Báo chí cách mạng Việt Nam: 95 năm đồng hành cùng đất nước

Ngày đăng: 09:10 20/06/2020 Lượt xem: 275


   Báo chí cách mạng Việt Nam: 95 năm đồng hành cùng đất nước


                                          Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Sứ mạng của báo chí là phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường…

 

Quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời đại bùng nổ thông tin, báo chí cách mạng Việt Nam đã kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

Báo chí - cầu nối cho khát vọng Việt Nam hùng cường

Báo chí là cầu nối cho khát vọng Việt Nam hùng cường - đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khi đến thăm Thời báo Kinh tế Việt Nam nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019). "Hãy nhận nhiều hơn sứ mệnh quốc gia về tờ báo, đồng hành trong những khát vọng mới của Việt Nam. Khát vọng đấy là năm 2030 trở thành một nước thu nhập trung bình cao và 2045 trở thành nước phát triển công nghiệp thịnh vượng", Bộ trưởng Hùng nói.

 
Báo chí cách mạng Việt Nam: 95 năm đồng   hành cùng đất nước
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2045, ngoài ý nghĩa kỷ niệm tròn 100 năm đất nước độc lập, thì nghĩa thứ hai lớn hơn rất nhiều - đó là lần đầu tiên dân tộc Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nước hùng cường. Và chỉ khi chúng ta thành nước hùng cường thì mới giữ được hòa bình cho Việt Nam.

Trong quá khứ, chúng ta đã có nhiều cuộc chiến tranh, và một trong những lý do của chiến tranh là mình yếu. Muốn bảo vệ được mình thì phải mạnh. Giờ Việt Nam muốn trở thành một quốc gia phát triển. Trong đó, con số nói tới của một nước công nghiệp phát triển phải là GDP/đầu người là 20 nghìn USD. Điều đó chỉ đến khi 100 triệu người Việt Nam có chung khát vọng - đó là khát vọng Việt Nam hùng cường. Cách nào để tạo ra khát vọng đấy? Chính là báo chí.

Người đứng đầu ngành TT&TT chia sẻ, báo chí Việt Nam rất đặc biệt. Do người Việt đọc báo nhiều, đọc tin nhiều, đọc sách không nhiều nên báo gánh vai luôn cả quyển sách. Khi báo chí có sứ mạng lớn hơn  thì sẽ có khá nhiều cái lợi, như thấy hưng phấn hơn, mở ra được nhiều không gian hơn. Nếu nhằm vào mục tiêu không to thì không gian hẹp, còn đặt mục tiêu to hơn thì không gian sáng tạo của mình rộng hơn rất nhiều.

Khi đặt mục tiêu lớn, trên đường đi nếu gặp những chướng ngại thì cũng sẽ thấy nó nhỏ đi.

Theo Bộ trưởng, sứ mạng lớn có điểm hay nữa là hội tụ được nhiều người tài. Người ta chỉ tìm về những ngọn cờ cao. Ngọn cờ thấp thì người ta ít khi tìm đến. Đến khi mình đặt một ngọn cờ cao thì nhiều người tài sẽ về hợp sức với mình. "Sứ mạng cao thì kích hoạt được toàn bộ tiềm năng ẩn trong mỗi cá nhân, tất nhiên nó có thể cũng đòi hỏi anh em báo chí phải hy sinh nhiều hơn, nhưng mình cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn", ông nói.

Tại lớp “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí” cho 130 học viên là lãnh đạo của 80 cơ quan báo chí do Bộ TT&TT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Sứ mạng của báo chí là phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường…

…Báo chí đang đứng trước các thách thức lớn chưa từng có, nhưng thách thức nào cũng chính là cơ hội, cơ hội để đổi mới chính mình, cơ hội để tái sinh báo chí. Sự tái sinh ấy bắt đầu từ chính chúng ta. Việt Nam muốn sánh vai cường quốc năm châu, muốn hùng cường để không kẻ thù nào dám đến xâm lược, để hoà bình mãi mãi trên mảnh đất này, thì chúng ta phải khai phóng được nguồn tài nguyên vô hạn của đất nước này, đó là năng lượng, là trí tuệ trong não mỗi người Việt Nam. Chỉ có báo chí mới làm được, đó là tạo lên niềm tin và khát vọng dân tộc. Sứ mạng vĩ đại ấy đặt lên vai những người làm báo. Cũng chỉ hơn 20.000 người thôi, nhưng các bạn có thể thay đổi Việt Nam. Với sứ mạng thiêng liêng ấy trong tim, trong não, các bạn sẽ nghĩ khác và làm khác”.

Người đứng đầu Bộ TT&TT lưu ý, một đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính phải là sức mạnh tinh thần. Báo chí phải tạo ra sức mạnh tinh thần đó, tạo ra năng lượng tích cực cho xã hội, cho người dân. Dù là đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn phải với mục tiêu khích lệ sự phát triển đi lên, làm cho Việt Nam mạnh lên, ổn định, chứ không phải làm xói mòn lòng tin và sức mạnh của đất nước.

Người Việt Nam đọc tin tức  nhiều hơn đọc sách. Vì vậy, báo chí tác động, ảnh hưởng đến nhận thức của người Việt Nam rất nhiều. Vai trò quan trọng của báo chí do đó được tăng lên rất nhiều so với các nước khác. Vậy nên, ý thức trách nhiệm của người làm báo Việt Nam lại càng phải cao, phải thấy tự hào khi thấy mình có một sứ mạng cao cả là tác động đến nhận thức của hàng trăm triệu người, thấy mình cần giữ lấy danh dự người làm báo, giữ lấy niềm tin của xã hội vào báo chí.

Công nghệ số giúp báo chí thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ” được tổ chức gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Bối cảnh hệ sinh thái số đặt báo chí Việt Nam trước bài toán cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển. Trong quá trình đó, công nghệ số sẽ thay đổi và giúp báo chí thực hiện tốt hơn sứ mạng của mình. 

 
Báo chí cách mạng Việt Nam: 95 năm đồng   hành cùng đất nước
Công nghệ số sẽ thay đổi và giúp báo chí thực hiện tốt hơn sứ mạng của mình. Ảnh: LMS

Các mạng xã hội nước ngoài đã lấy đi phân nửa nguồn thu của báo chí Việt Nam. Báo chí là nơi sản xuất ra tin tức, nội dung, thế nhưng doanh thu lại ngày một đổ nhiều hơn về phía các công ty công nghệ.

Tổng biên tập của tờ The Guardian, Katherine Viner nhận định: “Với việc thay thế các biên tập viên bằng thuật toán, Facebook đã trở thành tòa soạn giàu có và quyền lực nhất trong lịch sử”.

Vậy công nghệ liệu có lấy đi mất nghề báo hay không? Nếu chúng ta nghĩ báo chí là nghề viết về “Ai? Làm gì? Ở đâu? và Khi nào?”, thì câu trả lời là hoàn toàn có thể. Không một tòa soạn nào đủ nhân lực để cạnh tranh với hàng triệu cộng tác viên của các trang mạng xã hội.

Thế nhưng, nếu coi đây là nghề định hướng dư luận, tìm ra thông tin đứng sau cả núi dữ liệu thì báo chí lại có ý nghĩa lớn hơn bao giờ hết. Sứ mạng của báo chí là khai sáng cho độc giả. Trong biển cả dữ liệu kia, độc giả đang rất mong chờ báo chí.

Thời đại kỹ thuật số tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận những kho dữ liệu quan trọng chỉ bằng một cú nhấp chuột. Công nghệ ảnh hưởng đến lĩnh vực báo chí truyền thông nhiều nhất. Thế nhưng, báo chí lại đang là người đi sau về công nghệ.

Đứng trước những thách thức khác nhau của nhu cầu đổi mới công nghệ, nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn, hoặc đã bỏ cuộc, hoặc chưa từng bắt đầu.

Chúng ta không thể không bắt đầu. Nhưng nếu vậy thì phải bắt đầu từ đâu? Phải ưu tiên việc gì trước? Phải tự mình đốt đuốc tìm đường, hay có thể kết nối nhau lại, cùng làm để tiết kiệm chi phí và chia sẻ nguồn lực?

Phải đổi mới công nghệ với ai, bằng giải pháp nào? Ai sẽ dẫn đầu công cuộc đổi mới công nghệ trong báo chí? Ai sẽ mang lại nguồn lực tài chính cần thiết, và quan trọng hơn là mô hình hợp tác, chia sẻ nội dung cũng như doanh thu? Đó là những câu hỏi mà ngành báo chí, truyền thông đang cần tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

Bối cảnh hệ sinh thái số đặt báo chí Việt Nam trước bài toán cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển. Công nghệ sẽ tạo ra cuộc chơi và những mô hình kinh doanh mới. Và vì thế, quá trình tìm tòi lời giải về công nghệ cho báo chí phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh doanh. 

