Bước phát triển mới, chưa có tiền lệ
Hôm 2/6, Mỹ ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc bằng việc gửi công hàm lên Liên hiệp quốc (LHQ) để phản đối tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Theo đó, Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc vì không phù hợp với Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Các chuyên gia cho rằng, khác với các tuyên bố chỉ trích đơn thuần trước đây, động thái cứng rắn này của Mỹ là dấu hiệu cho thấy bước phát triển mới, tích cực trong chính sách của Mỹ trong vấn đề Biển Đông và là tiền đề mở đường cho các động thái mạnh tay của Washington với Bắc Kinh thời gian tới.
Trả lời VTC News, nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông Nguyễn Quang Khai nhận định, động thái của Mỹ gửi công hàm lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông được coi là bước ngoặt trong việc lên án các hành động ngang ngược của Trung Quốc.
“Từ trước đến nay, không nước nào ủng hộ lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông, nhất là yêu sách chủ quyền phi lý đường 9 đoạn của nước này. Động thái của Mỹ - thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, gửi công hàm phản đối lên LHQ được coi là bước ngoặt trong việc lên án các hành động ngang ngược của Bắc Kinh.
Động thái của Mỹ là mạnh mẽ, thể hiện thái độ cương quyết nhất của Washington từ trước đến nay liên quan đến vấn đề Biển Đông. Trước đó, các phản ứng của Mỹ cũng chỉ mới dừng lại ở việc bày tỏ quan điểm, đưa ra các phát biểu lên án hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, hay triển khai tàu chiến tuần tra, tổ chức tập trận chung với Australia, Philippines ở Biển Đông”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD) cho rằng, đây là bước đi tích cực của Mỹ trong vấn đề Biển Đông.
Giờ đây, không chỉ dừng lại ở “quan ngại” mà Mỹ đã có biện pháp cứng rắn, quyết liệt hơn đối với yêu sách phi pháp của Trung Quốc, trong bối cảnh nhiều nước khu vực Đông Nam Á gửi công hàm phản đối Bắc Kinh.
Mỹ thực hiện bước đi mạnh mẽ hơn, điều này rất có lợi cho cuộc đấu tranh pháp lý của các quốc gia có liên quan đến vấn đề Biển Đông.
"Quan điểm của Washington đối với vấn đề Biển Đông được nâng lên một bước cao hơn. Dưới thời ông Trump, chính sách Biển Đông đã có những bước phát triển rất tích cực. Vấn đề Biển Đông cũng nằm trong những nỗ lực của Mỹ để cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc.
Lần này, Mỹ thực hiện bước đi mạnh mẽ hơn, điều này rất có lợi cho cuộc đấu tranh pháp lý của các quốc gia có liên quan đến vấn đề Biển Đông. Đây không phải là sự thay đổi, mà là bước phát triển mới mang tính tích cực”, Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường nói.
Trong khi đó, chia sẻ với VTC News, một chuyên gia uy tín về nghiên cứu Biển Đông cho biết, động thái này là bước phát triển mới của Mỹ, cho thấy Washington đang làm rõ hơn chính sách, quan điểm của nước này đối với vấn đề Biển Đông.
“Các quan điểm của Mỹ về các vấn đề pháp lý ở Biển Đông từ lâu đã được nêu rõ, không chỉ ở công hàm mới đây Tuy nhiên, lần này Mỹ nêu một cách chính thức ở trong công hàm gửi cho LHQ. Theo đó Washington yêu cầu gửi công hàm này đến các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.
Điều này chứng tỏ Mỹ muốn thể hiện quan điểm của mình một cách rõ ràng về lập trường của mình đối với vấn đề Biển Đông. Đây là điểm mới”, chuyên gia nhận định.
Chuyên gia này cho rằng, có rất nhiều nước bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề pháp lý ở Biển Đông, mới đây nhất là Indonesia. Quan điểm các nước này phản đối yêu sách lịch sử ở Biển Đông, và cho rằng các yêu sách dựa trên quyền lịch sử là không có cơ sở trong UNCLOS năm 1982 và ủng hộ phán quyết Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016.
“Tất cả các quan điểm liên quan đến vấn đề pháp lý ở Biển Đông của các nước là rất rõ ràng. Đây là tiếng nói quan trọng của cộng đồng quốc tế, củng cố trật tự luật pháp ở trên biển, củng cố vai trò UNCLOS 1982 và đóng góp cho việc hiểu và diễn giải công ước một cách đúng đắn trong điều kiện thực tế ở Biển Đông”, chuyên gia Biển Đông đánh giá.
Yêu sách phi pháp của Bắc Kinh bị bác bỏ
Bình luận về thời điểm Mỹ gửi công hàm phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông lên LHQ, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện các hành động trắng trợn, ngang ngược ở Biển Đông. Nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng, nếu im lặng hoặc lên tiếng một cách chung chung sẽ khiến Trung Quốc có những hành động hung hăng hơn ở khu vực.
“Nhiều nước đã gửi công hàm lên LHQ, phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây là bước phát triển tốt cho việc quốc tế hóa, luật pháp hóa vấn đề Biển Đông”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Trường cho hay.
Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, việc Washington gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên LHQ cũng nằm trong chính sách chung của chính quyền Mỹ đối với Bắc Kinh. Đặc biệt là khi Mỹ đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Do đó, ông Trump muốn chứng tỏ quan điểm mạnh mẽ, quyết đoán trong giải quyết các vấn đề quốc tế, từ đó tranh thủ sự ủng hộ của cử tri.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, một chuyên gia Biển Đông nói với VTC News rằng, Mỹ đang lên án Trung Quốc với các hành vi không đúng với nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, không chỉ trong vấn đề Biển Đông mà trong các lĩnh vực khác.
Động thái này cho thấy, Mỹ đang gia tăng sức ép, yêu cầu Trung Quốc phải thực thi các chính sách một cách phù hợp chuẩn mực chung của thế giới, đặc biệt tuân thủ luật pháp quốc tế.
Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc?
Về các động thái tiếp theo của Mỹ, Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhận định rằng, Mỹ có rất nhiều “lá bài” có thể sử dụng để trừng phạt đối với Trung Quốc. Trước mắt, Mỹ sẽ tiếp tục trừng phạt về kinh tế, thương mại và ngoại giao đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, không ngoại trừ khả năng sẽ xảy ra cuộc đối đầu trực diện quân sự giữa hai nước trong thời gian tới.
Mỹ sẽ tiếp tục trừng phạt về kinh tế, thương mại và ngoại giao đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, không ngoại trừ khả năng sẽ xảy ra cuộc đối đầu trực diện quân sự giữa hai nước trong thời gian tới.
“Đây là khả năng rất tồi tệ song không loại trừ. Bởi leo thang căng thẳng Mỹ - Trung đến nay gần như là đạt đến đỉnh điểm trong quan hệ song phương, kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Những bất đồng hiện nay giữa Mỹ - Trung chứa đựng nhiều yếu tố và nguy cơ dẫn đến cuộc đối đầu trực diện bằng quân sự”, ông Nguyễn Quang Khai cho hay.
Ông Nguyễn Quang Khai cho rằng, chính Trung Quốc là bên đã gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông.
“Chính việc Trung Quốc ngăn cản tự do hàng hải, đòi chủ quyền đối với đường 9 đoạn, mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Biển Đông, tranh giành đảo đá với Việt Nam, Philippines, Malaysia… Lúc bấy giờ Mỹ mới dự vào Biển Đông”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai nói.
Theo ông Khai, động thái này của Mỹ buộc Trung Quốc phải xem xét lại thái độ, quan điểm của nước này đối với các hành động ngang ngược, hung hăng trên Biển Đông trong thời gian qua.
Đồng thời, Bắc Kinh phải có các bước đi hợp lý, tính toán đến lợi ích của các bên khác, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
“Bắc Kinh phải xúc tiến, sớm đàm phán để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Không gây căng thẳng với các nước, ngừng xây dựng đảo nhân tạo, đưa người ra Biển Đông cũng như ngừng ngay việc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ngoài ra, giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình”, chuyên gia Nguyễn Quang Khai nói.
Theo Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường, thời gian tới, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ có các biện pháp cứng rắn hơn, nhất là trong bối cảnh Washington đang gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận khác nhau.
“Chiều hướng chung là Mỹ muốn gia tăng áp lực với Trung Quốc. Trước mắt, Washington có thể tăng danh sách cấm đi lại, áp đặt một số biện pháp cấm vận đối với quan chức Trung Quốc. Trong khi đó, Thượng viện Mỹ đang tính tăng ngân sách cho hoạt động của quân đội Mỹ ở Biển Đông và Đông Nam Á. Các biện pháp này là tích cực để chống lại hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông”, ông Trường nói.
“Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông không thay đổi. Đó là tự do an toàn hàng hải và hàng không, cũng như sự tôn nghiêm của luật pháp quốc tế. Lợi ích này sẽ quyết định chính sách và các biện pháp mà Washington thực hiện. Biện pháp Mỹ tiến hành như thế nào thì tùy thuộc vào hành vi các bên khác. Nếu Bắc Kinh có hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, cản trợ tự do an toàn hàng không, hàng hải thì Washington sẽ có những đáp trả mạnh mẽ", chuyên gia nhận định.
Đối sách của Việt Nam hiện nay
Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, kiên quyết giữ độc lập chủ quyền. Đồng thời, Việt Nam khẳng định có đầy đủ bằng chức lịch sử về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Để thực hiện quan điểm này, Việt Nam phải phối hợp với tất cả các nước, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tổ chức quốc tế, đặc biệt là của LHQ để giải quyết vấn đề tranh chấp với Trung Quốc. Bên cạnh đó, phối hợp, thống nhất hành động với các nước ASEAN, nhất là những nước có tranh chấp với Bắc Kinh để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)”, ông Khai lập luận.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai cũng cho rằng, vừa qua Việt Nam cũng đã thể hiện lập trường ngoại giao mạnh mẽ bằng việc gửi công hàm phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông lên Tổng thư ký LHQ. Do đó, Việt Nam cũng cần nghiên cứu, tính toán và cân nhắc việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế như Philippines từng làm.
“Phải cân nhắc kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về những hành động hung hăng, hiếu chiến của nước này ở Biển Đông, như Philippines từng làm. Tòa án quốc tế từng ra phán quyết ủng hộ Philippines, phản đối yêu sách của Trung Quốc. Vì vậy, việc Việt Nam kiện Trung Quốc đối với yêu sách phi pháp của nước này, thì cơ hội chiến thắng của Việt Nam cũng rất cao. Đây sẽ là sức ép đối với Trung Quốc", Đại sứ Khai nói.
Cũng bàn về đối sách của Việt Nam, một chuyên gia uy tín về Biển Đông chia sẻ với VTC News rằng, chủ trương của Việt Nam là tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Luật biển năm 1982. Càng nhiều nước thể hiện sự tôn trọng văn bản pháp luật này, cũng như thực thi các biện pháp ở Biển Đông trong khuôn khổ Công ước thì càng phù hợp với chủ trương và lợi ích của Việt Nam.
“Đây là xu thế mà Việt Nam nên hoan nghênh, khuyến khích các nước khác làm những điều tương tự, thể hiện quan điểm rõ ràng, phù hợp với luật pháp quốc tế nói chung và Công ước Luật biển 1982 nói riêng.
Để điều đó diễn ra, Việt Nam cần chủ động, tích cực phối hợp với các nước khác cùng quan điểm trong ASEAN, kể cả những nước ngoài khu vực có cùng quan điểm về vấn đề luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 để thúc đẩy, quảng bá và khuyến khích các nước khác tuân thủ công ước này.
Mặt khác, Việt Nam cũng hợp tác với các nước khác, nhất là các cơ quan chức năng trên biển để bảo đảm các cơ quan đó tuân thủ đúng và cùng với các nước khác đó tuân thủ và thực thi Công ước trên biển”, chuyên gia cho hay.
Theo đó, Việt Nam cần thể hiện chủ trương rõ ràng, sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình, được phép của luật pháp quốc tế cho phép để giải quyết các tranh chấp trên biển, các yêu sách chồng lấn ở trên biển. Trong đó có ciệc sử dụng cơ quan tài phán, sự hỗ trợ của bên thứ ba cũng là biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường nhấn mạnh, Việt Nam phải khuyến khích quá trình quốc tế hóa, luật pháp hóa vấn đề Biển Đông, tham gia cùng các nước thúc đẩy cuộc đấu tranh pháp lý trong vấn đề này. Đồng thời, phải tăng cường nội lực, khả năng răn đe cũng như khả năng chấp pháp.
“Trong bối cảnh Việt Nam là nước có liên quan trực tiếp trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam phải tích cực bày tỏ quan điểm để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Các nước sẽ nhìn vào phản ứng của Việt Nam để lên tiếng ủng hộ và đấu tranh”, ông Trường nói.
KÔNG ANH (Thực hiện )
(PS sưu tầm)