Vỡ quy hoạch điện mặt trời: Có hay không lợi ích nhóm?

Ngày đăng: 07:38 16/06/2020 Lượt xem: 271

            Vỡ quy hoạch điện mặt trời: Có hay không lợi ích nhóm?

                                          Nguồn: Báo Điện tử Môi trường và Đô thị

Để Quy hoạch điện VII bị phá vỡ, công suất thực tế đã lên đến hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương. Yếu kém trong công tác...

 

Quy hoạch điện VII bị phá vỡ, trách nhiệm thuộc Bộ Công Thương

Vào tháng 11/2019, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019, tiếp theo quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ cho biết giai đoạn vừa qua, việc đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời đã thu hút mạnh mẽ nhiều nhà đầu tư trong nước thuộc các thành phần kinh tế và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Việc đầu tư các dự án điện mặt trời đi vào thực chất, quy mô vận hành thương mại rất lớn khoảng 4.500MW với tiến độ xây dựng nhanh, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt cho người dân.

vo quy hoach dien mat troi co hay khong loi ich nhom

Đầu tư dự án điện mặt trời đã làm vỡ Quy hoạch điện II. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, quy mô công suất điện mặt trời bổ sung quy hoạch rất lớn so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong khi đó nội dung tính toán dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện hệ thống điện quốc gia chưa được Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Cụ thể, Quy hoạch điện VII quy hoạch năm 2020 đạt quy mô 850 MW và 1200 MW tới 2030 nhưng đã bị phá vỡ khi công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu. Hiện 121 dự án được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt. Việc triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia chậm, thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu điều hành chung về phát triển điện mặt trời.

"Công tác quản lý quy hoạch phát triển điện mặt trời của Bộ Công Thương thiếu tính khoa học và thực tiễn, tính dự báo yếu kém. Chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào phát triển điện mặt trời, nhất là việc đầu tư quá mức vào một khu vực gây khó khăn trong truyền tải điện, giải toả công suất các nhà máy điện, ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và gây ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà đầu tư", kết luận nêu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải rút kinh nghiệm sâu sắc về những tồn tại, hạn chế nêu trên để tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý phát triển điện mặt trời cũng như các dạng năng lượng tái tạo khác trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu cần phải tính toán cơ cấu các loại nguồn điện một cách khoa học và bài bản; phải chuyển hẳn sang thực hiện cơ chế đấu thầu, kiên quyết loại bỏ tình trạng xin - cho, tập trung xử lý các dự án sắp hoàn thành.

Xây dựng cơ chế ưu tiên khuyến khích hợp lý điện mặt trời trên mái nhà, tuân thủ quy hoạch và đảm bảo cân bằng hệ thống điện, tránh phát triển ồ ạt, đảm bảo lợi ích các bên.

"Tuyệt đối chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong quản lý phát triển, kiên quyết loại bỏ cơ chế xin cho, các dự án đầu tư tuyệt đối không được sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng thấp, tiềm ẩn những rủi ro môi trường", văn bản chỉ đạo.

Với các dự án cũ sẽ không thực hiện hồi tố quy định về giá điện, nhưng dự án mới sẽ chuyển hẳn sang đấu thầu công khai, minh bạch.

Văn bản yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, nhất là với các dự án điện hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong thời gian tới; triển khai chặt chẽ, đúng pháp luật, chống tham nhũng tiêu cực, chống lợi ích nhóm, công khai, minh bạch mọi việc...

Thủ tướng giao Bộ Công thương phối hợp các đơn vị liên quan thống nhất biểu giá FIT, cơ chế đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ dự án truyền tải, các dự án chậm tiến độ và triển khai lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia...

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã "không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời".

Bộ trưởng “xin nhận trách nhiệm khi chưa bao quát và dự báo kịp thời để có biện pháp quyết liệt, nhất là trong phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng, đảm bảo giải toả công suất”.

vo quy hoach dien mat troi co hay khong loi ich nhom

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Đầu tư ồ ạt, doanh nghiệp nước ngoài sở hữu hàng loạt dự án

Trên thực tế, việc ồ ạt cấp phép dự án điện mặt trời đã khiến nhiều dự án khi vào vận hành bị giải toả công suất. Giải trình việc này, ông Tuấn Anh cho biết “đúng là quá trình thực hiện thì đã có sự chủ quan, đánh giá không hết nên trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ, gần 4.900 MW điện mặt trời vận hành tới cuối tháng 6/2019”.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành công thương cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực. Kết quả là, các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất.

Một thực trạng đáng lo ngại khác là thông qua hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần với doanh nghiệp Việt Nam, các tập đoàn nước ngoài đã sở hữu hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió và hưởng mức giá ưu đãi khoảng 2.000 đồng một kWh trong 20 năm.