Công nghệ vốn phức tạp nhưng lại làm cho cuộc sống trở nên đơn giản hơn. Báo chí chỉ nên là người sử dụng và đẩy sự phức tạp lại cho các công ty công nghệ. Các công ty công nghệ số trong nước có thể tự mình phát triển ra các nền tảng, ứng dụng dùng cho báo chí. Nhiều công ty công nghệ đã cam kết đồng hành cùng báo chí trong tiến trình chuyển đổi số. Đây sẽ là lực lượng quan trọng hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của báo chí Việt Nam.

Nghề báo là nghề với các tiêu chuẩn đạo đức rất cao. Chọn nghề báo là đã chọn cho mình một sứ mạng. Đó là luôn hành động vì lợi ích cộng đồng, làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo ra sự đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường. Thay vì chạy đua với mạng xã hội để đưa tin nhanh nhất, báo chí hãy đưa tin có kiểm chứng và giữ lấy giá trị cốt lõi của chính mình. Bộ TT&TT sẽ đứng ra hỗ trợ báo chí về nền tảng chuyển đổi số.

Do luôn coi trọng việc đào tạo ra đội ngũ những người làm báo, Bộ TT&TT đã khởi xướng Sáng kiến phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024. Dự án này được triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực để đóng góp cho sự phát triển của báo chí Việt Nam. Thông qua sự phát triển của báo chí, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước sẽ có thể góp phần chuyển tải những giá trị tốt đẹp đến với xã hội.

Báo chí xuất sắc sẽ góp phần giúp cho đất nước phát triển. Sự chung tay của cộng đồng vì một nền báo chí Việt Nam xuất sắc là một tín hiệu đáng mừng.

Công nghệ số sẽ thay đổi và giúp báo chí thực hiện tốt hơn sứ mạng của mình. Vấn đề đặt ra cho những người làm báo là phải chủ động thay đổi, trước khi công nghệ chuyển sứ mạng ấy cho một lực lượng thay thế khác. 

Báo chí cách mạng Việt Nam đến nay đã trải qua chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển rất đáng tự hào.

Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, các thế hệ nhà báo cách mạng không ngừng nỗ lực phấn đấu, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ", xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Ðảng.

Báo chí đã phản ánh sinh động thực tiễn công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đổi mới và phát triển đất nước; phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, làm nên những thành tựu to lớn; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội. Báo chí là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Báo chí còn là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với Ðảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. 

Sáng 13/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu” nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020).

187 đại biểu tham dự hội nghị là những người làm báo tiêu biểu, có thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong hoạt động báo chí, được cơ quan, đồng nghiệp tín nhiệm, đánh giá cao. Hội nghị lần này cũng là dịp tôn vinh các nhà báo lão thành - những người cả cuộc đời đã gắn liền với sự nghiệp báo chí cách mạng.

Đến dự và phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, tiếp bước các thế hệ cha anh, đội ngũ những người làm báo hôm nay đã và đang phát huy vai trò xung kích, không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha nơi “đầu sóng”, “ngọn gió", tham gia công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo… Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vui mừng trước sự trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí cách mạng. Những người làm báo Việt Nam không ngừng được nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã và đang nỗ lực cố gắng làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo về hình thức thể hiện, phương thức phát hành.

Theo Thường trực Ban Bí thư, sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những cơ hội to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ. Những thành tựu của khoa học - công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống, tạo ra sự cạnh tranh giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội...

Để báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, Thường trực Ban Bí thư đề nghị mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, trước hết, hãy học và noi gương Bác - một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén" và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng”.

Báo chí nước ta là báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”.

Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và có thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí.

Hiện cả nước có trên 41.000 người lao động làm việc trong lĩnh vực báo chí. Tính đến hết năm 2019, tổng doanh thu của các cơ quan báo in, báo điện tử ước đạt 4.900 tỷ đồng, doanh thu của các đài phát thanh truyền hình đạt  gần 11.400 tỷ đồng.

Số lượng phát hành và quảng cáo của báo in liên tục giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của báo chí Việt Nam. Các kênh quảng cáo số chiếm đa phần chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Trong khi đó, 70% thị phần quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam thuộc về các công ty xuyên biên giới như Facebook, Google... Thống kê của Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho thấy, chỉ trong 10 năm, Việt Nam mất khoảng 50% thị phần quảng cáo.

Trong bối cảnh đó, báo chí cần tìm cách kết hợp nguồn nhân lực độc đáo của mình với làn sóng công nghệ mới để tối đa hóa tiềm năng sẵn có. 

( C. H sưu tầm) 
tin tức liên quan