Loài người đã tàn phá thế giới ra sao? - Phần 2

Ngày đăng: 01:54 03/06/2020 Lượt xem: 417

                Loài người đã tàn phá thế giới ra sao? - Phần 2


                                                   Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Cây bút bình luận Thomas L. Friedman của tờ New York Times đã chỉ ra những sai lầm của nhân loại, đẩy thế giới rơi vào các cuộc khủng hoảng toàn cầu trong 20 năm qua.

 

Đại dịch SARS và Covid-19

Từ cuối năm 2002, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, đã xuất hiện căn bệnh hô hấp do một loại virus corona có tên gọi SARS-CoV hay ngắn gọn là SARS gây ra.

Theo thông tin đăng tải trên trang web của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), "chỉ trong vòng vài tháng tiếp theo, hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS đã lây lan tới tới hơn 20 nước ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu và châu Á" trước khi được kiểm soát. Hơn 8.000 người trên toàn cầu bị nhiễm bệnh với gần 800 trường hợp trong số đó tử vong. Mỹ ghi nhận 8 ca mắc SARS, nhưng không có bệnh nhân nào thiệt mạng.

 
Loài người đã tàn phá thế giới ra sao? - Phần 2
 
 
 
 
 
 
 
Các bác sĩ và y tá đang theo dõi tình trạng của một ca bệnh Covid-19 nặng ở bệnh viện Elmhurst, New York, Mỹ. Ảnh: New York Times

Virus gây bệnh SARS tồn tại ở vật chủ ban đầu là dơi và cầy hương. Chúng lây lan sang người vì nhân loại đã thúc đẩy những đô thị mật độ dân cư cao tiến sâu hơn vào các khu vực hoang dã, phá hủy những bộ "giảm xóc" tự nhiên đó và thay thế chúng bằng bê-tông và cây trồng độc canh.

Johan Rockstrom, khoa học gia trưởng tại Tổ chức Bảo tồn quốc tế giải thích rằng, khi con người đồng thời thúc đẩy sự phát triển theo những cách phá hủy môi trường tự nhiên ngày càng nhiều và sau đó săn lùng nhiều động vật hoang dã hơn, "sự cân bằng tự nhiên của các loài sẽ bị sụp đổ do mất các loài săn mồi ở lớp trên và các loài đặc trưng khác, dẫn đến sự bùng nổ của các loài tổng quát hơn, thích nghi với môi trường sống do con người thống trị".

Những con vật này bao gồm chuột, dơi, cầy hương và một số động vật linh trưởng, vốn đều là những vật chủ của phần lớn các loại virus đã được biết đến và có thể lây truyền sang người. Và khi những con vật này sau đó bị con người săn bắn, đánh bẫy và đem bán tại các thị trường, đặc biệt là ở Trung Quốc, Trung Phi... để làm thực phẩm, dược liệu hay thú cưng, chúng sẽ gây nguy hiểm cho con người, những đối tượng đã không tiến hóa cùng các virus.

SARS lây lan từ Trung Quốc đại lục đến Hong Kong vào tháng 2/2003, khi Tiến sĩ Liu Jianlun, một giáo sư thỉnh giảng bị nhiễm virus mà không biết, đã đăng ký ở phòng 911 của khách sạn Metropole tại Hong Kong. Theo tờ Washington Post, vào thời điểm giáo sư Liu trả phòng, ông đã lây truyền virus trực tiếp cho ít nhất 8 vị khách khác. Họ cũng vô tình mang mầm bệnh tới Singapore, Toronto, Hong Kong và Hà Nội, nơi virus tiếp tục lan truyền.

Trong số hơn 7.700 trường hợp mắc SARS tính đến nay trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính rằng hơn 4.000 ca có thể liên quan đến việc ông Liu lưu trú ở trên tầng 9 của khách sạn Metropole Hong Kong.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là, dịch SARS đã được ngăn chặn vào tháng 7/2003 trước khi phát tác thành đại dịch, nhờ phần lớn vào việc kiểm dịch nhanh chóng và hợp tác toàn cầu chặt chẽ giữa các cơ quan y tế công ở nhiều quốc gia. Hợp tác quản trị đa quốc gia đã chứng tỏ là một bộ "giảm xóc" tốt.

Virus corona mới nhất đang khiến thế giới điêu đứng là SARS-CoV-2. Hiện chưa rõ chính xác nguồn gốc của virus gây dịch Covid-19, nhưng đông đảo dư luận nghi ngờ mầm bệnh này lây lan sang người từ một động vật hoang dã, có thể là dơi. Những bước nhảy tương tự chắc chắn sẽ xảy ra ngày càng nhiều khi nhân loại tiếp tục tước đi các bộ "giảm xóc" và sự đa dạng sinh học của tự nhiên.

Dẫu vậy, điều tất cả đều biết một cách chắc chắn là, chỉ khoảng 5 tháng sau khi virus corona chủng mới lây lan sang người, hơn 100.000 người Mỹ đã tử vong và hơn 40 triệu công dân nước này lâm cảnh thất nghiệp.

Mặc dù Covid-19 đến Mỹ thông qua cả châu Âu và châu Á, nhưng hầu hết người dân nước này có thể không nhận ra việc mầm bệnh lây lan đến đó dễ dàng như thế nào. 

Mạng lưới máy bay, tàu hỏa và tàu thủy được mở rộng khắp thế giới, kết hợp với việc tồn tại quá ít bộ "giảm xóc" bằng hợp tác và quản trị toàn cầu cũng như việc có gần 8 tỷ người trên Trái đất ngày nay (thế giới mới chỉ có 1,8 tỷ người khi đại dịch cúm xảy ra năm 1918), cho phép virus corona chủng mới này lây lan trên khắp hành tinh trong chớp mắt.

Thảm họa khí hậu

Không phải ai cũng đồng ý rằng tất cả những điều tiêu cực diễn ra gần đây kết hợp với nhau tạo thành dấu hiệu cảnh báo về viễn cảnh tồi tệ sắp đến với con người, một thảm họa toàn cầu liên quan đến biến đổi khí hậu.

Ông Friedman mô tả những gì sắp đến là "sự kỳ quặc toàn cầu", vì thời tiết ở khắp mọi nơi đang ngày càng trở nên dị thường hơn. Tần suất, cường độ và hậu quả của các sự kiện thời tiết cực đoan đều tăng lên. Những vùng ẩm ướt trở nên ẩm ướt hơn; những nơi nóng nực ngày càng oi bức hơn; mùa khô cũng trở nên khô hạn hơn trong khi tuyết rơi dày hơn và các cơn bão lại mạnh hơn.

 
Loài người đã tàn phá thế giới ra sao? - Phần 2
Bão Harvey nhấn chìm thành phố Beaumont, bang Texas, Mỹ trong biển nước vào năm 2017. Ảnh: New York Times

Thời tiết quá phức tạp để quy kết bất kỳ sự kiện đơn lẻ nào cho hiện tượng biến đổi khí hậu. Song, không ai có thể phủ nhận thực tế là các sự kiện thời tiết cực đoan đang trở nên thường xuyên và khiến con người hao tổn về vật chất nhiều hơn, đặc biệt là tại những thành phố đông đúc như Houston hay New Orleans của Mỹ.

Điều khôn ngoan con người có thể làm hiện nay là chú trọng bảo tồn tất cả các vùng đệm sinh thái do thiên nhiên ban tặng, để chúng ta có thể kiểm soát những tác động không thể tránh khỏi của sự biến đổi khí hậu và tập trung tránh các hậu quả không thể kiểm soát được. Lí do vì, không giống các đại dịch sinh học như Covid-19, biến đổi khí hậu không có "đỉnh". Một khi con người phá rừng Amazon hoặc làm tan băng Greenland, chúng biến mất và chúng ta sẽ phải chung sống với bất kỳ kiểu hình thời tiết khắc nghiệt nào xuất hiện sau đó.

Tờ Washington Post trích dẫn một ví dụ về việc đập Edenville ở vùng Midland, bang Michigan, Mỹ bị vỡ hồi tháng 5 sau những trận mưa mùa xuân dữ dội bất thường, buộc 11.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Sự cố đã khiến một số cư dân địa phương bất ngờ, nhưng không gây sốc cho các nhà thủy văn và kỹ sư dân dụng, những người đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu cùng với sự gia tăng tác động môi trường phục vụ các dự án phát triển hạ tầng đang gây áp lực lớn hơn đối với các đập nước đang trong tình trạng bảo trì kém. Rất nhiều đập thủy điện như ở Midland đã được xây dựng nhằm tạo ra điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất của con người vào đầu thế kỷ 20.

Song, không giống đại dịch Covid-19, tất cả mọi người cần có các kháng thể cần thiết để chung sống và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Nhân loại có thể tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng nếu bảo tồn và tăng cường các bộ "giảm xóc" tự nhiên và nhân tạo, giúp mang lại khả năng phục hồi. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm lượng khí thải độc hại CO; bảo vệ rừng, hệ sinh thái cũng như sự đa dạng các loài và điều phối cách ứng phó của các chính phủ khắp toàn cầu để đặt ra mục tiêu và các giới hạn, đồng thời giám sát được hiệu quả.

Khi điểm lại các cuộc khủng hoảng toàn cầu nhân loại đã và đang phải đối mặt trong hai thập kỷ trở lại đây, ông Friedman muốn nhấn mạnh rằng, chúng đều là hậu quả kết hợp của một sự kiện bất ngờ xảy đến và nguy cơ thảm họa rõ thấy nhưng không ai muốn giải quyết. Nói như chuyên gia kinh tế Nick Hanauer, "các mầm bệnh là không thể tránh khỏi, nhưng việc chúng có biến thành đại dịch hay không thì ngược lại", phụ thuộc phần lớn vào các quyết định và lựa chọn của con người.

Tuấn Anh 

( C. H sưu tầm)


tin tức liên quan