Đơn cử như tại 2 nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại Tây Ninh do Tập đoàn Thành Thành công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019. Được biết, khi đó tập đoàn Thái Lan sở hữu 49% vốn, trong lần thay đổi gần nhất, Gulf đã tăng mức nắm giữ lên 90%.

Ngoài các dự án điện mặt trời tại Tây Ninh, tập đoàn Thái Lan còn nắm trong tay các dự án điện gió tại Bến Tre với tỷ lệ sở hữu 95%.

Hay tại Dự án điện mặt trời HCG&HTG tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, xã Tiên Thuận & Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh do Công ty TNHH Điện mặt trời HCG Tây Ninh cùng với Công ty TNHH Quản lý và Đầu tư tín thác Hoàng Thái Gia (HTG) đầu tư. Cuối năm 2019, dự án trên đã được bán cho một công ty con của Tập đoàn Trung Quốc.

Một đơn vị khác là CTCP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II (VSP II) - chủ đầu tư dự án cùng tên có quy mô 40,8ha, công suất 30 MW, tại huyện Tuy Phong. Đầu tháng 3/2019, các cổ đông trong nước tại VSP II đã thoái toàn bộ vốn cho nhóm nhà đầu tư Trung Quốc.

Được biết, CTCP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II có nhiều mối liên hệ với CTCP Đầu tư HLP (HLP Invest), đơn vị đang đề xuất đầu tư Dự án cánh đồng gió biển Cổ Thạch ngoài khơi huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Dự án phong điện công suất 2.000 MW có tổng mức đầu tư dự kiến là 4,4 tỷ USD.

Đáng chú ý, tính tới tháng 10/2018, quy mô vốn điều lệ của HLP Invest chỉ đạt 90 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2018, quy mô vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này cũng chỉ ở mức 1.347 tỷ đồng.

Nội dung này làm nóng dư luận trong thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3778/VPVP-CN gửi Bộ Công thương yêu cầu làm rõ và báo cáo gấp việc báo chí phản ánh chí về lỗ hổng trong giao nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.

vo quy hoach dien mat troi co hay khong loi ich nhom

Nhiều dự án nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, dự án nằm trên biển, liên quan trực tiếp đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia. Ảnh minh họa.

Ngoài Thái Lan, Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư đến từ Philippines, Singapore... cũng sở hữu hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam thông qua hình thức mua cổ phần, liên doanh.

Bộ Công thương cho rằng, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, hiện có 19 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT, trong đó một số dự án có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc. Đơn cử như Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được thành lập bởi 3 đơn vị là China Souther Power Grid Co.Ltd, China Power International Holding Limited (CPIH) và Tổng công ty Điện lực TKV với tổng vốn đầu tư 2 tỉ USD (TKV chỉ chiếm 5% vốn). Dự án này đã đi vào vận hành sớm theo tiến độ trước 7 tháng.

Đáng chú ý là trong lĩnh vực nhiệt điện, các nhà đầu tư Trung Quốc không chỉ trực tiếp rót vốn vào dự án BOT mà còn đóng vai trò nhà thầu xây dựng, như ở hàng loạt nhà máy: nhiệt điện Duyên Hải 3, nhiệt điện Hải Dương, nhiệt điện Cẩm Phả, nhiệt điện Hải Phòng, nhiệt điện Vĩnh Tân 2...

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các dự án do Trung Quốc làm nhà thầu, Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng chỉ ra có những bất cập liên quan đến vấn đề kỹ thuật, vận hành, môi trường, và việc tiếp cận thông tin về vốn đầu tư của Trung Quốc thường ít được công bố do có những vấn đề “nhạy cảm”.

Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội cho rằng, đã đến lúc cần tính toán lâu dài, lựa chọn dự án đảm bảo lợi ích của quốc gia, chủ quyền của dân tộc.

Quan ngại về việc nhiều dự án nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, dự án nằm trên biển, liên quan trực tiếp đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, do đó TS. Đặng Đình Đào kiến nghị “toàn bộ hệ thống điện gió phải do quốc gia quản lý, việc đầu tư dự án sát biển liên quan đến biên giới biển quốc gia không thể để doanh nghiệp nào cũng đầu tư được. Cần tính toán về mặt lâu dài”.

Ngoài ra, việc nhiều doanh nghiệp ồ ạt xin cấp phép được các cơ quan chức năng phê duyệt đến mức phá vỡ quy hoạch, nhiều dự án sau đó chuyển nhượng cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng khiến TS. Đặng Đình Đào hoài nghi về việc có hay không việc tham nhũng, lợi ích nhóm trong vấn đề phát triển năng lượng tái tạo.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan