn lớn sẽ phải cân nhắc kỹ càng yếu tố này khi muốn đặt nhà máy sản xuất, bởi họ không thể chấp nhận rủi ro cho chuỗi cung ứng của mình.
“Báo chí nói nhiều về việc thu hút các tập đoàn đến Việt Nam, tạo ra chuỗi cung ứng mới. Nhưng khi các tập đoàn rời Trung Quốc, Việt Nam chỉ là 1 lựa chọn mà thôi. Vẫn còn Indonesia, Ấn Độ là những lựa chọn rất tốt của các tập đoàn nước ngoài”, Tiến sỹ Phạm Hùng Tiến, Viện Friedrich Naumann Foundation chia sẻ.
“Việc này không diễn ra một sớm một chiều được”, ông Tiến đúc rút và nêu ra một tiêu chí như hàn thử biểu trong việc Việt Nam có thu hút được các tập đoàn nước ngoài hay không. Đó là lao động qua đào tạo nghề. “Chúng ta phải nhìn sang Indonesia, Ấn độ xem số lượng kĩ sư ra trường hàng năm của họ là bao nhiêu, giáo trình học cái gì, tỷ lệ lao động được đào tạo là bao nhiêu để thấy họ vượt xa ta đến thế nào”.
Cho nên, nếu Việt Nam chỉ phát triển từ “ngọn”, thiếu đi cái gốc gác là một nền sản xuất, chế biến chế tạo mạnh, nguồn nhân lực có tay nghề thì sẽ không thể thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu có, cũng chỉ là những phần việc lắp ráp giản đơn, thâm dụng lao động như bao năm qua vẫn làm. Việt Nam sẽ không nâng tầm được nền kinh tế lẫn vị thế của quốc gia.
Do vậy, dù muộn màng, chúng ta vẫn phải đặt nền móng cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo đủ mạnh. Muốn thế, chăm chút cho những “chú chim sẻ” trong nước lớn dần lên cũng là nhiệm vụ của người làm chính sách. Nếu chỉ chú trọng đến “đại bàng”, mà bỏ qua “chim sẻ” thì Việt Nam cũng chỉ là một bãi đáp trong vô vàn bãi đáp khác khắp toàn cầu. Đến khi đã no nê ưu đãi và biệt đãi, đại bàng cũng sẽ rời đi, để lại những chú chim sẻ bao năm vẫn lơ ngơ, còi cọc, không biết bao giờ mới lớn.
Chừng nào mỗi cái kim sợi chỉ không còn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, chừng đó Việt Nam mới có cơ hội tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Việc này sẽ mất nhiều thời gian và công sức, nhưng không làm bây giờ thì cơ hội chẳng bao giờ có nữa.
( C. H sưu tầm)